zondag 26 maart 2017

Nhật Bản mở rộng hoạt động quân sự ở châu Á + Nhật Bản đóng thêm tầu chiến

Nhật Bản mở rộng hoạt động quân sự ở châu Á

media
Tàu chở trực thăng Izumo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu ngày 6/12/2016.Reuters

Sự kiện chiếc Kaga, tàu chở trực thăng lớn thứ hai của Nhật Bản, được đưa vào hoạt động hôm 22/03/2017 là thêm một dấu hiệu cho thấy là Tokyo đang mở rộng hoạt động của quân đội Nhật. Trong một bài phân tích trước đó, đăng ngày 16/03 trên trang mạng có xu hướng cực tả mondialisation.ca, nhà báo Peter Symonds đã nêu bật ý định của Nhật Bản hiện nay : Tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ liên minh chiến lược với Hoa Kỳ, đồng thời nhân cơ hội tái vũ trang hầu đeo đuổi những mục tiêu bành trướng ảnh hưởng của riêng mình.

Nhật tập trận với Mỹ và Hàn Quốc để răn đe Bắc Triều Tiên
Tác giả bài viết ghi nhận trước tiên là các động thái quân sự của Nhật Bản có mục tiêu răn đe Bắc Triều Tiên. Một ví dụ cụ thể : Trung tuần tháng Ba, một khu trục hạm Nhật Bản có tên lửa dẫn đường, đã tiến hành hai ngày tập trận hỗn hợp với loại tàu chiến tương tự của Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Tất cả các chiến hạm tham gia đều được trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis, và hoạt động trong vùng biển mà 4 tên lửa thử nghiệm của Bắc Triều Tiên đã rơi xuống cách nay hai tuần.
Cuộc tập trận diễn ra vào lúc chính quyền Mỹ của ông Donald Trump đang duyệt lại chiến lược đối với Bắc Triều Tiên, và theo tin được rò rỉ cho giới truyền thông, Hoa Kỳ đã nghĩ đến phương án « thay đổi chế độ » tại Bình Nhưỡng và dùng đến việc tấn công quân sự. Theo bài báo, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang tổ chức một cuộc tập trận thường niên trên quy mô lớn, trong đó có cả những bài tập « đột kích trảm tướng », với các đơn vị đặc biệt có nhiệm vụ ám sát lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Theo Peter Symonds, các cuộc tập trận trên biển Mỹ-Nhật-Hàn nằm trong kế hoạch chuẩn bị chiến tranh không chỉ với Bắc Triều Tiên mà còn cả với Trung Quốc. Bắc Kinh đã lên án quyết định vào tuần trước của Lầu Năm Góc cho triển khai lá chắn chống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Việc bố trí hệ thống này nằm trong một mạng lưới lá chắn tên lửa rộng lớn hơn, trong đó có cả hệ thống Aegis, để đối phó với những cường quốc có vũ khí hạt nhân.
Hoa Kỳ muốn có một công cuộc hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhất là trong lãnh vực lá chắn chống tên lửa.
Nhưng sự thù nghịch giữa Hàn Quốc và Nhật Bản do vấn đề lịch sử (...) đã khiến cho một thỏa thuận trao đổi thông tin tình báo giữa hai bên năm 2012 bị dời qua năm 2014. Hải quân Mỹ ghi nhận là những bài tập hiện nay « sử dụng những hệ thống kết nối dữ liệu chiến thuật hầu trao đổi thông tin tình báo, cũng như những dữ liệu khác giữa các chiến hạm với nhau ».
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi các bên thoát ra khỏi « vòng lẩn quẩn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát », và nói thêm rằng « Bắc Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo, mặt khác Hàn Quốc và Hoa Kỳ - và bây giờ thêm Nhật Bản - lại muốn thực hiện những cuộc thao diễn có quy mô lớn ».
Bình Nhưỡng cũng lên tiếng tố cáo Hoa Kỳ chuẩn bị « tấn công phủ đầu » và đe dọa ngược lại là sẽ « tấn công không thương tiếc một cách vô cùng chính xác trên mặt đất, trên không, trên biển, dưới mặt biển » nếu lãnh thổ Bắc Triều Tiên bị tấn công. Theo phân tích của tác giả bài viết, qua những lời hăm dọa bất cẩn này và với việc họ phát triển kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, Bình Nhưỡng như đã « trúng kế » của Mỹ và các đồng minh, và tạo cho đối phương lý do để tiến hành chiến tranh.

Tàu chiến lớn nhất của Nhật sẽ xuống Biển Đông bất chấp Trung Quốc
Ngoài ra không chỉ hợp tác với hải quân Mỹ và Hàn Quốc, Nhật còn dự kiến đưa tàu chiến lớn nhất của mình, chiếc JS Izumo vào cuộc chơi, hoạt động trong 3 tháng, kể cả ở vùng đang là thùng thuốc súng là Biển Đông, và sẽ tham gia tập trận hỗn hợp với Hải Quân Mỹ.
Theo tác giả bài báo, sự hiện diện của tàu chiến Nhật ở Biển Đông dứt khoát sẽ làm tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc trong lúc hai nước đã có tranh chấp ở Biển Hoa Đông về các đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã từng đe dọa ngăn chặn không để Trung Quốc đến các bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông, một cử chỉ thiếu thận trọng có thể dẫn đến chiến tranh.
Chiếc Izumo, được xem như một tàu sân bay trực thăng được thiết kế cho cuộc chiến chống tàu ngầm, nhưng đồng thời cũng có thể chở cả loại máy bay cánh quạt lên thẳng Osprey của Mỹ, và như thế trên thực tế Izumo là một tàu sân bay còn lớn hơn hàng không mẫu hạm của một số nước khác.
Tokyo cố ý không gọi chiếc tàu này là tàu sân bay, vì nếu xem tàu chuyên chở này như một loại vũ khí tấn công, thì sẽ vi phạm hơn nữa điều 9 trong hiến pháp Nhật, theo đó Nhật từ bỏ « chiến tranh » như phương thức giải quyết tranh chấp và không duy trì lực lượng quân sự.

Chính quyền Shinzo Abe cố « cởi trói » cho quân đội Nhật
Chính phủ cánh hữu hiện tại của thủ tướng Shinzo Abe, tuy nhiên, rất kiên quyết trong ý muốn tái vũ trang nước Nhật, loại bỏ tất cả các hạn chế về pháp lý và hiến pháp trong lãnh vực quân sự. Ông Abe muốn Nhật Bản trở thành một quốc gia « bình thường », với một quân đội quân hùng mạnh mẽ, sao cho có thể dùng sức mạnh quân sự trong việc theo đuổi các lợi ích kinh tế và chiến lược của mình. (...)
Bài báo nêu bật : Quan chức cao cấp trong chính phủ Nhật Bản đang khai thác điều được cho là mối đe dọa từ Bình Nhưỡng để nhấn mạnh rằng quân đội Nhật Bản phải được trang bị năng lực tấn công Bắc Triều Tiên để « dự phòng », tức là phải có vũ khí tấn công như tên lửa đạn đạo và/hoặc máy bay ném bom tầm xa.
Phát biểu sau các vụ thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiên, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi từ chối loại trừ khả năng mua các phương tiện vũ khí dùng để đánh phủ đầu : « Tôi không loại trừ bất kỳ phương pháp nào và chúng tôi sẽ xem xét các lựa chọn khác nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và hiến pháp của nước ta ».
Quan điểm của bà bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng là của đảng Dân Chủ Tự Do đương quyền hiện nay, đang có kế hoạch khuyến cáo chính phủ trang bị khả năng « tấn công các căn cứ của đối phương trong trường hợp mối đe dọa sắp xảy ra ». Đối với phó chủ tịch đảng Dân Chủ Tự Do Masahiko Komura, việc trang bị một năng lực như vậy « sẽ không vi phạm hiến pháp »...

Tàu Izumo xuất dương cũng nằm trong chiến lược chống Trung Quốc
Sau cùng, bài báo ghi nhận là việc Nhật cho chiếc Izumo ra hoạt động trên các vùng biển châu Á hoàn toàn phù hợp với kế hoạch chiến lược của Mỹ trong trường hợp xẩy ra chiến tranh với Trung Quốc. Đó là tăng cường quan hệ quân sự và hợp tác giữa Hoa Kỳ với các đồng minh chiến lược và các đối tác ở châu Á. Chiến hạm Nhật Bản sẽ ghé Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi đến Ấn Độ Dương vào tháng Bảy tham gia cuộc tập trân hải quân hỗn hợp Malabar với Ấn Độ và Mỹ.
Bài báo kết luận : Chính quyền Abe đang vừa tôn trọng các kế hoạch hiện tại Mỹ, vừa tìm cách mở rộng ảnh hưởng và lợi ích của Nhật Bản ở châu Á và vượt qua những kỷ niệm về các tội ác của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong những năm 1930 và 1940.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170324-nhat-ban-mo-rong-hoat-dong-quan-su-o-chau-a

Nhật Bản đóng thêm tầu chiến để củng cố phòng vệ Biển Hoa Đông

media
Ảnh minh họa : Khu trục hạm Nhật Bản Inazuma.US NAVY
Nhật Bản đang lên kế hoạch thúc đẩy chương trình đóng tầu chiến, nâng số lượng lên hai tầu mỗi năm. Theo những người nắm rõ hồ sơ được Reuters trích dẫn ngày 18/02/2017, những chiến hạm trên có nhiệm vụ tuần tra vùng bờ biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Kế hoạch ban đầu của Nhật Bản là đóng mỗi năm một tầu khu trục có trọng tải 5.000 tấn. Tuy nhiên, từ tháng 04/2018, con số này sẽ tăng lên gấp đôi và mỗi tầu có trọng tải 3.000 tấn. Tokyo muốn thành lập một đội tầu gồm 8 chiếc loại mới nhỏ hơn và rẻ hơn, song vẫn có khả năng rà soát mìn và chống tầu ngầm. Trị giá của mỗi tầu được thẩm định từ 353 triệu đến 443 triệu đô la.
Vẫn theo nguồn tin ẩn danh trên, các tập đoàn đóng tầu, trong đó có Mitsubishi Heavy Industries, Japan Marine United Corp. (JMU) và Mitsui Engineering & Shipbuilding, đều được mời thầu. Trong bản thông cáo ngày 15/02, bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết yêu cầu nhà thắng thầu phải nhượng một phần hợp đồng đóng 8 tầu khu trục cho các tập đoàn tham gia đấu thầu khác nhằm đảm bảo các xưởng đóng tầu trong nước tiếp tục hoạt động.
Trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishada bên lề hội nghị G20 đang diễn ra tại Bonn (Đức), ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Nhật Bản có những động thái « tiêu cực » trên nhiều vấn đề quan trọng gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Theo ông Vương Nghị, hai nước cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện mối quan hệ này.
Nhật Bản và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, cách đông bắc Đài Loan khoảng 220 km. Nhiều sĩ quan Nhật Bản lo ngại về việc Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Biển Hoa Đông, xung quanh chuỗi đảo Okinawa, ở miền nam Nhật Bản. Tokyo cũng trợ giúp về mặt quân sự cho nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó Philippines và Việt Nam, để đối phó những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170218-nhat-ban-thuc-day-du-an-dong-tau-chien-de-cung-co-phong-ve-bien-hoa-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten