Covid-19: WHO kêu gọi chia sẻ công nghệ vac-xin theo gương AstraZeneca
Đăng ngày:
Hôm qua, 22/03/2021, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nhà sản xuất vac-xin phòng Covid-19 noi gương hãng dược AstraZeneca, cho phép các cơ sở chế vac-xin sử dụng công nghệ của mình, để giảm các bất bình đẳng trong cơ hội sử dụng vac-xin.
Trả lời báo giới, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi các dữ liệu mới đây về các thử nghiệm vac-xin AstraZeneca, cho thấy vac-xin này hiệu quả đến 79%, trong việc ngăn ngừa Covid-19, và điều quan trọng là không làm tăng nguy cơ đông máu. Theo tổng giám đốc WHO, « những dữ liệu này là bằng chứng thêm rằng vac-xin của AstraZeneca là an toàn và hiệu quả ». Trong khi đó, giám đốc khoa học của WHO, bà Soumya Swaminathan, gọi đây là « một loại vac-xin rất tốt cho mọi lứa tuổi ».
Các quan chức của WHO cho biết không có dấu hiệu giảm nhu cầu đối với vac-xin AstraZeneca theo chương trình COVAX do WHO điều phối, sau khi việc sử dụng vac-xin này đã bị một số quốc gia châu Âu tạm dừng vào tuần trước. Ông Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, cho biết các quốc gia liên quan đã đặt rất nhiều câu hỏi, nhưng nhu cầu về vac-xin là rất cao. Tuy nhiên, vị chuyên gia của WHO cũng nói thêm là sáng kiến COVAX đang gặp một số « vấn đề », vì các nhà sản xuất có thể không theo kịp tiến độ triển khai như dự kiến.
Hôm nay, bà Sandra Gallina, phụ trách thương lượng về AstraZenaca của Liên Âu, cho biết Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm mọi cách để AstraZeneca cung cấp các liều vac-xin như đã cam kết.
Hãng dược phẩm AstraZeneca hôm nay cũng cam kết cập nhật dữ liệu mới nhất, trong vòng 48 giờ cho cơ quan quản lý Hoa Kỳ giám sát các thử nghiệm lâm sàng (DSMB), sau khi bị chỉ trích về việc cung cấp dữ liệu không cập nhật.
Covid-19: WHO kêu gọi chia sẻ công nghệ vac-xin theo gương AstraZeneca (rfi.fr)
WHO khẳng định vac-xin AstraZeneca an toàn trong khi châu Âu tạm ngừng sử dụng
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay, 16/03/2021, khuyến nghị tiếp tục chiến dịch tiêm vac-xin AstraZeneca, sau khi hàng loạt quốc gia thông báo tạm thời đình chỉ sử dụng, do lo ngại vac-xin AstraZenaca có thể gây ra những hiệu ứng phụ nghiêm trọng.
Trong lúc hôm qua, thêm bảy nước châu Âu (gồm Đức, Pháp, Ý, Slovenia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Latvia) quyết định tạm ngừng sử dụng AstraZeneca, cũng ngày hôm qua, 15/03, Cơ quan Dược phẩm châu Âu thông báo trong khi cuộc điều tra đang diễn ra, EMA hiện vẫn giữ quan điểm là lợi ích của vac-xin AstraZeneca trong việc ngăn ngừa COVID-19 « lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ ». Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) dự kiến sẽ phải sớm đưa ra quan điểm chính thức về hồ sơ này. Trả lời báo giới, bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran nhấn mạnh là ông hy vọng « cộng đồng khoa học châu Âu » sẽ có quyết định về vấn đề này vào chiều ngày thứ Năm 18/03 tới. Bộ phận phụ trách đánh giá các nguy cơ của dược phẩm của EMA có một cuộc họp hôm nay về chủ đề này.
Về phản ứng của Tổ chức Y tế Thế giới, hôm nay, nhóm chuyên gia của WHO về tiêm chủng cũng có cuộc họp để xem xét về độ an toàn của vac-xin, « trong sự phối hợp chặt chẽ với với Cơ quan Dược phẩm châu Âu », theo tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus. Tuy nhiên, WHO khẳng định AstraZeneca an toàn, ngay sau khi hàng loạt quốc gia đình chỉ tiêm chủng vac-xin AstraZeneca. Thông tín viên Jérémie Lanche từ Genève cho biết cụ thể:
« Tổ chức Y tế Thế giới ngay lập tức khẳng định : Không có lý do gì để không tiêm chủng Covid-19 với vac-xin AstraZeneca. Định chế y tế của Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng việc đình chỉ một dược phẩm do các hiệu ứng phụ không phải là chuyện bất thường. Và điều này thậm chí còn là bằng chứng cho thấy là hệ thống giám sát vận hành tốt. Ngoại trừ một thực tế là cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy có liên hệ giữa chứng máu đông, ghi nhận ở một số người được tiêm chủng, và vac-xin AstraZeneca.
Người phụ trách khoa học của WHO, bà Soumya Swaminathan, cho biết bà hiểu nỗi ngờ vực của các nước châu Âu, nhưng không đồng tình với việc ngừng chiến dịch tiêm chủng : ‘‘Ít nhất 2,6 triệu người chết do Covid-19. Trong lúc, trên tổng số 300 triệu liều vac-xin đã được sử dụng trên khắp thế giới, hiện không có bất cứ một trường hợp tử vong nào có liên hệ trực tiếp với một loại vac-xin, bất kể vac-xin nào. Như vậy, tôi tin rằng, nếu như một mặt, chúng ta phải theo dõi rất sát các diễn biến, mặt khác chúng tôi cũng không muốn làm cho mọi người phải hoảng hốt. Trong hiện tại, chúng tôi khuyến nghị các nước nên tiếp tục chương trình tiêm chủng với AstraZeneca. Chúng ta sẽ sớm có thông tin rõ ràng hơn’’.
Tổng cộng cho đến nay, đã có khoảng hơn 10 nước đình chỉ tiêm chủng với vac-xin AstraZeneca. Một số nước chỉ đơn giản là tạm thời chưa sử dụng một số lô vac-xin bị nghi ngờ. Vấn đề này chỉ liên quan đến các nước châu Âu. Ngược lại, không hề có nghi ngờ nào về số vac-xin AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ và Hàn Quốc. Chính hai quốc gia này là nơi sản xuất tuyệt đại đa số vac-xin AstraZeneca dành cho những nước nghèo trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng Covax do WHO điều phối ».
Vac-xin AstraZeneca, do tập đoàn AstraZeneca và đại học Oxford hợp tác chế tạo, tính đến nay đã được tiêm hơn 11 triệu liều. Trong lúc nhiều nước châu Âu ngừng tiêm AstraZeneca, Thái Lan hôm nay khởi sự trở lại chiến dịch tiêm ngừa với loại vac-xin này. Thái Lan là quốc gia ngoài châu Âu đầu tiên tạm đình chỉ việc tiêm AstraZeneca.
WHO khẳng định vac-xin AstraZeneca an toàn trong khi châu Âu tạm ngừng sử dụng (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten