dinsdag 30 maart 2021

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ tiến triển nhờ…Trung Quốc + Chính quyền Biden sẽ xây dựng « chính sách hiện hữu hơn » với ASEAN

 

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ tiến triển nhờ…Trung Quốc

Người biểu tình ở Manila ngày 21/06/2019 dẫm lên cờ Trung Quốc để phản đối sự kiện một tàu Trung Quốc tấn công tàu Philippines.
Người biểu tình ở Manila ngày 21/06/2019 dẫm lên cờ Trung Quốc để phản đối sự kiện một tàu Trung Quốc tấn công tàu Philippines. © AP Photo/Aaron Favila, File

Theo chuyên gia Derek Grossman (*) trên Nikkei Asia Review ngày 12/09/2020, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Donald Trump đã tăng tiến mạnh trong những tháng gần đây, nhằm đạt mục tiêu duy trì một khu vực tự do và rộng mở trước sự hung hăng của Trung Quốc. Thật là trớ trêu khi chính Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình này.

Sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong vấn đề Hồng Kông, Đài Loan cũng như các bên tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, rồi nay thậm chí còn gây hấn với Ấn Độ dọc theo dãy Himalaya, đã dẫn đến một sự đồng thuận tại Ấn Độ-Thái Bình Dương và xa hơn nữa, rằng việc giương oai diễu võ của Trung Quốc là một hành động không được hoan nghênh trong khu vực.

Nhiều quốc gia liên quan đã tăng cường sâu sắc quan hệ an ninh với nhau và với Hoa Kỳ, nhằm giảm thiểu mối đe dọa. Nếu Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra hiếu chiến, sẽ có thêm những nước khác có thể đi theo, khiến Trung Quốc càng bị cô lập hơn.

Tạm lấy ví dụ Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là Bộ Tứ (Quad) gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Bốn quốc gia này đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự và các chuẩn mực hành vi quốc tế trên cơ sở luật lệ. Sự hợp tác an ninh của Bộ Tứ ngày càng sâu hơn.

Hôm 01/07/2020, bộ Quốc Phòng Úc đưa ra chiến lược cập nhật và kế hoạch bố trí lực lượng nhằm đối phó với Trung Quốc. Vài ngày sau đó, Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý kết thúc việc đối đầu quân sự dọc theo vùng biên giới tranh chấp, nhưng hậu quả thì đã rõ. Giờ đây ngay cả những người ủng hộ Trung Quốc nhiệt thành nhất tại Ấn Độ cũng trở nên cứng rắn hơn.

Rồi đến ngày 14/07, Tokyo công bố Sách Trắng quốc phòng thường niên, tố cáo các mưu toan đơn phương không ngừng nghỉ của Trung Quốc nhằm « thay đổi nguyên trạng bằng cách cưỡng bức ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku ».

Thái độ hung hăng của Trung Quốc cũng có nghĩa là Washington đang có quan hệ khá tốt ở Đông Nam Á – vùng cạnh tranh ảnh hưởng chủ yếu.

Việt Nam là một đối tác an ninh đang lên của Mỹ, và là chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay. Tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hôm 09/09, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định : « Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp nhanh nhạy, mang tính xây dựng của Hoa Kỳ trước nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông ».

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Việt Nam cập nhật chính sách quốc phòng « Ba Không » tháng 11 năm ngoái, nêu rõ Hà Nội sẽ không bao giờ khơi mào chiến tranh, nhưng nếu bị gây chiến, Việt Nam có thể tăng cường quan hệ với các đối tác của mình – có thể hiểu là Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang củng cố quan hệ an ninh với một loạt các quốc gia khác, trong đó có Úc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Còn tại những nước khác trong khu vực, Malaysia đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc công hàm ngày 29/07, bác bỏ « toàn bộ » những yêu sách lâu nay của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông.

Trước đó ngày 02/06, tổng thống thân Trung Quốc và chống Mỹ của Philippines, Rodrigo Duterte, đã hoãn lại quyết định về việc có chấm dứt thỏa ước VFA (Visiting Forces Agreement) hay không, chủ yếu do Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra hiếu chiến trên Biển Đông. Thỏa thuận này cho phép Mỹ đưa quân đến và tập trận tại Philippines để đối phó với những tình huống bất ngờ từ phía Trung Quốc.

Indonesia hôm 22/07 đã tổ chức một cuộc tập trận lớn trong khu vực, rõ ràng nhằm ngăn chận việc Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Ngay cả Brunei, vốn lặng lẽ nhất trong các bên yêu sách, ngày 20/07, đã gây ngạc nhiên khi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tuân thủ các quy định của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển) để giải quyết tranh chấp.

Đài Loan cũng cam kết duy trì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hòn đảo này phải đối mặt với áp lực không ngừng tăng lên của Trung Quốc trên mọi mặt, và như vậy Bắc Kinh đã góp phần vào những tiến triển gần đây trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan.Cách hành xử tồi tệ của Bắc Kinh cũng đã thúc đẩy các quốc gia bên ngoài khu vực ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Đáng chú ý nhất là Anh và Pháp trong năm 2018 đã tham gia các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải, hiện diện trên Biển Đông để thách thức các yêu sách của Trung Quốc. Hôm 17/06, Anh, Pháp cùng với các nước khác trong nhóm G7, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông.

Tất nhiên không phải tất cả các nước trong khu vực đều cảm thấy thoải mái khi ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, và Washington không nên chờ đợi nhiều từ Cam Bốt, Lào, Miến Điện ; hoặc đáng ngại hơn là Thái Lan, nước vẫn là đồng minh của Mỹ. Cảnh báo của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 29/07 rằng Hoa Kỳ nên ngưng « coi Trung Quốc là kẻ thù », cũng khiến Washington tạm lơi tay. Singapore trên thực tế là đồng minh về an ninh, vốn là cầu nối giữa Mỹ và Trung Quốc, là trái tim của khu vực.

Và việc nhiều nước ủng hộ mục tiêu của Hoa Kỳ, không nhất thiết có nghĩa là họ đã chọn lựa Washington thay vì Bắc Kinh. Hầu hết, nếu không phải là tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều muốn giữ thế trung lập, để tránh đối kháng với bên này hoặc bên kia.

Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương ngày càng lo lắng trước những hành vi của Trung Quốc, và nếu khuynh hướng này tiếp tục duy trì, Bắc Kinh có thể xa rời họ hoặc các nước khác nữa. Rất có thể những quốc gia này sẽ ủng hộ tích cực hơn các mục tiêu của Mỹ.

Thế nên không phải là ngẫu nhiên khi bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) tuần trước đã bắt đầu đi thăm Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines để vận động.

Nếu quan hệ không được thúc đẩy trở lại, Bắc Kinh có thể sẽ phải dựa vào những người bạn ít ỏi tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương  như Bắc Triều Tiên, Pakistan, Cam Bốt, Nga. Đó sẽ là một thảm họa.

(*) Chuyên gia Derek Grossman từng là cố vấn Lầu Năm Góc, hiện là nhà phân tích của tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation.

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ tiến triển nhờ…Trung Quốc (rfi.fr)

Chính quyền Biden sẽ xây dựng « chính sách hiện hữu hơn » với ASEAN

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden họp trực tuyến cập nhật tình hình an ninh quốc gia ngày 17/11/2020 Wilmington, Delaware.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden họp trực tuyến cập nhật tình hình an ninh quốc gia ngày 17/11/2020 Wilmington, Delaware. AP - Andrew Harnik

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP mà 15 nước châu Á-Thái Bình Dương ký ngày 15/11/2020 được cho là một thành công của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, chỉ hai tháng trước khi tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, chính quyền của tổng thống tân cử Joe Biden cần xây dựng một « chính sách hiện hữu hơn » tại Đông Nam Á, khu vực trọng tâm trong chiến lược « Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở » nhằm khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc.Chính sách xoay trục sang châu Á khởi xướng dưới thời tổng thống Barack Obama và được tổng thống Mỹ Donald Trump dồn dập đẩy mạnh với những chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông : 8 chiến dịch cho đến tháng 11/2020, 8 chiến dịch trong năm 2019, 6 trong năm 2018 và 4 chiến dịch mỗi năm từ 2015-2017, theo thống kê của South China Morning Post ngày 14/11.

Biển Đông « trở thành một mặt trận quan trọng đối với cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung », theo ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, vì vậy, tân chính quyền Mỹ « sẽ tiếp tục quan tâm đến Biển Đông ». Điều này được thể hiện qua việc bà Michele Flournoy, ứng viên sáng giá vào vị trí bộ trưởng Quốc Phòng trong chính quyền mới, nổi tiếng là thứ trưởng Quốc Phòng có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc dưới thời tổng thống Barack Obama.

Chính quyền « Biden sẽ xây dựng chính sách đối ngoại về Đông Nam Á », để khẳng định « Hoa Kỳ sẽ là một đồng minh hiện hữu hơn », theo một số nhà phân tích được trang VOA trích dẫn ngày 13/11, nhưng chiến lược này có lẽ đi theo hướng « cân đối hơn và thận trọng hơn ». Thực vậy, Hoa Kỳ đã lên tiếng bênh vực các nước Đông Nam Á, phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc và thường xuyên điều chiến hạm đến Biển Đông. Các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ, dĩ nhiên khiến Bắc Kinh tức giận, nhưng cũng khiến các nước Đông Nam Á lo ngại căng thẳng, nguy cơ đối đầu ngoài ý muốn và bị kẹt giữa hai cường quốc.

Ngoài ra, theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, đại học New South Wales (Úc), các quan chức của chính quyền Biden sẽ tham gia các cuộc họp cấp cao với các đồng nhiệm Đông Nam Á để khẳng định « Chúng tôi (Hoa Kỳ) đã trở lại ! ». Tổng thống Donald Trump không tham dự những Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN trong những năm gần đây, trong khi sự hiện diện của ông rất được trông đợi và có thể làm thay đổi cán cân.

Trang The Diplomat cho rằng chính quyền Biden sẽ « đầu tư » nhiều hơn vào ngoại giao ở Đông Nam Á. Trong khi ASEAN là trọng tâm trong chiến lược « Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở », một chiến lược nhằm khống chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, nhưng nhiều vị trí ngoại giao quan trọng ở trong vùng vẫn bị bỏ trống.

Về mặt thương mại, phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN ngày 14/11, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông O’Brien nhấn mạnh ASEAN là đối tác thương mại thứ 4 của Mỹ với tổng trao đổi song phương lên đến 354 tỉ đô la năm 2019. Tuy nhiên, chính quyền của tổng thống Trump, một mặt hứa ủng hộ mạnh mẽ các nước đối tác Đông Nam Á để có thể đối phó với sức mạnh của Trung Quốc, mặt khác lại sẵn sàng điều tra và trừng phạt những nước nhỏ, có thặng dư thương mại với Mỹ.

Tổng thống Donald Trump, ngay sau khi nhậm chức vào năm 2016, đã rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Tự do xuyên Thái Bình Dương - TPP, được coi là một đối trọng của RCEP, để ưu tiên những thỏa thuận thương mại song phương mà Hoa Kỳ có lợi thế. RCEP là một thắng lợi lớn của Trung Quốc, với thị trường chiếm đến 30% GDP toàn cầu. Trang The Diplomat cho rằng chính quyền Biden có thể sẽ chấm dứt những quyết định « trái khoáy » dưới thời Trump và ít nhất trong bốn năm tới, sẽ đưa ra những quyết định thích hợp hơn với mỗi chính phủ trong vùng.

Tóm lại, chính quyền của tổng thống tân cử Joe Biden sẽ có một chính sách đối với Đông Nam Á « chặt chẽ hơn » và « ít mâu thuẫn hơn » nhưng vẫn tiếp tục tăng cường hiện diện để khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong vùng.

Chính quyền Biden sẽ xây dựng « chính sách hiện hữu hơn » với ASEAN (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten