Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương : EU đổi hẳn cách nhìn với Bắc Kinh
Đăng ngày:
Les Echos hôm nay21/04/2021 phân tích « Châu Âu cố gắng tập trung chiến lược đối phó với Trung Quốc ». Trong một văn bản công bố hôm thứ Hai 19/04, Hội Đồng Châu Âu triển khai một chiến lược « Ấn Độ-Thái Bình Dương » nhằm đối phó với thách thức từ Bắc Kinh. Tuy không nêu đích danh, nhưng chính bản thân tài liệu này đã chứng tỏ có sự chuyển biến trong cách nghĩ về Trung Quốc.
Mới cách đây hai năm, những người hiếm hoi nêu ra ý tưởng này đều vấp phải một bức tường do dự. Đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu (EU) tập trung cho một « chiến lược hợp tác Ấn Độ-Thái Bình Dương ». Một chiến lược không bao giờ nêu tên Trung Quốc, nhưng cho thấy sự cần thiết phải có lời đáp nhất quán trước một cường quốc châu Á ngày càng đáng lo ngại.
Về hình thức, tài liệu này tránh công khai chỉ trích Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu Frédéric Grare của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) ghi nhận « tất cả những nhập nhằng của EU về chủ đề này : tất cả mọi người đều muốn hợp tác với Bắc Kinh, nhưng chỉ một số nhìn thẳng vào những khác biệt về giá trị, trong khi số khác tìm cách xóa mờ những phương diện có thể gây rắc rối trong quan hệ ».
Với lời kêu gọi đồng thuận trong việc hợp tác và quan hệ đối tác, Hội Đồng Châu Âu nêu ra danh sách các mục tiêu chiến lược, mà một số cho thấy khoảng cách giữa châu Âu với Trung Quốc.
Nhân quyền, Biển Đông : Những bất đồng lớn
Về mặt kinh tế, đó là « đa dạng hóa các chuỗi cung ứng…đặc biệt đối với các hệ sinh thái công nghiệp nhạy cảm nhất ». Cuộc khủng hoảng Covid khiến châu Âu nhận ra đã quá lệ thuộc vào một số mặt hàng y tế Trung Quốc. Tài liệu cũng nêu ra « các nguyên liệu tối cần thiết ». EU biết mình bị trói buộc vào đất hiếm của Trung Quốc như thế nào, một nguyên liệu ngày càng hiếm hoi.
Một số đòn khác : văn bản kêu gọi hợp tác với các đối tác trong khu vực để đối mặt với tình trạng « tính phố quát của nhân quyền đang bị thách thức ». Tài liệu cũng định ra mục tiêu « bảo vệ các tuyến đường hàng hải tự do và rộng mở », ý nói căng thẳng trên Biển Đông. Tuy nhiên thực tế đặt ra vấn đề về năng lực hàng hải của EU : Brexit khiến Liên hiệp mất đi một trụ cột quân sự mà Đức còn lâu mới thay thế được, khiến Pháp trở thành nhân tố vững chắc duy nhất của cả khối.
Theo chuyên gia Frédéric Grare, còn hơn cả nội dung, « ngay chính sự hiện hữu của văn bản này đã là một điểm mới thực sự ». Được thúc đẩy bởi một nước Pháp từ lâu vẫn đơn độc, tài liệu chỉ có thể ra đời sau khi Đức thay đổi quan điểm – Berlin đã công bố chủ trương về đề tài này của nước mình vào mùa thu 2020. « So với những ngần ngại ban đầu, đây là một bước tiến rõ rệt », chứng tỏ châu Âu đã có cái nhìn khác về Trung Quốc, đặc biệt kể từ sau đại dịch.
Nhưng đây còn là việc xích lại gần hơn với Mỹ. Trong một thế giới mà Hoa Kỳ - dù tổng thống là ai đi nữa - vẫn coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, khó thể là đối tác khả tín của Washington mà không chứng tỏ rằng châu Âu cũng cân nhắc mối quan hệ với cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới.
Putin bất cần phương Tây, nhưng mong đối thoại ngang hàng với Mỹ
Về phía Nga, « Matxcơva nhìn sang Washington và duy trì phương Tây dưới áp lực », theo La Croix. Tuy Vladimir Putin không còn quan tâm đến việc thích nghi với phương Tây, ông vẫn hy vọng hòa thuận được với Mỹ, đồng thời mở rộng vùng ảnh hưởng truyền thống.
Vẫn luôn ngự ở điện Kremlin, Putin đã nhìn thấy nhiều tổng thống Mỹ « đi qua đời mình » : Bill Clinton, George W.Bush, Barack Obama, Donald Trump và nay là Joe Biden. Hôm nay trong bài diễn văn truyền thống trước Quốc Hội, quan hệ với Mỹ hẳn được ông đề cập đến. Putin biết rõ ông Biden, vào thời Obama đã cố gắng thúc đẩy quan hệ Mỹ-Nga nhưng không thành công. Ngày nay tuy thế giới đã thay đổi, nhưng với các vụ tấn công tin học, trục xuất các nhà ngoại giao, tập trung quân ở biên giới Ukraina, Matxcơva vẫn chiếm hàng đầu trong báo cáo tuyệt mật « Daily Brief » mà tình báo Mỹ trình lên tổng thống mỗi buổi sáng.
Nhà đối lập Alexei Navalny, cái gai trong mắt Putin lâu nay đã bị đầu độc rồi bị tống vào tù. Với việc sửa đổi Hiến Pháp, Putin có thể tại vị đến tận năm 2036, nên yên tâm theo đuổi một chính sách đối ngoại bất cần phương Tây. Điểm mới là từ các vùng ảnh hưởng truyền thống của Liên Xô cũ, nay Matxcơva mở rộng sang các khu vực khác như Libya, Venezuela, Trung Phi ; với các hoạt động từ ngoại giao cho đến việc đưa sang lính đánh thuê, cố vấn quân sự.
Đề nghị tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ của Joe Biden hôm 13/04, được điện Kremlin hoan nghênh, cho dù hai ngày sau là một loạt trừng phạt. Putin không từ bỏ hy vọng đối thoại ngang hàng với Hoa Kỳ, mà theo giáo sư Cyrille Bret của Science-Po Paris, « vì quan hệ với Trung Quốc mất cân bằng, Matxcơva lo ngại bị rơi xuống hàng thứ hai trong địa chính trị ». Do bất đồng trên các hồ sơ lớn như Ukraina, Putin mong đồng tình được với Mỹ về các chủ đề khác như kiểm soát vũ khí hay biến đổi khí hậu.
Tổng thống Tchad tử thương trên chiến trường ngay hôm tái đắc cử
Tổng thống Tchad ở châu Phi tử trận khi vừa tái đắc cử là đề tài chính của các báo Pháp hôm nay. La Croix chạy tựa « Idriss qua đời, Tchad bất ổn ». Le Figaro đăng ảnh chân dung kèm theo lời bình, với cái chết của tổng thống Tchad Idriss Déby, Pháp mất một đồng minh trong cuộc chiến ở Sahel. Libération dành hẳn bốn trang báo và đăng bức ảnh lớn ngoài bìa, với dòng tít « Tổng thống Tchad tử trận, nước Pháp mất đi Déby ».
Le Figaro trong bài « Idriss Déby, chết trong lúc đang cầm vũ khí », thuật lại tình hình ở Tchad lúc vị tổng thống cầm quyền từ 30 năm qua ngã xuống trong một trận đánh với quân nổi dậy. Déby đã sống và chết như một chiến binh. Tin đồn bắt đầu lan ra vào chiều thứ Hai 19/04, khi các xe thiết giáp bỗng bao quanh Phủ tổng thống. Được chờ đợi vào buổi tối hôm đó để mừng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 với 79% số phiếu, ông vẫn không thấy xuất hiện. Sáng thứ Ba, các đài truyền thanh chỉ phát toàn nhạc, và đến trưa phát ngôn viên quân đội, bao quanh là các tướng lãnh, mới đọc một thông cáo ngắn : « Tổng thống Idriss Déby Itno vừa trút hơi thở cuối cùng trên trận địa ».
Thông tín viên của Libération thuật lại, tối thứ Hai những tràng súng đã nổ ra vang dội để mừng chiến thắng của Déby. Liệu ông có còn nghe thấy hay đã qua đời lúc 21 giờ hôm đó, khi ủy ban bầu cử loan báo kết quả ? Le Figaro cho biết theo nhiều nguồn tin, vị tổng thống 68 tuổi vừa tự phong thống chế cách đây không lâu, dẫn đầu một toán quân đi đẩy lùi nhóm nổi dậy FACT toan xâm nhập từ Libya. Trận đánh dữ dội nổ ra, tổng thống bị thương nặng và sau đó tử vong. Chuyên gia Roland Marshall nhận định, Déby là như vậy, rất can đảm và lại khá vô ý thức. Ông sẽ được an táng ở thủ phủ ở miền đông, sau lễ tưởng niệm long trọng ở quảng trường Nation. Bốn ngày sau loạt súng chào mừng tái đắc cử tổng thống, người chiến binh Déby lại được tiễn đưa bằng những loạt đại bác quốc tang.
Phương Tây trong thế lưỡng nan
Cái chết của ông để lại một khoảng trống lớn đầy nguy hiểm. Quân đội loan báo nắm quyền, Hiến Pháp và Quốc Hội bị tạm ngưng, ban hành lệnh giới nghiêm, đóng cửa biên giới trên bộ và không phận. Một Ủy ban Quân sự Chuyển tiếp được thành lập, đứng đầu là tướng bốn sao Mahamat Idriss Déby - thường gọi là Mahamat Kaka, một trong những người con của tổng thống quá cố. Vị tướng 37 tuổi kín tiếng này tuy chỉ huy DSSIE, một lực lượng tinh nhuệ, nhưng không có được hào quang của người cha. Đối lập sau nhiều thập niên bị đàn áp, vẫn chưa chính thức phản ứng.
Trong bài xã luận mang tựa đề « Hỗn loạn », Libération nhận xét Idriss Déby là một sản phẩm thuần túy của Pháp thời kỳ thuộc địa, và nhất là đồng minh của Paris tại khu vực Trung Phi đầy bất ổn.
Nằm giữa Libya, Niger, Cameroun, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria và Soudan, Tchad có vị trí chiến lược trong cuộc chiến của Pháp chống quân thánh chiến ở vùng Sahel. Quân đội Tchad, một trong những đội quân thiện chiến nhất của G5 Sahel, là mũi nhọn trong các trận đánh từ Mali, Nigeria tới Trung Phi. Déby lên nắm quyền năm 1990 nhờ sự hỗ trợ của DGSE (Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp), và Paris đã nhiều lần cứu chế độ của ông khi bị quân nổi dậy đe dọa. Pháp vốn trông cậy vào Déby để củng cố lực lượng Barkhane, trở nên dễ tổn thương hơn.
Les Echos cho rằng đây là một bước ngoặt trong cuộc xung đột ở vùng Sahel. Vùng đất có gần 100 triệu dân, giống như một nồi súp-de với các vụ bắt con tin, khủng bố, buôn lậu vũ khí, ma túy, xăng dầu và cả buôn người. Phương Tây trong thế lưỡng nan : tiếp tục một cuộc chiến không lối thoát và không thể chiến thắng, hay để mặc cho khu vực này rơi vào hỗn loạn với nguy cơ phải chịu đựng làn sóng người tị nạn – và cả vấn đề này cũng không có được giải pháp. Bài xã luận của Le Figaro chơi chữ,cho rằng vào lúc quân Mỹ rút khỏi Afghanistan, Pháp không nên trở thành con tin trong chiếc bẫy « Africanistan ».
Mỹ rút khỏi Afghanistan, Pakistan hy vọng mở rộng ảnh hưởng
Từ Kaboul, Le Figaro có bài phóng sự cho biết « người Afghanistan lo sợ quân Taliban quay lại sau khi Mỹ ra đi ». Một tài xế taxi nói : « Thế là chúng tôi sắp phải đơn độc, không chừng vài tháng nữa phụ nữ sẽ bị buộc phải mặc burqa (loại áo trùm kín người) ». Khi Taliban nắm quyền từ 1996 đến 2001, phụ nữ Afghanistan không được đi làm, đi học, thậm chí không được ra khỏi nhà nếu không có nam giới đi kèm. Âm nhạc, điện ảnh, khiêu vũ đều bị cấm ; những ai vi phạm có thể bị ném đá, tùng xẻo hoặc treo cổ. Một thiếu nữ thất vọng : « Người Mỹ đã bỏ rơi chúng tôi ! »
Trong khi đó Pakistan hy vọng mở rộng được ảnh hưởng. Ngay từ khi Taliban mới nổi lên, tình báo Pakistan đã cung cấp phương tiện và hậu cứ, quan hệ chặt chẽ đến nỗi khi cuộc chiến Afghanistan bắt đầu cho đến nay, tất cả tổng thống Mỹ đều yêu cầu Pakistan trước hết phải vô hiệu hóa các lãnh đạo Taliban trên lãnh thổ mình và sau đó thuyết phục đối thoại. Nếu Taliban quay lại, Pakistan có thể tranh thủ để ngăn chận ảnh hưởng của Ấn Độ trong vùng, và yên tâm tiến hành việc xây dựng đường ống dẫn dầu TAPI. Islamabad đã được Bắc Kinh chuyển cho trên 60 tỉ đô la chủ yếu là cho vay để thực hiện dự án này, Pakistan hy vọng nhờ đó sẽ thoát khỏi tình trạng phá sản.
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương : EU đổi hẳn cách nhìn với Bắc Kinh (rfi.fr)
Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Liên Âu đặt Trung Quốc trong tầm nhắm
Đăng ngày:
Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) ngày 19/04/2021 đã thông qua bản phác thảo chiến lược được mong đợi từ lâu đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao trùm mọi lãnh vực mà Liên Âu có thể can thiệp vào nhằm tăng cường ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích của mình trong vùng, và theo như nhận định của hãng tin Anh Reuters, nhằm đối phó với thế lực ngày càng tăng của Trung Quốc.
Có điều là đối tượng bị đặt trong tầm nhắm lại không hề được nêu đích danh trong văn kiện dài 10 trang này, và các nhà ngoại giao Liên Âu khẳng định rằng đây không phải là một chiến lược “chống Trung Quốc”.
Châu Âu không chấp nhận sự bành trướng của chủ nghĩa độc đoán.
Tuy nhiên, theo Reuters, dưới sự dẫn dắt của ba nước Pháp, Đức và Hà Lan, vốn đã đi tiên phong trong việc tìm cách thắt chặt quan hệ với những quốc gia gia trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, khối 27 nước Liên Âu giờ đây muốn sử dụng chiến lược đang hình thành để cho Bắc Kinh thấy rõ là khối châu Âu không chấp nhận sự bành trướng của chủ nghĩa độc đoán.
Trong một bản tuyên bố, các ngoại trưởng Liên Âu đã khẳng định rằng toàn khối đã thấy là “EU cần củng cố trọng tâm chiến lược, sự hiện diện cũng như các hành động của mình ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ... dựa trên việc phát huy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế”.
Mặc dù không đề cập chi tiết đến Trung Quốc, nhưng rất nhiều nội dung của chiến lược, cũng như ngôn từ sử dụng đều hàm ý kháng lại đà bành trướng của Trung Quốc trong bối cảnh mối lo ngại càng lúc càng tăng về việc Bắc Kinh hiện đại hóa công nghệ và quân sự đe dọa phương Tây và các đối tác thương mại của phương Tây ở châu Á. Chiến lược này như đi theo cùng một chiều hướng với cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Joe Biden trong hồ sơ Trung Quốc.
Reuters ghi nhận sự kiện là các nhà ngoại giao EU tin rằng các nước ở Ấn Độ-Thái Bình Dương muốn châu Âu dấn thân mạnh mẽ hơn vào khu vực để duy trì một nền thương mại tự do và cởi mở, giúp cho các nước trong vùng không phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington, hai quốc gia đang chuyển sang thế đối đầu.
Cũng giống như một kế hoạch tương tự của cựu thành viên EU là Vương Quốc Anh, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đã được các ngoại trưởng Liên Âu phác thảo vào lúc châu Âu tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc về ba hồ sơ lớn: Hồng Kông, người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và đại dịch Covid-19 khởi nguồn tại Vũ Hán.
Vế an ninh hàng hải được xem trọng hơn
Có hai yếu tố nổi bật được Reuters ghi nhận trong điều có thể gọi là chiến lược châu Á mới của EU, và đã được các ngoại trưởng Liên Âu xác định rõ trong tuyên bố của mình.
Trước hết là hướng đi chung - “EU sẽ phát triển hơn nữa các quan hệ đối tác và tăng cường hợp lực với các đối tác đồng chí hướng và các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng” - và tiếp đến là hành động cụ thể nhằm “ứng phó với các thách thức đối với an ninh quốc tế, bao gồm cả an ninh hàng hải.”
Hiện vẫn chưa rõ EU sẵn sàng lao vào lãnh vực an ninh đến đâu, nhưng điều đó có thể sẽ được phản ánh qua việc Liên Hiệp Châu Âu sẽ có tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn trên các vấn đề Ấn Độ- Thái Bình Dương, đầu tư nhiều tài lực và nhân sự hơn vào khu vực và rất có thể hiện diện quân sự thường xuyên hơn như điều chiến hạm qua Biển Đông hoặc tham gia các chuyến tuần tra của Úc…
Văn kiện dài 10 trang chính thức mang tên: “Chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu về hợp tác ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương” mới chỉ là bản phác thảo chiến lược, cần phải được cụ thể hóa thêm từ nay đến tháng 9, nhưng đã cho thấy rõ tầm quan trọng mà 27 nước Liên Âu dành cho vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Xem trọng ASEAN và ASEM
Trong một bài phân tích công bố ngày 20/04/2021, chuyên san Nhật Bản The Diplomat đã bước đầu ghi nhận 10 điểm nổi bật trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu đang trên đường hình thành. Yếu tố được tờ báo nêu lên hàng đầu là chủ trương tăng cường quan hệ với các đối tác trong khu vực.
Theo The Diplomat, đây là “cốt lõi” trong cách tiếp cận của EU đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, không chỉ áp dụng cho các đồng minh và bạn bè lâu đời của châu Âu, mà cho cả “các nước thứ ba vì lợi ích hỗ tương”. Liên Hiệp Châu Âu cũng tăng cường hợp tác với các tổ chức đa phương khu vực, đi đầu là Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN, nhưng cũng có cả diễn đàn Á-Âu ASEM.
Việc Liên Âu chú ý đến ASEM, một cơ chế có sự tham gia của Trung Quốc, thể hiện một quan điểm thực dụng chi phối chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của EU: Đó là dù phải tìm cách hạn chế đà bành trướng của Trung Quốc, nhưng không thể xem nhẹ vai trò và ảnh hưởng của nước này. Quan điểm đó đã được The Diplomat tóm tắt trong công thức: “Nếu Trung Quốc là một phần của vấn đề, thì đó cũng là một phần của giải pháp”.
Ngoài việc tranh thủ cơ chế có sẵn là Thượng Đỉnh Á-Âu ASEM, nhu cầu hợp tác với Trung Quốc còn thể hiện qua mong muốn của Liên Âu thúc đẩy được Hiệp Định về Đầu Tư giữa Bruxelles và Bắc Kinh.
Đối với The Diplomat, trên nhiều mặt, các chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Đức-Hà Lan hay của Anh Quốc cũng đã thừa nhận sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề cùng quan tâm. Đối sách Trung Quốc của chính quyền Joe Biden cũng vậy.
Cũng chính vì thế mà chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu tránh hẳn việc vạch mặt chỉ tên Trung Quốc, điều vốn đã trở thành truyền thống của khối 27 nước.
Tuy nhiên, tài liệu đã nêu bật những thách thức đối với sự ổn định của khu vực như “cạnh tranh địa chính trị”, “căng thẳng về chuỗi cung ứng và các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh” và sự tồn tại của các mối đe dọa đối với “tính phổ quát của nhân quyền”. Ai cũng hiểu là tác giả của những thách thức đó không ai khác hơn là Trung Quốc.
Một trong những điểm nhắm vào Trung Quốc được chuyên san Nhật Bản nêu bật là nhu cầu bảo đảm an ninh hàng hải mà chiến lược mới của Liên Âu nhấn mạnh.
Theo The Diplomat, khối thương mại số một thế giới là Liên Hiệp Châu Âu rất cần đến các tuyến hàng hải tự do, mở rộng và an toàn. Để bảo đảm điều này, các thành viên Liên Âu trong tư cách cá nhân như Pháp, Đức và Hà Lan, cũng như cựu thành viên Anh Quốc, đang xem xét việc tăng cường sự hiện diện hải quân của họ trong khu vực. Trong tư cách là một khối nước, Liên Âu từ năm 2008 đã từng triển khai Hải Quân chống hải tặc ở vùng Vịnh Aden, đồng thời giúp đỡ các nước trong vùng nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển của mình.
Việc tăng cường bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng sẽ được thúc đẩy trên toàn khu vực Ấn Độ Dương và vùng biển Đông Nam Á.
Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Liên Âu đặt Trung Quốc trong tầm nhắm (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten