zaterdag 20 februari 2021

Liên Âu công bố chiến lược thương mại mới : Trọng tâm là cải cách WTO, bảo vệ môi trường + Bầu chọn tổng giám đốc, thách thức mới của WTO

 

Liên Âu công bố chiến lược thương mại mới : Trọng tâm là cải cách WTO, bảo vệ môi trường

Ủy viên châu Âu phụ trách Thương Mại, Valdis Dombrovskis trong cuộc họp báo trực tuyến về chính sách thương mại của châu Âu, tại Bruxelles, Bỉ, ngày 18/02/2021.
Ủy viên châu Âu phụ trách Thương Mại, Valdis Dombrovskis trong cuộc họp báo trực tuyến về chính sách thương mại của châu Âu, tại Bruxelles, Bỉ, ngày 18/02/2021. REUTERS - POOL
Trọng Thành
4 phút

Hôm qua, 18/02/2021, Ủy Ban Châu Âu công bố chiến lược thương mại mới cho thập niên 2021 – 2030. Trọng tâm sẽ là cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tiêu chuẩn về môi trường và khí hậu.

Trả lời báo giới, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu phụ trách Thương Mại, ông Valdis Dombrovskis, chính trị gia người Latvia, khẳng định, đối mặt với các thách thức sau đại dịch, « chính sách thương mại (của Liên Âu) cần hậu thuẫn triệt để cho công cuộc chuyển đổi về sinh thái và phát triển kỹ thuật số của nền kinh tế ». Theo phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, khối 27 nước cũng mong muốn dẫn đầu trong « các nỗ lực toàn cầu » nhằm cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Đối với Liên Hiệp Châu Âu, việc tái cân bằng các trao đổi thương mại toàn cầu cần được tiến hành thông qua việc « cải cách sâu sắc » WTO. Định chế này có 164 thành viên, đang bị tê liệt vì Hoa Kỳ ngăn cản vận hành của tổ chức với lý do có các bất đồng với Trung Quốc. Ủy Ban Châu Âu khẳng định, việc WTO có tân tổng giám đốc (kinh tế gia người Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala) vào đầu tháng 3 tới, là một cơ hội thuận lợi cho việc khởi đầu cải cách.

Trong chiến lược thương mại cho thập niên tới, Ủy Ban Châu Âu muốn các thỏa thuận thương mại trong tương lai tuân thủ các cam kết trong Hiệp định Khí hậu Paris 2015. Hiện tại, việc phê chuẩn hiệp định mậu dịch tự do giữa châu Âu và khối Mercosur (ở Nam Mỹ), đang bị đình hoãn, do nhiều nước châu Âu lo ngại hiệp định này sẽ làm gia tăng nạn phá rừng quy mô lớn tại vùng Amazon ở Nam Mỹ. Bruxelles cũng muốn khẳng định vị thế độc lập về thương mại, đối diện với hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc, qua việc cổ vũ cho cơ chế đa phương, đặc biệt với hai đối tác chính là Ấn Độ và châu Phi.

Chống « lao động cưỡng bức »

« Chống lao động cưỡng bức » cũng là một trọng tâm khác trong chiến lược thương mại mới của Ủy Ban Châu Âu. Bruxelles cam kết sẽ thiết lập các cơ chế để bảo đảm là trong các thỏa thuận thương mại với châu Âu, các doanh nghiệp không được phép sử dụng « lao động cưỡng bức ». Chống « lao động cưỡng bức » trong các thỏa thuận thương mại giữa Liên Âu và các đối tác, trước hết là Trung Quốc, đang trở thành vấn đề thời sự hàng đầu.

Hiện tại Nghị Viện Châu Âu chưa phê chuẩn thỏa thuận về nguyên tắc bảo hộ đầu tư giữa Liên Âu và Trung Quốc, được Bruxelles ký kết cuối tháng 12/2020. Hôm 27/01, Ủy Ban Pháp Luật của Nghị Viện Châu Âu vừa thông qua một đề xuất liên quan đến việc chống « lao động cưỡng bức », do đảng Xanh, các đảng cánh tả xã hội - dân chủ và Renew, liên minh các đảng Dân chủ - Tự do châu Âu, chủ trì. Đề xuất này sẽ phải được thảo luận tại Nghị Viện Châu Âu vào tháng 3 tới.

Ngay sau khi Ủy Ban Pháp Luật của Nghị Viện Châu Âu thông qua đề xuất này, hơn 10 hiệp hội bảo vệ nhân quyền, trong đó có Ân Xá Quốc Tế, Oxfam châu Âu, liên minh quốc tế chống nô lệ, đã ra thông báo hoan nghênh quyết định được đánh giá là « đi theo hướng đúng » này. Thỏa thuận bảo hộ đầu tư về nguyên tắc giữa Bruxelles và Bắc Kinh khiến giới bảo vệ nhân quyền lo ngại là sẽ khiến cho tình trạng đàn áp tàn bạo tại Trung Quốc, đặc biệt tại khu vực Tân Cương gia tăng. Tân Cương là nơi có đến cả triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ đang bị chính quyền Trung Quốc giam cầm và cưỡng bức lao động, theo cáo buộc của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.

Liên Âu công bố chiến lược thương mại mới : Trọng tâm là cải cách WTO, bảo vệ môi trường (rfi.fr)

Bầu chọn tổng giám đốc, thách thức mới của WTO

Tổng giám đốc WTO, Roberto Azevedo, tại Genève, Thụy Sĩ, ngày 22/07/2020.
Tổng giám đốc WTO, Roberto Azevedo, tại Genève, Thụy Sĩ, ngày 22/07/2020. REUTERS - DENIS BALIBOUSE
Thùy Dương
8 phút

Trong khi thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch Covid-19, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới phải đương đầu với nhiều khó khăn thì tổng giám đốc người Brazil Roberto Azevedo chính thức ra đi vào ngày 31/08/2020, một năm trước khi ông hết nhiệm kỳ lãnh đạo WTO lần thứ 2.

Quyết định từ chức được tổng giám đốc người Brazil Roberto Azevedo thông báo hôm 14/5 với « lý do gia đình ». Sau đó, ông gia nhập hàng ngũ lãnh đạo của tập đoàn Mỹ PepsiCo, trở thành phó chủ tịch công ty. Quyết định của ông Azevedo khiến WTO phải đẩy nhanh tiến trình chọn lựa lãnh đạo mới. Thông thường, tiến trình này thường kéo dài nhiều tháng, với các vòng tham vấn để rút gọn dần danh sách ứng cử viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp hiện nay và cũng là để chuẩn bị cho Hội nghị bộ trưởng lần thứ 12, dự kiến diễn ra vào năm 2021, mọi việc cần tiến triển nhanh chóng.

Tiến trình tham vấn chọn người chèo lái

Kể từ khi được thành lập vào năm 1995 (tiền thân của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới là GATT - Tổ chức hiệp định chung về thuế quan và thương mại - ra đời sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc), Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đã có tổng cộng 6 tổng giám đốc đến từ châu Âu (3 người), châu Đại Dương (1 người), châu Á (1 người) và Nam Mỹ (1 người). Mỗi nhiệm kỳ tổng giám đốc kéo dài 4 năm. Để được lựa chọn vào vị trí lãnh đạo, qua mỗi lần bình chọn, ứng viên phải nhận được sự ủng hộ đa số của 164 nước thành viên của tổ chức.

Năm nay, giai đoạn đề cử các ứng viên đã hoàn thành vào ngày 08/07 với danh sách 8 ứng viên đến từ các nước Anh Quốc, Hàn Quốc, Mêhicô, Ai Cập, Moldovia, Nigeria, Kenya và Ả Rập Xê Út, trong đó có 5 nữ ứng viên. Tiếp theo là giai đoạn 8 ứng cử viên tự giới thiệu mình với các thành viên WTO.

Họ đều là những nhân vật có nhiều kinh nghiệm về thương mại, quản lý hoặc từng nắm giữ những vị trí quan trọng trong các định chế quốc tế lớn, chẳng hạn ông Liam Fox, cựu bộ trưởng Ngoại Thương Anh dưới thời thủ tướng Theresa May ; bà Amina Mohamed, bộ trưởng Thể Thao Kenya, cựu đại sứ Kenya tại WTO, từng lãnh đạo 3 cơ quan quan trọng nhất của tổ chức Thương Mại Thế Giới và cũng là ứng viên đối thủ của cựu tổng giám đốc Roberto Azevedo hồi năm 2013.

Ứng viên Ngozi Okonzo-Iweala của Nigeria là nữ bộ trưởng Tài Chính và cũng là nữ Ngoại trưởng đầu tiên của nước này, bà từng là giám đốc nhiều chương trình của Ngân Hàng Thế Giới, chủ tịch Gavi - Liên Minh toàn cầu về vac-xin và tiêm chủng … Còn bà Yoo Myung Hee là nữ bộ trưởng Thương Mại đầu tiên của Hàn Quốc, từng là quan chức đặc trách hồ sơ WTO ở bộ Thương Mại Hàn Quốc hồi năm 1995 và là người chỉ đạo các cuộc thương thuyết về các thỏa thuận tự do mậu dịch, nhất là với Trung Quốc. Bà là đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc giai đoạn 2007-2010.

Bước tiếp theo, từ ngày 07 đến ngày 16/09, chủ tịch Đại Hội Đồng, chủ tịch Cơ quan giải quyết tranh chấp và chủ tịch Cơ quan rà soát chính sách thương mại của WTO tham vấn tất cả các thành viên của tổ chức về danh sách ứng viên. Kết quả của vòng tham vấn đầu tiên đã được công bố tại cuộc họp của các trưởng đoàn tham vấn vào ngày 18/09 theo đó dánh sách ứng viên được thu gọn còn 5 người, trong đó có 3 nữ, 2 nam : Ngozi Okonjo-Iweala (Nigeria), Yoo Myung Hee (Hàn Quốc), Amina Mohamed (Kenya), Mohammad Maziad Al-Tuwaijri (Ả Rập Xê Út) và Liam Fox (Anh Quốc).

Phát ngôn viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới thông báo vòng tham vấn thứ hai sẽ bắt đầu vào ngày 24/09 và kết thúc vào ngày 06/10 để lựa chọn 2 ứng viên vào « vòng chung kết ». Hai nữ ứng viên sáng giá nhất hiện nay là đại diện của 2 nước châu Phi - Nigeria và Kenya. Nếu một trong hai nhân vật này được chọn làm lãnh đạo WTO thì đây sẽ là lần đầu tiên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới có nữ tổng giám đốc và cũng là lần đầu tiên tổng giám đốc WTO đến từ « lục địa đen ». Theo giới quan sát, trong cuộc đua năm nay, các đại diện của châu Phi có nhiều cơ hội chiến thắng cho dù trên nguyên tắc, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới không áp dụng nguyên tắc lựa chọn lãnh đạo luân phiên theo khu vực địa lý.

Cho đến nay, theo WTO, vòng 1 tham vấn đã diễn ra suôn sẻ, không có mâu thuẫn giữa các thành viên. Nhưng có lẽ mọi chuyện sẽ không đơn giản, bởi ngay từ đầu, nội bộ WTO đã có bất đồng đến mức không thể bổ nhiệm 1 tổng giám đốc tạm thời thay thế ông Azevedo trong khi chờ đợi tiến trình bầu chọn tổng giám đốc mới theo như thông lệ. Chính vì sự bất đồng này mà cho đến nay thay vì có 1 tổng giám đốc tạm quyền chỉ đạo hoạt động của định chế thương mại lớn nhất thế giới, WTO tạm thời do cả 4 phó tổng giám đốc điều hành.

Sức ép từ Mỹ

Còn một vướng mắc khác đến từ sức ép của chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump, vốn không còn tin tưởng vào định chế quốc tế đa phương này.thông qua việc cản trở bổ nhiệm các thẩm phán thay thế vào cơ quan xét xử cao nhất có chức năng giải quyết các tranh chấp thương mại. Washington cũng dọa rời khỏi tổ chức nếu WTO không công bằng với nước Mỹ. Để « giữ chân » Mỹ và hóa giải bất đồng, kết quả cuộc bầu chọn tổng giám đốc lần này chắc chắn cũng sẽ phần nào phải « lựa » theo ý Washington.

Theo phân tích của ông Manfred Elsig, giáo sư quan hệ quốc tế của Viện Thương Mại Thế Giới tại Berne, Thụy Sĩ, Washington muốn tân tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới phải chia sẻ những mối lo ngại của Mỹ, trong đó có nhiều hồ sơ liên quan đến Trung Quốc. Vì việc chọn tổng giám đốc là dựa trên cơ sở đồng thuận, nên quan điểm cứng rắn của Mỹ sẽ khiến việc lựa chọn của định chế trở nên phức tạp hơn.

Tất cả những lý do đó khiến kết quả bầu chọn tân tổng giám đốc WTO sẽ rất khó đoán định, nhất là khi ngày hoàn thành vòng tham vấn chung kết không được ấn định trước. Để tránh lặp lại tình trạng hồi năm 1999, khi các nước thành viên không đạt được đồng thuận và tính đến khả năng bầu chọn hai tổng giám đốc, mỗi người nắm giữ một nhiệm kỳ 3 năm, lần này nhiều người không loại trừ khả năng sẽ có bầu tổng giám đốc thông qua phương thức bỏ phiếu - lần đầu tiên trong lịch sử WTO.

Nhưng cho dù được bầu chọn bằng cách nào, người được lựa chọn « cầm cương » WTO trong nhiệm kỳ 4 năm tới là ai đi chăng nữa, thì nhiệm vụ chắc chắn cũng sẽ rất nặng nề, không chỉ là giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, cuộc khủng hoảng niềm tin vào các định chế đa phương mà còn phải khắc phục những bất đồng sâu sắc với chính quyền Washington, nhất là nếu ông Donald Trump, người có quan điểm rất ứng rắn với WTO, tái đắc cử tổng thống Mỹ;

(Theo Les Echos, La Croix, Le Monde, Le Figaro)

Bầu chọn tổng giám đốc, thách thức mới của WTO (rfi.fr)


Geen opmerkingen:

Een reactie posten