dinsdag 16 maart 2021

Biden xóa nhòa hy vọng của Trung Quốc muốn Mỹ tái khởi động nhanh chóng quan hệ

 

Biden xóa nhòa hy vọng của Trung Quốc muốn Mỹ tái khởi động nhanh chóng quan hệ

Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng nhiều quan chức cao cấp, tham gia cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước Nhật Bản, Ấn Độ và Úc ngày 12/03/2021. Ảnh chụp tại Nhà Trắng (Washington, Hoa Kỳ).
Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng nhiều quan chức cao cấp, tham gia cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước Nhật Bản, Ấn Độ và Úc ngày 12/03/2021. Ảnh chụp tại Nhà Trắng (Washington, Hoa Kỳ). REUTERS - TOM BRENNER
Trọng Nghĩa
8 phút

Ngay từ khi được biết Joe Biden sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ, Bắc Kinh từng hy vọng quan hệ Mỹ-Trung vốn rất căng thẳng dưới thời Donald Trump sẽ cải thiện nhờ bản tính “ôn hòa” của tân chủ nhân Nhà Trắng.

Thế nhưng, dựa trên một loạt những tuyên bố và hành động của tân tổng thống Mỹ và chính quyền của ông trong thời gian gần đây, có thể nói rằng hỵ vọng về triển vọng quan hệ với Washington được nhanh chóng “tái khởi động” - tiếng Anh gọi là “reset” - theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc ngày càng xa vời.

Dấu hiệu mới nhất cho thấy đường lối cứng rắn của chính quyền Joe Biden đối với Trung Quốc là quyết tâm đẩy mạnh sự hình thành một loại liên minh toàn vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm chống lại đà bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực. Quyết tâm này vừa được thể hiện rõ nét qua việc một cuộc họp thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ Quad - bao gồm 4 nước Mỹ, Úc, Nhật, Ấn - lần đầu tiên được mở ra hôm 12/03/2021.

Cho dù Thượng Đỉnh Bộ Tứ đó chỉ mang tính chất không chính thức, lại chỉ diễn ra dưới hình thức trực tuyến, nhưng theo giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về châu Á thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, trường Đại Học New South Wales, đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, đặc biệt về mặt an ninh, quốc phòng.

Ý nghĩa quan trọng của việc "thể chế hóa" nhóm Bộ Tứ

Trong bài phân tích ngày 14/03 mang tựa đề “Trung Quốc ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng quân sư và cách đáp trả của Mỹ và Bộ Tứ”, giáo sư Thayer nhận xét như sau:

Việc thể chế hóa hơn nữa nhóm Bộ Tứ từ một cuộc họp cấp lãnh đạo qua cầu truyền hình, đến một thượng đỉnh thực thụ mặt đối mặt như đã được dự trù vào cuối năm nay, có ý nghĩa rất cao vì đó sẽ là lần đậu tiên mà lãnh đạo bốn cường quốc có liên quan sẽ có thể phối hợp các yếu tố phi quân sự - kinh tế, ngoại giao, chính trị - với yếu tố quân sự để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ Tứ sẽ không bao giờ trở thành một "NATO châu Á" nhưng sự phối hợp quốc phòng sẽ được tăng cường trong vấn đề mua sắm vũ khí, trao đổi công nghệ và phối hợp tác chiến trên biển”.

Theo giáo sư Thayer: “Có nhiều khả năng là phản ứng quân sự chống lại Trung Quốc ở vùng Đông Á - Biển Đông và Biển Hoa Đông - sẽ mang tính chất ba bên, với sự tham gia của Mỹ, Nhật và Úc, và sẽ đa phương hay tùy tình huống ở vùng Ấn Độ Dương. Tất cả các thành viên của nhóm Bộ Tứ đều chia sẻ quan điểm rằng không nên để Trung Quốc thống trị Biển Đông và hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không trên đại dương. Tất cả các thành viên của Bộ Tứ sẽ cung cấp các mức hỗ trợ khác nhau cho các quốc gia ven Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa và bắt nạt.

Có rất nhiều khả năng là Bộ Tứ sẽ được Hải Quân các nước châu Âu tiếp sức trên cơ sở cá nhân, đến từ các quốc gia như Pháp và Vương Quốc Anh vốn có quan hệ thương mại quan trọng với các nước trong khu vực”.

Biden tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc ngay từ ngày đầu nhậm chức

Trong một bài phân tích đăng trên trang mạng báo Nhật Bản Nikkei Asia ngày 14/03/2021 vừa qua, chuyên gia Derek Grossman thuộc tổ chức tham vấn Mỹ Rand Corporation cũng đã nêu bật tầm quan trọng của việc tổng thống Biden tham gia Thượng Đỉnh Bộ Tứ ngày 12/03, một nhóm mà bốn thành viên đều nhất trí là cần phải “chống lại các hành vi bức hiếp của Trung Quốc trên biển”. Chuyên gia Mỹ đã lồng động thái này vào trong một loạt những hoạt động đối kháng Bắc Kinh của Washington từ ngày ông Biden nhậm chức.

Ngay ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Biden, chính quyền của ông hôm 20/01 đã mời bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi Khim) - người có chức năng tương đương với đại sứ Đài Loan tại Mỹ - tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống. Đây là lần đầu tiên một quan chức Đài Loan được mời kể từ khi Washington cắt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để thiết lập bang giao với Bắc Kinh vào năm 1979.

Trung Quốc đã phản ứng một cách cực kỳ gay gắt, điều hàng chục chiến đấu cơ, trong đó có tám máy bay ném bom, xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Chính quyền Biden đã lập tức cảnh báo Bắc Kinh, đồng thời khẳng định cam kết “vững như bàn thạch”chắc của Washington trong việc bảo vệ Đài Loan.

Các chiến dịch tự do hàng hải liên tiếp tại Eo Biển Đài Loan và Biển Đông

Về hành động cụ thể, Mỹ đã liên tiếp cho chiến hạm di chuyển qua eo biển Đài Loan, bất chấp phản đối của Trung Quốc. Cho đến, chính quyền Biden đã ba lần cho tàu chiến băng qua eo biển Đài Loan.

Hải Quân Mỹ cũng tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Từ khi ông Biden nhậm chức đến nay, Mỹ cũng đã ba lần triển khai các hoạt động tự do hàng hải tại khu vực này.

Liệt Trung Quốc vào diện "đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất"

Trên bình diện quan hệ song phương nói chung, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại hôm 04/02, ông Biden không ngần ngại gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất đối với Mỹ”, khẳng định rằng Washington đã có kế hoạch “đối đầu” với Bắc Kinh trên một loạt thách thức, cho dù vẫn “sẵn sàng làm việc trong các vấn đề Mỹ có lợi ích”.

Một hôm sau, ngày 05/02, trong cuộc điện đàm đầu tiên với nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Dương Khiết Trì, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đề cập đến hàng loạt vấn đề nhạy cảm như Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng, đồng thời chỉ trích Bắc Kinh “phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Trong chuyến thăm Lầu Năm Góc ngày 10/02, tổng thống Biden còn khẳng định bắt đầu xem xét lại chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, động thái cho thấy chính sách của ông có thể sẽ nghiêng về lập trường quân sự cứng rắn.

Đề cập thẳng với Tập Cận Bình về mọi vấn đề nhạy cảm

Cùng ngày, ông Biden đã có cuộc điện đàm kéo dài hai tiếng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó ông đã nêu một loạt vấn đề, từ tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương cho đến Hồng Kông và nhiều hồ sơ khác.

Chính quyền ông Biden sau đó đã ban hành bản Hướng Dẫn Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Tạm Thời (Interim National Security Strategic Guidance), nhấn mạnh trên sự cần thiết phải cạnh tranh với Trung Quốc, trong khi vấn đề hợp tác ít được chú trọng hơn nhiều.

Đối với chuyên gia Derek Grossman, những động thái trên đây cho thấy là triển vọng về việc tái khởi động quan hệ Mỹ- Trung đang mờ nhạt dần. Thái độ cứng rắn của chính quyền Biden đã đi ngược lại nhận định của nhiều nhà quan sát trước đây, theo đó tân chính quyền Mỹ có thể sẽ đảo ngược lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm và thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, như vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, cuộc họp ngày 18/03 tới đây giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc tại bang Alaska (Mỹ) để thảo luận về quan hệ căng thẳng giữa hai nước sẽ rất được chú ý.

Biden xóa nhòa hy vọng của Trung Quốc muốn Mỹ tái khởi động nhanh chóng quan hệ (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten