zaterdag 20 februari 2021

Hạt nhân Iran: Mỹ đồng ý tham gia đàm phán với sự hiện diện của Iran + Iran vẫn tìm cách gây áp lực

 

Hạt nhân Iran: Mỹ đồng ý tham gia đàm phán với sự hiện diện của Iran

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu nhân chuyến thăm bộ Ngoại Giao của tân tổng thống Joe Biden, Washington, ngày 04/02/2021.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu nhân chuyến thăm bộ Ngoại Giao của tân tổng thống Joe Biden, Washington, ngày 04/02/2021. REUTERS - TOM BRENNER
Trọng Nghĩa
3 phút

Sau khi cùng với ba đối tác châu Âu là Anh, Đức và Pháp cảnh cáo chính quyền Teheran về quyết định "nguy hiểm" muốn hạn chế tiến trình thanh tra quốc tế nhắm vào chương trình hạt nhân Iran, Hoa Kỳ vào hôm qua, 18/02/2021 đã có ba cử chỉ hòa dịu hướng về Iran. Nổi bật nhất là thông báo chấp nhận lời mời của Liên Hiệp Châu Âu cùng tham gia đàm phán với Teheran nhằm khởi động lại thỏa thuận năm 2015, vốn đã bị cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phá bỏ.

Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ xác nhận: Hoa Kỳ chấp nhận lời mời từ đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu đến tham gia một cuộc họp của nhóm P5+1 (một nhóm quy tụ 6 cường quốc Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) họp lại cùng với Iran để thảo luận về cách tốt nhất nhằm thúc đẩy hồ sơ liên quan đến hạt nhân Iran.

Thông cáo được đưa ra ít lâu sau khi bốn cường quốc phương Tây đã khẳng định trong một tuyên bố chung mục tiêu là muốn “thấy ​​Iran tôn trọng hoàn toàn trở lại các cam kết” được quy định trong thỏa thuận hạt năm 2015, nhằm “duy trì chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân và đảm bảo rằng Iran không bao giờ sở hữu được vũ khí hạt nhân.”

Bản tuyên bố chung mang chữ ký của 4 ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian (Pháp), Heiko Maas (Đức), Dominic Raab (Anh) và Antony Blinken (Mỹ).

Từ Washington, thông tín viên RFI, Anne Corpet, giải thích thêm:

Joe Biden luôn luôn nói rằng ông muốn kích hoạt trở lại thỏa thuận hạt nhân đạt được vào năm 2015 sau những cuộc đàm phán bất tận. Nếu cuộc tiếp xúc với Iran này diễn ra, đó sẽ là cuộc gặp quan trọng đầu tiên giữa hai nước sau 4 năm. Thế nhưng, các cuộc thương thuyết sẽ kéo dài và phức tạp.

Hoa Kỳ yêu cầu Iran tuân thủ các nghĩa vụ trong thỏa thuận trước khi dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đã được áp đặt dưới thời Donald Trump. Tuy nhiên, Teheran lại đòi Mỹ phải đi bước trước bằng cách cho phép Iran bán dầu của họ và tiến hành các giao dịch ngân hàng trên khắp thế giới.

Việc chấp nhận lời mời của châu Âu là một cử chỉ đầu tiên của chính quyền Biden, và Hoa Kỳ cũng đã thực hiện hai bước nhỏ khác vào hôm qua để thể hiện thiện chí của mình: Mỹ đã hủy bỏ tuyên bố đơn phương của Donald Trump mà vào tháng 9 năm ngoái đã loan báo các lệnh trừng phạt quốc tế mới chống lại Iran.

Washington cũng đã nới lỏng các hạn chế đối với việc đi lại của các nhà ngoại giao Iran tới Liên Hiệp Quốc. Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết đó là để loại bỏ những trở ngại không cần thiết đối với các hoạt động ngoại giao.

Hạt nhân Iran: Mỹ đồng ý tham gia đàm phán với sự hiện diện của Iran (rfi.fr)

Hồ sơ hạt nhân : Iran vẫn tìm cách gây áp lực

(Ảnh minh họa) - Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif, trước cuộc họp với đồng nhiệm Nga, Sergei Lavrov, tại Matxcơva, Nga, ngày 26/01/2021.
(Ảnh minh họa) - Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif, trước cuộc họp với đồng nhiệm Nga, Sergei Lavrov, tại Matxcơva, Nga, ngày 26/01/2021. via REUTERS - RUSSIAN FOREIGN MINISTRY
Minh Anh
2 phút

Ngay sau khi ngoại trưởng bốn nước Anh, Pháp, Mỹ và Đức ra thông cáo chung kêu gọi Iran tôn trọng các cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân 2015, chính quyền Teheran ngày 19/02/2021 đã có phản ứng, tái khẳng định lập trường của mình.

Từ Teheran, thông tín viên đài Siavosh Ghazi cho biết cụ thể :

Lãnh đạo ngoại giao Iran đã đáp trả các đồng nhiệm châu Âu và Mỹ khi khẳng định rằng Hoa Kỳ phải chấm dứt chính sách áp lực tối đa do Donald Trump tiến hành từ năm 2018.

Ông nói : « Châu Âu phải biết là chính sách áp lực đó chẳng có tác dụng với Iran và những tuyên bố vô bổ chẳng có ích gì. Chỉ khi nào chúng tôi có được những cử chỉ từ phía Hoa Kỳ và châu Âu nhằm thực thi các cam kết của họ, thì chúng tôi sẽ phản ứng ngay tức thì và sẽ trở lại với các cam kết của chúng tôi. »

Ngoại trưởng Mohammed Javad Zarif không một lời nói đến ý tưởng một cuộc họp 5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) với sự hiện diện của Mỹ trong khi Washington tỏ ý đồng tình.

Hoa Kỳ thông báo một chuỗi các biện pháp, đặc biệt là gởi một thư ngỏ đến Hội Đồng Bảo An để xác nhận rằng các trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ năm 2015 vẫn có hiệu lực. Đây là một cử chỉ thiện chí nhằm hủy bỏ một quyết định của chính quyền tiền nhiệm.

Hiện tại, Iran gây áp lực nhằm đạt được việc dỡ bỏ các trừng phạt của Mỹ đang đè nặng lên nền kinh tế đất nước.

Hồ sơ hạt nhân : Iran vẫn tìm cách gây áp lực (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten