maandag 15 februari 2021

Lục Quân Nhật Bản sẽ trang bị tàu ​​vận tải đề phòng Trung Quốc chiếm đảo

 

Lục Quân Nhật Bản sẽ trang bị tàu ​​vận tải đề phòng Trung Quốc chiếm đảo

Ảnh minh họa: Tàu đổ bộ Osumi của Hải Quân Nhật Bản, neo đậu ngoài khơi đảo Seto, thành phố Otak, tỉnh Hiroshima, miền Tây Nhật Bản, ngày 15/1/2014. Lục Quân Nhật Bản sẽ đóng ba tàu vận tải quân sự, nhưng nhỏ hơn nhiều so với chiếc Osumi.
Ảnh minh họa: Tàu đổ bộ Osumi của Hải Quân Nhật Bản, neo đậu ngoài khơi đảo Seto, thành phố Otak, tỉnh Hiroshima, miền Tây Nhật Bản, ngày 15/1/2014. Lục Quân Nhật Bản sẽ đóng ba tàu vận tải quân sự, nhưng nhỏ hơn nhiều so với chiếc Osumi. © AFP PHOTO / JIJI PRESS
Trọng Nghĩa
3 phút

Lực Lượng Phòng Vệ Mặt Đất Nhật Bản, tức Lục Quân, sẽ được trang bị ba tàu vận tải vào năm 2024 dùng cho các đơn vị đóng quân trên các hòn đảo xa xôi ở phía tây nam. Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo vào hôm nay, 14/02/2021, một số nguồn tin chính phủ đã cho biết như trên và cho biết rằng kế hoạch đó nằm trong nỗ lực đối phó với việc Trung Quốc đang tăng cường tiềm lực quân sự.

Theo nguồn tin được Kyodo trích dẫn, đó sẽ là lần đầu tiên mà Lục Quân Nhật Bản được trang bị tàu vận tải, trong bối cảnh lực lượng này đang nâng cấp khả năng phản ứng trước các thách thức an ninh mới, trong đó có việc Trung Quốc bành trướng thế lực trên biển chung quanh quần đảo Nansei của Nhật Bản, một chuỗi đảo trải dài ở phía tây nam tới Đài Loan.

Với ba chiếc tàu sẽ được đóng và triển khai, Nhật Bản đặt mục tiêu cung cấp ổn định đạn dược, nhiên liệu và lương thực cho quân đội đồn trú trên các hòn đảo xa xôi.

Một trong ba chiếc tàu sẽ có kích thước trung bình, với lượng giãn nước khoảng 2.000 tấn, nhở hơn nhiều so với tàu Osumi trọng tải 8.900 tấn của Hải Quân Nhật Bản. Hai chiếc còn lại sẽ có lượng giãn nước khiêm tốn hơn, chỉ khoảng 400 tấn.

Quyết định trang bị tàu vận tải cho Lục Quân được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục điều tàu đến vùng lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, do Nhật Bản kiểm soát những bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Tranh chấp chủ quyền quần đảo này là nguồn gốc gây căng thẳng giữa hai nước từ nhiều năm qua.

Mới đây, một đạo luật của Trung Quốc cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài mà họ coi là xâm nhập trái phép vào vùng biển Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực, làm dấy lên lo lắng về các sự cố có thể xẩy ra.

Lục Quân Nhật Bản sẽ trang bị tàu ​​vận tải đề phòng Trung Quốc chiếm đảo (rfi.fr)

Thứ trưởng Quốc Phòng Nhật vạch “lằn ranh đỏ” giữa Đài Loan và Bắc Kinh

An ninh của Đài Loan là mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản. Trong ảnh, khách du lịch tham quan trận tuyến chống đổ bộ trên bờ biển Kim Môn, quần đảo tiền tiêu của Đài Loan, ngày 20/10/2020.
An ninh của Đài Loan là mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản. Trong ảnh, khách du lịch tham quan trận tuyến chống đổ bộ trên bờ biển Kim Môn, quần đảo tiền tiêu của Đài Loan, ngày 20/10/2020. AFP - SAM YEH
Trọng Nghĩa
3 phút

Một quan chức quốc phòng hàng đầu của Nhật Bản vừa kêu gọi tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden là hãy “mạnh mẽ” trong việc hỗ trợ Đài Loan đối mặt với một Trung Quốc hiếu chiến. Trong một bài phỏng vấn dành cho hãng tin Anh Reuters ngày 25/12/2020, thứ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama xác định rằng sự an toàn của hòn đảo là một “lằn ranh đỏ” mà Bắc Kinh không được vượt qua.

Phát biểu với Reuters, thứ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản đã bày tỏ thái độ lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc “sẽ mở rộng lập trường hiếu chiến sang các khu vực khác ngoài Hồng Kông”. Theo ông một trong những mục tiêu tiếp theo có thể là Đài Loan.

Trong bài phỏng vấn, ông Nakayama đã thúc giục ông Joe Biden là nên có quan điểm về Đài Loan tương tự như tổng thống mãn nhiệm Donald Trump, người đã thúc đẩy đáng kể việc bán thiết bị quân sự cho hòn đảo mà Trung Quốc luôn luôn đe dọa thôn tính bằng võ lực.

Quan chức Nhật giải thích “Cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy một chính sách rõ ràng hoặc một thông báo nào về Đài Loan từ phía ông Joe Biden. Tôi muốn sớm được nghe về chính sách này để có thể chuẩn bị phản ứng một cách thích hợp”.

Tuy nhiên, ông Nakayama đã khẳng định: “Có một lằn ranh đỏ ở châu Á là Trung Quốc và Đài Loan”, và nêu câu hỏi: “Ông Joe Biden trong Nhà Trắng sẽ phản ứng như thế nào nếu Trung Quốc vượt qua lằn ranh đỏ này?”. Thứ trưởng Quốc Phòng Nhật như vậy đã nhắc đến lằn ranh đỏ mà cựu Tổng thống Barack Obama đã từng đưa ra về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học, một lằn ranh mà chế độ Damas sau đó đã vượt qua. Vào khi ấy, ông Biden làm phó cho ông Obama.

Ông Nakayama không ngần ngại thúc giục Hoa Kỳ cứng rắn trong hồ sơ này khi tuyên bố: “Hoa Kỳ là lãnh đạo của các nước dân chủ… Nước Mỹ, hãy mạnh mẽ lên!”. 

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống ông Biden đã kêu gọi tăng cường quan hệ với Đài Loan và các "nền dân chủ cùng chí hướng". 

Trước đây, trong tư cách thượng nghị sĩ, ông Biden từng đặt câu hỏi về việc liệu Hoa Kỳ có “nghĩa vụ” bảo vệ Đài Loan hay không. Thế nhưng nhiều người trong giới hoạch định chính sách đối ngoại của ông thừa nhận rằng cái nhìn đã thay đổi khi một Trung Quốc đang trỗi dậy, trở nên quyết đoán hơn và tìm cách định hình các thể chế toàn cầu.

Cũng hôm qua, 25/12, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân lại nhắc lại rằng “Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc” và Bắc Kinh “kiên quyết phản đối việc can thiệp của bất kỳ quốc gia nào hoặc bất kỳ ai bằng bất kỳ hình thức nào”.

 Thứ trưởng Quốc Phòng Nhật vạch “lằn ranh đỏ” giữa Đài Loan và Bắc Kinh (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten