maandag 26 april 2021

Khối ASEAN đồng thuận về kế hoạch « 5 điểm » tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện

 

Khối ASEAN đồng thuận về kế hoạch « 5 điểm » tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa), phát biểu trước báo chí tại thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta, ngày 24/04/2021.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa), phát biểu trước báo chí tại thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta, ngày 24/04/2021. © AP - Muchlis Jr

Hôm qua, 24/04/2021, sau một ngày làm việc, khối ASEAN đã đạt đồng thuận về một kế hoạch 5 điểm, nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện. Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, chưa đưa ra bình luận chính thức, nhưng « không phản đối » kế hoạch. « Chính phủ đoàn kết dân tộc » chống tập đoàn quân sự (GNU) hoan nghênh kế hoạch của ASEAN, nhưng kêu gọi khối Đông Nam Á hành động kiên quyết để tái lập dân chủ tại Miến Điện.

Kế hoạch 5 điểm của ASEAN, được Brunei - quốc gia chủ tịch luân phiên của khối - công bố, bao gồm (1) chấm dứt các bạo lực, (2) mở đối thoại xây dựng giữa tất cả các bên, (3) bổ nhiệm một đặc phái viên của chủ tịch ASEAN nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các bên Miến Điện, (4) trợ giúp nhân đạo và (5) tổ chức chuyến đi của đặc phái viên và phái đoàn ASEAN tới Miến Điện.

Trả lời kênh truyền hình Channel New Asia, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết : lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện đã lắng nghe, xem xét tất cả các điểm này, và cho rằng kế hoạch này là có ích. Vẫn theo thủ tướng Singapore, tướng Min Aung Hliang « không phản đối việc ASEAN đóng một vai trò xây dựng ». Sau hội nghị, trả lời báo giới, thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết ông đã bất ngờ về kết quả của hội nghị, và thái độ hợp tác của lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện.

Hội nghị đặc biệt của ASEAN, với đồng thuận về một kế hoạch 5 điểm nhằm chấm dứt bạo lực tại Miến Điện (bùng phát sau khi quân đội tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ dân sự ngày 01/02/2021), là một nỗ lực quốc tế đầu tiên tìm giải pháp chính trị cho khủng hoảng mang lại kết quả cụ thể.

Chính phủ « Đoàn kết Dân tộc » hoan nghênh

Ngay sau khi kế hoạch 5 điểm được công bố, chính phủ lâm thời chống tập đoàn quân sự, mang tên « Chính phủ Đoàn kết Dân tộc » (thành lập hôm 16/04/2021) đã thông báo hoan nghênh sáng kiến này. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc bao gồm nhiều nghị sĩ trong Quốc Hội bị quân đội giải tán, lãnh đạo của các nhóm tranh đấu chống độc tài, cũng như đại diện nhiều sắc tộc thiểu số tại Miến Điện. Bác sĩ Sasa, người phát ngôn của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, khẳng định : phong trào tranh đấu chống chế độ độc tài quân sự « nóng lòng chờ đợi các hành động tiếp theo của ASEAN, thực thi các quyết định này ».

Trên Twitter, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, cũng khẳng định sẽ « theo dõi sát sao » việc thực thi các quyết định của hội nghị ASEAN về Miến Điện.

Kêu gọi trả tự do cho tù chính trị

Lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu, Joseph Borelle, hôm qua, ra thông báo khẳng định « đồng thuận 5 điểm » về Miến Điện của ASEAN hôm qua là « một bước tiến đáng khích lệ ». Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ các cam kết đưa ra tại hội nghị ASEAN, cụ thể là đối thoại xây dựng, với tất cả các bên, bao gồm Ủy ban đại diện Quốc Hội Miến Điện/Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (CRPH/NUG). Liên Hiệp Châu Âu cũng đặc biệt kêu gọi « trả tự do ngay lập tức cho tất cả các tù nhân chính trị ».

Trả tự do cho tù nhân chính trị, bao gồm các lãnh đạo chính quyền dân sự đang bị giam giữ, trong đó có giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi, lãnh đạo trên thực tế của chính phủ dân sự trước khi bị lật đổ, cũng là kêu gọi của nhiều quốc gia ASEAN, đặc biệt là nước chủ nhà Indonesia, đã được ghi nhận trong Thông báo của chủ tịch luân phiên ASEAN, tuy không có mặt trong Kế hoạch 5 điểm. Thủ tướng Singapore cũng trực tiếp kêu gọi lãnh đạo quân đội Miến Điện trả tự do cho cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.

Theo ông Charles Sangtiago, người phụ trách nhóm các nghị sĩ ASEAN vì nhân quyền (APHR), « việc trả tự do cho các tù nhân chính trị là một điều kiện cần thiết để chấm dứt bạo lực ». Vẫn theo vị lãnh đạo nhóm dân biểu ASEAN này, « Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á phải hành động nhanh chóng, xác lập một lộ trình rõ ràng, để ông Min Aung Hlaing chấm dứt các bạo lực, hoặc sẵn sàng buộc (lãnh đạo quân đội Miến Điện) phải trả giá về các hành động của mình ».

Thêm một người bị bắn chết

Tại Miến Điện, hôm qua, trong lúc hội nghị ASEAN về khủng hoảng Miến Điện đang diễn ra, quân đội tiếp tục đàn áp những người phản đối đảo chính. Ít nhất một người bị sát hại. Một nhân chứng cho AFP biết, tại thủ đô Naypyidaw, một người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ, đã bị một quân nhân « bắn vào lưng ». Theo một tổ chức theo dõi khủng hoảng Miến Điện, từ đầu đảo chính đến nay, đã có ít nhất 745 người bị quân đội Miến Điện giết hại.

Một bản tin ban đêm trên kênh truyền hình Myawaddy, do quân đội kiểm soát, cho biết lãnh đạo quân đội Min Aung Hliang tham dự hội nghị ASEAN và chính quyền quân sự sẽ hợp tác chặt chẽ với ASEAN về nhiều vấn đề, trong đó có « tiến trình chuyển đổi chính trị ở Miến Điện ».

Theo Reuters, sau khi ASEAN ra Kế hoạch 5 điểm tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện, hôm nay, Chủ Nhật 25/04, không có cuộc biểu tình nào bùng phát tại các thành phố lớn của Miến Điện. Trên các mạng xã hội, Reuters ghi nhận nhiều dân mạng Miến Điện chỉ trích ASEAN về kế hoạch hỗ trợ giải quyết khủng hoảng Miến Điện, với dự đoán kế hoạch nói trên sẽ không cho phép phục hồi dân chủ, và buộc giới tướng lĩnh phải trả giá về hàng trăm cái chết của thường dân.

Khối ASEAN đồng thuận về kế hoạch « 5 điểm » tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten