vrijdag 5 februari 2021

Người dân Miến Điện phát động phong trào « Bất tuân dân sự » để phản đối quân đội đảo chính + Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi

 

Hàng ngàn người Miến Điện biểu tình phản đối đảo chính, internet bị cắt

Biểu tình tại Rangoon lên án cuộc đảo chính quân sự của giới tướng lĩnh Miến Điện, ngày 06/02/2021.
Biểu tình tại Rangoon lên án cuộc đảo chính quân sự của giới tướng lĩnh Miến Điện, ngày 06/02/2021. AFP - STR
Thụy My
3 phút

Hàng ngàn người Miến Điện hôm nay 06/02/2021 xuống đường tại Rangoon phản đối vụ đảo chính và đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Ngay trước cuộc biểu tình đông đảo nhất kể từ khi xảy ra đảo chính, quân đội đã chặn internet trên toàn quốc.

QUẢNG CÁO

« Độc tài quân sự, thất bại ; Dân chủ, chiến thắng », người biểu tình hô vang và giơ cao biểu ngữ. Nhiều người mặc áo đỏ hoặc phất cờ đỏ, màu của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), đảng của bà Aung San Suu Kyi. Lực lượng an ninh được huy động đông đảo, phong tỏa nhiều con đường và bố trí các vòi rồng.

Trong lúc đoàn người biểu tình ngày càng đông thêm và có những lời kêu gọi tham gia trên mạng xã hội, mạng lưới internet đã bị chặn trên toàn quốc. Theo tổ chức phi chính phủ NetBlocks, đây là lần thứ hai internet bị cắt. Việc truy cập Twitter và Instagram đã bị hạn chế từ hôm qua, do các hashtag như #WeNeedDemocracy, #HeartheVoiceofMyanmar et #Freedomfromfear được sử dụng hàng triệu lần. 

Reuters ghi nhận trước đó Facebook cũng đã không còn truy cập được. Hãng Telenor của Na Uy xác nhận chính quyền ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ ngưng phục vụ « cho đến khi có lệnh mới ». Một tài liệu của bộ Giao Thông và Thông Tin, mà AFP tham khảo được, nói rằng các mạng xã hội « chỉ gây ra hiểu lầm nơi công chúng ». Nhiều người Miến Điện cố gắng dùng VPN để vượt tường lửa.

Sự kiện mới nhất là một trong những cố vấn kinh tế của bà Aung San Suu Kyi, ông Sean Turnell, người Úc đã bị quản thúc tại khách sạn từ hôm nay. Win Htein, một nhân vật thân cận với bà Suu Kyi, thì đã bị bắt hôm qua.

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, bà Christine Schraner Burgener, đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với giới tướng lãnh. Bà nói rõ quan điểm của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc : chấm dứt đảo chính, trả tự do cho những người bị bắt. Tuy nhiên Hội Đồng Bảo An trong tuyên bố chung đã không lên án vụ đảo chính, do Trung Quốc và Nga phản đối.

Theo tờ báo nhà nước Global New Light of Myanmar, một cuộc họp qua mạng hôm qua đã được tổ chức giữa chính quyền Miến Điện và nhiều đại sứ các nước. Phía Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ ngay từ khi xảy ra cuộc đảo chính đã đe dọa trừng phạt.

Hàng ngàn người Miến Điện biểu tình phản đối đảo chính, internet bị cắt (rfi.fr)

Người dân Miến Điện phát động phong trào « Bất tuân dân sự » để phản đối quân đội đảo chính

Nhân viên y tế cài ru-băng đỏ, giơ ba ngón tay, tiến hành đình công để phản đối cuộc đảo chính, tại bệnh viện Đa Khoa Rangoon, Miến Điện ngày 03/02/2021.
Nhân viên y tế cài ru-băng đỏ, giơ ba ngón tay, tiến hành đình công để phản đối cuộc đảo chính, tại bệnh viện Đa Khoa Rangoon, Miến Điện ngày 03/02/2021. REUTERS - STRINGER
Thu Hằng
4 phút

Sau hai ngày im ắng, người dân Miến Điện bắt đầu phong trào phản kháng ôn hòa. Không biểu tình rầm rộ trên đường phố, nhưng phong trào « Bất tuân dân sự », khởi động từ ngày 02/02/2021, được hưởng ứng rộng rãi trên các mạng xã hội. Giới y bác sĩ bắt đầu đình công trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại Miến Điện.

Thông tín viên trong khu vực Carol Isoux tường trình từ Bangkok :

« Một phong trào đã được giới bác sĩ, y tá trong lĩnh vực y tế công khởi xướng. Hôm qua (02/02), họ thông báo sẽ bắt đầu đình công từ hôm nay (03/02) để phản đối quân đội chiếm quyền. Hiện tại, nhân viên của khoảng 40 bệnh viện ở các thành phố lớn như Rangoon, Naypyidaw và Mandalay đã tuyên bố hưởng ứng phong trào.

Phong trào được loan tải rộng rãi trên các mạng xã hội, kể cả trong giới sinh viên. Họ đăng những thông điệp kêu gọi giúp đỡ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, người cũng thấy nhiều điểm tương đồng với những phong trào xã hội gần đây ở Hồng Kông và Thái Lan, trong đó có việc sử dụng ứng dụng nhắn tin Signal và kiểu chào với 3 ngón tay giơ lên.

Một thông điệp khác cũng được gửi tới toàn dân là gõ xoong nồi ngoài ban công và trước nhà vào 20 giờ mỗi tối. Tục lệ thường để đuổi tà ma giờ được dùng để phản đối sự hiện diện của quân đội.

Vào đúng mùa dịch Covid-19, cuộc đình công của các bác sĩ có thể gây tác động, nhưng quân đội cũng có một mạng lưới bệnh viện quân y vững chắc. Vì thế, các nhà đại diện cho phong trào bất tuân dân sự hy vọng có nhiều lĩnh vực khác nhanh chóng tham gia ».

Đến tối 02/02, trang Facebook « Bất tuân dân sự » đã có gần 150.000 theo dõi. Họ yêu cầu trả tự do cho các chính trị gia bị bắt, trong đó có nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và chính phủ dân sự trở lại nắm quyền.

Trả lời thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou, một nhà hoạt động tại Rangoon giải thích :

« Rất nhiều bác sĩ tại các bệnh viện công đã quyết định tham gia phong trào bất tuân dân sự. Và người ta cũng thấy nhiều nhân vật nổi tiếng nói rằng « Chúng tôi sẽ không hợp tác, không làm việc với quân đội cũng như với những doanh nghiệp thuộc sở hữu của quân đội ». Nhiều tiểu thương cũng nói rằng không bán những mặt hàng do các công ty của quân đội sản xuất nữa.

Chị biết đấy, không một người dân nào xuống đường phản đối cuộc đảo chính. Trên đường phố, chỉ có những cuộc tập hợp của các phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoan vui mừng chiến thắng của họ. Do đó chúng tôi tung chiến dịch hành động trên mạng. Vì các nhà lãnh đạo của đảng Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ từ giờ không thể truyền tải bất kỳ thông điệp nào, nên chúng tôi phải tự tổ chức để cho quân đội thấy nỗi tức giận của chúng tôi ».

Người dân Miến Điện phát động phong trào « Bất tuân dân sự » để phản đối quân đội đảo chính (rfi.fr)

Miến Điện : Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi

Biểu tình đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi tại Bangkok, Thái Lan, ngày 02/02/2021.
Biểu tình đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi tại Bangkok, Thái Lan, ngày 02/02/2021. REUTERS - JORGE SILVA
Thanh Hà
4 phút

Một ngày sau cuộc đảo chính do quân đội tiến hành, vẫn chưa có thông tin chính xác về nhà lãnh đạo Miến Điện bà Aung San Suu Kyi. Ngày 02/02/2021, tại thủ đô Naypyidaw quân đội bao vây các tòa nhà nơi cả trăm đại biểu Quốc Hội thuộc Đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ cư ngụ.

Trái lại theo như ghi nhận của hãng tin Pháp AFP cuộc sống gần như đã trở lại bình thường tại Rangoon, lá phổi kinh tế của Miến Điện. Hệ thống mạng internet và điện thoại sau một ngày bị xáo trộn đã được phục hồi và gần như không có sự hiện diện của quân đội trên đường phố. Theo giới quan sát, tập đoàn quân sự Miến Điện không triển khai lực lượng tại Rangoon là một dấu hiệu cho thấy phe quân sự rất tự tin.

Đài truyền hình Myawadday TV do quân đội Miến Điện kiểm soát ngay từ hôm qua đã thông báo 24 thành viên trong nội các bị cách chức và tập đoàn quân sự Miến Điện đã thành lập một chính phủ mới với 11 người, kiểm soát từ bộ Tài Chính đến Y Tế, Thông Tin, Ngoại Giao, Nội Vụ và Quốc Phòng.

Trên mạng xã hội Facebook, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi sau khi một thông điệp của cựu ngoại trưởng và cố vấn Nhà nước được công bố. Trong thông điệp này bà Aung San Suu Kyi kêu gọi công chúng vùng lên để bảo vệ một nước Miến Điện dân chủ.

Tuy nhiên theo thông tín viên của đài RFI trong khu vực, Carol Isoux, chưa thể kiểm chứng về tính xác thực của lời kêu gọi được cho là do chính bà Aung San Suu Kyi đưa ra:

"Trong tài liệu được công bố hôm qua, ngay sau khi bị bắt giữ, bà Aung San Suu Kyi kêu gọi toàn dân "không chấp nhận cuộc đảo chính". Thế nhưng hôm nay có nhiều câu hỏi chung quanh thông điệp này. Bà Aung San Suu Kyi thực sự muốn nói gì ? Phải chăng bà kêu gọi người dân Miến Điện vùng lên, xuống đường bất chấp hàng loạt những rủi ro to lớn ? Làm sao thông điệp này có thể thoát ra bên ngoài, trong khi bà đã bị bắt giữ ?

Một chiến dịch trên quy mô lớn trên các mạng xã hội với nguồn gốc còn chưa rõ và rất có thể là nhằm mục đích thao tin thất thiệt, cho biết đây là thông điệp giả. Ai cũng biết là các thông tin thất thiệt, đặc biệt là tại Miến Điện, là một tai họa dẫn đến những xung đột về chủng tộc và xã hội khốc liệt. Người dân Miến Điện không còn biết phải tin vào ai.

Tình hình rối ren. Nhiều người khẳng định sẵn sàng xuống đường để bảo vệ nền dân chủ Miến Điện. Trong số này có nhiều con em của thế hệ 88. Đó là thế hệ của những sinh viên hồi bà Aung San Suu Kyi lần đầu tiên lên cầm quyền trước khi bà bị quản thúc tại gia trong vòng 15 năm. Những người này cho biết họ sẵn sàng đối mặt với những rủi ro với điều kiện có được một thông điệp rõ ràng và đích thực của bà Aung San Suu Kyi. Thế nhưng, cho đến lúc này, chưa hề có bất kỳ một hình ảnh nào của Quý bà Rangoon kể từ khi bà bị bắt."

Miến Điện : Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten