zaterdag 18 maart 2017

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm nay 17/03/2017 tại Seoul tuyên bố : Mỹ đã hết kiên nhẫn, có thể... tấn công Bắc Triều Tiên !

Tillerson : Mỹ đã hết kiên nhẫn, có thể tấn công Bắc Triều Tiên

mediaNgoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (G) thăm vùng phi quân sự giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, ngày 17/03/2017.REUTERS/ Lee Jin-man/Pool
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm nay 17/03/2017 tại Seoul tuyên bố chính sách ngoại giao « kiên nhẫn chiến lược » đối với Bình Nhưỡng đã kết thúc. Hoa Kỳ đang nghiên cứu một loạt biện pháp, trong đó có hành động quân sự nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Theo Reuters và AFP, trong cuộc họp báo tại Seoul sau khi đi thăm vùng phi quân sự, ngoại trưởng Rex Tillerson nhấn mạnh Mỹ « chắc chắn không muốn đi đến xung đột », nhưng « sẽ phải đáp trả thích đáng » đối với tất cả mọi hành động đe dọa Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định : « Chiến lược kiên nhẫn đã chấm dứt. Chúng tôi sẽ xem xét một loạt các biện pháp ngoại giao, an ninh và kinh tế. Tất cả các phương án đều được nêu ra ».
Chủ trương cứng rắn này hoàn toàn trái ngược với chính sách của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama : bác bỏ mọi đối thoại một khi Bình Nhưỡng chưa cam kết cụ thể về giải trừ hạt nhân, với hy vọng áp lực trong nội bộ Bắc Triều Tiên sẽ tạo nên những thay đổi.
Ông Rex Tillerson còn đòi hỏi Bắc Kinh bắt tay vào việc trừng phạt Bắc Triều Tiên. Đồng thời ông cho rằng Bắc Kinh đã vô lý khi có biện pháp chống lại Hàn Quốc, coi hệ thống lá chắn tên lửa THAAD là mối đe dọa cho Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ lần đầu tiên công du châu Á, trong bối cảnh căng thẳng. Hôm qua tại Tokyo, ông nhìn nhận thất bại của 20 năm nỗ lực ngoại giao để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hứa hẹn sẽ có chính sách mới nhưng không cho biết cụ thể.
Để đối phó với Bắc Triều Tiên, Nhật Bản hôm nay đã phóng thành công một vệ tinh gián điệp lên quỹ đạo, bổ sung cho các phương tiện đang giám sát những hành động của Bình Nhưỡng. Các vệ tinh tình báo này giúp nhận diện những vật có kích thước chỉ một mét vào ban đêm hay lúc trời mù sương, từ độ cao hàng trăm km.
Cũng tại Nhật Bản, hôm nay, khoảng một trăm người ở thành phố duyên hải Oga đã tham gia diễn tập sơ tán trong trường hợp bị hỏa tiễn Bắc Triều Tiên tấn công, hai tuần sau khi ba hỏa tiễn của Bình Nhưỡng rơi xuống ngoài khơi thành phố này.
Trong một diễn biến khác, hệ thống chuyển tiền quốc tế Swift đã cho ngưng kết nối bốn ngân hàng Bắc Triều Tiên vì « không tôn trọng các tiêu chí ». Trước đó, đa số ngân hàng Bắc Triều Tiên đã bị Swift loại trừ, và như vậy, kể từ nay Bình Nhưỡng đã hoàn toàn bị cô lập với thế giới trong lãnh vực tài chính.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170317-tillerson-my-da-het-kien-nhan-co-the-tan-cong-bac-trieu-tien

Tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc tập trận

media
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson tới cảng Busan, tham gia tập trận chung với hải quân Hàn Quốc, ngày 15/03/2017Yonhap/via REUTERS
Đúng theo kế hoạch dự kiến, tàu sân bay hạt nhân của Mỹ USS Carl Vinson cập bến cảng Busan Hàn Quốc vào hôm nay, 15/03/2017 để tham gia các cuộc tập trận song phương. Và cũng đúng như dự kiến, Bắc Triều Tiên đã lập tức lên tiếng đe dọa sẽ đáp trả hành động của Mỹ một cách « không thương tiếc ».
Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, việc chiếc Carl Vinson được phái đến tập trận tại Hàn Quốc là một hành động thị uy mạnh mẽ của Hải Quân Mỹ nhắm vào Bắc Triều Tiên vào lúc tân ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson bắt đầu chuyến công du khu vực, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong vùng với loạt bắn thử tên lửa mới đây của Bắc Triều Tiên, cũng như với vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un tại Malaysia.
Tàu sân bay Carl Vinson và một khu trục hạm Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tập trận hải quân, trong đó có một bài tập chống tàu ngầm cùng với lực lượng Hàn Quốc ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Đây là một phần trong cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Hàn thường niên mang tên Foal Eagle. Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, các cuộc tập trận hải quân sẽ bắt đầu vào tuần tới.
Phát biểu với các nhà báo, chuẩn đô đốc James Kilby, chỉ huy tàu sân bay Carl Vinson xác định : « Tầm quan trọng của cuộc tập trận là tiếp tục xây dựng liên minh và quan hệ giữa hai nước, cũng như củng cố năng lực tương tác giữa các tàu chiến » của hai quân đội.
Trong khi Seoul và Washington luôn nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận chỉ mang tính chất phòng thủ, Bình Nhưỡng từ trước đến nay luôn lớn tiếng tố cáo những cuộc diễn tập bị cho là mang tính khiêu khích để chuẩn bị xâm lăng Bắc Triều Tiên.
Ngay từ hôm qua 14/03, Bình Nhưỡng đã cảnh cáo là sẽ tấn công « không thương tiếc » vào đối phương nếu lãnh thổ hoặc chủ quyền Bắc Triều Tiên bị các nhóm tấn công từ tàu sân bay Mỹ xâm phạm. Theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, đó sẽ là « các cuộc tấn công không thương tiếc có độ chính xác cực cao » trên bộ, trên không, trên biển và dưới mặt nước.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170315-tau-san-bay-my-den-han-quoc-tap-tran-binh-nhuong-doa-dap-tra-du-doi

Bán đảo Triều Tiên trước nguy cơ xung đột vũ trang

media
Vụ phóng tên lửa của các đơn vị pháo binh Hwasong thuộc Lực lượng Chiến lược của quân đội Bắc Triều Tiên, ngày 07/03/2017.REUTERS/KCNA

Căng thẳng trong khu vực Đông Á tăng lên mức báo động sau vụ ám sát Kim Jong Nam, anh cũng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, bằng chất độc thần kinh VX tại Kuala Lumpur, tiếp đến là vụ bắn thử bốn quả tên lửa của Bình Nhưỡng ngày 06/03/2017, trong đó ba quả rơi xuống khu vực đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Theo nhận định của bài xã luận của nhật báo Le Monde, số ra ngày 09/03/2017, lần này, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đưa ra những quyết định thật sự về chính sách đối ngoại, chứ không chỉ dừng lại ở tin nhắn Tweet.
Vụ bắn thử tên lửa ngày 06/03, một lần nữa, thể hiện chiến lược của Kim Jong Un, mà tác giả bài xã luận gọi là « nhà độc tài Bình Nhưỡng », và được hình thành một cách rõ ràng trong năm vừa qua : tăng cường các vụ thử hạt nhân để đặt cộng đồng quốc tế vào « thế đã rồi ». Theo giới chuyên gia phương tây, vụ thử mới nhất còn chứng minh Bắc Triều Tiên đạt đến khả năng thực hiện được các vụ thử tên lửa trong thời gian ngắn như thế nào. Ngoài kho vũ khí nguyên tử, vụ ám sát Kim Jong Nam được cho là sử dụng loại chất độc thần kinh VX bị cấm tuyệt đối càng làm gia tăng mối lo ngại về việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hóa học.
Sự kiện trên đã buộc Seoul và Washington nhanh chóng triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Quyết định trên khiến chính quyền Bắc Kinh phẫn nộ và đưa ra những lời cảnh cáo về khả năng chạy đua vũ trang trong khu vực dẫn đến nguy cơ thay đổi sự cân bằng chiến lược trong vùng. Tuy nhiên, theo Le Monde, dường như Trung Quốc quan ngại ý đồ của Mỹ tại Đông Á hơn là mối đe dọa từ các chương trình vũ khí đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Vì sự phi lý của chế độ Bình Nhưỡng, mối quan hệ trong vùng bỗng trở nên sôi sục và có nguy cơ bùng nổ sớm hơn dự tính của Washington. Thực vậy, đội ngũ ngoại giao và an ninh của chính quyền Donald Trump còn chưa hoàn chỉnh và đường lối đối ngoại của tân tổng thống Mỹ vẫn chưa được định hình rõ ràng. Về phía Trung Quốc, từ lâu Bắc Kinh luôn khéo léo duy trì sự mập mờ trong mối quan hệ với Bình Nhưỡng, có nghĩa là vẫn lên tiếng cáo buộc mọi hành động gây hấn của Bắc Triều Tiên nhưng lại không đưa ra biện pháp có thể tác động đến những hành động này.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc dự trù một cuộc họp khẩn vào thứ Tư 08/03 tại New York. Thế nhưng, theo bài xã luận, hai trong số năm thành viên thường trực, Washington và Bắc Kinh, phải là những bên hành động trước tiên và phải tỏ ra có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng này. Đã đến lúc Mỹ và Trung Quốc phải sử dụng mọi phương tiện có trong tay ở trong khu vực để làm giảm bớt căng thẳng.
Bắc Kinh phải từ bỏ chiến lược nước đôi và tập trung vào Bình Nhưỡng, nguồn gốc của vấn đề. Như vậy, không những là một cường quốc kinh tế, Trung Quốc còn có cơ hội thể hiện là một sức mạnh ngoại giao năng động. Còn tổng thống Donald Trump phải chứng tỏ cùng có trách nhiệm và đưa ra giải pháp với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Bài viết kết luận, đã đến lúc Donald Trump hành xử như một tổng thống Hoa Kỳ.

Bắc Kinh sốt sắng làm trung gian giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ
Lo ngại trước nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân ngay biên giới, « Bắc Kinh cố tránh leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên », theo nhận định của nhật báo Le Figaro.
Trong cuộc họp báo thường niên bên lề kỳ họp Quốc Hội, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không ngần ngại so sánh Bắc Triều Tiên và Mỹ như « hai con tầu đang tăng tốc xông vào nhau mà chẳng bên nào chịu nhường bước ». Nếu xảy ra « tai nạn », Trung Quốc cũng sẽ bị hứng chịu thiệt hại. Để từng bước làm dịu cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh đề xuất Bình Nhưỡng « trong thời gian đầu, tạm ngừng chương trình hạt nhân, đạn đạo, đổi lại Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận trên quy mô lớn ».
Về phần mình, theo Le Monde, « Hoa Kỳ cố làm dịu những lo ngại của Trung Quốc » về hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Mark Toner khẳng định hệ thống đang được lắp tại Hàn Quốc chỉ mang tính « phòng thủ » trước « thái độ khiêu khích » của Bình Nhưỡng. Ông công nhận tính nghiêm khắc của các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên nhưng những biện pháp này chỉ có hiệu lực một khi được áp dụng. Vì vậy, theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, « chừng nào chưa áp dụng triệt để các biện pháp trừng phạt, chúng ta chỉ có thể gây sức ép nếu thấy cần thiết đối với Bắc Triều Tiên ».
Theo Le Figaro, kịch bản một giải pháp ngoại giao dường như là điều khó xảy ra ở thời điểm này. Chính quyền của tổng thống Donald Trump, dù hiện chưa hoàn chỉnh, đã khẳng định « cam kết » đứng sau Nhật Bản và Hàn Quốc và đe dọa Bắc Triều Tiên phải gánh « những hậu quả nghiêm trọng ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170309-ban-dao-trieu-tien-truoc-nguy-co-xung-dot-vu-trang

Geen opmerkingen:

Een reactie posten