maandag 30 maart 2020

Virus corona : Việt Nam chống dịch thành công với tiềm lực hạn hẹp (theo báo Deutsche Welle của Đức và tuần báo l’Obs của Pháp)

Virus corona : Việt Nam chống dịch thành công với tiềm lực hạn hẹp

Chốt kiểm soát ở cổng bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nơi được xác định là ổ dịch lớn hiện nay của Việt Nam, ngày 26/03/2020.
Chốt kiểm soát ở cổng bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nơi được xác định là ổ dịch lớn hiện nay của Việt Nam, ngày 26/03/2020. REUTERS - KHAM
Khi dịch virus corona bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam từng bị coi là nước có nguy cơ bị tác động lớn thứ hai do ở sát Trung Quốc, có chung 1.100 km biên giới. Khi cả thành phố Vũ Hán bị phong tỏa ngày 23/01/2020, Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm virus đầu tiên. Nhưng từ 3 tháng qua, chỉ có 194 ca lây nhiễm, không có ca tử vong.
Cùng lúc, cả trang Deutsche Welle của Đức và tuần báo l’Obs của Pháp đều quan tâm đến trường hợp chống dịch của Việt Nam, được Tổ Chức Y Tế Thế Giới đánh giá cao. Deutsche Welle đặt câu hỏi : “Việt Nam chiến thắng cuộc chiến chống virus corona như thế nào?”, trong khi l’Obs so sánh : “Virus corona : Làm thế nào Việt Nam, quốc gia đang phát triển, lại thành công hơn cả Pháp?” (28/03).
Không giầu như Hàn Quốc với khả năng xét nghiệm gần như đại trà người nhiễm virus corona, hay như Đức có thể thực hiện đến 300.000 xét nghiệm mỗi ngày, Việt Nam, đã sản xuất được bộ kit riêng, chỉ xét nghiệm cho những ca nghi nhiễm, với tổng số gần 16.000 xét nghiệm. Theo Deutsche Welle, dù hệ thống y tế còn yếu và ngân sách dành chống virus corona không phải là lớn, Việt Nam đã sớm có chiến lược chống virus lây lan trong cộng đồng, được tóm lược trong phát biểu “chống dịch như chống giặc” của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay từ dịp Tết nguyên đán.
Theo bài viết của hai báo Deutsche Welle và l’Obs, thành công của Việt Nam được thể hiện qua bốn biện pháp chính.
Cách ly tập trung
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong từng phát biểu nếu có 1.000 ca nhiễm virus corona ở thành phố có hơn 8 triệu dân này thì coi như “vỡ trận” vì các bệnh viện chỉ có 900 giường chăm sóc tích cực. Vì thế, Việt Nam chọn biện pháp cách ly, từng được Financial Times gọi là chiến lược “low cost”, “nghiêm ngặt”, theo Deutsche Welle và “tấn công”, theo l’Obs.
Khác với Đức chỉ cách ly những người bị nhiễm virus corona và những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, Việt Nam mở rộng tìm tất cả những người tiếp xúc ở vòng hai, vòng ba và vòng bốn để cách ly hoặc hạn chế tiếp xúc. Sau đó, tất cả những người đến từ vùng có nguy cơ cao trên thế giới đều bị cách ly tập trung 14 ngày. Mọi trường học đều đóng cửa, học sinh, sinh viên được nghỉ học ngay từ sau Tết nguyên đán.
L’Obs nhắc lại chiến lược cách ly này từng mang lại hiệu quả lúc xảy ra dịch SARS năm 2003, bắt nguồn từ bệnh viện Việt-Pháp hiện đại với bệnh nhân đầu tiên là một người Hồng Kông, sau đó lây nhiễm cho rất nhiều y tá và khiến 5 người chết. Cuối cùng, chính bệnh viện Bạch Mai lại khống chế được sự lây lan của virus bằng cách mở cửa sổ lưu thông không khí khi chăm sóc bệnh nhân. Thành công này được nhắc đến trong nhiều nghiên cứu khoa học.
Giám sát ở mọi cấp độ
Thay vì phụ thuộc vào y tế và công nghệ để cảnh báo dịch virus corona, Việt Nam có thể trông cậy vào lực lượng giám sát đến từng ngóc ngách và được quân đội hỗ trợ. Deutsche Welle nhận xét quân đội Việt Nam, được trang bị tốt và được người dân tôn trọng, đã triển khai nhân lực và thiết bị giúp chống virus  corona. Biện pháp giám sát chặt chẽ này ngăn chặn được bất kỳ ai thuộc diện cách ly lọt lưới.
Một người tên là Lan, được l’Obs phỏng vấn, tỏ ra lo ngại về sự “hồi sinh” của một số biện pháp giám sát từng được nới lỏng phần nào “vì họ (người dân) có cảm tưởng chỉ có những biện pháp đó mới có thể cứu được họ. Rất nhiều người chế giễu Mỹ, Pháp, các nền dân chủ phương Tây về việc : dân chủ chẳng để làm gì vì quý vị không có khả năng bảo vệ dân khỏi một con virus . Đúng, hậu quả về nhân mạng của chúng tôi sẽ không cao như ở châu Âu hay ở Mỹ. Nhưng sẽ phải trả cái giá nào ?”
Tuy nhiên, biện pháp giám sát này lại dẫn đến bất cập là người nhiễm virus corona bị tẩy chay, bị thóa mạ trên mạng xã hội như trường hợp bệnh nhân 17, được cả Deutsche Welle và l’Obs lấy làm ví dụ. Anna Moï, nhà văn Pháp gốc Việt đến Việt Nam trước chuyến bay có bệnh nhân 17 vài ngày, kể lại với nhà báo của l’Obs :
“Họ (chính quyền) làm việc rất hiệu quả. Cảnh sát đến các khách sạn để tìm những hành khách của chuyến bay nổi tiếng đó. Nhờ vào khai báo bắt buộc khi vào lãnh thổ, họ đã tìm được tất cả mọi người. Đó là chưa kể đến những người hàng xóm thường tán chuyện với nhau : ở Việt Nam, chuyện gì cũng biết được ! Dù sao, tôi thấy rõ là không khí thay đổi. Rất nhiều nghi ngờ đối với người từ nước ngoài đến... Bệnh Covid-19 trở thành căn bệnh của người phương Tây”.
Khẩu hiệu chiến tranh
Những khẩu hiệu thời chiến lại trở thành trào lưu được hưởng ứng trong giai đoạn chống dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “chống dịch như chống giặc” “mỗi doanh nghiệp, người dân, khu dân cư phải là “pháo đài” chống dịch bệnh”. Theo Deutsche Welle, những khẩu hiệu này tác động mạnh đến tâm trí người dân, tạo cho họ cảm giác tự hào chung sức trong cuộc khủng hoảng.
L’Obs nêu lên một biện pháp khác, đó là những chiếc loa phường hoặc làng xóm liên tục phát những thông tin phòng chống virus corona. Ngoài ra, bộ Y Tế thường xuyên gửi tin nhắn đến các thuê bao di động về những thông liên quan đến diễn biến của dịch và những lời khuyên về vệ sinh.
Truyền thông Nhà nước cũng được huy động hết vào chiến dịch thông tin tuyên truyền. Giới nghệ sĩ cũng tham gia, thể hiện qua tác phẩm Ghen Cô Vy, một dự án hợp tác giữa nhạc sĩ Khắc Hưng, hai ca sĩ Min, Erik và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y Tế).
Hưởng ứng quy định
Trên mạng xã hội mới xuất hiện một phong trào mới : gieo vần tên của mình theo “tuyên ngôn” để hưởng ứng “ở nhà là yêu nước”, cùng với điều kiện phải chụp ảnh có đeo khẩu trang. Báo Thanh Niên đăng một số khẩu hiệu hài hước : “Tôi là Hưng, ở nhà không phổi bị sưng”, “Tôi là Trang, ở nhà không lang thang”...
Phần lớn người dân đồng tình với các biện pháp của chính phủ. Họ tự hào vì Việt Nam khá thành công trong việc xử lý dịch, dù theo thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai tuần đầu tháng Tư sẽ mang tính quyết định. Theo Deutsche Welle, rất ít người cảm thấy phiền về việc thành công này sẽ trao cho chính phủ, do đảng lãnh đạo, thêm lợi thế chính trị. Ngoài ra, họ cũng chấp nhận việc kiểm soát chặt chẽ hơn các phương tiện truyền thông.
Người dân cũng chấp nhận thiệt hại kinh tế lớn đối với Việt Nam, đổi lại có ít ca nhiễm virus corona. Theo số liệu của chính phủ, khoảng 3.000 doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động từ hai tháng đầu năm 2020. Nhiều tập đoàn lớn như Vingroup cũng phải đóng cửa hàng chục khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi vì số lượng khách giảm mạnh. Để giảm bớt gánh nặng, chính phủ giải ngân 1,1 tỷ đô la. Lời kêu gọi quyên góp của chính phủ được hưởng ứng mạnh mẽ vì rất nhiều người tin vào chính phủ trong thời kỳ khủng hoảng dịch tễ này.
http://www.rfi.fr/vi/việt-nam/20200330-virus-corona-việt-nam-chống-dịch-thành-công-với-tiềm-lực-hạn-hẹp

Geen opmerkingen:

Een reactie posten