dinsdag 23 maart 2021

Fukushima: Mười năm sau, thảm họa vẫn còn đó

 

Fukushima: Mười năm sau, thảm họa vẫn còn đó

Phần âm thanh 09:07
Các bồn chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy hạt nhân Fukushima, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 01/03/2021.
Các bồn chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy hạt nhân Fukushima, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 01/03/2021. © REUTERS - SAKURA MURAKAMI
Thanh Phương
20 phút

Ngày 11/03/2021, nước Nhật đã tưởng niệm 10 năm xảy ra 3 thảm họa cùng một lúc ( động đất, sóng thần và tai nạn hạt nhân ) tại Fukushima ngày 11/03/2011, mà cho tới nay vẫn còn gây chấn thương toàn bộ xứ sở Phù Tang. Đặc biệt là 10 năm sau, Nhật Bản, một trong những quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới, vẫn chưa khắc phục được hết những hậu quả của thảm họa hạt nhân trầm trọng nhất kể từ tai nạn Chernobyl ở Ukraina năm 1986.


Thiệt hại nhân mạng gần 18.500 người chết chủ yếu là do cơn sóng thần khổng lồ ập xuống vùng bờ biển đông nam Nhật Bản sau trận động đất với cường độ lên tới 9,0. Nhưng cơn sóng thần này sau đó đã phá hủy hoàn toàn nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, dẫn đến tình trạng ô nhiễm phóng xạ lâu dài ở các khu vực chung quanh, trên đất liền cũng như trên biển, buộc hàng chục ngàn người dân địa phương phải tản cư, mà nhiều người cho đến nay chưa thể trở về được, do khu vực này chưa được tẩy độc hoàn toàn. Người ta cũng chưa tìm ra một giải pháp thật sự cho nhà máy điện Fukushima và sức khỏe của cư dân địa phương vẫn bị đe dọa.

Trả lời phỏng vấn đài RFI Pháp ngữ ngày 11/03/2021, nhà địa lý học Philippe Pelletier, giáo sư danh dự Đại học Lyon 2, tác giả cuốn sách «L’invention du Japon», ghi nhận :

" Còn rất nhiều việc phải làm. Việc tháo dỡ các lò phản ứng nguyên tử của nhà máy vẫn chưa thật sự được bắt đầu. Một trong những mối quan ngại lớn nhất hiện nay đó là các bồn chứa nước nhiễm xạ, tức là nước đã được dùng để làm nguội các lò phản ứng. Các bồn chứa này vẫn còn đầy nước và vấn đề bây giờ là phải xử lý nước nhiễm xạ như thế nào. Một vấn đề lớn khác đó là đưa người dân trở về nơi ở trước đây.

Các kế hoạch được dự trù đã bị tạm hoãn, các thời hạn thì liên tục bị lùi lại, đặc biệt là về mối quan tâm chủ yếu của chính quyền Nhật: đưa người dân địa phương trở về. Các khoản tiền trợ giúp cho những người dân Fukushima phải tản cư đã bị cắt từ năm 2017. Chính sách hiện nay là cố gắng đưa những người này trở về nơi ở cũ, nhưng đã không đạt kết quả, vì theo thẩm định, chỉ mới có 10% số người tản cử được quay trở về."

Theo lời kỹ sư vật lý hạt nhân Bruno Chareyron, giám đốc phòng thí nghiệm của Ủy ban Nghiên cứu và Thông tin Độc lập về Phóng xạ CRIIRAD, trả lời trên trang web của RFI Pháp ngữ ngày 11/03, 10 năm sau, nhà máy hạt nhân Fukushima vẫn trong tình trạng hư hại nặng nề và vẫn chưa được coi là an toàn. Công ty Điện lực Tokyo TEPCO vẫn tiếp tục bơm mỗi ngày 200 m3 nước để làm nguội các lò phản ứng 1,2 và 3. Nước làm nguội này dĩ nhiên cũng bị nhiễm phóng xạ, cho nên TEPCO phải làm sao thu hồi hết lượng nước đó trước khi nó thấm vào đất hoặc chảy ra biển.

Kỹ sư Chareyron cho biết, tập đoàn TEPCO nay đang đứng trước một vấn đề hầu như không thể giải quyết được, với hơn 1,2 triệu m3 khối nước nhiễm xạ trữ trong một ngàn bồn nước. Cho nên tập đoàn này này, với sự chấp thuận của chính phủ, dự tính xả dần dần nước từ các bồn chứa nói trên ra Thái Bình Dương. Họ cho rằng làm như vậy sẽ không gây ô nhiễm nước biển, vì hàm lượng phóng xạ sẽ thấp hơn mức quy định của quốc tế. Nhưng giáo sư Pelletier phản bác lập luận đó:

" Đó chỉ là những phỏng đoán thôi. Chẳng cần phải là một chuyên gia về phóng xạ, chỉ nhìn lại tai nạn ở Vịnh Minamata, với vụ nhiễm mercure do chuỗi thức ăn trong biển, là đủ thấy: một liều lượng rất nhỏ thải vào trong đại dương có thể tăng thành gấp bội mức độ ô nhiễm thông qua chuỗi thức ăn. Thực chất là chúng ta không biết rõ vì sao nó lại như vậy và đó chính là vấn đề. Rất khó cho một số nhà khoa học và nhà chính trị nhìn nhận rằng họ không biết gì cả, nhưng từ đó mà lấy những quyết định đầy rũi ro như vậy là một trách nhiệm rất lớn."

Nói chung, việc tháo dỡ hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân Fukushima sẽ kéo dài nhiều năm, nhưng theo giáo sư Pelletier, khó khăn trước mắt là phải tẩy rửa đất nhiễm xạ để có thể đưa người dân trở về:

" Người ta đã đưa ra thời hạn 2035, nhưng rất mà khó đạt được thời hạn đó. Bên cạnh đó còn phải tiến hành công trình tẩy độc đất, vì trên thực tế đây thật sự là vấn đề chính yếu quyết định cho việc đưa người dân địa phương trở về hay không. Theo kết quả nghiên cứu của một phòng thí nghiệm khoa học Pháp-Nhật, vốn đã tiến hành những nghiên cứu khoảng một chục năm nay về cesium 137 trong đất và trong nước của các đập, thì đúng là khoảng 3, 4 năm trở lại đây, hàm lượng cesium 137 đã giảm đi, nhưng chủ yếu đó là những phân tích về đất, chứ không phải về các rừng. Thế mà trong diện tích vùng bị nhiễm phóng xạ, có đến 75% là rừng bao phủ.

Chúng ta biết rằng mỗi khi có mưa thì thường lại có một lượng phóng xạ từ cây cối đổ xuống, thẩm thấu vào đất. Tôi xin nói rõ là 9.000 km vuông đất đã được xử lý. Xử lý có nghĩa là người ta cào một lớp đất khoảng 5 cm, bỏ vào các túi, rồi chất các túi này vào các kho đặt rải rác khắp nơi trong vùng của nhà máy điện hạt nhân. Có khi người ta lại phải cào thêm một lớp đất nữa, nếu hàm lượng chất phóng xạ vẫn còn cao. Một khu vực tương đương với diện tích đảo Corse đã được dọn sạch như vậy, với tổng cộng 20 triệu mét khối đất được cào lên, với chi phí 24 tỷ euro. Đây quả là một công trình khổng lồ, nhưng tôi xin nhắc lại, ba phần tư diện tích vùng bị nhiễm phóng xạ là rừng."

Trên thực tế, theo giáo sư Pelletier, nếu chọn một giải pháp triệt để thì phải phá hết rừng, tức là chặt hết cây. Nhưng ngoài vấn đề cảnh quan bị tàn phá, nhiều khu rừng  trong vùng này nằm trên sườn rất dốc, và như vậy nếu phá rừng đi thì đất sẽ bị sói mòn nhanh. Cho nên, đó lại càng không phải là một giải pháp. 

Mười năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima, chúng ta có thể đo lường hậu quả của ô nhiễm phóng xạ đối với người dân? Giáo sư Pelletier nhận định:

"Đó là một vấn đề rất nhạy cảm, liên quan đến chất cesium 137, một vấn đề gây tranh cãi lớn về khoa học và chính trị, vì nhà chức trách và tập đoàn TEPCO đều cố giảm nhẹ tác động, nhất là tác động gây bệnh ung thư tuyến giáp, đặc biệt ở trẻ em. Thật ra thì phải đợi rất nhiều năm, chứ không chỉ 10 năm, bởi vì tuy đã có nhiều số liệu, nhưng cũng có nhiều tranh cãi. Vấn đề của ô nhiễm phóng xạ chính là ở chỗ đó.

Cho nên, đứng về góc độ khoa học xã hội, thậm chí thuần túy về mặt xã hội, có một điều rất đáng cho chúng ta quan sát, đó là chính cư dân tự đo lấy độ ô nhiễm phóng xạ trong rau quả, tôm cá. Nhưng điều này tạo ra nguy cơ gọi là cá nhân hóa rủi ro, tức là các cá nhân phải tự lo rất nhiều thứ, trong khi, tôi xin nhắc lại, các khoản trợ giúp tái định cư cho 160.000 người tản cư đã bị cắt từ năm 2017. Những người đó thì nay phải làm sao đây? Họ sẽ vẫn sống trong những căn nhà tạm bợ ở vùng ngoại vi tỉnh Fukushima, hay sẽ trở về sống ở nơi cũ, với những nguy cơ mà ai cũng thấy. Đó quả là một vấn đề xã hội."  

Còn việc xử lý các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima chắc phải mất hàng mấy thập niên mới xong. Theo kỹ sư Chareyron, vấn đề phức tạp nhất vẫn là các lõi nóng chảy của các lò phản ứng 1,2 và 3. TEPCO đã nhiều lần đưa các robot xuống để thẩm định tình trạng và xác định vị trí của những khối này, nhưng độ phóng xạ ở đây cao đến mức mà các robot bị hỏng ngay, không thể hoạt động được. Tập đoàn TEPCO đã từng tuyên bố họ sẽ thu hồi các lõi nóng chảy này từ đây đến năm 2050, nhưng chẳng ai biết họ sẽ bằng làm cách nào. Kỹ sư Chareyron dự đoán có thể là chính phủ Nhật cuối cùng sẽ quyết định để chúng ở nguyên đó và bao phủ toàn bộ, giống như tại Chernobyl, thảm họa hạt nhân đã xảy ra từ năm 1986 mà cho tới nay cũng vẫn chưa được giải quyết xong.  

Theo kỹ sư Chareyron, thảm họa Fukushima cho thấy là con người vẫn chưa chế ngự được năng lượng hạt nhân và khi có một thảm họa xảy ra, chúng ta sẽ rơi vào một tình trạng hoàn toàn không thể quản lý được, từ việc thu hồi các lõi nóng chảy, làm nguội các lò phản ứng, cho đến việc xử lý những đất bị nhiễm xạ.

Ngành công nghiệp hạt nhân là một trong những ngành hiếm hoi mà các chính phủ cho phép hoạt động trong khi ngành này không được bảo hiểm đúng với mức của những thiệt hại nó có thể gây ra. Cách đây vài năm Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản đã thẩm định là hậu quả tài chính của thảm họa hạt nhân Fukushima sẽ lên tới hơn 640 tỷ euro ( chi phí tháo dỡ, đền bù người dân, tẩy rửa phóng xạ, quản lý rác thải hạt nhân,...). Nhưng trách nhiệm dân sự đối với công ty khai thác nhà máy điện hạt nhân lại rất thấp ( chẳng hạn như ở Pháp chỉ là 700 triệu euro, tức là coi như thấp hơn 1.000 lần )

Đối với kỹ sư Chareyron, đó là điều không thể chấp nhận được. Nếu người dân và các chính phủ cho phép vận hành các nhà máy điện nguyên tử, thì họ phải được cung cấp đầy đủ thông tin và phải chấp nhận nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân. Nhưng vấn đề là họ có nhận thức đúng những hậu quả về môi trường, y tế, xã hội và kinh tế của các tai nạn hạt nhân đó hay không?

Fukushima: Mười năm sau, thảm họa vẫn còn đó - Tạp chí xã hội (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten