dinsdag 16 maart 2021

Miến Điện: Trung Quốc trở thành đối tượng bị người biểu tình tấn công + Không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản cũng bảo vệ lợi ích ở Miến Điện

 

Miến Điện: Trung Quốc trở thành đối tượng bị người biểu tình tấn công

Nhà máy của Trung Quốc trong khu công nghiệp Hlaing Thar Yar , gần Rangoon, Miến Điện bị người biểu tình chống đảo chính đốt phá ngày 14/03/2021.
Nhà máy của Trung Quốc trong khu công nghiệp Hlaing Thar Yar , gần Rangoon, Miến Điện bị người biểu tình chống đảo chính đốt phá ngày 14/03/2021. AP
Trọng Nghĩa
5 phút

Phải chăng Trung Quốc đang phải trả giá cho thái độ bị cho là bênh vực giới quân đội vừa làm đảo chánh tại Miến Điện? Đây là câu hỏi vừa được đặt ra sau vụ một đám đông người biểu tình, vào hôm qua, 14/03/2021, đã tấn công và đốt phá một số nhà máy may mặc do các công ty Trung Quốc điều hành ở khu công nghiệp Hlaing Thar Yar vùng ngoại ô Rangoon.

Ngay từ khi phong trào chống đảo chánh quân sự bùng lên tại Miến Điện vào thượng tuần tháng Hai, Trung Quốc đã trở thành đối tượng bị người biểu tình đả kích vì bị cho là chỗ dựa của chính quyền quân sự đã lật đổ chế độ dân sự của bà Aung San Suu Kyi.

Tại những cuộc xuống đường rầm rộ ở Rangoon, thủ phủ kinh tế của Miến Điện chẳng hạn, các khẩu hiệu bằng tiếng Hoa như “Trung Quốc không được quyền ủng hộ cuộc đảo chánh” luôn được người biểu tình giương lên, cho thấy thái độ giận dữ đối với quốc gia bị cho là đã hậu thuẫn của chính quyền quân sự.

Theo ghi nhận của các nhà quan sát, dù Bắc Kinh đã ra sức cải chính, nhưng người dân Miến Điện vẫn nhớ lại mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với các chính quyền quân sự trước đây tại Miến Điện, đặc biệt là trong việc cung cấp vũ khí cho lực lượng hiện đang thẳng tay bắn giết người biểu tình chống đảo chánh.

Từ những khẩu hiệu suông, thái độ giận dữ của người biểu tình Miến Điện vào hôm qua như vậy đã bùng lên thành những hành động bạo lực cụ thể, mà vụ tấn công và đốt phá các cơ sở do người Trung Quốc điều hành tại khu công nghiệp Hlaing Thar Yar chỉ là bề nổi.

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một tin nhắn Twitter, báo Trung Quốc Global Times đã dẫn lời đại sứ quán Trung Quốc ở Miến Điện cho biết là đã có đến “32 nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc bị phá hoại trong các cuộc tấn công ác ý nhằm vào công ty Trung Quốc ở Rangoon… Thiệt hại lên tới 240 triệu nhân dân tệ (36,89 triệu đô la)”.

Cũng theo Reuters, đại sứ quán Trung Quốc gọi vụ việc là “nghiêm trọng” và thông báo trên trang web của họ rằng nhiều công nhân Trung Quốc bị kẹt trong các nhà máy đang cháy, đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự “thực hiện các biện pháp thích đáng để chấm dứt các hành vi bạo lực”.

Thái độ phẫn nộ của người dân Miến Điện đối với Bắc Kinh còn được thấy rõ trên mạng. Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde vào hôm nay, trang Facebook của đại sứ quán Trung Quốc ở Miến Điện tràn ngập những bình luận mang tính thù hận, ủng hộ những kẻ tấn công vào các nhà máy Trung Quốc và kêu gọi họ giữ vững lập trường.

Trên trang Facebook của mình, ông Ei Thinzar Maung, một trong những người tổ chức phong trào bất tuân dân sự chống chính quyền quân sự, cảnh cáo rằng nếu người Trung Quốc “muốn làm ăn ở Myanmar [tức Miến Điện], họ phải tôn trọng người dân Myanmar”. Nhân vật này không ngần ngại kết luận: “Hỡi các chiến binh Hlaing Tha Yar [khu công nghiệp], chúng tôi tự hào về các bạn!”

Đài Loan yêu cầu các công ty ở Miến Điện treo cờ để tránh vạ lây

Nỗi giận dữ đối với Trung Quốc biến thành bạo đông đánh vào các cơ sở của Trung Quốc dĩ nhiên có thể gây vạ lây. Theo Reuters, cơ quan đại diện Đài Loan tại Miến Điện chẳng hạn, đã khuyến cáo các công ty Đài Loan hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này là nên treo cờ của đảo và các tấm biển bằng tiếng Miến Điện nói rõ rằng hộ là những cơ sở Đài Loan để tránh bị nhầm lẫn với Trung Quốc.

Các công ty Đài Loan ở Đông Nam Á từng bị nhầm lẫn với các công ty Trung Quốc trong các cuộc biểu tình trước đây, đặc biệt là vào năm 2014 khi hàng nghìn người Việt Nam phản ứng tức giận trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD-981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông.

Miến Điện: Trung Quốc trở thành đối tượng bị người biểu tình tấn công (rfi.fr)

Không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản cũng bảo vệ lợi ích ở Miến Điện

Dân Nhật tuần hành phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện tại trung tâm Tokyo, Nhật Bản, ngày 14/02/2021.
Dân Nhật tuần hành phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện tại trung tâm Tokyo, Nhật Bản, ngày 14/02/2021. REUTERS - KIM KYUNG-HOON
Thu Hằng
5 phút

Hơn 4.000 người Nhật Bản tuần hành ở trung tâm thủ đô Tokyo chiều 16/02/2021 để đòi trả tự do cho nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi. Hình ảnh này trái ngược với thái độ của chính quyền Tokyo, chỉ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và kêu gọi “tái lập hoạt động dân chủ trong thời hạn sớm nhất”. Nhật Bản ký thông cáo chung của nhóm G7 lên án đảo chính nhưng im lặng trong việc trừng phạt.

Tokyo giữ thái độ thận trọng để bảo vệ mối quan hệ “đặc biệt”, nhưng “nhập nhằng” với Naypyidaw.

Bảo vệ mối quan hệ từ thời Thế Chiến II

“Đặc biệt” vì Nhật Bản luôn hiện diện tại Miến Điện từ Thế Chiến II, theo bài phân tích của báo Le Monde ngày 16/02. Khi Miến Điện bị Đế Quốc Nhật Bản chiếm đóng (1942-1945), chính quân đội Nhật Bản đã giúp đào tạo “30 đồng chí” xây dựng lực lượng nòng cốt của “Tatmadaw” để đánh đuổi thực dân Anh giành độc lập, trong đó có Aung San, cha của nhà lãnh đạo Suu Kyi đang bị quân đội Miến Điện bắt giam. Sau đó, Nhật Bản bồi thường chiến tranh, viện trợ phát triển cho Miến Điện. Kể cả khi Miến Điện bị cô lập sau cú đảo chính năm 1988, Tokyo vẫn duy trì tài trợ và trao đổi ngoại giao ở một cấp độ nào đó.

Tiến trình dân chủ tại Miến Điện vào năm 2011 đã thúc đẩy mối quan hệ song phương, được thủ tướng Shinzo Abe cổ vũ mạnh mẽ. Nhật Bản duy trì mối quan hệ “nước đôi” với cả chính phủ dân sự và quân đội Miến Điện. Từ năm 2014, bộ Quốc Phòng Nhật Bản đào tạo sĩ quan Miến Điện. Hiện có 8 người vẫn đang theo học ở Viện Hàn Lâm Quốc Phòng Nhật Bản. Tháng 10/2019, tướng Min Aung Hlaing được đón tiếp long trọng ở Tokyo bất chấp việc vị tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang bị lên án “diệt chủng” người Rohingya và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. Cuộc gặp của ngoại trưởng Toshimitsu Motegi với bà Aung San Suu Kyi và tướng Min Aung Hlaing vào tháng 08/2020 cho thấy Nhật Bản công nhận vị thế của hai nhà lãnh đạo Miến Điện.

Miến Điện : Vị trí chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Sự thận trọng, “ưu ái” và khôn khéo trong mối quan hệ với Naypyidaw còn nhằm tránh để Miến Điện có chung số phận với Cam Bốt và Lào, “đã trở thành những tỉnh của Trung Quốc”, theo nhận định của một nhà hoạt động nhân đạo Nhật Bản tại Miến Điện, được nhật báo Le Figaro trích ngày 03/02.

Trừng phạt quân đội Miến Điện không phải là giải pháp hữu hiệu, vì theo thứ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama, “Miến Điện có thể sẽ rời xa hơn các nước dân chủ và gia nhập vùng ảnh hưởng của Trung Quốc”.

Ngoài ra, bài học áp lực quốc tế đối với chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi vẫn còn đó, theo ông Kuni Miyake, cố vấn đặc biệt của thủ tướng Suga : “Khi chỉ trích bà Aung San Suu Kyi không trở thành người như họ mong muốn, phương Tây đã tạo cơ hội cho Tatmadaw lật đổ bà”.

Bảo vệ lợi ích kinh tế tại Miến Điện

Ngoài mối quan hệ lịch sử và chiến lược, Nhật Bản, đối tác thương mại lớn thứ 3 của Miến Điện, còn phải bảo vệ lợi ích kinh tế tại quốc gia có 54 triệu dân với đời sống được cải thiện từ năm 2015. Trong vòng 10 năm, từ 2011 đến 2021, số công ty nước ngoài đầu tư vào Miến Điện đã tăng lên gần gấp 10, từ 53 lên thành 436.

Nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Toyota, Unicharm hay KDD… đều có dự án tại Miến Điện, kể cả kết hợp với các doanh nghiệp do quân đội quản lý. Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, tập đoàn bất động sản Daiwa House và tập đoàn khách sạn Okura tham gia xây dựng trung tâm thương mại cao cấp Y Complex tại Rangoon. Năm 2019, tập đoàn Suzuki Motor cung cấp 13.000 xe, chủ yếu là cho thị trường nội địa Miến Điện. Nhà sản xuất bia Kirin của Nhật Bản, vừa chấm dứt hoạt động tại Miến Điện ngày 05/02, từng kết hợp với hai chi nhánh của tập đoàn Myanma Economic Holdings có liên hệ với quân đội Miến Điện.

Các cuộc biểu tình và đình công bắt đầu tác động đến hoạt động kinh tế. Lên án và gây sức ép tối đa đối với tập đoàn quân sự sẽ khiến tình hình thêm trầm trọng và sẽ không có lợi cho các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Miến Điện, mà Nhật Bản, cũng như Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

Nhìn rộng hơn, theo nhận định trên Le Figaro của luật gia, kiêm nhà sử học Pháp Antoine Charif Sfeir, “không một cường quốc nào dám mạo hiểm lợi ích của mình ở Miến Điện để cứu tiến trình dân chủ hóa đất nước”.

Không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản cũng bảo vệ lợi ích ở Miến Điện (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten