woensdag 14 april 2021

Lộ hình ảnh chiến hạm Mỹ theo dõi tàu Trung Quốc: Một đòn chiến tranh tâm lý ? + Kỷ lục mới : 25 chiến đấu cơ Trung Quốc sách nhiễu Đài Loan [... Mèo vờn Chuột nhưng vẫn sợ Chó :) ]

 

Lộ hình ảnh chiến hạm Mỹ theo dõi tàu Trung Quốc: Một đòn chiến tranh tâm lý ?

Hạm trưởng tàu khu trục USS Mustin (DDG 89) Robert Briggs cùng phó hạm trưởng Richard Slye quan sát tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh. Ảnh chụp ngày 04/04/2021 trên biển Philippines.
Hạm trưởng tàu khu trục USS Mustin (DDG 89) Robert Briggs cùng phó hạm trưởng Richard Slye quan sát tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh. Ảnh chụp ngày 04/04/2021 trên biển Philippines. © US Navy - via Twitter @Chris Cavas

Báo giới quan tâm đến châu Á trong những ngày qua đã bàn tán khá nhiều về một bức ảnh mà Hải Quân Mỹ chụp ngày 04/04/2021 tại biển Philippines, cho thấy hạm trưởng tàu khu trục Mỹ USS Mustin ngồi trên boong tàu, quan sát một chiếc tàu ngoài xa được ghi nhận là hàng không mẫu hạm Trung Quốc Liêu Ninh. 

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại vùng Biển Đông và biển gần Đài Loan, với sự hiện diện của cả chiến hạm Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, việc bức ảnh được tiết lộ đã đặt ra câu hỏi về dụng tâm của Mỹ.

Thoạt nhìn, bức ảnh rất bình thường. Người ta thấy hạm trưởng tàu khu trục Mustin (số hiệu DDG 89) Robert Briggs cùng sĩ quan điều hành tàu là Richard Slye ở trên boong, đang nhìn về phía biển xa, nơi người ta thấy một chiếc tàu sân bay - được ghi nhận là chiếc Liêu Ninh của Trung Quốc - đang di chuyển song song.

Tuy nhiên, giới phân tích đã ghi nhận một loạt những yếu tố khác thường, mà trước tiên hết là tính chất “hiếm hoi” của bức ảnh. Hải Quân Mỹ cho đến nay, đã công bố rất nhiều hình ảnh hay video về hoạt động của các chiến hạm Mỹ khi đang làm nhiệm vụ ở Biển Đông hay vùng eo biển Đài Loan, nhưng hiếm khi thấy những tư liệu trong đó có tàu Trung Quốc.

Bức ảnh hàm chứa thông điệp cảnh báo Trung Quốc

Tư thế ngồi của hạm trưởng chiếc USS Mustin cũng đáng chú ý: Ông ngồi trên một chiếc ghế bành, gác chân lên lan can một cách thoải mái, mà theo giới phân tích dường như tỏ vẻ thờ ơ, không quan tâm mấy đến “mối đe doạ” từ tàu Liêu Ninh di chuyển gần đó.

Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 11/04 đã nhận xét như sau: “Tư thế ngồi thoải mái trên chiếc ghế bành bọc da màu nâu, hai chân duỗi dài gác lên lan can tàu của viên hạm trưởng Mỹ có thể khiến ta nghĩ đến một chuyến du ngoạn vui vẻ. Thế nhưng không phải vậy: cùng với người phó của mình, chỉ huy chiếc DDG-89 - một trong 71 chiếc khu trục hạm của Hải Quân Hoa Kỳ - đang quan sát chiếc đầu tiên trong số hai tàu sân bay Trung Quốc mà họ đang theo dõi”.

Đối với một số nhà quan sát được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 11/04 trích dẫn thì Hải Quân Mỹ đã cố tình tung ra bức ảnh này với mục tiêu tiến hành một cuộc chiến tranh tâm lý, gởi đi một thông điệp cảnh báo nhắm vào Trung Quốc.

Theo ông Lã Lễ Thi (Lu Li-shih), cựu giảng viên Học Viện Hải Quân Đài Loan tại Cao Hùng, bức ảnh là “một dạng chiến tranh nhận thức, nhằm chứng tỏ rằng Mỹ không coi quân đội Trung Quốc là mối đe dọa tức thời”. Đối với chuyên gia này, dáng vẻ rất thoải mái của hai viên chỉ huy cao nhất trên khu trục hạm Mỹ khi chiếc Liêu Ninh chỉ cách đó vài nghìn mét cho thấy là phía Mỹ “xem thường Hải Quân Trung Quốc”.

Còn tổng biên tập tạp chí quốc phòng Hán Hòa (Kanwa Defense Review) xuất bản tai Canada Trương Nghị Hoằng (Andrei Chang) cho rằng bức ảnh là “lời cảnh báo nhắm vào Quân Đội Trung Quốc”, cho thấy rõ là Mỹ nắm rất rõ các động thái của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh.

Không còn thấy trên web thông tin của Bộ Quốc Phòng Mỹ?

Một chi tiết khác thường khác đã được nhà báo Mỹ chuyên về hải quân Chris Cavas ghi nhận là sau khi được công bố trên trang web thông tin DVIDS của bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 11/04, bức ảnh sau đó đã được rút xuống.

Chris Cavas là một trong những người đầu tiên đã phát hiện việc Hải Quân Mỹ công bố bức ảnh. Trong tin nhắn Twitter kèm theo hai bức ảnh, một của hai chỉ huy khu trục hạm USS Mustin, và một của tàu sân bay Liêu Ninh nhìn từ phía tàu Mỹ, nhà báo Mỹ đã nêu bật:

“Ảnh rất hiếm chụp sĩ quan chỉ huy và sĩ quan điều hành của chiến hạm USS Mustin DDG89 khi họ bám theo tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh 16 trên Biển Philippines vào ngày 4 tháng 4. Hải Quân Mỹ hiếm khi thừa nhận các hoạt động theo dõi tàu Trung Quốc và việc tàu Mỹ bị Trung Quốc bám đuôi”.

Dẫu sao thì theo nhật báo Pháp Le Figaro, bức ảnh chụp từ tàu khu trục USS Mustin cho thấy là căng thẳng ở khu vực gần Đài Loan tiếp tục ở mức cao.

Trong khu vực này, Bắc Kinh không chỉ tăng cường sức ép đối với Đài Loan, một hòn đảo độc lập trên thực tế nhưng vẫn bị Trung Quốc xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời của mình, mà còn đơn phương tuyên bố chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông mà họ đang quân sự hóa ráo riết trong mười năm qua, bằng cách bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự trên đó.

Theo Le Figaro, về phía Mỹ, trong khi tăng cường các chuyến hải hành qua lại vùng Biển Đông trong các chiến dịch bảo đảm nguyên tắc “tự do hàng hải”, Hải Quân Hoa Kỳ cũng lo ngại trước đà phát triển quá nhanh của Hải Quân Trung Quốc, một đà vươn lên đang đe dọa vị thế hàng đầu mà Mỹ có được từ năm 1945 và thậm chí kể từ năm 1991.

Pháp cũng có mặt nhưng khiêm tốn hơn

Ngoài sự hiện diện của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, báo Le Figaro cũng không quên nhắc lại rằng dù với một quy mô khiêm tốn hơn, Hải Quân Pháp cũng có mặt tại khu vực tranh chấp này.

Hiện đang dừng chân tại Sabang của Indonesia, tại lối vào eo biển Malacca, tàu trực thăng đổ bộ Tonnerre và hộ tống hạm Surcouf của Pháp sẽ đi qua Biển Đông trong những ngày tới trong khuôn khổ chiến dịch huấn luyện “Jeanne d’Arc 2021” của các học viên sĩ quan của Hải Quân Pháp. Sau chặng dừng chân ở Việt Nam, chiến hạm Pháp sẽ đến Nhật Bản và cũng đi qua hoặc ít ra là đến gần eo biển Đài Loan.

Hôm 07/04, tàu ngầm tấn công hạt nhân Émeraude của Pháp đã quay trở về cảng Toulon, sau bảy tháng hoạt động ở cùng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương này. Tàu ngầm Pháp cũng đã tuần tra Biển Đông, lần đầu tiên - ít nhất là trên mặt chính thức.

Một sự kiện hiếm hoi: Sự kiện tàu ngầm Emeraude trở về sau chuyến công tác lần này đã được quảng bá trên truyền thông, và đô đốc Pierre Vandier, tham mưu trưởng Hải Quân Pháp đã ca ngợi một "sứ mệnh có tầm vóc chiến lược".

Đối với Le Figaro, giống như vụ bức ảnh của hạm trưởng Mỹ trên chiếc USS Mustin, sự cạnh tranh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng là một vấn đề thông tin tuyên truyền.

Lộ hình ảnh chiến hạm Mỹ theo dõi tàu Trung Quốc: Một đòn chiến tranh tâm lý ? (rfi.fr)

Kỷ lục mới : 25 chiến đấu cơ Trung Quốc sách nhiễu Đài Loan

Oanh tạc cơ Trung Quốc bay ở eo biển Đài Loan trong một động thái hù dọa. Ảnh minh họa chụp ngày 18/09/2020.
Oanh tạc cơ Trung Quốc bay ở eo biển Đài Loan trong một động thái hù dọa. Ảnh minh họa chụp ngày 18/09/2020. © via REUTERS - TAIWAN NATIONAL DEFENSE MINISTRY

Hôm qua 12/04/2021 có đến 25 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, một con số kỷ lục, một ngày sau khi Mỹ lên tiếng cảnh cáo Bắc Kinh. AFP dẫn nguồn từ chính quyền Đài Bắc cho biết như trên.

Sự hiện diện đông đảo của các máy bay quân sự Trung Quốc trong đó có 18 phi cơ tiêm kích, đã buộc không quân Đài Loan cho các phi cơ cất cánh và ra lệnh cho phía Trung Quốc ra khỏi ADIZ. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp trong tháng này, phi cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không Đài Loan, với số lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay.

Chuyên gia Antoine Bondaz nhận xét trên Twitter, hồi tháng Giêng đã có đến 81 lượt phi cơ Trung Quốc xâm nhập, nhưng đó là trong suốt cả tháng, còn hôm qua có đến 25 chiến đấu cơ cùng bay vào thị uy. Trang web của bộ Quốc Phòng Đài Loan nêu chi tiết : 2 chiếc Y-8 (Thiểm Tây), 1 chiếc KJ-500 (Không Cảnh), 4 chiếc tiêm kích J-10 (Mãnh Long), 14 chiếc tiêm kích J-16 (Thẩm Dương), 4 oanh tạc cơ H-6K (Tây An).

Động thái này diễn ra sau khi ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm Chủ nhật 11/04 tố cáo « các hành động ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh đối với Đài Loan ». Ông nói thêm « sẽ là sai lầm nghiêm trọng đối với những ai mưu toan dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng ». Trong ngày 13/04/2021, Đài Loan cũng là một đề tài quan trọng trong cuộc đối thoại của ngoại trưởng ba nước Pháp, Ấn Độ và Úc.

Nhà nghiên cứu Cleo Paskal chuyên về Ấn Độ-Thái Bình Dương của Viện Chatham House trụ sở tại Luân Đôn nhận định :

« Lúc nào thì Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan ? Theo như cách mà họ đang tiến hành, thì Bắc Kinh sẽ cố tình gây ra căng thẳng tại nhiều địa điểm khác nhau. Chẳng hạn nếu Nga tiến vào Ukraina, nếu khủng hoảng tăng lên ở Miến Điện, nếu các vấn đề khác xảy ra với Iran, Bắc Triều Tiên, và Washington, Paris và Luân Đôn phải quan tâm đến tất cả những xung đột khác, thì sẽ có khoảng hở để tung ra cuộc tấn công tin học vào Đài Loan. Thế nên tôi không nhìn thấy được lối thoát cho tình hình căng thẳng này.

Bắc Kinh sẽ khuấy động lên nhiều xung đột ở một chừng mực nào đó, Matxcơva cũng vậy. Và rốt cuộc, Trung Quốc sẽ đạt được điều mình muốn, có nghĩa là chiếm lấy Đài Loan. Nhưng đồng thời, họ cũng cố gắng tung ra đồng tiền ảo của mình để phá hoại đồng đô la Mỹ. Đó là hai mục đích chính của Bắc Kinh hiện nay. »

Hôm qua kênh truyền hình quân đội Trung Quốc CCTV-7 đăng một video cho thấy Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, nói rằng để trả đũa « sự khiêu khích của Hải quân Mỹ ». Trước đó Hải quân Hoa Kỳ đăng ảnh khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Mustin đi qua phía cửa sông Dương Tử trong khi chiếc tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang hướng về phía Đài Loan. Những hình ảnh hiếm hoi được phía Mỹ đăng lên cho thấy thuyền trưởng USS Mustin, Robert Briggs và thuyền phó Richard Slye đang quan sát chiếc Liêu Ninh.

Kỷ lục mới : 25 chiến đấu cơ Trung Quốc sách nhiễu Đài Loan (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten