woensdag 29 maart 2017

Bắc Việt 1973: Những nụ cười lóe lên từ chết chóc + Người Hà Nội biểu diễn mô tô 50 năm trước

Bắc Việt 1973: Những nụ cười lóe lên từ chết chóc

(REDS.VN) Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973 đã chấm dứt trên danh nghĩa sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian này, người dân miền Bắc bắt đầu thực hiện nỗ lực xây dựng lại đất nước sau những đợt ném bom rải thảm của quân đội Mỹ bằng pháo đài bay B52 vào cuối năm 1972…
Có mặt tại miền bắc Việt Nam trong tháng 3/1973, nhiếp ảnh gia Werner Schulze đã ghi lại nhiều hình ảnh quý giá về công cuộc tái dựng miền Bắc. Xuyên suốt các bức ảnh của ông, người xem có thể cảm nhận được tinh thần lạc quan và hi vọng tràn đầy của quân và dân miền Bắc qua những nụ cười rạng rỡ.
Những đứa trẻ tại một trường học ở Nghi Tàm (Hà Nội) tỏ ra rất phấn khích khi được một "ông Tây" chụp ảnh.
Nụ cười tươi rói của một chàng trai trẻ đang thực hiện công việc sửa chữa cầu Long Biên, bắc qua sông Hồng ở Hà Nội. Cây cầu này đã bị hư hại nặng nề sau nhiều đợt không kích của không quân Mỹ.
Một người lính bế đứa con gái nhỏ. Anh được giao nhiệm vụ sửa chữa đoạn đường Quốc lộ 1 tại địa phận Hà Nội.
Một thanh niên xung phong làm nhiệm vụ xây cầu tạm bên một bờ sông ở Đồng Hới, cách vĩ tuyến 17 – ranh giới phân chia miền Nam và miền Bắc Việt Nam không xa.
Các học sinh ở miền Bắc Việt Nam đều đeo khăn quàng đỏ.
Một học sinh nữ trên sân trường.
Những người lính Bắc Việt đang ghép một chiếc cầu phao gần vĩ tuyến 17.
Những người dân dắt xe đạp qua phà ở phía Đông Nam Đồng Hới.
Cũng là một nụ cười trên đất Bắc Việt, nhưng là của một lính Mỹ. Anh là một trong 116 phi công và nhân viên quân sự Mỹ bị bắt sống tại miền Bắc, được trao trả cho Mỹ theo thỏa thuận 12/2/1973.
Các bé gái đang chuẩn bị một bữa ăn trưa đạm bạc bên những gian nhà tạm ở phố Khâm Thiên, dãy phố đã bị không quân mỹ san phẳng vào cuối năm 1972.
Người phụ nữ trẻ và những đứa con trong một căn nhà hiếm hoi không bị phá hủy trong đợt ném bom của Mỹ trên phố Khâm Thiên.
Một người công nhân trên công trường sửa chữa cầu Long Biên.
V.A (TỎNG HỢP)
http://reds.vn/index.php/khoanh-khac-lich-su/282-nu-cuoi-bac-viet-1973

Ảnh độc: Người Hà Nội biểu diễn mô tô 50 năm trước

Năm 1962, CLB mô tô Hà Nội được thành lập cùng các CLB thể thao khác như tàu lượn, bắn súng, nhảy dù, thông tin... nhằm mục đích lôi cuốn các tầng lớp thanh niên, sinh viên, công nhân viên chức... tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, rèn luyện và nâng cao sức khỏe, tạo ra 1 lực lượng dự bị có trình độ và kinh nghiệm để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Với khẩu hiệu "Khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc", ngay từ những ngày mới thành lập, CLB mô tô HN đã được đông đảo thanh niên hưởng ứng và tham gia luyện tập dưới sự hướng dẫn, dạy bảo tận tình của các thầy Long Hưng, Lê Văn Lãm.
Với lòng hâm mộ môn thể thao mạo hiểm, các nam thanh nữ tú Hà Thành đã dần chinh phục được những "chú ngựa chiến bất kham" với những động tác mô tô nghệ thuật như "nhạn đơn, nhạn kép, nhạn ngũ", bênh thuyền side car tháo bánh.... Qua nhiều đợt sàng lọc, CLB đã chọn được 1 đội ngũ vận động viên tiêu biểu cho Hà Nội đầy kinh nghiệm, nhiệt tình và hăng hái, mong muốn giới thiệu và quảng bá tới người hâm mộ môn thể thao mới lạ này.
Trong thời gian này, không chỉ thực hiện các hoạt động thể thao thuần túy, CLB còn đảm nhiệm công tác đào tạo các lớp huấn luyện sử dụng thành thạo xe phân khối lớn cho các lực lượng vũ trang như Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An, các lớp tự vệ TP Hà Nội. Mặt khác, CLB còn phối hợp sửa chữa và phục hồi hàng trăm xe 2 và 3 bánh, góp phần cùng bộ đội thông tin giữ vững và thông suốt liên lạc trong thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc.
Đặc biệt, CLB đã góp phần không nhỏ công sức để giữ vững đường dây thông tin giữa các lực lượng bảo vệ thủ đô Hà Nội trong chiến dịch lịch sử "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm 1972. Họ thật xứng đáng với lời khen ngợi của đ/c chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng: "CLB mô tô HN là CLB của những người dũng cảm...".
Hòa bình lập lại, CLB mô tô HN đã bước sang 1 nhiệm vụ mới với 1 tên gọi mới: CLB mô tô thể thao Hà Nội trực thuộc Liên đoàn xe đạp - mô tô thể thao Việt Nam.
Ít ai biết rằng những năm 60, 70 của thế kỷ trước, đã có một câu lạc bộ mô-tô rất được người dân miền Bắc ưa thích gồm các nam thanh, nữ tú yêu thích phiêu lưu mạo hiểm và đam mê xe.
Câu lạc bộ mô tô Hà Nội thời đó, được thành lập cùng các câu lạc bộ thể thao khác vào năm 1962, như tàu lượn, bắn súng, nhảy dù…nhằm lôi cuốn các tầng lớp tham gia vào hoạt động vui chơi lành mạnh, rèn luyện nâng cao sức khỏe, với khẩu hiệu “Khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
Khẩu hiệu ấy, và tinh thần ấy của các nam thanh, nữ tú Hà Thành những năm đầu giải phóng miền bắc đã tạo nên một câu lạc bộ mô tô đầy nhiệt huyết và những màn biểu diễn máu lửa, phục vụ người xem miền Bắc.
Phụ trách Câu lạc bộ lúc bấy giờ là thầy Long Hưng và huấn luyện viên Lê Văn Lẫm, cán bộ của Sở Thể dục thể thao Hà Nội, người từng đứng thứ 4 trong cuộc thi mô tô của 12 nước xã hội chủ nghĩa.
Địa điểm tập luyện là Sân vận động Quần Ngựa với phương tiện chỉ là những chiếc xe mô tô IJ hay JAWA 350 phân khối do Liên Xô và Tiệp Khắc sản xuất.
Thời đó, mô tô còn rất xa lạ, việc điều khiển, rồi làm chủ đến thực hiện những màn biểu diễn nghệ thuật trên xe là điều không hề đơn giản.
Các nam, nữ thanh niên được tuyển chọn vào câu lạc bộ phải trải qua những vòng kiểm tra rất khắt khe về sức khỏe, và kiến thức.
Hàng trăm thanh niên hồ hởi tham gia tuyển chọn vào câu lạc bộ.
Trong số đó đáng chú ý là có cả những cô gái Hà Thành xinh đẹp, dịu dàng nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ.
Qua vòng tuyển chọn ban đầu và vào được câu lạc bộ, việc đầu tiên của những thành viên chưa từng biết tới xe phân khối lớn là phải làm quen với chiếc xe, tập… dắt xe, ngồi lên xe và tập lái.
Các thành viên hồi đó phải trải qua quá trình tập luyện vô cùng vất vả.
Khi tập lái xe, cứ một người ngồi trên xe thì 3 người còn lại sẽ đứng bên cạnh giữ thăng bằng và đẩy chiếc xe đi. Khi đã có thể nổ máy và đi xe một cách thành thạo mới tập những động tác khó như bỏ hai tay, đứng lên yên xe, vừa đi xe vừa biểu diễn các động tác đứng, quỳ, nằm bắn súng bằng hai tay, biểu diễn động tác con nhạn bay trên mô tô…
Sau thời gian khổ luyện đằng đằng, đoàn đã đưa những màn biểu diễn của mình phục vụ tại sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội…
…Rồi một loạt các tỉnh thành miền bắc Như Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Nam Định…và đều được công chúng tán thưởng.
Phương tiện biểu diễn giản dị, với vài chiếc mô tô IJ hay JAWA 350 phân khối, tiền lương thưởng không có gì ngoài vài bộ quần áo, đôi giày, nhưng tinh thần luyện tập, biểu diễn say mê không ngại chấn thương, nguy hiểm của họ thất đáng ngưỡng mộ.
Tinh thần chơi xe, yêu xe và hết lòng vì nghệ thuật ấy của một “thế hệ vàng” trong lịch sử được lưu giữ lại trong nhiều bức hình đẹp mà mỗi chúng ta xem lại vừa khâm phục, vừa suy ngẫm.
Theo TRI THỨC TRẺ & AUTOPRO.COM.VN
______________________________
Xem thêm:


http://reds.vn/index.php/khoanh-khac-lich-su/1917-nguoi-ha-noi-bieu-dien-mo-to-50-nam-truoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten