Đọ sức kinh tế Mỹ-Trung : chìa khóa trong tay Nhật Bản ?
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Vài ngày trước chuyến công du Mỹ đầu tiên của thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nhiệm kỳ Biden, Tokyo chờ đợi những gì ? Ở chiều ngược lại, Nhật Bản đang có những lá chủ bài nào giúp Washington bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại châu Á và ngăn chận tham vọng làm bá chủ của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương ?
RFI Việt ngữ mời nhà nghiên cứu Céline Pajon, chuyên gia về Nhật Bản thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp - IFRI trả lời các câu hỏi trên.
Trên nguyên tắc ngày 16/04/2021 thủ tướng Yoshihide Suga sẽ là lãnh đạo đầu tiên trên thế giới được tổng thống Joe Biden tiếp đón tại Nhà Trắng từ khi ông lên cầm quyền. Trung tuần tháng Ba, Tokyo từng là chặng dừng đầu tiên của tân ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin từ khi tham gia nội các. Thủ tướng Nhật công du Hoa Kỳ trong bối cảnh Washington thắt chặt quan hệ với các đồng minh tại châu Âu và châu Á, thành lập một “mặt trận” đối đầu với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực.
Trong chiến lược toàn diện của chính quyền Biden, Nhật Bản đang nắm giữ nhiều lá chủ bài kinh tế : một là thế thượng phong của nền công nghệ Nhật Bản trong các lĩnh vực “thuộc công nghệ của tương lai”, hai là vai trò đầu tầu của Tokyo trong hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương kể từ khi Mỹ rút lui. Ưu thế thứ ba của Nhật Bản là từ lâu nay quốc gia đông bắc Á này đã kết hợp chính sách ngoại giao, đầu tư và thương mại để trở thành nhịp cầu với các quốc gia trên thế giới đặc biệt là trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. Sau cùng, về thương mại, Nhật là một đối tác “nặng ký” của Trung Quốc và đó là một yếu tố mà Washington không thể bỏ qua.
Trọng lượng quân sự và kinh tế
Céline Pajon : “Nhật Bản là một đồng minh quan trọng của Mỹ, thủ tướng Suga là vị lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gặp tổng thống Biden trực tiếp tại Nhà Trắng. Đó là cả một biểu tượng cho thấy tầm mức quan trọng của Tokyo trong cuộc đọ sức chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hiện nay có hơn 50.000 quân nhân Mỹ đồn trú trên lãnh thổ Nhật Bản thành thử về mặt quân sự, quốc gia châu Á này là một đồng minh không thể thiếu. Hơn thế nữa trong suốt những năm tháng dưới chính quyền Donald Trump, Washington đã rút lui khỏi nhiều định chế đa quốc gia, Hoa Kỳ đã ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP. Khi đó chính Tokyo đã đóng vai trò đầu tầu để liên kết các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Nhật đã nỗ lực duy trì mô hình kinh tế tự do giữa các thành viên TPP mà một trong những mục tiêu chính là ngăn chận một số tham vọng của Trung Quốc. Không chỉ về mặt quân sự, mà cả về kinh tế và địa kinh tế : Nhật Bản là một lá chủ bài rất quý của Hoa Kỳ”.
Thái độ khéo léo của chính quyền Abe với Trump
Céline Pajon : “Quyết định rút Mỹ ra khỏi một số tổ chức quốc tế là điều bất lợi cho Nhật Bản. Thế rồi chính sách của tổng thống Trump đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết, America First, và cựu tổng thống Hoa Kỳ cũng đã rất nghiêm khắc trừng phạt kể cả các đồng minh, áp đặt các khoản thuế nhập khẩu phụ trội đánh vào hàng của Nhật bán sang Hoa Kỳ. Chính quyền Trump không nhượng bộ hay nể nang gì các đối tác quan trọng cả tại châu Âu lẫn châu Á. Mỹ từng đòi Tokyo đóng góp nhiều hơn vào các chi phí quân sự để duy trì hơn 50.000 lính Mỹ trên lãnh thổ Nhật, đòi nhân lên gấp 4 lần các khoản chi phí quân sự đó… Ngay cả trong tình thế khó khăn như vậy, cựu thủ tướng Shinzo Abe đã khéo léo vượt qua nhiều trở ngại tránh để liên minh Mỹ-Nhật bị sứt mẻ. Phải công nhận là ông Abe đã khá thành công về mặt này. Về cơ bản, liên minh đó tránh được một sự đổ vỡ”.
Chìa khóa công nghệ
Céline Pajon : “Chính quyền Biden có tầm nhìn chiến lược, có hệ thống về sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chiến lược đó bao hàm từ vế quân sự đến yếu tố địa chính trị trên bàn cờ kinh tế, đến thương mại hay nhân quyền… Nhưng bên cạnh đó phải tính luôn cả đến những yếu tố thuần túy kinh tế, thương mại, và giờ đây là công nghệ. Chính lĩnh vực công nghệ là vũ khí chủ lực trong cuộc chạy đua với Trung Quốc đang mở ra giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mà về điểm này thì Nhật đang là một trong những quốc gia đi tiên phong. Hoa Kỳ đang tìm cách lôi kéo các đồng minh chiến lược về phía mình, để trước hết là duy trì thế thượng phong trong tất cả các mặt trận từ quân sự đến kinh tế và nhất là về mặt công nghệ cao, trí thông minh nhân tạo, công nghệ điện thoại thế hệ 5 và thậm chí là thế hệ 6 và cũng đừng quên rằng cuộc đọ sức này đã mở rộng sang cả lĩnh vực công nghệ bán dẫn, chìa khóa của hàng loạt các lĩnh vực khác như là công nghiệp điện tử, xe hơi sử dụng công nghệ kết nối (…) Đó là những công nghệ của các thế hệ trong tương lai (…)
Trong tất cả những lĩnh vực này, Tokyo là một mắt xích quan trọng, đặc biệt là trong ngành công nghệ bán dẫn. Nhật Bản chiếm một vị trí then chốt, có thể là cùng với Hàn Quốc bởi vì Seoul cũng là một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ ở châu Á và cũng đang dẫn đầu nền công nghệ mới”.
Chính sách kinh tế và đầu tư phục vụ cho ngành ngoại giao Nhật
Céline Pajon : “Chính vì vậy mà cả ngoại trưởng Mỹ lẫn bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đã đến Nhật và Hàn Quốc trong các chuyến công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Tôi cũng xin nhắc lại là Tokyo luôn có mối bang giao hữu hảo với rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á.
Chính sách viện trợ kinh tế và đầu tư trực tiếp của Nhật đã giúp Tokyo nối được nhiều nhịp cầu với các nước Á châu và đây là một lợi thế lớn của Nhật Bản trong mắt Hoa Kỳ. Một thí dụ cụ thể Nhật đã khá uyển chuyển trong việc thuyết phục các quốc gia trong khu vực như Úc, Ấn Độ và kể cả nhiều quốc gia Đông Nam Á về chiến lược xây dựng một ‘vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở’. Chúng ta biết rằng ASEAN muốn tránh phải chọn phe, đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc. Cũng cần nói thêm dù rất gần gũi với Hoa Kỳ nhưng chính sách ngoại giao của Nhật Bản không rập khuôn theo Mỹ và Tokyo đã tranh thủ được lòng tin của nhiều nước Đông Nam Á”.
Một thái độ tương đối độc lập với Washington
Trong bối cảnh Hải quân Trung Quốc thường xuyên hiện diện trong vùng biển Hoa Đông, máy bay Trung Quốc sách nhiễu Đài Loan thâm nhập vùng nhận dạng hàng không của Đài Bắc với mật độ càng lúc càng dầy đặc, tàu cá Trung Quốc neo đậu trong các vùng biển có tranh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc liên tục tập trận bắn đạn thật tại vùng biển này … An ninh chắc chắn là một trọng tâm cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa thủ tướng Yoshihide Suga với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Chuyên gia về Nhật Bản, viện IFRI của Pháp, Céline Pajon nêu lên một điểm mới và khá nhậy cảm đối với Tokyo đó là vấn đề Đài Loan
Céline Pajon : “Nhật và Mỹ sẽ thảo luận về quan hệ liên minh lâu dài và nhất là về mối liên minh đó trong bối cảnh hiện tại. Ngoài ra, Tokyo và Washington sẽ chú trọng vào hồ sơ Trung Quốc, đặc biệt là tình hình ở eo biển Đài Loan, về quan hệ Bắc Kinh- Đài Bắc hiện càng lúc càng căng và chiều hướng này sẽ tiếp tục gia tăng. Bối cảnh căng thẳng đó bất lợi cho Nhật Bản và kể cả đối với Mỹ. Chúng ta thấy là Tokyo và Washington chia sẻ cùng lợi ích trên hồ sơ Đài Loan và cả hai cùng theo đuổi mục đích ngăn cản Trung Quốc đi quá đà, từ các hành động khiêu khích có thể dẫn đến xung đột trong eo biển Đài Loan. Cho đến rất gần đây, liên Minh Mỹ-Nhật rất ít khi đề cập đến Đài Loan, do vậy lần này, mọi người chờ đợi xem trong bản thông cáo chung kết thúc cuộc họp tại Washington, đôi bên có đả động đến vấn đề Đài Loan hay không”.
An ninh hay thương mại ?
Tokyo không thoải mái với những tuyên bố về Đài Loan vì luôn phải cân nhắc giữa “an ninh” và “thương mại” : Trung Quốc chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật, đứng trước cả Mỹ (với 18,4% trong năm 2020 theo thống kê của bộ Thương Mại Nhật Bản). Thêm vào đó dưới tác động của dịch Covid-19 nhu cầu tiêu thu của Âu, Mỹ giảm mạnh trong lúc thị trường Trung Quốc vẫn giữ được phong độ. Xuất khẩu của Nhật sang quốc gia đông dân nhất địa cầu này tăng 2,7 % năm vừa qua.
Do vậy chuyên gia Pháp về Nhật Bản, bà Pajon lưu ý là Tokyo rất thực dụng và muốn trước hết được yên ổn làm ăn :
Céline Pajon : “Nhật không có lợi ích gì nếu như tình hình trong khu vực xấu đi thêm hay Mỹ -Trung Quốc trực diện đối đầu nhau. Tokyo có những quyền lợi về mặt quân sự với Hoa Kỳ nhưng về thương mại thì Nhật Bản và Trung Quốc lê thuộc lẫn nhau. Thành thử Nhật không thể hoàn toàn đứng về phía Hoa Kỳ được để cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh. Tokyo và Washington gần nhau trong một số lĩnh vực như là công nghệ cao, đặc biệt thận trọng với Bắc Kinh về những mảng công nghệ mang tính chiến lược. Nhưng thuần túy về thương mại thì Nhật và Trung Quốc rất cần nhau. Liên hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh này cũng là một lợi thế của Nhật Bản trong đối thoại với Hoa Kỳ”.
Qua nhiều bài tham luận trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, bà Pajon đã nhấn mạnh đến thế mạnh của Tokyo : công nghệ của Nhật vẫn làm mê hoặc thế giới, mà ở thời điểm này, đó là một chìa khóa mà chính quyền Biden đang tìm kiếm. Cộng thêm vào đó là một sự linh hoạt và uyển chuyển trong những nước cờ cả về kinh tế lẫn chiến lược không chỉ với Mỹ hay Trung Quốc mà cả với tất cả các quốc gia khác trên thế giới, từ Iran đến Nga, hay với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Cầm chắc là chính quyền mới ở Washington đã thấy rất rõ những điều đó !
Đọ sức kinh tế Mỹ-Trung : chìa khóa trong tay Nhật Bản ? - Tạp chí kinh tế (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten