maandag 8 februari 2021

Miến Điện tổng đình công phản đối đảo chính + Hơn 100.000 người Miến Điện xuống đường, biểu tình lớn nhất từ 2007

 

Miến Điện tổng đình công phản đối đảo chính

Cảnh sát dùng vòi rồng tấn công người biểu tình phản đối đảo chính, Naypyidaw, ngày 08/02/2021.
Cảnh sát dùng vòi rồng tấn công người biểu tình phản đối đảo chính, Naypyidaw, ngày 08/02/2021. REUTERS - STRINGER
Thanh Hà
4 phút

Tình hình Miến Điện tiếp tục sôi sục một tuần sau cuộc đảo chính. Ngày 08/02/2021 hàng trăm ngàn người biểu tình tại thành phố Rangoon đòi quân đội trả lại quyền lực cho nhân dân. Trong ba ngày liên tiếp phong trào phản kháng lớn dần. Ở thủ đô Naypyidaw, cảnh sát Miến Điện lần đầu tiên dùng vòi rồng giải tán đám đông.

Theo ghi nhận của phóng viên hãng tin Pháp AFP, hai người bị thương vào hôm nay trong cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát tại Naypyidaw. Không chỉ ở Rangoon hay Naypyidaw, tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, làn sóng phản đối càng lúc càng lớn. Những người phản đối đảo chính kêu gọi một cuộc « tổng đình công ». Sau các giáo chức, giới sinh viên và kể cả một số nhân viên Nhà nước, đến lượt y tá, các tăng ni, luật sư, thành phần công nhân thợ thuyền nhập cuộc.

Hàng trăm ngàn người xuống đường với màu cờ của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, đòi tập đoàn quân sự trả lại quyền lực cho nhân dân và trả tự do cho lãnh đạo đảng này là bà Aung San Suu Kyi. Đoàn tuần hành hô to khẩu hiệu « Trả tự do cho những nhà lãnh đạo của chúng tôi », « Hãy tôn trọng lá phiếu của người dân ». Một thanh niên 29 tuổi nói với phóng viên AFP : « Chúng tôi không còn sợ hãi ».

Trên đài RFI, một quan chức Nhà nước 52 tuổi giải thích với nhà báo Marie Normand rằng quân đội phải trao trả quyền lực cho người dân, nhưng không muốn cộng đồng quốc tế trừng phạt Miến Điện :

« Chúng tôi đã trải qua kinh nghiệm rất tệ về các trừng phạt. Những biện pháp này không đem lại kết quả. Các nước châu Âu muốn trừng phạt tập đoàn quân sự, nhưng người dân lại hứng chịu hậu quả nhiều hơn giới tướng lĩnh. Tôi không muốn Miến Điện bị trừng phạt. Điều tốt nhất cộng đồng quốc tế có thể làm là gây áp lực với tập đoàn quân sự để buộc họ phải đàm phán và tìm ra một lối thoát cho tình hình hiện nay tại Miến Điện. Theo tôi, giải pháp này sẽ giúp cho bên quân đội không bị mất mặt, đồng thời cho phép Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi trở lại cầm quyền. Tuy nhiên, nếu như bên quân đội giữ nguyên lập trường thì không có hy vọng gì cả. Chúng tôi cần có sự giúp đỡ không chỉ của Hoa Kỳ mà cả từ phía Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và các nước ASEAN. Quốc tế phải đoàn kết để gây sức ép với tập đoàn quân sự, buộc giới tướng lĩnh phải đàm phán với các lãnh đạo của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ ».

Tập đoàn quân sự Miến Điện từ sau cuộc đảo chính đã im lặng, nhưng sáng nay, đài truyền hình Nhà nước MRTV để ngỏ khả năng sẽ « hành động nhắm vào những phần tử gây rối loạn, cản trở và phá hoại ổn định quốc gia, đe dọa an ninh công cộng và Nhà nước pháp quyền ».  

Về phản ứng quốc tế, chính quyền Canberra lo ngại cho số phận một công dân Úc, giáo sư Sean Turnell, bị quản thúc tại khách sạn từ hôm Thứ Bảy 06/02/2021. Giáo sư Turnell là cố vấn về kinh tế cho bà Aung San Suu Kyi.

Miến Điện tổng đình công phản đối đảo chính (rfi.fr)

Phản đối đảo chính: Hơn 100.000 người Miến Điện xuống đường, biểu tình lớn nhất từ 2007

Người dân Miến Điện biểu tình đòi trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, phản đối quân đội đảo chính, tại Rangoon, Miến Điện, ngày 07/02/2021.
Người dân Miến Điện biểu tình đòi trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, phản đối quân đội đảo chính, tại Rangoon, Miến Điện, ngày 07/02/2021. AP
Trọng Thành
4 phút

Hôm nay, 07/02/2021, là ngày thứ hai liên tiếp, người dân Miến Điện xuống đường đông đảo phản đối cuộc đảo chính quân sự. Theo giới quan sát, đây là cuộc biểu tình vì dân chủ lớn nhất tại Miến Điện kể từ năm 2007.

Người biểu tình xuống đường đông đảo nhất tại Rangoon, thủ phủ kinh tế của Miến Điện, với khoảng 100.000 người tham gia, theo ghi nhận của nhiều nguồn tin tại chỗ. Những người biểu tình thường mang theo áo đỏ, cờ đỏ hay bóng bay màu đỏ, sắc màu biểu tượng của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ hay những bức hình bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính phủ dân sự, vừa bị giới tướng lãnh lật đổ. Đả đảo chế độ độc tài quân sự, yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt, tái lập dân chủ là các thông điệp chính của những người biểu tình.

Theo AFP, người biểu tình không tiến về được tòa thị chính Rangoon, do khu vực này bị phong tỏa, cảnh sát chống bạo động được triển khai đông đảo, tuy nhiên, chưa có đụng độ nào xảy ra. Biểu tình cũng diễn ra tại nhiều thành phố lớn, như Mandalay. Khoảng 1.000 người xuống đường tại thủ đô Naypyidaw.

Khống chế internet để làm tê liệt phong trào phản kháng

Mạng internet tiếp tục bị ngăn chặn tại Miến Điện. Theo tổ chức phi chính phủ Netblocks, chuyên về vấn đề này, thì internet chỉ hoạt động ở mức 14% so với ngày thường. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Miến Điện Tom Andrews nhấn mạnh là, bằng cách này, « giới tướng lĩnh cố gắng làm tê liệt phong trào phản kháng, và không để cho bên ngoài biết được những gì đang xảy ra trong nước ».

Trên thực tế, chính quyền quân sự cũng khó lòng cắt đứt hoàn toàn mạng internet tại Miến Điện khỏi thế giới. Trả lời RFI, chuyên gia David Cameroux (trung tâm nghiên cứu CERI, Học Viện Chính Trị Paris) giải thích :

« Internet không chỉ liên quan đến chính trị, mà là vấn đề kinh tế. Ngăn chặn internet có nghĩa là đóng cửa kinh tế. Với những biến đổi công nghệ hiện nay, chế độ độc tài quân sự không thể sử dụng các biện pháp đàn áp như trước. Giới quân sự cũng đang phải đối mặt với phong trào phản kháng của giới trẻ, lấy hình mẫu là phong trào phản kháng của giới trẻ Thái Lan. Lớp trẻ giờ đây không sợ hãi, và phong trào của họ cũng không có người lãnh đạo, phong trào như vậy khó có thể kiểm soát được ».

Quân đội Miến Điện bắt giữ hơn 160 người

Chính quyền quân sự cũng tiếp tục các vụ bắt bớ. Theo hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị, có trụ sở tại Rangoon, cho đến nay đã có hơn 160 người bị câu lưu. Aung San Suu Kyi và tổng thống Win Myint đang bị quản thúc tại gia. Luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết chính quyền quân sự từ chối yêu cầu được tiếp xúc với thân chủ.

Về mặt chính thức, bà Aung San Suu Kyi sẽ bị quản thúc cho đến ngày 15/02. Giải Nobel Hòa Bình, 75 tuổi, bị chính quyền quân sự cáo buộc vi phạm luật về xuất nhập khẩu. Trong hơn hai thập niên tranh đấu chống chế độ độc tài quân sự, Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia trong gần 15 năm, trước khi quá trình chuyền tiếp sang dân chủ đầy gian nan được khởi sự vào năm 2011.

Phản đối đảo chính: Hơn 100.000 người Miến Điện xuống đường, biểu tình lớn nhất từ 2007 (rfi.fr)

Hàng ngàn người Miến Điện biểu tình phản đối đảo chính, internet bị cắt

Biểu tình tại Rangoon lên án cuộc đảo chính quân sự của giới tướng lĩnh Miến Điện, ngày 06/02/2021.
Biểu tình tại Rangoon lên án cuộc đảo chính quân sự của giới tướng lĩnh Miến Điện, ngày 06/02/2021. AFP - STR
Thụy My
3 phút

Hàng ngàn người Miến Điện hôm nay 06/02/2021 xuống đường tại Rangoon phản đối vụ đảo chính và đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Ngay trước cuộc biểu tình đông đảo nhất kể từ khi xảy ra đảo chính, quân đội đã chặn internet trên toàn quốc.

« Độc tài quân sự, thất bại ; Dân chủ, chiến thắng », người biểu tình hô vang và giơ cao biểu ngữ. Nhiều người mặc áo đỏ hoặc phất cờ đỏ, màu của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), đảng của bà Aung San Suu Kyi. Lực lượng an ninh được huy động đông đảo, phong tỏa nhiều con đường và bố trí các vòi rồng.

Trong lúc đoàn người biểu tình ngày càng đông thêm và có những lời kêu gọi tham gia trên mạng xã hội, mạng lưới internet đã bị chặn trên toàn quốc. Theo tổ chức phi chính phủ NetBlocks, đây là lần thứ hai internet bị cắt. Việc truy cập Twitter và Instagram đã bị hạn chế từ hôm qua, do các hashtag như #WeNeedDemocracy, #HeartheVoiceofMyanmar et #Freedomfromfear được sử dụng hàng triệu lần. 

Reuters ghi nhận trước đó Facebook cũng đã không còn truy cập được. Hãng Telenor của Na Uy xác nhận chính quyền ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ ngưng phục vụ « cho đến khi có lệnh mới ». Một tài liệu của bộ Giao Thông và Thông Tin, mà AFP tham khảo được, nói rằng các mạng xã hội « chỉ gây ra hiểu lầm nơi công chúng ». Nhiều người Miến Điện cố gắng dùng VPN để vượt tường lửa.

Sự kiện mới nhất là một trong những cố vấn kinh tế của bà Aung San Suu Kyi, ông Sean Turnell, người Úc đã bị quản thúc tại khách sạn từ hôm nay. Win Htein, một nhân vật thân cận với bà Suu Kyi, thì đã bị bắt hôm qua.


Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, bà Christine Schraner Burgener, đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với giới tướng lãnh. Bà nói rõ quan điểm của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc : chấm dứt đảo chính, trả tự do cho những người bị bắt. Tuy nhiên Hội Đồng Bảo An trong tuyên bố chung đã không lên án vụ đảo chính, do Trung Quốc và Nga phản đối.

Theo tờ báo nhà nước Global New Light of Myanmar, một cuộc họp qua mạng hôm qua đã được tổ chức giữa chính quyền Miến Điện và nhiều đại sứ các nước. Phía Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ ngay từ khi xảy ra cuộc đảo chính đã đe dọa trừng phạt.

Hàng ngàn người Miến Điện biểu tình phản đối đảo chính, internet bị cắt (rfi.fr)


Geen opmerkingen:

Een reactie posten