Covid-19: Ấn Độ ngừng xuất khẩu vac-xin để ưu tiên cho dân trong nước
Đăng ngày:
Ấn Độ đang phải chịu một làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai rất dữ dội. Vào hôm qua, 09/04/2021, quốc gia này đã ghi nhận hơn 145.000 ca nhiễm mới, một kỷ lục tuyệt đối kể từ khi bắt đầu đại dịch. Để đối phó, các cơ quan chức năng đã đẩy nhanh việc tiêm phòng cho người dân. Điều này dẫn đến một hệ quả: Ấn Độ không còn có thể xuất khẩu các loại vac-xin cần thiết sang hàng chục quốc gia khác.
Thông tín viên RFI tại Ấn Độ, Sébastien Farcis, cho biết tình hình :
Ấn Độ đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để cố gắng đối phó với sự bùng phát đà lây nhiễm covid-19: Mỗi ngày có 4 triệu người được tiêm một liều của một trong hai loại vac-xin được sản xuất trong nước: đó là AstraZeneca của Oxford hoặc vac-xin nội địa của phòng thí nghiệm Ấn Độ Bharat Biotech.
Do đó, Ấn Độ, quốc gia sản xuất vac-xin Covid lớn thứ hai trên thế giới, đã ngừng gần như toàn bộ việc xuất khẩu.
Cho đến nay, 64 triệu liều đã được gửi đi, chủ yếu đến Châu Phi, Nam Á và Brazil. Một phần tư trong số này cũng đã đến các nước nghèo nhất, thông qua chương trình COVAX. Mức giảm mạnh này khiến Liên Hiệp Quốc lo ngại, vì Ấn Độ là một trụ cột của cơ chế này.
Easwaram Subramanian, người đứng đầu chuỗi cung ứng tại hãng tham vấn Deloitte, nói đến khả năng xuất khẩu trở lại trong trung hạn: “Việc mở rộng cơ sở đang được tiến hành trong các nhà máy và các liều dự trữ vẫn ở trong kho. Căn cứ và tốc độ tiêm phòng, tôi nghĩ rằng xuất khẩu có thể tiếp tục vào tháng Sáu”.
Tuy nhiên, áp lực đang gia tăng trên các nhà sản xuất vac-xin AstraZeneca: Viện bào chế này có nghĩa vụ pháp lý là phải xuất khẩu một số vac-xin mà họ sản xuất tại Ấn Độ.
Covid-19 tại Pháp: Bệnh nhân chăm sóc đặc biệt lại tăng
Sau khi giảm nhẹ vào thứ Năm 08/04/2021, số lượng bệnh nhân Covid-19 được chăm sóc đặc biệt bắt đầu tăng trở lại vào hôm qua 09/04, vượt quá 5.750 bệnh nhân, theo số liệu hàng ngày của cơ quan Y Tế công cộng Pháp. Đã có 498 bệnh nhận đã được tiếp nhận trong 24 giờ qua trong các khoa điều trị tích cực.
Chỉ số đáng ngại này như vậy đang tiến gần đến đỉnh của đợt dịch đầu tiên (hơn 7.000 bệnh nhân vào đầu tháng 4 năm 2020). Đỉnh của đợt thứ hai (hơn 4.900 bệnh nhân vào giữa tháng 11) đã bị vượt quá vào cuối tháng Ba.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Pháp cũng phải đối phó với vấn đề do vac-xin AstraZeneca đặt ra. Giới chức y tế Pháp hôm qua đã xác nhận việc những người dưới 55 tuổi đã được tiêm liều đầu tiên bằng vac-xin AstraZeneca sẽ được tiêm mũi thứ hai bằng một loại vac-xin khác, Pfizer hoặc Moderna. Quyết định này liên quan đến 533.000 người ở Pháp.
Ngày 19/03 vừa qua, chính quyền Pháp đã đình chỉ tiêm vac-xin AstraZeneca cho những người dưới 55 tuổi, do một số trường hợp rất hiếm gây ra hiện tượng huyết khối.
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu hôm qua, cho biết họ đã khởi động một nghiên cứu về mối liên hệ có thể có giữa vac-xin của Johnson & Johnson và các trường hợp máu đông sau khi bốn trường hợp được báo cáo, trong đó có một trường hợp tử vong. Liên Hiệp Châu Âu đã cho phép loại vac-xin này nhưng chưa bắt đầu sử dụng.
Covid-19: Ấn Độ ngừng xuất khẩu vac-xin để ưu tiên cho dân trong nước (rfi.fr)
Covid-19: Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà
Đăng ngày:
Ấn Độ vào hôm nay, 16/01/2021 đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 cho 1,3 tỷ người. Đây là một thách thức phi thường do các vấn đề an ninh, cơ sở hạ tầng không chắc chắn và thái độ ngờ vực của công chúng.
Quốc gia đông dân thứ hai trên hành tinh có kế hoạch tiêm chủng cho 300 triệu người, gần tương đương với dân số Hoa Kỳ, từ nay cho dến tháng Bảy, trong một chiến dịch tiêm chủng thuộc hạng lớn nhất thế giới.
Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai - sau Hoa Kỳ - với hơn 10 triệu ca nhiễm được ghi nhận, cho dù tính theo dân số, tỷ lệ tử vong vì Civid-19 ở Ấn Độ thuộc loại thấp nhất thế giới.
Khoảng 30 triệu nhân viên y tế và những người tiếp xúc nhiều nhất với dịch bệnh sẽ là những người đầu tiên được tiêm chủng, tiếp theo là khoảng 270 triệu người trên 50 tuổi hoặc những người rất dễ bị nhiễm virus.
Vào ngày đầu tiên của chiến dịch mà thủ tướng Narendra Modi phát động trực tuyến từ New Delhi, khoảng 300.000 người sẽ được tiêm liều vac-xin đầu tiên.
Chiến dịch của Ấn Độ dựa trên hai loại thuốc chủng : Covaxin do hãng Bharat Biotech và Hội Đồng Nghiên Cứu Y Khoa Ấn Độ phát triển; và Covishield, một phiên bản được AstraZeneca và Đại Học Oxford phối hợp làm ra. Cả hai đều được Viện Huyết Thanh Ấn Độ (Serum Institute of India) sản xuất và được phê duyệt "khẩn cấp" vào đầu tháng Giêng.
Khoảng 150.000 nhân viên ở 700 huyện đã được đào tạo đặc biệt trong nước để tham gia chiến dịch tiêm chủng và Ấn Độ đã thực hiện một số cuộc diễn tập cấp quốc gia trước khi bắt đầu việc tiêm chủng, đặc biệt là mô phỏng việc vận chuyển liều vắc xin và rèn luyện cách tiêm.
Chính quyền Ấn Độ cho biết họ sẽ triển khai chiến dịch dựa trên kinh nghiệm thu được từ các cuộc bầu cử và các chiến dịch tiêm phòng bệnh bại liệt và bệnh lao trước đây.
Tuy nhiên, theo đánh giá giới quan sát, ở một đất nước rộng lớn và còn nghèo như Ấn Độ, với mạng lưới đường sá kém cỏi và một trong những hệ thống y tế được tài trợ kém nhất trên thế giới, chiến dịch tiêm chủng này là một thách thức vô cùng lớn, vì cả hai loại vắc xin đều phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp.
Nếu Ấn Độ có bốn "siêu kho" để nhận vắc-xin và vận chuyển đến các trung tâm phân phối ở các bang khác nhau trên các phương tiện được kiểm soát nhiệt độ, thì bước cuối cùng từ kho đến người được tiêm chủng có thể khó nắm vững hơn.
Một thách thức khác nữa là sự ngờ vực của dân chúng. Sự xuất hiện của vắc-xin làm dấy lên một số hoài nghi do tràn ngập thông tin sai lệch trên mạng. Theo một cuộc khảo sát gần đây với 18.000 người, 69% trong số này nói rằng họ không vội vàng để chủng ngừa, muốn chờ xem chiến dịch tiêm chủng diễn ra như thế nào. Có người còn đề nghị là "các chính trị gia hãy tiêm phòng trước" để có được sự tin tưởng.
Covid-19: Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten