zaterdag 6 maart 2021

Catalogue Âm Nhạc : Bình cũ rượu mới [... nhạc cũ, tiền mới !]

 

Catalogue Âm Nhạc : Bình cũ rượu mới

Phần âm thanh 10:33
Shakira, nữ ca sỹ người Colombia, đã bán catalogue gồm 145 ca khúc của mình cho công ty đầu tư Hipgnosis trụ sở tại Luân Đôn. Ảnh minh họa, ngày 10/08/2018 trong buổi biểu diễn tại Madison Square Garden, New York, Mỹ.
Shakira, nữ ca sỹ người Colombia, đã bán catalogue gồm 145 ca khúc của mình cho công ty đầu tư Hipgnosis trụ sở tại Luân Đôn. Ảnh minh họa, ngày 10/08/2018 trong buổi biểu diễn tại Madison Square Garden, New York, Mỹ. Greg Allen/Invision/AP - Greg Allen
Gia Trình
21 phút

Thương vụ chuyển nhượng catalogue âm nhạc của nữ ca sỹ Taylor Swift từng chấn động làng âm nhạc năm 2020. Vậy catalogue âm nhạc là gì và nó ảnh hưởng ra sao tới thu nhập bản quyền của nghệ sỹ như công chúa nhạc pop Swift?


Trong phần 1, RFI Tiếng Việt giới thiệu về ý nghĩa thương mại, cơ cấu nguồn thu và giá trị theo thời gian của catalogue âm nhạc.

Thương vụ chuyển nhượng của Taylor Swift và Shakira

Taylor Swift là người khơi mào cho giới truyền thông hiểu rõ hơn về giá trị catalogue âm nhạc. Nhà tài phiệt âm nhạc Scooter Braun đã bán lại catalogue âm nhạc của Swift cho một công ty tư nhân với giá 300 triệu đô la mà không tham khảo ý kiến của cô.

Sự việc bắt đầu ở hãng đĩa Big Machine, nữ ca sỹ của Fearless đã ký hợp đồng ghi âm 6 album liên tiếp. Khi cô chuyển sang hợp đồng với hãng Republic, hãng Big Machine được bán lại cho nhà tài phiệt Braun. Đồng thời, Braun nắm quyền kiểm soát xuất bản các ghi âm 6 album của Taylor. Mặc dù nữ ca sỹ đã kịch liệt phản đối do bị bắt nạt, catalogue này lại được bán tiếp cho một công ty cổ phần tư nhân. Danh mục này gồm có album Fearless (Không sợ hãi) từng đem lại thành công vang dội nữ ca sỹ.

Taylor Swift không phải dạng vừa, cô đã ghi âm lại một phiên bản Fearless hoàn toàn mới để giành quyền kiểm soát xuất bản. Không những thế, Taylor Swift dự định thu âm lại toàn bộ các album catalogue như để trả đũa Braun.Phải chăng catalogue âm nhạc có ý nghĩa rất quan trọng với ca sỹ sinh năm 1989 này?

Ở thái cực khác, Shakira, nữ ca sỹ người Colombia đã quyết định bán catalogue gồm 145 ca khúc của mình cho công ty đầu tư Hipgnosis trụ sở tại Luân Đôn, Anh Quốc. Shakira là một trong những nghệ sỹ Mỹ Latinh biểu diễn thành công nhất với hơn 80 triệu album nhạc tiêu thụ toàn cầu. Không tiết lộ giá trị chuyển nhượng, nhưng ước tính số tiền không thể nhỏ hơn 8 chữ số.

Tên tuổi Shakira rất được ưa chuộng trên các kênh streaming nhờ hai ca khúc được chọn là bài hát chính thức các kỳ FIFA World Cup năm 2010 và 2014, Waka Waka và La La La. Đề cập tới thương vụ thiện chí này, Shakira nói : “Trở thành nghệ sỹ sáng tác là một thành tựu đáng kể, tôi luôn coi trọng điều đó hơn hẳn là một ca sỹ hay một nghệ sỹ. Khi tôi lên 8 tuổi, tôi đã bắt đầu sáng tác để cảm nhận thế giới trước khi biết hát. Tôi biết rằng Hipgnosis sẽ là một ngôi nhà lý tưởng cho catalogue âm nhạc của mình”.

Catalogue âm nhạc: Gà đẻ trứng vàng?

Hai ví dụ của Taylor Swift và Shakira đều hé lộ về giá trị thương mại của catalogue âm nhạc. Catalogue âm nhạc liên quan tới bản quyền xuất bản ca khúc (publishing loyalty) của tác giả. Khi tác phẩm được phát trên radio, streaming, concert biểu diễn công chúng, lồng ghép trong phim ảnh và truyền hình, người sở hữu catalogue và tác giả sẽ được chi trả thu nhập.

Giá trị thương mại của catalogue âm nhạc gây sự chú ý đặc biệt cho giới đầu tư nhờ thị trường nghe nhạc trực tuyến (streaming music) với quy mô hơn 10 tỷ đô la/năm tính riêng tại Hoa Kỳ (số liệu năm 2019). Xu thế nghe nhạc trực tuyến (streaming music) đã khiến cho việc săn lùng catalogue âm nhạc thành cuộc săn lùng kho báu. Chúng ta có thể dễ dàng xác định giá trị thương mại một ca khúc dựa trên số lượt nghe theo tháng, theo năm.

Trong điều kiện lãi suất thấp hiện nay tại Mỹ và các nước châu Âu, nhà đầu tư bỏ tiền vào mua catalogue âm nhạc có thể hưởng tỷ suất lợi nhuận cao hơn lợi nhuận của cổ phiếu hay trái phiếu. Hơn thế nữa, đại dịch Covid-19 khiến cho làn sóng streaming music phất như “diều gặp gió”, nhờ vậy, doanh thu định kỳ catalogue cũng nhảy vọt. Nhờ công nghệ phát triển, nhà đầu tư có thể kiểm soát được nguồn thu tốt hơn thập kỷ trước nhờ các phần mềm quản lý (apps) và các nền tảng tương tác.

Như vậy, nguồn thu nhập của catalogue âm nhạc khá đa dạng. Nó có thể coi là gà đẻ trứng vàng cho các nghệ sỹ mới nổi hay kỳ cựu dựa trên tần suất nghe. Đơn cử như bản hit Drivers License (Giấy phép lái xe) của ngôi sao Disney, Olivia Rodrigo, chiếm sóng Spotify suốt hai tháng 2021.

Thu thập thực tế của catalogue âm nhạc

Nếu lướt qua, chúng ta cho rằng nhà đầu tư catalogue có thể bỏ túi hết nguồn thu từ đơn vị cung cấp streaming. Thực tế không phải vậy. Với 1 đô la doanh thu streaming, khoản tiền còn lại vào túi người giữ bản quyền xuất bản không nhiều.

Doanh thu streaming đến từ thuê bao của người dùng gói cao cấp (premium) và tiền dịch vụ quảng cáo (cho gói cơ bản). Ví dụ trên kênh Spotify, 1 đô la thu được sẽ trích lại 0,58 đô la cho hãng đĩa ghi âm, 0,29 đô la cho dịch vụ streaming (Spotify). Tiếp theo, 6 cent sẽ được trả cho bản quyền xuất bản. Số tiền này được hãng streaming chia đều cho bên giữ catalogue và tác giả ca khúc. Số tiền 6,12 cent tiếp theo sẽ được chi trả cho Tổ chức biểu diễn (PRO), sau đó được chia đều cho 50-50 cho nhà xuất bản catalogue và tác giả ca khúc. Kể cả với đơn vị streaming khác như Apple Music, cơ chế ăn chia doanh thu này không có thay đổi đáng kể. Tổng số tiền chi trả cho xuất bản và biểu diễn của Apple Music là 13,5 cent, nhỉnh hơn so với mức 12,1 cent của Spotify.

Vậy yếu tố quyết định phải là ca khúc ăn khách, có số lượt nghe cao mới có thể sinh lời cho nhà đầu tư catalogue âm nhạc được. Lưu ý rằng, kênh Spotify giờ đây là một đơn vị streaming music lớn nhất, chiếm tới 36% thị trường toàn cầu với 286 triệu người sử dụng thường xuyên hàng tháng.

Đơn cử như ca khúc Shape of You (Hình bóng em) của Ed Sheeran có tới 2,5 tỷ lượt nghe trên Spotify năm 2020. Giả sử mỗi lượt nghe thu được 1 đô la doanh thu, catalogue âm nhạc của Shape of You có thể thu về xấp xỉ 150 triệu đô la. Con số thu nhập này quả thực hấp dẫn, ngang bằng một phần ba doanh thu tour lưu diễn cả năm của nghệ sỹ khoảng 400 triệu đô la. Trong mắt nhà đầu tư catalogue, hiển nhiên là nghệ sỹ phải có các ca khúc tủ (hit) được nghe đi, nghe lại thì mới có khả năng sinh lời cao.

Giá trị theo thời gian của catalogue âm nhạc

Có thể so sánh giá trị catalogue âm nhạc như cuốn sổ tiết kiệm có lãi suất cộng dồn. Nhưng chính xác hơn, các chuyên gia về tư vấn tài chính gọi catalogue là một trái phiếu mà lãi mẹ sản sinh lãi con theo thời gian.

Việc đầu tư, chuyển nhượng catalogue âm nhạc không phải là quá mới mẻ. Thực tế, nó đã xuất hiện từ thời kỳ hoàng kim rock and roll. Ví dụ, bộ đôi huyền thoại thành phố Liverpool, Paul McCartney và John Lennon, trụ cột nhóm The Beatles, cũng từng bán catalogue âm nhạc giữa thập niên 1960. Chúng ta quá quen thuộc với những bản nhạc kinh điển ký tên đồng tác giả McCartney - Lennon.

Hai nhạc sỹ đã giao quyền xuất bản cho công ty ghi âm Northern Songs cùng nhà quản lý Brian Epstein và hai nhà xuất bản Dick James và Charles Silver. Khi mất quyền kiểm soát công ty ghi âm Northern Song, họ quyết định bán hết cổ phần trong Northern Song với khoản tiền 3,5 triệu bảng Anh. Nếu họ giữ tới năm 2019, khoản tiền đó được định giá lên tới 58,9 triệu đô la Mỹ (gấp khoảng 13 lần nêu quy đổi ra bảng Anh).

Liên quan tới thương vụ này, có cả vua nhạc pop quá cố Micheal Jackson. Vào thời đỉnh cao sự nghiệp năm 1985, ông hoàng Jackson quyết định bỏ số tiền không nhỏ, 47 triệu đô la để mua lại catalogue gồm 251 ca khúc của The Beatles cùng 40.000 bản quyền xuất bản ca khúc khác của công ty ATV. Lúc bấy giờ, quyết định đó mới mang tính thử nghiệm hơn là quyết định khoản đầu tư thương mại như bây giờ. Đến năm 2019, catalogue âm nhạc mà Micheal Jackson mua được định giá lại lên tới 200 triệu đô la, gấp 4 lần so với thời điểm đầu tư.

Vậy điều gì làm cho catalogue tăng giá chóng mặt theo thời gian khi streaming music chưa phát triển. Đó là lạm phát và lợi suất trái phiếu. Giá trái phiếu luôn tỷ lệ nghịch với lãi suất và lạm phát. Thập niên 1980 chứng kiến mức lãi suất cao kỷ lục hai chữ số và lạm phát ở Mỹ từng lên tới 3,5%.

Nhóm tư vấn của vua nhạc pop sau khi rà soát công ty ATV đã cho rằng đây là khoản đầu tư xứng đáng với mức giá 47 triệu đô la. Thứ nhất, số lượng bài hát sẽ được quyền xuất bản khá dồi dào. Thứ hai, kho nhạc kinh điển của The Beatles chưa hề được khai thác hay marketing nên giá trị thương mại rất cao. Nhìn nhận rõ hơn, chúng ta phải thấy đội ngũ tư vấn cho Micheal Jackson có bước đi khôn ngoan. Ông bán đi 50% cổ phần ATV với giá 100 triệu đô la vào năm 1995. Hơn 11 năm sau, năm 2016, để trang trải khoản nợ và chi phí sau khi qua đời, gia sản của Jackson lại bán nốt 50% còn lại của công ty sở hữu catalogue với giá “trên trời” 750 triệu đô la Mỹ.

Giá trị của catalogue giống như một trái phiếu, sẽ tăng giá mạnh khi lãi suất xuống thấp và ngược lại. Nhờ sự hậu thuẫn của công nghệ thông minh, giá trị thương mại catalogue cải thiện hơn rất nhiều so với thời kỳ nghe nhạc CD, cassette. Điều này lý giải tại sao Jackson lại mua được với “giá hời” khi lãi suất cao ngất ngưởng và bán đi “siêu lãi” khi lãi suất xuống thấp chỉ còn xấp xỉ 0%. Có lẽ vì thế, giới đầu tư săn đón catalogue âm nhạc để mua vì thứ “bình cũ rượu mới” có thể hái ra tiền trong bóng đêm đại dịch.

(Theo Billboard, Forbes, The Guardian, MarketWatch, Variety)

Catalogue Âm Nhạc : Bình cũ rượu mới - Tạp chí âm nhạc (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten