dinsdag 3 maart 2020

Thỏa thuận Mỹ-Taliban : Con đường hòa bình cho Afghanistan còn dài

Thỏa thuận Mỹ-Taliban : Con đường hòa bình cho Afghanistan còn dài

Lãnh đạo Taliban, Baradar(phải) và đại diện của Hoa Kỳ, Zalmay Khalilzad, sau lễ ký kết thỏa thuận tại Doha ngày 29/02/2020.
Lãnh đạo Taliban, Baradar(phải) và đại diện của Hoa Kỳ, Zalmay Khalilzad, sau lễ ký kết thỏa thuận tại Doha ngày 29/02/2020. REUTERS/Ibraheem al Omari
Thỏa thuận Mỹ-Taliban được ký kết tại Doha-Qatar hôm 29/02/2020 làm dấy lên hy vọng vãn hồi hòa bình cho Afghanitan. Mỹ đã can thiệp vào quốc gia Nam Á này từ 18 năm qua, đây có là cơ hội khép lại cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ ? Washington và quân Taliban đã nhượng bộ những gì và đâu là tiếng nói của chính quyền Kaboul ?
Hình ảnh đặc sứ Mỹ về Afghanistan, Zalmay Khalilzad cùng với lãnh đạo chính trị phe Taliban, Abdul Ghani Baradar, bắt tay nhau trong tiếng hoan hô và những tiếng hô Allah Akbar tại phòng hội nghị ở Doha, thủ đô Qatar hôm Thứ Bảy, 29/02/2020 đã đi vào lịch sử.
Hai ông Khalizad và Baradar trước đó vừa đặt bút ký vào một văn bản. Chưa thể nói tài liệu này là một hòa ước, nhưng giới quan sát đồng thanh xem đây là "điểm khởi đầu" mở ra viễn cảnh vãn hồi hòa bình cho Afganistan.
Thỏa thuận Doha bao gồm những gì ?
Để có được hình ảnh Mỹ và đại diện của quân Taliban bắt tay nhau dưới sự sự chủ tọa của ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, phía Washington cam kết ít nhất hai điều.
Điều thứ nhất: từng bước rút quân khỏi Afghanistan trong vòng 135 ngày sắp tới. Như vậy, trên nguyên tắc đến cuối tháng 4/2021, lực lượng quân đội nước ngoài hiện diện tại Afghanistan, chủ yếu là lính Mỹ, sẽ chỉ còn 8.600 người, thay vì 13.000 như hiện tại.
Điểm thứ hai trong thỏa thuận Doha liên quan đến kế hoạch "trao đổi từ binh : hơn 5000 chiến binh Taliban sẽ được trao trả trước ngày 10/03/2020 và đổi lại thì trên 1.000 lính của quân đội Afghanistan cũng sẽ được quân Hồi Giáo cực đoan tại Afghanistan trả tự do".
Kèm theo đó là những điều kiện của Mỹ
Washington một mặt nhất mạnh thỏa thuận Doha phác thảo một "lộ trình về nguyên tắc" và việc rút liên quân quốc tế khỏi quốc gia Nam Á này còn tùy thuộc vào "quyết tâm" của bên Taliban. Đồng thời, Hoa Kỳ chủ trương về mặt chính trị, phe nổi dậy tại Afghanistan phải mở "đối thoại với đại diện của chính quyền Kaboul và Washington".
Taliban cam kết những gì với Mỹ ?
Bánh ít trao đi, bánh quy trao lại. Mỹ đặt lên bàn đàm phán hai điểm then chốt, phía Taliban cũng đưa ra hai cam kết quan trọng không kém. Một là "loại trừ mọi hành vi khủng bố xuất phát từ lãnh thổ Afghanistan trong những khu vực do Taliban kiểm soát, đồng thời cấm mọi tổ chức, trong đó có Al Qaeda, xem Afghanistan như một địa bàn để làm phương hại đến an ninh của Hoa Kỳ và đồng minh của Mỹ".
Điềm thứ nhì là Taliban đồng ý đàm phán với chính quyền Kaboul nhằm vãn hồi hòa bình. Đối thoại với chính quyền Afghanistan là điều mà từ trước tới nay Taliban dứt khoát từ chối.
Vế thứ hai này sẽ chính thức mở ra kể từ ngày 10/03/2020. Theo giới quan sát, có nhiều khả năng đại diện của Taliban và của tổng thống Ashraf Ghani sẽ gặp nhau tại Oslo, Na Uy.
Mức độ khả tín và khả thi của thỏa thuận Mỹ-Taliban ?
Trước cử tọa gồm đại diện của trên dưới 30 quốc gia tại Doha, ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đánh giá "đối với cả một thế hệ, đây là cơ hội tốt nhất để vãn hồi hòa bình", đồng thời kêu gọi Taliban giữ lời hứa "đoạn tuyệt với tổ chức khủng bố Al Qaeda".
Mùa thu 2001, Mỹ đã khởi động chiến dịch quân sự tại Afghanistan nhằm trả đũa loạt tấn công 11 tháng 9 năm 2001, do tổ chức Al Qaeda trong tay trùm khủng bố Oussama Ben Laden tiến hành. Liên quân quốc tế đã đánh đuổi Taliban khỏi chính quyền Afghanistan. Phe này từ đó tới nayvẫn "trường kỳ kháng chiến". Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, chiến tranh Afghanistan đã gây tử vong cho từ 32.000 đến 60.000 thường dân Afhasnisan và 1.900 lính Mỹ.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper, có mặt tại thủ đô Kaboul đe dọa : nếu phía Taliban thất hứa, Hoa Kỳ sẽ "không do dự để hủy thỏa thuận Doha". Về phần tổng thống Trump, ông hào hứng đến nỗi không loại trừ khả năng sẽ đích thân gặp lãnh đạo Taliban !
Còn phát ngôn viên Taliban tại thủ đô Kaboul ngay từ hôm 29/02/2020 tuyên bố "ngưng tất cả mọi chiến dịch vũ trang trên toàn quốc".
Thắng lợi ngoạn mục của Donald Trump
Có một điều chắc chắn: phía Hoa Kỳ đang tin tưởng là trong thời gian tới, "bạo động tại Afghanistan" sẽ giảm đi đáng kể. Dù bị gạt ra ngoài tiến trình đàm phán, tổng thống Afghanistan Ghani cũng tin rằng các bên đã xây dựng "nền tảng hòa bình" cho quốc gia Nam Á này, đồng thời quyết định lệnh hưu chiến được khởi động từ 7 ngày qua trước lễ ký kết thỏa thuận ở Doha, sẽ được triển hạn.
Robert Malley, chủ tịch tổ chức ngăn ngừa xung đột International Crisis Group ghi nhận "không một thỏa thuận nào hoàn hảo", nhưng văn bản vừa được ký kết tại Doha là "hy vọng tốt nhất cho phép kết thúc một cuộc chiến đã kéo dài từ hai thập niên qua".
Viễn cảnh hòa bình còn mong manh
Bên cạnh những đánh giá lạc quan như trên, một số nhà phân tích cũng thận trọng lưu ý rằng, viễn cảnh hòa bình tại Afghanistan còn mong manh, vì nhiều lý do.
Thứ nhất, một trong những điểm then chốt trong thỏa thuận Mỹ -Taliban liên quan đến việc trả tự do cho 5.000 chiến binh Taliban trong tay chính quyền Afghanistan. Về điểm này, văn bản ở Doha chưa ráo mực, tổng thống thống Ashraf Ghani cho rằng Washington đã cam kết với quân Taliban về một điểm mà không có sự đồng thuận của Kaboul. Trả tự do hay không cho 5.000 chiến binh Taliban "không thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ".
Thứ hai là việc Washington trực tiếp đối thoại với Taliban đang làm suy yếu chính quyền của tổng thống Ashraf Ghani. Ông bị cáo buộc là một "con bù nhìn" trong tay Mỹ. Chuyên gia Vanda Felba Brown, thuộc viện nghiên cứu Brookings của Mỹ, trả lời hãng tin AFP, đánh giá "không có gì bảo đảm là đối thoại chính trị giữa quân Taliban với chính quyền Kaboul,  và đại diện xã hội dân sự Afghanistan sẽ được duy trì cho tới ngày 10/03/2020". Theo chuyên gia này, tổng thống Ashraf Ghani và đối thủ chính là ông Abdulhah Abdullah đang quá bận rộn với việc tranh giành quyền lực để có thể thanh thản chuẩn bị đàm phán nhằm vãn hồi hòa bình cho Afghanistan.
Vả lại, "đối thoại với chính quyền ở Kaboul" không là một điều kiện tiên quyết trong đàm phán giữa Hoa Kỳ - Taliban. Sau cùng, vẫn theo chuyên gia của viện Brookings, đành rằng khi bắt tay với đặc sứ Mỹ về Afghanistan, đại diện của Taliban đã cam kết ngăn chận các nhóm khủng bố, trong đó có tổ chức Al Qaeda, tuyển mộ chiến binh, mở các trai tập huấn trên lãnh thổ Afghanistan ... nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Taliban sẽ "đoạn tuyệt" với Al Qaeda như Washington mong đợi.
Lo ngại Taliban hồi sinh
Sau cùng, công luận Afghanistan, vốn đã quá mệt mỏi sau gần hai thập niên chiến tranh, với những vụ khủng bố xảy ra hàng ngày, đang nửa mừng nửa lo. Mừng nếu như thực sự "quân Taliban ngưng sát hại thường dân Afghanistan". Nhưng đồng thời, quốc gia với hơn 35 triệu dân này vẫn còn nhớ thời kỳ Taliban cai trị đất nước từ năm 1996 đến 2001. Đó là giai đoạn phụ nữ bị tước đoạt mọi quyền tự do, con gái bị cấm đến trường, nhiều ngôi làng bị sát quân Taliban sát hại.
Là một phong trào hồi giáo cực đoan theo hệ phái Sunni, quân Taliban đã dễ dàng chinh phục Kaboul năm 1996, trong bối cảnh Afghanistan trải qua cuộc nội chiến tàn khốc, sau khi chế độ cộng sản vốn được Liên Xô yểm trợ sụp đổ năm 1991. Một khi lên cầm quyền phe Taliban áp dụng luật Hồi Giáo khắt khe nhất. Phụ nữ bị ném đá chỉ vì một lời cáo buộc ngoại tình. Kẻ trộm bị chặt tay. Năm 2001 thế giới rúng động khi thấy những bức tượng Phật hơn 1500 năm tuổi ở Bamyian bị đập phá. Cũng dưới những năm tháng Taliban cầm quyền, trùm khủng bố Al Qaeda là Oussama Ben Laden đã nương náu tại Afghanistan và từ đây Ben Laden điều khiển chiến dịch tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200302-thỏa-thuận-mỹ-taliban-hòa-bình-cho-afghanistan-đường-còn-dài

Geen opmerkingen:

Een reactie posten