Người Việt Quận Cam: Từ ngôi nhà cổ Việt Nam đến khu phố Sài Gòn
Đăng ngày:
Một ngôi nhà cổ Việt Nam mà sau này có thể sẽ là một địa điểm tham quan để tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc, một khu phố Sài Gòn được tái hiện với tiêu điểm là ngôi chợ mang dáng dấp chợ Bến Thành. Đó là hai dự án mà chúng tôi đã có dịp tìm hiểu nhân chuyến đi Quận Cam, California, Hoa Kỳ, đầu tháng Hai vừa qua vào trước Tết Nguyên Đán.
Bác sĩ Quỳnh Kiều và Kiều Quang Chẩn là những người vẫn tham gia rất nhiều vào các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là những chương trình y tế cộng đồng ở Việt Nam trong khuôn khổ tổ chức Project VietNam Foundation. Nhưng từ lâu họ cũng mong muốn tạo dựng một góc truyền thống văn hóa Việt Nam ở nơi đất khách quê người. Nay mong ước đã thành hiện thực với căn nhà cổ Việt Nam, được xây trong khu vườn rất rộng bao quanh tư gia của họ tại thành phố Santa Ana, nằm ở đầu một con đường rất yên tĩnh và gồm toàn những nhà lớn và đẹp. Trả lời RFI Việt ngữ, bác sĩ Quỳnh Kiều trước hết giải thích:
BS Quỳnh Kiều: " Vợ chồng chúng tôi rất trọng những gì là văn hóa Việt Nam và nhất là sau khi qua bên này, mình lại cần có nhu cầu đem về những vật gì làm cho mình nghĩ đến văn minh và văn hóa Việt Nam.
Chúng tôi có may mắn là đã mua được căn nhà này, vì nhà có miếng đất rộng. Thứ hai là căn nhà này nằm ở khu di tích lịch sử của Santa Ana. Căn nhà chánh này là căn nhà duy nhất ở Orange County do một ông tiểu vương Ấn Độ xây dựng, thành ra nó đã là một căn nhà mang tính lịch sử. Đem thêm lịch sử Việt Nam với căn nhà cổ này thì rất là phù hợp.
Từ năm 1975, khi qua đây, chúng tôi đã có ý định kiến tạo một góc nào của quê hương cho con cháu biết được, chiêm ngưỡng và tham gia được. Khi chúng tôi kiếm được căn nhà này cách đây hơn 20 năm thì chúng tôi mới có kế hoạch mua và đến năm 2004 thì tạo dựng xong ( căn nhà cổ ). Tổng cộng đã mất khoảng hai năm, từ lúc kiếm được nhà cho đến khi làm tất cả các thủ tục, đem qua và xây dựng lại, ráp nối trở lại.
RFI : Thủ tục xin phép có khó khăn không, thưa bác sĩ, vì đây là những cổ vật của Việt Nam?
BS Quỳnh Kiều : Hồi đó rất là đơn giản, tại vì con cháu ông cai tổng ở làng Quỳnh Lưu đang ở trong tình trạng là lúc đó chính phủ muốn mở đường, cho nên họ phải di chuyển cái nhà này, nếu không thì phải phá đi. Chúng tôi trong tư thế là người mua, còn họ thì phải bán, chứ không có cách nào khác. Nhờ những lý lẽ đó mà họ mới được sự ưng thuận của địa phương và chúng tôi đã đem về được.
RFI: Đem được sang đây rồi, làm cách nào mà hai vợ chồng bác sĩ tìm được những người thợ có thể ráp nối lại nhà cổ này giống như ông cha ta đã là trước đây?
BS Quỳnh Kiều: Rất may là trong nhóm đọc kinh của chúng tôi, có một ông cụ 70 tuổi mà gia đình có nghề xây dựng nhà cổ. Ông có bốn người con trai trong nghề xây dựng và vì ông có sự hãnh diện của gia đình, nên muốn hướng dẫn cho các con trai nghề của gia đình và văn hóa nhà cổ Việt Nam.
Nhờ vậy mà chúng tôi có nguyên một ê kíp ngay tại đây. Chứ ban đầu chúng tôi tưởng là không biết cách nào mà mướn thợ từ Việt Nam để ráp nối cho đúng, chứ nếu ráp sai thì nhà mình sẽ đổ mất!
RFI: Vậy những người thợ đó đã mất bao nhiêu thời gian để tái tạo căn nhà cổ này?
BS Quỳnh Kiều: Hơn một năm, là vì họ làm từng bước một, theo phương pháp cổ truyền, tức là hoàn toàn không dùng máy móc. Họ làm những đòn bẩy để kéo những cái đà lên, y hệt như là xây dựng ở Việt Nam.
RFI: Ngoài ngôi nhà cổ, chúng tôi thấy trong vườn còn có tháp chuông và một bộ cồng chiêng.
BS Quỳnh Kiều: Cồng chiêng này họ đang sử dụng ở Tây Nguyên, chúng tôi mua và chuyên chở qua, còn các chuông của tháp này thì chúng tôi mua của các đền mà họ bỏ, chuông hoàn toàn là do những người dân làm. Vì cần một ít vốn, nên họ đã đồng ý bán, thay vì để ở đây không có ai sử dụng. Họ biết mình là những người tôn trọng nó, để cho nó có một ý nghĩa gì đối với con cháu Việt Nam, thành ra họ rất hào hứng tiếp tay để mình có thể chuyên chở về đây.
RFI: Vào những dịp nào, chúng ta có thể nghe được những tiếng chuông và tiếng cồng chiêng này?
BS Quỳnh Kiều: Thường thường vào những dịp lễ truyền thống Việt Nam thì mình sẽ đánh những nhạc cụ đó, ví dụ như gần đây có những buổi thi gói bánh chưng, hay những ngày Tết sắp tới, cũng như Trung Thu hay những dịp khác. Chúng tôi có ước vọng là sẽ sử dụng đều đặn những nhạc cụ đó cho những trẻ nhỏ, cho những thế hệ sau ở Cali này, cũng như cho tất cả những ai từ nơi khác đến thăm.
RFI: Thưa bác sĩ, nhưng với bộ cồng chiêng này thì phải có một nghệ sĩ biết sử dụng nó?
BS Quỳnh Kiều: Thưa có, ví dụ như ở miền Bắc Cali có chị Vân Ánh, đã học trường quốc gia âm nhạc ở Hà Nội, chuyên về các nhạc cụ và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Chị ấy đã đến đây để đánh nhạc cụ đó, và cũng đã có những concert ( buổi hòa nhạc ) với những nhạc sĩ người Mỹ ở vùng này, rất là hay.
RFI: Chắc là hai vợ chồng bác sĩ không dừng lại ở đây, mà có tham vọng lớn hơn, tức là biến khu nhà cổ này thành một khu di tích để khách phương xa đến tham quan khi ghé qua vùng Cali này?
BS Quỳnh Kiều: Đúng thế. Chúng tôi thấy có một cơ hội như vậy. Chúng tôi hiện cũng đang làm việc với bên Việt Nam để kiếm một số gỗ xưa, có những người thợ tạc gỗ đẹp nhất để xây, ví dụ như lầu vọng nguyệt nhỏ, có hai tầng, để vừa ngắm trăng vừa uống trà, và những nhà cỗ nhỏ hơn mà mình sẽ từ mình đem sang. Chắc là từ giờ cho đến năm tới, chúng tôi mong là có thể hoàn thành tất cả.
Người Mỹ có tính hiếu khách và họ rất hào hứng khi thấy có sự đóng góp của những văn hóa khác, nhất là những người từ Á Đông như chúng ta, có một nền văn hóa lâu năm, 4 ngàn năm. Đã hai lần chúng tôi mở cửa vườn đón những người Mỹ trong khu xóm ở đây, trong một dịp gọi là "Home and Garden". Họ tới rất là đông và rất hào hứng khi biết là có những vật di tích ở đây.
***
Một dự án cho tương lai, nhưng cũng là nhằm tái hiện một phần kiến trúc xưa của Việt Nam, đó là dự án khu phố Sài Gòn của nhà doanh nghiệp Phạm Hoàng Bắc, đang được xây dựng tại một khu đất ở góc đường Brookhurst và đại lộ Bolsa, thành phố Westminster, ngay giữa lòng nơi được mệnh danh là Little Saigon. Sau khi dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng công trường, nơi mà những người thợ đang ráo riết xây dựng khu chung cư 8 tầng, ông Phạm Hoàng Bắc cho biết:
Phạm Hoàng Bắc: " Khi mua được miếng đất này, chúng tôi muốn xây theo kiến trúc của Sài Gòn hồi xưa, trong đó có chợ Bến Thành, có khách sạn Continental. Khi đô hộ Việt Nam, người Pháp đã xây dựng các công trình như Nhà thờ Đức Bà, khách sạn Continental, chợ Sài Gòn, tòa án, tất cả đều là kiến trúc của Pháp. May mắn là Việt Nam giữ lại các kiến trúc đó, tuy rằng sau này có đập bỏ một ít, như khu thương xá Tax, nhưng tôi hy vọng họ giữ được các kiến trúc khác, tại vì đó là nét tiêu biểu của thành phố Sài Gòn, thành phố mà tôi sinh ra và lớn lên.
Chúng tôi đã mua miếng đất đã trên 5 năm. Sau đó chúng tôi xin giấy phép của bang California. Chúng tôi đã bắt đầu xây khu chung cư 200 căn hộ cao cấp. Hy vọng trong 6 tháng nữa chúng tôi sẽ bắt đầu xây hotel và khu chợ Bến Thành.
RFI: Chúng tôi thấy là chung quanh đây nhà cửa đều xây rất thấp. Làm cách nào mà ông có được giấy phép để xây một khu chung cư cao đến 8 tầng, nhất là tại California, nơi dễ xảy ra động đất?
Phạm Hoàng Bắc : Miếng đất này nằm trong khu thương mại, mà lại nằm giữa hai đường lớn là đường Brookhurst và đại lộ Bolsa, là con đường huyết mạch của khu Little Saigon. Chiều cao của building là tùy theo chiều rộng của con đường. Nếu con đường rộng thì họ sẽ cho xây cao, còn nếu nằm trong đường hẽm thì không được xây cao.
May mắn cho chúng tôi là mua được khu đất nằm trong khu buôn bán mà lại nằm giữa hai con đường lớn. Theo quy hoạch của thành phố, chúng tôi được xây lên tới 120 feet, tức là tương đương với 11, 12 tầng. Xây 8 tầng thì không có gì đặc biệt.
RFI: Vậy thì khu chung cư 8 tầng này anh sẽ nhắm vào những đối tượng nào?
Phạm Hoàng Bắc: Chúng tôi hy vọng nhắm vào những người từ những tiểu bang khác, đã có nhà cửa, có con cái, bây giờ thay vì dọn về Việt Nam sống, thì họ có thể mua căn hộ ở Cali. Ở đây có khí hậu rất tốt và lại có những bảo đảm y tế. Ví dụ như những người về hưu ở New York ( hiện đang lạnh âm mấy chục đô ) có thể dọn về đây. Chung quanh đây sẽ có rất nhiều nhà hàng, khu thương mại. Họ chỉ cần bước xuống nhà là có tiệm phở, tiệm cơm, tiệm làm tóc, tiệm nữ trang, rồi còn có một food court, tức khu ăn uống ngoài trời, giống như là night market.
RFI: Bên cạnh khu chợ Bến Thành tương lai thì sẽ có một khách sạn 5 sao. Khách phương xa đến sẽ thật sự có nhu cầu để hưởng một khách sạn 5 sao đầu tiên tại khu Little Saigon này?
Phạm Hoàng Bắc: Chúng tôi đã làm khách sạn từ năm 2003, hiện nay chúng tôi có 2 khách sạn, một khách sạn 2 sao ở Westminster và một khách sạn 3 sao ở Garden Grove. Tôi nghĩ rằng người Việt sẽ có nhu cầu về một khách sạn cao cấp hơn, vì người Việt ở đây ngày càng giầu hơn, họ có thể đến khách sạn 5 sao để hưởng các tiện nghi của khách sạn.
Theo tôi phỏng đoán, đa số khách sẽ là những người Việt từ các tiểu bang khác, muốn về đây chơi, mua sắm, hoặc là những người Việt từ bên châu Âu, từ trên toàn thế giới. Đặc biệt hơn nữa, nếu Việt Nam và Mỹ mở cửa hơn nữa thì chúng tôi luôn luôn chào đón những người từ Việt Nam qua đây chơi, thăm con hoặc đưa con đến đây học.
RFI : Theo kế hoạch, tất cả các công trình này khi nào sẽ hoàn thành?
Phạm Hoàng Bắc: Hiện nay khu chung cư 200 căn hộ thì đã làm được phân nữa rồi và sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 4 hay tháng 5 năm 2022. Còn khách sạn và khu chợ Bến Thành thì chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu trong 5 tháng nữa và thời gian hoàn thành sẽ mất thêm 2 năm nữa. Tức là hai năm rưỡi nữa sẽ xong, khoảng giữa năm 2023.
Người Việt Quận Cam: Từ ngôi nhà cổ Việt Nam đến khu phố Sài Gòn - Tạp chí xã hội (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten