vrijdag 17 maart 2017

Biển Đông : Trung Quốc xây trạm quan sát môi trường trên bãi cạn Scarborough + xây thêm căn cứ hậu cần trên đảo Hải Nam + mở rộng thẩm quyền của Toà án Tối cao ra Biển Đông

Biển Đông : Trung Quốc xây trạm quan sát môi trường trên bãi cạn Scarborough

media
Bãi cạn Scarborough.Wikipedia

Trung Quốc đang xây dựng một trạm quan sát môi trường trên bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines, theo tin từ một quan chức cao cấp chính quyền địa phương của Trung Quốc.
Theo hãng tin AP, tờ nhật báo chính thức Hải Nam Nhật Báo hôm nay, 17/03/2017, trích lời một quan chức cao cấp của « thành phố » Tam Sa cho biết là các trạm quan sát môi trường sẽ được xây trên 6 đảo và đá đang tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có bãi cạn Scarborough, nằm ngoài khơi phía tây bắc Philippines. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc xây một cấu trúc thường trực trên bãi cạn này.
Bắc Kinh đã chiếm Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012. Sau khi tổng thống Duterte kêu gọi cải thiện quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh, Trung Quốc đã cho phép ngư dân Philippines trở lại đánh cá ở khu vực này.
Theo lời quan chức cao cấp của « thành phố » Tam Sa, các trạm quan sát khác sẽ được xây trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam từ năm 1974 và hiện vẫn là quần đảo tranh chấp với Việt Nam và Đài Loan.
Cách đây hai ngày, hãng tin Reuters cũng vừa loan tin là một ảnh vệ tinh chụp vào ngày 06/03/2017, cho thấy là trên Đảo Bắc (North Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc gần đây đã bắt đầu dọn đất và có thể đang chuẩn bị xây một hải cảng, mà theo các chuyên gia có thể là nhằm hỗ trợ cho các cơ sở quân sự. Trước đó, vào tháng 01/2017, cũng đã có thông tin về việc Bắc Kinh xây các công trình trên Đảo Cây, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo các tùy viên quân sự trong khu vực và chuyên gia, công trình mới trên Đảo Bắc cho thấy quyết tâm của Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trên các đảo ở Biển Đông.
  • http://vi.rfi.fr/chau-a/20170317-bien-dong-trung-quoc-xay-tram-quan-sat-moi-truong-tren-bai-can-scarborough

Biển Đông : Trung Quốc xây thêm căn cứ hậu cần trên đảo Hải Nam

media
Ảnh vệ tinh của CSIS công bố ngày 22/02/2017 cho thấy Trung Quốc các công trình kiên cố trên Đá Chữ Thập ở Trường Sa.Courtesy CSIS via Reuters
Một căn cứ hậu cần sẽ được xây dựng ở đảo Hải Nam. Hoàn cầu Thời báo hôm nay 06/03/2017 dẫn lời thị trưởng Tam Sa – cơ quan hành chính do Bắc Kinh thành lập để quản lý khu vực đang bị nhiều nước tranh chấp tại Biển Đông – cho biết như trên.
Theo lời thị trưởng kiêm bí thư Tiêu Kiệt (Xiao Jie), chính quyền Bắc Kinh đã phê duyệt một đề án bảo vệ môi trường tại Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa, trực thuộc cái gọi là « thành phố Tam Sa »).
Tờ báo nhắc lại r ằng Philippines trong vụ kiện ở Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, đã tố cáo Trung Quốc xâm hại hệ sinh thái biển và môi trường tại Biển Đông.
Ông Tiêu Kiệt biện hộ cho kế hoạch gồm sáu dự án, trong đó có việc cải tạo các đảo và đá ngầm, bờ biển, giám sát môi trường biển và trồng rừng trên các đảo. Chính quyền khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời, xe máy chạy bằng điện trên đảo, tích trữ nước mưa. Tam Sa đã cho trồng hai triệu cây xanh trên các đảo trong năm 2016, và dự định trồng thêm một triệu cây trong năm nay.
Nhiều cơ sở kể cả các công trình dân sự trên đảo có thể được quân đội sử dụng. Một căn cứ đang được xây dựng tại cảng nước sâu Mộc Lan (Mulan) ở Văn Xương (Wenchang), Hải Nam để mở rộng quy mô yểm trợ cho các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Hiện nay các dịch vụ hậu cần đang do cảng Thanh Lan (Qinglan) ở Tam Á (Sanya), Hải Nam đảm nhiệm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170306-bien-dong-trung-quoc-xay-them-can-cu-hau-can-tren-dao-hai-nam

Bắc Kinh mở rộng thẩm quyền của Toà án Tối cao ra Biển Đông

media
Đảo Trường Sa lớn, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. (Ảnh vệ tinh chụp ngày 07/11/1016 - nguồn CSIS/AMTI)
Tư pháp Trung Quốc nới rộng thẩm quyền « xét xử » ra khắp các vùng biển thuộc « chủ quyền » của nước này, kể cả vùng Biển Đông đang tranh chấp. Trên đây là nội dung bản báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc tại kỳ họp của Quốc Hội, vào lúc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự tại Biển Đông.
Theo hãng tin AP, hôm qua, 12/03/2017, chủ tịch Toà án Tối cao Trung Quốc, Chu Cường (Zhou Qiang) thông báo Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải. Theo Tân Hoa Xã, tất cả các vùng biển thuộc « chủ quyền Trung Quốc » sẽ được luật pháp bảo vệ, cả những nơi đang tranh chấp. Theo luật mới, « có hiệu lực » từ tháng 8/2016, thẩm quyền của Toà án Tối cao Trung Quốc bao gồm không những vùng đặc quyền kinh tế mà cả thềm lục điạ và « mọi khu vực khác thuộc chủ quyền Trung Quốc ».
Theo ông Chu Cường, mọi « công dân Trung Quốc và nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sẽ bị truy tố ra toà án Trung Quốc ».
AP nhắc lại Trung Quốc đã tự tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, cũng như một phần lớn biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản.
Năm 2016, Bắc Kinh đã bác bỏ một phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực La Haye phủ nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau vụ này, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã diễn giải lại chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Quân đội gia tăng hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa, củng cố các đảo nhân tạo thành pháo đài. Lệnh cấm đánh cá bốn tháng mỗi năm (từ tháng 5 đến tháng 8) tiếp tục được ban hành, viện cớ để truy đuổi ngư dân Việt Nam và Philippines.
Thứ sáu tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định Trung Quốc có toàn quyền quyết định làm gì thì làm trên đảo « Hoàng Nham », tức Scarborough. Sở dĩ Bắc Kinh lớn tiếng là vì trước đó Manila tiết lộ với báo chí là Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc không được đòi hỏi chủ quyền ở Scarborough.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170313-bac-kinh-mo-rong-tham-quyen-cua-toa-an-toi-cao-ra-bien-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten