vrijdag 23 april 2021

Các hiệu sách khu phố La-tinh, Paris - những ngọn hải đăng tri thức Pháp một thời + Khi các lâu đài Pháp trở thành sàn diễn thời trang

 

Các hiệu sách khu phố La-tinh, Paris - những ngọn hải đăng tri thức Pháp một thời

Phần âm thanh 10:03
Một hiệu sách Gibert Jeune ở khu phố La-tinh, gần Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp.
Một hiệu sách Gibert Jeune ở khu phố La-tinh, gần Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp. © Wikimedia/CC/(File photo 2017)

Mới đây, tin tức về việc đóng cửa vào tháng 3, của 4 hiệu sách Gibert Jeune lâu đời, hình ảnh tưởng chừng không thể tách rời khỏi quảng trường Saint-Michel, đã làm dấy lên những cảm thán, tiếc nuối của công chúng trong nước, và cả nước ngoài - những người đã từng đặt chân đến Paris và « phải lòng », thậm chí gắn một phần kỷ niệm tuổi trẻ nơi đây. 


Trong tình cảnh vốn không mấy thuận lợi nhiều năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 lại làm chồng chất thêm những khó khăn. Nhiều hiệu sách nếu không hoạt động cầm chừng thì cũng có nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn. Chỉ mới vài tháng trước, hiệu sách Anh ngữ Shakespeare & Company huyền thoại kêu gọi độc giả mua sách ủng hộ sau 1 năm mất đến gần 90% doanh thu. Và giờ đây là Gibert Jeune. 

Nhiều tờ báo lớn từ Le Monde đến Le Figaro, Libération đều dành những bài viết tâm huyết, hoài niệm để tri ân vị trí của hiệu sách đã có lịch sử hơn 1 thế kỷ này trong lòng công chúng Paris và cả nước. Cùng với nhà Gibert, các hiệu sách tập trung dày đặc tại khu phố La-tinh đã trở thành một phần đời sống tinh thần Pháp.  

Khu phố La-tinh - cái nôi của văn hoá Pháp từ xa xưa 

Ngược dòng lịch sử, là một trong những khu vực hình thành sớm nhất, khu phố La-tinh tập trung giới sinh viên từ nhiều thế kỷ, trung tâm của tuổi trẻ, tri thức và sáng tạo, như gốc cái tên « Latin » xuất phát từ việc xưa kia, giới sinh viên lui tới đây thường trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ này. Từ cuối thời kỳ Trung Đại, cùng với sự ra đời của trường Sorbonne, tiền thân của đại học Sorbonne sau này, vào năm 1257, vùng đất tả ngạn sông Seine trở thành nơi đặt nền móng đầu tiên cho giới trí thức Pháp. 

Kéo dài từ khu Saint-Germain-de-Prés đến khu Campus Sorbonne, khu vực này dần dần quy tụ hàng loạt trường đại học lớn đầu tiên, từ khoa học xã hội đến kỹ thuật, nghệ thuật, chính trị, như đại học Y, Mỹ Thuật, Kiến Trúc, Paris I, ParisTech, Panthéon- Sorbonne, Sorbonne Nouvelle, Science Po … cùng với Điện Panthéon vinh danh những nhà văn hoá lỗi lạc. Các khu phố này, từng là nơi sinh sống và giao lưu của tầng lớp tinh hoa qua nhiều thế kỷ. Không thể không nhắc đến nhóm Les Encyclopédistes : Denis Diderot và Jean d’Alembert - những soạn giả của bộ bách khoa toàn thư đầu tiên - một trong những thành tựu tiêu biểu của thời kỳ Khai Sáng (siècle des Lumières). Những nhà văn hoá, tư tưởng lớn của Pháp đầu thế kỷ 20 cũng thường lui tới đây : Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, hay Marguerite Duras, Jacques Prévert, Luis Aragon, Albert Camus, và cả những văn nghệ sỹ nước ngoài như Ernest Heminway, Pablo Picasso … Nhiều nhà xuất bản danh tiếng lâu đời, như Gallimard, Seuil, Grasset … cũng đặt trụ sở tại « trái tim văn hoá » của thủ đô Paris. 

Đây cũng là khu vực của Paris còn giữ được nhiều phần dáng dấp kiến trúc và hình thái đô thị từ thời Trung Đại. Hơn nữa, khu phố La-tinh còn giữ nhiều di chỉ của trung tâm thành Lutèce đầu tiên từ thời Gallia - La Mã Cổ Đại (thế kỷ 1), tiền thân của đô thị Paris sau này. Chính vì thế nó trở thành một địa điểm không thể bỏ qua của du khách đến thăm thủ đô. Trái ngược với những trục thẳng tắp rộng lớn của kiến trúc Haussmann, ở khu phố La-tinh khách tham quan được trở về trong không gian đô thị của Paris thủa sơ khai với những con phố nhỏ, ngoằn ngoèo lát đá, san sát những ngôi nhà thấp tầng lô xô ít vần luật, đặc thù đô thị Médiéval (thời Trung Đại), đôi khi hé lộ những khoảng sân trong yên bình phủ đầy hoa. Du khách vừa được cảm nhận một Paris thân thiện, gần gũi tỉ lệ con người, lại được tìm hiểu cái nôi hình thành của tri thức Pháp qua những trường học danh tiếng, những quán cà-phê, hiệu sách, điểm hẹn giao lưu của giới trí thức, các nhà tư tưởng và văn nghệ sỹ một thời. 

Những hiệu sách - điểm hội tụ và kết nối của tri thức 

Không chỉ ở những quán xá trẻ trung, sôi nổi, sự giao thoa giữa một Paris của khách du lịch và của đời sống giới trẻ còn ở những hiệu sách đa dạng chủ đề. Nơi người này tìm kiếm những cuốn tài liệu nghiên cứu, người kia bắt gặp những sách nghệ thuật lưu giữ kỷ niệm chuyến viếng thăm thành phố. Tại đây, từ những thùng sách cũ kỹ dọc kè sông Seine, đến những hiệu sách to đẹp, chuyên đề sâu, đều chứa trong nó những lịch sử thú vị : hiệu sách Shakespeare & Company ngay chếch Nhà Thờ Đức Bà, chốn dừng chân của các văn sỹ Anh ngữ khi ghé Paris, gắn với những tên tuổi như Heminway, James Joyce. Còn Pulp’s Comics được mệnh danh « ngôi đền của truyện tranh ». Hiệu sách triết học nổi tiếng J. Vrin đã có tuổi đời trên 1 thế kỷ, trong khi đó Pippa lại đi một dòng riêng khi không chỉ bán những đầu sách xuất bản độc lập, mà chính nó còn là một nhà xuất bản độc lập. 

Tuy có lịch sử lâu đời, các hiệu sách cũng luôn làm mới mình để mang hơi thở thời đại, thích ứng với giới trẻ. La librairie des PUF « tái sinh » sau tròn 10 năm đóng cửa, trở thành hiệu cà phê sách hiếm hoi khách có thể nhấm nháp ly cà phê trong lúc đợi in những bản sách điện tử của mình. Với người quan tâm chuyên ngành xây dựng, kỹ thuật, kiến trúc, đồ họa, tin học, Eyrolles là một địa chỉ có nhiều đầu sách chuyên đề khó kiếm. Có lẽ bởi người sáng lập ra nó, ông Léon Eyrolles, cũng là người sáng lập Trường chuyên ngành xây dựng, công trình và công nghiệp. Đây đồng thời cũng là một nhà xuất bản độc lập. 

Một điểm đáng chú ý là khác với những chuỗi cửa hàng sách lớn, các hiệu sách độc lập thường dành sự ủng hộ không nhỏ cho những nhà xuất bản độc lập và những tác giả tự xuất bản. Tại các hiệu sách nhỏ, ta có thể bắt gặp những cuốn sách của tác giả địa phương, nghệ sỹ trẻ, mà ta khó có thể tìm mua trên các trang mạng hay chuỗi cửa hàng lớn. 

Trong số đó, lâu đời và lớn nhất là hiệu sách gia đình Gibert, ra đời từ năm 1888, ban đầu tập trung hoạt động quanh mảng sách giáo khoa, học thuật và sách cũ, đến nay đã trở thành nơi có số đầu sách lớn nhất nước, luôn là hình ảnh tiêu biểu của khu phố đại học lâu đời này. Chính lịch sử hình thành hiệu sách hơn một thế kỷ trước cũng là câu chuyện thú vị, khắc họa tinh thần trân trọng văn hoá đọc của những chủ tiệm sách. 

Khách hàng sếp hàng bên ngoài hiệu sách Gibert Jeune, Paris, năm 1951.
Khách hàng sếp hàng bên ngoài hiệu sách Gibert Jeune, Paris, năm 1951. © AFP/File

Hiệu sách gia đình Gibert - truyền tình yêu với sách và giữ gìn văn hoá đọc 

Cũng như bao người bán sách cũ thời đó, anh thanh niên Gibert khởi nghiệp bằng 1, rồi 2, 3 thùng sách khiêm tốn trên thành kè sông Seine, sau chuyển sang thuê những góc bán hàng nhỏ bé. Cùng với giai đoạn giáo dục trở nên phổ cập và miễn phí cuối thế kỷ 19, Gibert tin tưởng vào vị trí không thể thiếu của sách học đường. Từ một thầy dạy văn tự cổ ở vùng Saint-Etienne, gốc gác con nhà nông, Gibert Joseph đã thành công khi phát triển ngày càng thịnh vượng, từ cửa hàng đầu tiên ở 17 kè Saint-Michel, thành chuỗi hiệu sách mang tên mình tập trung ở khu phố La-tinh. Nhưng điều khiến ông và gia đình được quý trọng đến ngày nay, chính là sự am hiểu, trân quý sách, tiếp tục truyền lại cho các đời con cháu nối nghiệp.    

Không chỉ bán sách nhiều lĩnh vực, sách trường học, sách cũ, ông còn được đánh giá cao bởi là người am hiểu, sưu tầm và lưu trữ nhiều sách hiếm. Vào năm 1896, ông cho ra mắt tờ bán nguyệt san « Sách » để giới thiệu thư mục sách quý hiếm cho những nhà sưu tầm và đam mê. Sau này, các con cháu ông, dù chia thành hai dòng cửa hiệu độc lập, đều vẫn giữ niềm đam mê sách. Hiệu Gibert Joseph tham gia tái bản các tựa sách kinh điển, Gibert Jeune hướng về sách mỹ thuật chọn lọc. Niềm tự hào và yêu nghề còn truyền cho cả những nhân viên cửa hàng, như báo Le Monde từng trích dẫn « thật kỳ diệu (..) chúng tôi làm việc mệt nhoài (thời điểm đầu năm học mới) nhưng tự hào vì được làm việc cho một cở sở quảng bá, khuyến khích tri thức ». Coi trọng sự thành thật, lương thiện, tận tuỵ nghiêm cẩn với nghề và khiêm nhường trước mọi người là những tôn chỉ của hiệu sách nhà Gibert, như lời ghi chú của ông được Le Monde trích đăng : « Cần xứng là một con người. Công lý và sự thật là trên hết. Đặt người khác lên trước bản thân mình ».

Có cái tâm hết lòng yêu và giữ phẩm giá trong công việc mình làm, có lẽ là điều cần có với bất cứ nghề nghiệp nào. Với nghề mở hiệu sách, có lẽ tiêu chí đầu tiên là phải ham đọc sách và trân trọng văn hoá đọc. Ngày nay, khi bước vào hầu hết các hiệu sách ở Paris, độc giả thường bắt gặp những lời bình viết tay của chủ tiệm sách, bọc trang trọng ngay ngoài trang bìa, như một lời tựa « độc quyền » nhưng cũng thân mật mà mỗi chủ hiệu sách dành riêng để chia sẻ cho khách hàng của mình. Vì vậy, nghề bán sách là một chuyên môn riêng biệt, không thể chỉ coi là một công việc bán hàng đơn thuần.

Những hiệu sách đóng cửa - đời sống văn hoá Pháp đang mai một ?

Những hiệu sách nhà Gibert, suốt 130 năm tồn tại, là nơi gắn kết những độc giả, người đam mê sách, nơi lui tới thường xuyên một thời của những giáo viên, trí thức, văn nghệ sỹ nổi tiếng thế kỷ 20 của Pháp như Malraux, Duras, Modiano, Nothomb, Orsenna hay Gainsbourg ... Như truyền thống của nhiều hiệu sách lâu đời khác, đây còn là nơi gặp gỡ của người viết với độc giả, nơi họ tổ chức những buổi trò truyện chuyên đề, học thuật, giới thiệu sách mới, để tác giả Annik Cojean, trên nhật báo Le Monde không ngần ngại gọi nơi đây là « một ngọn hải đăng của trí thức Pháp ».

Tác giả bài báo vì thế lo sợ sự vụt tắt của các hiệu sách ở khu phố La-tinh « sẽ phủ bóng tối lo âu » lên quảng trường Saint-Michel. Nhật báo Le Figaro còn bi quan hơn, gọi việc đóng cửa của Gibert Jeune này, cùng với nhiều hiệu sách danh tiếng của Pháp, là « sự mai một của văn hoá Pháp ».

Lời sẻ chia ấy, không giới hạn dành cho một hiệu sách lớn và có bề dày lịch sử nhất Paris, mà như một tiếng than cho sự đổi thay của thời cuộc, ngay tại cái nôi của tri thức này. Những hiệu sách - biểu tượng đời sống văn hoá tinh thần Pháp - tại trung tâm lui tới của giới trẻ Paris và khách du lịch, đang dần bị thay thế bởi các cửa hiệu thời trang, mỹ phẩm hàng hiệu - hình ảnh của thế giới tiêu thụ, vật chất.

Với mỗi người yêu Paris đến từ mọi nơi và những cựu sinh viên, không còn Gibert Jeune, đồng nghĩa với mất đi một địa chỉ văn hoá đầy kỷ niệm quen thuộc, nơi đồng hành cùng lịch sử Paris và tuổi trẻ của bao thế hệ. Phải chăng mang chút hoài niệm này của ca từ bài hát « Il n'y a plus d'aprèsà Saint-Germain-des-Prés » - Chẳng còn ngày sau, ở khu Saint-Germain des Prés, mà nhật báo Libération đặt dòng tựa « Gibert : il y a un fin, dans le quartier Latin » - Gibert : Có một hồi kết, ở khu phố La-tinh ?

Tuy kỷ nguyên của sách giấy có lẽ phải nhường bước cho thông tin mạng và kỹ thuật số, vẫn có những giải pháp hứa hẹn lưu giữ văn hoá đọc và đổi mới những hiệu sách để bắt kịp thời đại. Một điều cốt lõi là những hiệu sách vẫn luôn có sự ủng hộ của độc giả. Chúng vẫn là một phần linh hồn của mỗi khu phố, và vẫn rất nhiều người Pháp coi sách, cũng như các sản phẩm và hoạt động văn hoá, là một « sản phẩm tiêu dùng không thể thiếu » trong đời sống tinh thần của mình. Vì vậy, một ngọn hải đăng soi đường có mờ thì ánh sáng tri thức một khi đã chiếu rọi, sẽ vẫn luôn được thắp trong mỗi người.

Các hiệu sách khu phố La-tinh, Paris - những ngọn hải đăng tri thức Pháp một thời - Tạp chí văn hóa (rfi.fr)

Khi các lâu đài Pháp trở thành sàn diễn thời trang

Trình diễn thời trang Chanel của nhà tạo mẫu Đức Karl Lagerfeld tại dinh thự hoàng hậu Marie Antoinette, lâu đài Versailles, đông nam Paris, Pháp, ngày 14/05/2012.
Trình diễn thời trang Chanel của nhà tạo mẫu Đức Karl Lagerfeld tại dinh thự hoàng hậu Marie Antoinette, lâu đài Versailles, đông nam Paris, Pháp, ngày 14/05/2012. AP - Jacques Brinon

Vào lúc các hoạt động của làng thời trang quốc tế vẫn còn bị hạn chế tối đa do dịch Covid-19, các tập đoàn thời trang Pháp đã tranh thủ thời cơ để giới thiệu các dự án sáng tạo gần đây hầu quảng bá thương hiệu. Do các di sản kiến trúc đều đang bị đóng cửa, cho nên các thương hiệu lớn như Chanel, Dior hay là Celine đều chọn các đền đài dinh thự nổi tiếng nhất nước Pháp để tổ chức các cuộc biểu diễn thời trang.

Trong tuần vừa qua, nhà thiết kế Hedi Slimane, giám đốc nghệ thuật của hiệu Celine đã tung lên mạng chính thức cũng như trên các mạng xã hội một đoạn phim video dài khoảng 12 phút để giới thiệu bộ sưu tập mới của mình về thời trang phái nữ Thu-Đông. Toàn bộ cuộn phim video đã được quay tại lâu đài Vaux le Vicomte, tọa lạc ở vùng ngoại ô phía nam, cách thủ đô Paris khoảng 40 cây số.

Ngành thời trang hỗ trợ các di sản kiến trúc Pháp

Được khởi công xây cất vào năm 1656, lâu đài Vaux le Vicomte ban đầu là dinh thự của nhà quý tộc Nicolas Fouquet. Còn khu vườn lộng lẫy do kiến trúc sư André Le Nôtre vẽ sơ đồ vào giữa thế kỷ XVII, nay lại trở thành sàn biểu diễn thời trang của các người mẫu chân dài. Trong phần giới thiệu đợt "fashion show",  nhà thiết kế Hedi Slimane cho biết đã chọn Vaux le Vicomte, vì lâu đài nguy nga tráng lệ này là "chiếc nôi" của phong cách Pháp, nhất là vào thời của Vua Mặt trời, dưới ảnh hưởng của triều đại vua Louis XIV : ẩm thực, trang phục, nước hoa cũng như các bộ môn kịch nghệ hay múa ballet đều được nâng lên hàng nghệ thuật...

Đây không phải là lần đầu tiên hiệu thời trang Celine chọn một khung cảnh hoành tráng để đề cao tính sáng tạo của mình, nhưng so với những lần trước, người mẫu thường biểu diễn thời trang ở bên trong hay trên sân rộng có mái che, khu vườn Vaux le Vicomte lại là một sân khấu lộ thiên, không gian rộng mở thông thoáng.

Vài tuần lễ trước đó, hiệu thời trang Celine cũng đã từng giới thiệu bộ sưu tập thời trang Thu-Đông của phái nam nhưng lần đó là tại lâu đài Chambord, mà vào năm 2019 từng tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm ngày được xây dựng. Cuộc biểu diễn thời trang nam cũng được giới thiệu qua video và lần này trong cách dàn dựng đã dùng nhiều chi tiết thiết kế thời trang để gợi lại thời kỳ Phục Hưng tại Pháp, thông qua các bức họa chân dung của các nhà quý tộc trưng bày trong đại sảnh.

Nếu như dịch Covid-19 là một cú sốc rất mạnh đối với tất cả các cơ sở văn hóa, thì các nhà tạo mốt đã muốn tìm cái may trong cái rủi, biến tai họa vắng khách thành một cơ hiếm thấy. Chẳng hạn như khuôn viên Vaux le Vicomte hay mặt tiền của lâu đài Chambord, chưa bao giờ lại được quay đẹp và gần đến như vậy. do các cuộc biểu diễn thời trang đều không có sự tham gia của công chúng, các nhà nhiếp ảnh và đoàn quay phim video đã tận dụng cơ hội này để thu vào ống kính nhưng góc quay khác thường với ánh sáng kỳ lạ, điều khó thể làm được khi có sự hiện diện của khách tham quan trong bố cục của khung hình.

Lâu đài Chambord và Chenonceau được đề cao

Theo lời ông Jean d’Haussonville, giám đốc điều hành lâu đài Chambord, thay vì chọn các di sản kiến trúc làm hoạt cảnh hay phông nền đơn thuần, các nhà thiết kế đã biến các lâu đài thành một điểm nhấn hẳn hoi, có đủ tầm quan trọng cho nên không thể thiếu trong lối dẫn dắt câu chuyện. Lối dàn dựng như thể dùng thủ pháp nhân cách hóa, dùng công nghệ quay phim bằng drone để quay cận cảnh, người xem có cảm tưởng vuốt ve các ngọn tháp nhọn hoắc bằng đá, sờ vào các góc chạm trổ vuông vức sần sùi, linh cảm các mái ngói già cỗi rêu phong, những pho tượng sống động cổ kính mà đôi khi dòng thời gian đã mài mòn nhẵn nhụi.

Về phần mình, hiệu thời trang Chanel hồi đầu năm đã chọn lâu đài trên nước Chenonceau để trình bày bộ sưu tập thời trang của mình hầu quảng bá các ngành nghề thủ công, rất cần thiết do bổ sung khâu sáng tạo y phục. Bà Virginie Viard, giám đốc nghệ thuật của Chanel cũng đã tổ chức biểu diễn thời trang, thu hình qua video chứ không hề có khán giả, chủ yếu là để giới thiệu đội ngũ thợ có tay nghề cao. Nhà nhiếp ảnh trứ danh Juergen Teller đã thu vào ống kính quang cảnh lâu đài Chenonceau (một trong những kỳ quan kiến trúc của lịch sử Pháp xây vào năm 1513) dưới mọi góc độ. Lúc sinh tiền, bà Gabrielle Chanel rất mê lâu đài Chenonceau và huyền thoại của nhà Médicis, đủ để sưu tầm các tài liệu văn bản hay tác phẩm nghệ thuật có liên quan tới dòng họ này.

Đối với hiệu thời trang, lâu đài Chenonceau là nơi lý tưởng để tôn vinh các ngành nghề có từ các đời vua chúa thời trước, kể cả nghệ nhuộm lông thú gắn mũ, dệt thêu chỉ bạc, khảm vàng hay gắn đá qúy lên các bộ y phục hay phụ kiện thời trang. Theo lời cô Caroline Darrasse, giám đốc truyền thông của lâu đài Chenonceau, ngành thời trang cao cấp và các di sản kiến trúc có một điểm chung : cả hai ngành này đều cần có đội ngũ chuyên viên lành nghề và các thợ thủ công đều đòi hỏi thời gian và kinh nghiệm đào tạo.

Thời trang Dior tại Phòng Gương điện Versailles

Tất cả các ngành này đều phản ánh ít nhiều hình ảnh nghệ thuật lâu đời của nước Pháp. Điều đó giải thích vì sao hiệu thời trang Dior đã dàn dựng bộ phim video hồi tháng 03/2021 cho cuộc biểu diễn thời trang tại Phòng Gương, không gian nổi tiếng nhất tại cung điện Versailles. Trước đó, Dior đã từng quay nhiều clip video với thần tượng nhạc pop Rihanna cho đợt quảng cáo "Secret Garden" (Góc vườn thầm kín) cho dòng sản phẩm thời trang này. Nhưng lần này, Dior đã tổ chức toàn bộ show biểu diễn tại "Galeries des Glaces" cực kỳ lộng lẫy, điều mà có lẽ khó thể xẩy ra khi phải xếp các hàng ghế ngồi cho thượng khách. Một lần nữa, sự vắng mặt của công chúng đã tạo cơ hội cho Dior, có những cảnh quay tuyệt đẹp.

Theo lời nhà sử học Audrey Millet, tác giả của quyển sách về Thời trang Pháp do nhà xuất bản Les Pérégrines phát hành, không phải ngẫu nhiên mà các công ty thời trang Pháp như Chanel, Dior hay là Celine đã chọn các lâu đài này để giới thiệu các sáng tạo của họ. Các đền đài dinh thự như Versailles, Chambord, Chenonceau hay Vaux le Vicomte tượng trưng cho thời Phục Hưng của vua François Đệ Nhất, thời phát triển nghệ thuật của vua Louis XIV hay là nhà qúy tộc Colbert, những người đầu  tiên có đủ tầm nhìn xa để nâng hàng hóa "Made in France" lên hàng quốc sách, nhờ vậy mà biến thành phố Tours thành một trung tâm kinh tế phồn thịnh ngay từ thế kỷ XV và thành phố Lyon là một trục giao thương quan trọng nhất từ thế kỷ XVII.

Dù muốn hay không, các công ty thời trang cao cấp của Pháp thừa hưởng uy tín có từ những thời này, "gu ăn mặc" cũng như nếp sống của Pháp đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều vương triều tại châu Âu. Đối với các dinh thự đền đài, hợp tác với các công ty thời trang đem lại cho một nguồn thu nhập đáng kể, luồng dưỡng khí cần thiết  trong thời Covid-19. Còn đối với các hiệu như Chanel, Dior hay Celine, sự hợp tác đem lại thêm cho các thương hiệu này bề dày văn hóa, chiều sâu lịch sử.

Khi các lâu đài Pháp trở thành sàn diễn thời trang (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten