zondag 26 maart 2017

60 năm Hiệp định Roma : Liên Hiệp Châu Âu khẳng định một "tương lai chung"


 60 năm Hiệp định Roma, Liên Hiệp Châu Âu khẳng định một "tương lai chung"

media
Vắng Anh Quốc, lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu kỷ niệm 60 năm Hiệp định Roma. Ảnh ngày 25/03/2017.

Nhân lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Roma, ngày 25/03/2017, vắng mặt Anh Quốc nhưng lãnh đạo 27 nước châu Âu long trọng ký kết bản Tuyên bố chung, khẳng định Liên Hiệp Châu Âu là một khối « thống nhất và không thể tách rời ». An ninh được tăng cường tại thủ đô nước Ý đề phòng khủng bố và các cuộc biểu tình bài châu Âu.
Lễ ký Tuyên bố chung được tổ chức tại điện Capitol, cũng tại phòng hội Horaces và Curiaces, nơi cách đây 60 năm, ngày 25/03/1957, sáu thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu - gồm Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Ý - đã ký Hiệp định Roma. Các bên hy vọng lễ kỷ niệm hôm nay là cơ hội để tái thúc đẩy dự án châu Âu, trong bối cảnh nước Anh quyết định rời khỏi gia đình chung và làn sóng dân tộc chủ nghĩa bùng lên ở khắp nơi trên lục địa này.
Tường trình của thông tín viên Huê Đăng :
" Roma rực rỡ nắng ấm, 27 nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu – không có sự hiện diện của thủ tướng Anh vì Luân Đôn đã quyết định bước ra khỏi khối Châu Âu, long trọng tham dự lễ kỷ niệm 60 năm (1957-2017) thành lập Liên Hiệp. Báo chí gọi đây là "đám cưới kim cương" của Liên Hiệp Châu Âu.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, ông Jean-Claude Junker hồ hởi tuyên bố là sẽ có kỷ niệm 100 năm thành lập Liên Hiệp Châu Âu, ý nói lên niềm tin về sự bền vững và trường tồn của toàn khối, dù rằng hiện nay Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Đặc biệt là phe bài Châu Âu ngày càng tăng, và những khó khăn kinh tế khiến tỷ lệ ủng hộ và tin tưởng vào Châu Âu đã thuyên giảm.
Ngay trong sảnh đường lớn của Ủy Ban Quản Trị thủ đô Roma, nơi mà 60 năm trước nguyên thủ quốc gia của 6 nước sáng lập viên đã ký Hiệp định Châu Âu đầu tiên làm nền tảng cho Liên Hiệp Châu Âu sau này, 27 nguyên thủ quốc gia đã lần lượt ký tên vào văn bản của kỷ niệm 60 năm Liên Hiệp Châu Âu với nội dung nhằm thúc đẩy phát triển thêm mức độ hội nhập của Liên Hiệp Châu Âu trong vòng 10 năm tới.
Trong bài diễn văn đón chào các nguyên thủ quốc gia đến dự lễ kỷ niệm, thủ tướng Ý, ông Paolo Gentiloni, tuyên bố : " xây dựng Liên Hiệp Châu Âu là cả một hành trình để biến những ước mơ và hy vọng thành sự thật. Hành trình đó hiện nay vẫn còn tiếp tục".
Hôm qua, 24/03/2017 các nguyên thủ quốc gia của Liên Hiệp Châu Âu đã tiếp kiến Đức Giáo Hoàng Phanxico tại Tòa thánh Vatican. Sau lễ kỷ niệm Hiệp định Roma sáng nay, tất cả các phái đoàn sẽ đến dinh tổng thống Ý tiếp kiến ông Sergio Mattarella.
Khoảng 5.000 nhân viên của lực lượng an ninh cảnh sát và quân đội đã tăng cường bảo vệ Roma: vừa phòng chống khủng bố vừa ngăn ngừa các cuộc bạo loạn có thể xẩy ra từ những phần tử quá khích tẩy chay Châu Âu.
Từ những ngày trước cảnh sát đã kiểm soát các ngõ ngách, đường hầm, ống cống ở những nơi trọng yếu của Roma. Đường sông và không phận của Roma hôm nay bị phong tỏa, nhất là sau khi xảy ra vụ khủng bố vừa qua ở Luân Đôn, từ mấy hôm nay không có xe tải nào được chạy vào nội thành Roma.
Trong lúc các nguyên thủ quốc gia đặt bút ký vào bản Tuyên bố chung, kỷ niệm 60 năm Hiệp định Roma, thì có ít nhất 4 cuộc biểu tình bài châu Âu với khoảng hơn 10 ngàn người tham dự, theo dự phóng của cảnh sát Ý. Các giới chức an ninh đã được báo động về sự hiện diện của những thành phần quá khích như black-block. Vài ngày trước đây, đã có khoảng 7 ngàn thành phần quá khích mang quốc tịch của những nước khác đã bị trục xuất ra khỏi Ý ".

Khó nhọc để đạt được bản Tuyên bố chung
Liên Hiệp Châu Âu không dễ đạt được đồng thuận về bản Tuyên bố chung, được ký vào sáng nay sau hai ngày thương lượng cam go. Ba Lan cho đến phút cuối cùng vẫn đe dọa không ký, bởi không chấp nhận nguyên tắc châu Âu « nhiều tốc độ », tuy nhiên, nguyên tắc này đã được chấp nhận trong văn bản cuối cùng (với một thay đổi nhỏ, « nhiều tốc độ » được chuyển thành « với nhịp độ khác nhau »). Ngoài Ba Lan, Hy Lạp cũng tỏ ra dè dặt với bản Tuyên bố chung, nhưng yêu cầu làm rõ vấn đề các quyền lợi của người lao động.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã có một hành động mang tính biểu tượng, đó là ký vào Tuyên bố chung, với chiếc bút đã được lãnh đạo Luxembourg dùng để ký Hiệp ước Roma cách nay đúng 60 năm.
Trước lễ ký, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, hối thúc lãnh đạo 27 nước « hãy chứng tỏ là các lãnh đạo của châu Âu ». Ông nhắc lại với các lãnh đạo châu Âu về thời kỳ Ba Lan còn sống dưới chế độ Cộng Sản toàn trị, những chặng đường khó khăn mà Liên Hiệp Châu Âu đã trải qua, và kêu gọi đừng để dự án châu Âu sa lầy trong « những bất đồng nội bộ » và tránh để cơ nghiệp của châu Âu tiêu tan trong nạn quan liêu.
Tuyên bố chung của Liên Hiệp Châu Âu khẳng định 27 nước cam kết lắng nghe các công dân, trong lúc cách đó vài trăm mét, hàng nghìn người biểu tình bày tỏ thái độ phản đối thượng đỉnh này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170325-60-nam-hiep-dinh-roma-lien-hiep-chau-au-khang-dinh-mot-tuong-lai-chung

60 năm Hiệp định Roma : Tương lai nào cho Liên Hiệp Châu Âu ?


media
Biểu tượng chào mừng Liên Hiệp Châu Âu- Roma ngày 25/03/2017.Reuters

Vào lúc 27 nước thành viên tập hợp về thủ đô nước Ý kỷ niệm Hiệp định Roma được ký kết ngày 25/03/1957, cách nay đúng 60 năm, Liên Hiệp Châu Âu đang bị chia rẽ sâu rộng. Khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến công luận hoài nghi về những hứa hẹn thịnh vượng chung.
Ngày 25/03/1975 tại Roma, Pháp, Đức, Bỉ, Ý Luxembourg và Hà Lan đã ký hai hiệp ước khai sinh Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu (CEE) và Cộng Đồng Châu Âu về Năng Lượng Nguyên Tử (CCEA). Chính thức có hiệu lực vào tháng 1/1958, cả hai hiệp định nói trên mở đường cho Liên Hiệp Châu Âu ra đời. Từ sáu nước ban đầu, Cộng Đồng Châu Âu nhiều lần đổi tên và kết nạp thêm các thành viên mới, để trở thành Liên Hiệp Châu Âu ngày nay, bao gồm tổng cộng 28 quốc gia -cho đến khi Anh Quốc chính thức rời Liên Hiệp, với hơn 500 triệu dân.

Liên Hiệp Châu Âu bước vào cái tuổi 60 với nhiều thách thức
Tháng 6/2016 đa số dân Anh đòi bước ra khỏi mái nhà chung châu Âu. Khủng hoảng tài chính và kinh tế từ năm 2008 thổi tới châu Âu, nhiều nước trên Lục Địa Già lao đao: Hy Lạp suýt phải tuyên bố phá sản. Hơn ¼ dân số trong tuổi lao động ở trên quê hương của nhà hiền triết Socrate không có việc làm. Hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha bị đe dọa, Ý và thậm chí là cả Pháp trong tầm ngắm của giới đầu cơ. Chín năm sau vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản, 20,6 triệu dân trong Liên Hiệp Châu Âu bị thất nghiệp.
Các khuynh hướng bài châu Âu cận kề cánh cửa quyền lực. Phong trào dân tộc chủ nghĩa dâng cao, từ các nước Đông Âu đến Tây Âu. Đảng cựu hữu bài Châu Âu của ông Geert Wilders trở thành lực lượng chính trị thứ nhì ở Hà Lan sau cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 3/2017. Tại Áo, phe cựu hữu với chủ trương dân túy cũng xuýt nắm được quyền lực. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp, đảng Mặt Trận Quốc gia của bà Le Pen đang dẫn đầu các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu. Còn tại Đức, thủ tướng Merkel liệu có là thành trình sau bầu cử Quốc vào tháng 9/2017 nữa hay không ?
Sát ngay cổng vào Liên Hiệp Châu Âu, xung đột tại miền đông Ukraina mở ra một cuộc đọ sức giữa Bruxelles với Liên bang Nga ; Đe dọa khủng bố ; Khủng hoảng về di dân, hậu quả trực tiếp từ các cuộc nội chiến tại Syria, Irak, Yemen ; Ẩn số trong quan hệ giữa châu Âu với chính quyền Donald Trump ở Washington … là những hồ sơ nóng bỏng cần được giải quyết.
Thế nhưng vào thời điểm cực kỳ nhậy cảm ấy, thì khối Liên Âu lại bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Điều này thể hiện rõ rệt nhất qua chính sách đón nhận người nhập cư, qua các làn sóng bài châu Âu đang được các đảng cực hữu và cực tả khai thác.

« Những công thức cũ đã mất thời gian tính »
Trả lời báo Le Figaro, số ra ngày 24/03/2017, về tương lai chung của khối Liên Âu cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine và chủ tịch quỹ mang tên cha đẻ của Liên Hiệp Châu Âu Robert Shuman, ông Jean- Dominique Giuliani cùng cho rằng, để tồn tại Châu Âu cần đoạn tuyệt với những công thức từng được dùng trong 60 năm qua.
Nêu lên những lợi ích chung, từ đó đặt ra những luật chơi chung, không còn là phép lạ để người dân ở 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu cảm thấy gần gủi với nhau. Khi mà công luận không còn tin tưởng vào một định mệnh chung, vào một con tàu châu Âu thì đó là yếu tố nghiêm trọng nhất dẫn tới sự tan rã của toàn khối.
Mối nguy hiểm đó, trong mắt cựu ngoại trưởng Vedrine, còn đáng sợ hơn gấp bội lần so với thách thức trên vấn đề người nhập cư, so với những đòn khiêu khích của tổng thống Nga hay những lời lẽ đao to búa lớn của tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Chủ tịch Quỹ châu Âu Robert Schuman, Jean- Dominique Giuliani cho rằng đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu cần dừng tiến trình hội nhập để lắng nghe nguyện vọng tha thiết nhất của các dân tộc trong cùng một gia đình.
Những tiếng nói đó muốn gì ? Họ muốn bảo vệ bản sắc và chủ quyền quốc gia. Nguyện vọng vừa giữ được bản sắc và chủ quyền ấy, không mâu thuẫn với tình cảm tốt đẹp đối với châu Âu.
Cựu ngoại trưởng Pháp kết luận : Lờ những nguyện vọng đó hay không thay đổi phương pháp làm việc của châu Âu là một tính toán mạo hiểm. Ngược lại ông Vedrine cho rằng, công dân châu Âu vẫn thiết tha với mái nhà chung đã có và cảm tình đó đủ vững mạnh để mọi người cùng nhau « định nghĩa lại » về một tương chung lai chung.

 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170325-60-nam-hiep-dinh-roma-tuong-lai-nao-cho-lien-hiep-chau-au

Geen opmerkingen:

Een reactie posten