vrijdag 17 maart 2017

Việt Nam đòi Trung Quốc ngưng tổ chức du lịch ở Biển Đông + tàu Trung Quốc đưa du khách đến Hoàng Sa + tuyến bay dân sự thường xuyên ra Hoàng Sa


Việt Nam đòi Trung Quốc ngưng tổ chức du lịch ở Biển Đông


media
Du khách Trung Quốc trước tượng Quan Âm Nam Hải ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, ngày 14/04/2008.AFP PHOTO/Frederic J. BROWN

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 13/03/2017 tuyên bố « Việt Nam phản đối mạnh mẽ » việc Trung Quốc đưa tàu du lịch đến Hoàng Sa, « yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng luật pháp quốc tế và ngưng ngay lập tức những hoạt động này ».
Hãng tin Reuters nhắc lại, đầu tháng 3/2017, tàu du lịch của Trung Quốc đã khởi hành từ thành phố Tam Á, thuộc đảo Hải Nam, đưa hơn 300 du khách đến nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan cùng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Hà Nội mạnh mẽ lên án các tour du lịch đến vùng đảo mà « Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa »
Về phía Manila, sau khi tố cáo tàu khảo sát Trung Quốc thâm nhập hải phận Philippines hồi năm 2016 tại khu vực Benham Rise, hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, ông muốn tin vào giải thích của Bắc Kinh, theo đó tàu Trung Quốc đã vào hoạt động ở Benham Rise trong ba tháng liền vì mục đích « nghiên cứu », nhưng điều này không cấm cản « Manila tăng cường các chiến dịch tuần tra trong vùng biển giàu tàu nguyên thiên nhiên này ». Benham Rise là một khu vựcrộng 13 triệu hecta và được xem là nơi giàu khí đốt.
Năm 2012, Liên Hiệp Quốc đã công nhận Benham Rise thuộc chủ quyền của Philippines.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170313-viet-nam-doi-trung-quoc-ngung-to-chuc-du-lich-o-bien-dong


Thêm một tàu Trung Quốc đưa du khách đến Hoàng Sa


mediaThành phố Tam Sa (Sansha), trong vùng quần đảo Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, ở Biển Đông (Ảnh chụp ngày 27/01/2012)STR / AFP
Một tàu du lịch mới của Trung Quốc vừa mở chuyến đi đầu tiên đưa hơn 300 du khách đến quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.
Hãng tin Reuters ngày 03/03/2017, trích dẫn Tân Hoa Xã của Trung Quốc, cho biết là tàu du lịch mang tên Trường Lạc Công Chúa (Changle Princess) đã khởi hành vào chiều hôm trước từ thành phố Tam Á thuộc tỉnh đảo Hải Nam chở theo 308 du khách trong một chuyến đi bốn ngày ba đêm đến nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Tàu du lịch mới này có thể chuyên chở tổng cộng 499 người, có 82 phòng, với các dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm, chăm sóc y tế và bưu điện. Trước đó, phía Trung Quốc đã tiết lộ các dự án khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng và các thương xá trên nhóm đảo Lưỡi Liềm.
Vào tháng 06/2016, Trung Quốc đã loan báo các kế hoạch đưa tàu du lịch đến Biển Đông và phát triển các khu nghỉ mát theo kiểu Maldives ở vùng này. Bộ Ngoại Giao Việt Nam lúc đó đã lên tiếng phản đối, xem đây là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 02/03, một phát ngôn viên của của Chính Hiệp Trung Quốc (Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc) đã bác bỏ những chỉ trích của quốc tế về Bắc Kinh xây dựng các cơ sở quân sự trên những đảo nhân tạo ở Biển Đông và cho rằng các đảo và đá ở vùng biển này là của Trung Quốc, việc xây dựng các cơ sở ấy là chuyện « hoàn toàn bình thường ».
Chuyên gia Úc lo ngại Biển Đông « sôi sục » với Donald Trump
Chuyên gia Andrew Davies của Viện Chiến Lược Úc đề xuất Canberra xem lại chính sách quốc phòng vì tình hình an ninh quốc tế « sẽ xấu đi » với tổng thống Mỹ Donald Trump. Biển Đông « sôi sục » là vấn nạn số một của Úc.
Theo nhận định của Andrew Davies, được đài ABC trích dẫn ngày 03/03, thái độ « dương oai » của Washington về Biển Đông sẽ đưa đến đụng độ với Bắc Kinh. Xung đột tại Biển Đông sẽ cắt đứt con đường nhập khẩu nhiên liệu của Úc.
Chia sẻ mối lo ngại này, phát ngôn viên của công ty vận chuyển hàng hải NRMA Peter Khoury nhấn mạnh : Úc lệ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, chở từ các nhà máy lọc dầu ở Singapore, đi ngang Biển Đông, về Úc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170303-them-mot-tau-trung-quoc-dua-du-khach-den-hoang-sa


Trung Quốc mở tuyến bay dân sự thường xuyên ra Hoàng Sa


mediaThành phố Tam Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền.STR / AFP
Đúng như đã từng đe dọa, Trung Quốc chính thức đưa tuyến bay dân sự nối liền đảo Hải Nam với quần đảo Hoàng Sa (Biển Đông) vào hoạt động. Theo Tân Hoa Xã, chuyến charter đầu tiên đã được thực hiện ngày 21/12/2016, bay từ Hải Khẩu, thủ phủ Hải Nam đến Phú Lâm, đảo lớn nhất tại Hoàng Sa.
Theo bản tin của hãng thông tấn Nhà Nước Trung Quốc, mỗi ngày đều có một chuyến bay ra Hoàng Sa, khởi hành lúc 8h45, và từ Phú Lâm trở về lúc 13h. Tân Hoa Xã còn cho biết giá vé là 1.200 yuan một chiều, tức là hơn 170 đô la. Để chuẩn bị cho việc khởi động đường bay dân sự này, hôm 16/12 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã thông qua quyết định cho phép sử dụng các cơ sở vừa quân sự, vừa dân sự, trên đảo Phú Lâm vào mục tiêu dân sự.
Quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông là khu vực hiện có ba bên tuyên bố chủ quyền : Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Vào năm 1974, Bắc Kinh đã dùng võ lực chiếm trọn quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng Hòa, và từ đó đến nay đã không ngừng bồi đắp, xây dựng hạ tầng cơ sở, và đưa quân đội ra đồn trú trên đảo.
Trong mục tiêu khẳng định quyền kiểm soát của mình trên Hoàng Sa, Bắc Kinh đã thực hiện chiến lược biến Hoàng Sa thành một địa điểm du lịch, mà truyền thông Trung Quốc hồi tháng 5/2016 vừa qua đã không ngần ngại cho là có sức hấp dẫn không kém quần đảo du lịch nổi tiếng thế giới là Maldives.
Bước đầu, Trung Quốc đã tổ chức các chuyến du lịch Hoàng Sa bằng đường biển, từ năm 2013. Việc mở đường bay dân sự là bước kế tiếp. Để quảng bá cho các tuyến du lịch này, Trung Quốc đã hô hào công dân của họ thể hiện lòng yêu nước bằng cách đi thăm Hoàng Sa.
Câu hỏi đang được đặt ra là liệu Trung Quốc có mở thêm đường bay dân sự đến Trường Sa hay không ? Ngày 13/07 vừa qua, Bắc Kinh đã cho phi cơ dân sự đáp thử xuống hai phi đạo mà họ mới xây dựng trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef) ở quần đảo Trường Sa. Báo chí Trung Quốc khẳng định là lần thử nghiệm đó đã thành công.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161223-trung-quoc-tuyen-bay-dan-su-hoang-sa

Geen opmerkingen:

Een reactie posten