Có cần sợ khối nợ của Trung Quốc không ?
Một số định chế tài chính thế giới, như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI), rung chuông báo động về khối nợ của Trung Quốc, tăng nhanh trong 10 năm gần đây. Theo bài phân tích trên chuyên mục « Ý kiến-Thảo luận » của nhật báo kinh tế Les Echos, dù Trung Quốc có nhiều lợi thế để tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính trong ngắn hạn, thì sự bấp bênh vẫn còn tồn tại.
Với dự tính ấn định mức tăng trưởng ở 6,5% cho năm 2017, Bắc Kinh muốn đưa ra tín hiệu là ưu tiên hiện nay sẽ tập trung nhiều hơn vào các rủi ro tài chính và hỗ trợ hoạt động trong ngắn hạn.
Thực vậy, theo thống kê của ngân hàng UBS, tổng nợ của Trung Quốc đã tăng vọt trong những năm gần đây, chiếm 277% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2016, có nghĩa là tăng thêm 130 điểm kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Vậy liệu cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới sẽ bắt nguồn từ Trung Quốc ? Chưa chắc ! Vì theo các chuyên gia được cho là lạc quan nhất, « Trung Quốc có nhiều yếu tố riêng để tránh cuộc khủng hoảng nợ có hệ thống ».
Một số lý giải thường được đưa ra là tổng nợ của Trung Quốc vẫn còn thấp hơn Nhật Bản và còn cách xa Hoa Kỳ. Hơn nữa, trường hợp của Trung Quốc không giống Hy Lạp và nợ công không ở mức thái quá. Trung Quốc cũng không phụ thuộc các chủ nợ quốc tế vì 95% số nợ là những khoản cho vay trong nước. Ngoài ra, Trung Quốc giữ một khối tiết kiệm khổng lồ dưới hình thức tiền gửi ngân hàng. Bắc Kinh cũng duy trì kiểm soát các dòng vốn ; ngân hàng trung ương thì giữ nguồn ngoại hối dồi dào, trong khi chính phủ luôn theo dõi nền kinh tế bị quản lý, như vậy cho phép chính phủ kịp thời vạch ra được kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế và làm trong sạch tình hình tài chính ngân hàng.
Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, bên cạnh những ưu thế trên vẫn tồn tại một số trở ngại, như nợ của các doanh nghiệp Nhà nước tăng gấp đôi kể từ năm 2008 và vượt quá Hoa Kỳ, khu vực đồng euro và Nhật Bản. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đánh giá khoảng 15% các khoản vay của các doanh nghiệp Trung Quốc mang tính rủi ro.
Trước nguy cơ trên, Bắc Kinh đưa ra một số giải pháp như hứa giảm sản lượng dư thừa trong lĩnh vực luyện thép và than đá. Tuy nhiên, việc tiến hành cải cách các doanh nghiệp Nhà nước vẫn giẫm chân tại chỗ. Để giảm bớt mức tín dụng nguy hiểm, Bắc Kinh hiện mới chỉ sử dụng lại những biện pháp cũ, như hoán đổi nợ của doanh nghiệp thành cổ phiếu do các ngân hàng nắm giữ… Một số kinh tế gia đánh giá những biện pháp trên vẫn nửa vời, còn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì nhận định các tiến bộ còn quá « chậm chạp ». Hệ thống ngân hàng Trung Quốc còn phải đối mặt với một rủi ro khác là luồng tiền chui, nằm ngoài vòng kiểm soát của Nhà nước.
Bầu cử tổng thống Pháp : Chương trình tranh cử tiếp tục được phân tích
Chủ đề được các nhật báo Pháp tập trung phân tích vẫn là chương trình tranh cử tổng thống của các ứng viên.
Trang nhất của Le Monde đề cập đến « Dự án về trường tiểu học của các ứng viên » và « Muôn mặt của François Fillon ». Ứng viên của đảng Những Người Cộng Hòa cuối cùng nhận được sự ủng hộ của đảng để thể hiện tình đoàn kết. Le Monde dẫn lại miêu tả của những người thân cận ông về một nhân vật nhiều góc cạnh với các bí mật của riêng mình.
Le Figaro mổ xẻ đề xuất « Rút nước Pháp khỏi khu vực đồng euro », một điểm trong chương trình tranh cử của ứng viên cực hữu đảng Mặt Trận Quốc Gia, bà Marine Le Pen. Với Le Figaro, tương lai sẽ là « một kịch bản đen đối với nước Pháp nếu rút khỏi khu vực đồng tiền chung ». Bài xã luận còn đi xa hơn khi nhận định đó là « cú nhảy thiếu dù ».
Nhật báo Libération thì quan tâm đến « sự minh bạch trong đời sống chính trị ». Về điểm này, theo tờ báo, mọi ứng viên tranh cử tổng thống Pháp đều đưa ra cam kết, trừ mỗi ứng viên đảng Những Người Cộng Hòa François Fillon đang bị dính vào tai tiếng tạo việc làm giả cho vợ con.
Riêng nhật báo La Croix đặt câu hỏi : « Liệu có thể bỏ qua được năng lượng nguyên tử không ? » Vấn đề từ bỏ năng lượng hạt nhân trở lại trong chương trình tranh cử tổng thống, nhưng không ai có thể trả lời được loại năng lượng nào sẽ thay thế được trong tương lai. Theo nhật báo, những bắt buộc về tài chính, kỹ thuật và môi trường khiến hồ sơ này trở nên phức tạp.
Tập đoàn LVMH xây bảo tàng mới dành cho nghệ thuật dân gian
Sau Fondation Vuitton, tập đoàn LVMH, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, rượu Hennessy, chuỗi thương xá Printemps…, mở rộng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa với quyết định xây dựng một bảo tàng mới dành cho các loại hình nghệ thuật dân gian.
Theo nhật báo Le Figaro, buổi lễ có sự tham gia của chủ tịch tập đoàn Bernard Arnault và bà đô trưởng Paris Anne Hidalgo. Viện bảo tàng mới có quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc tế, được hình thành trên cơ sở một bảo tàng cũ về Nghệ thuật và Truyền thống Dân gian (MATP), nằm cạnh Quỹ Vuitton ở Neuilly-sur-Seine.
Nhật báo Libération cho biết từ khi các bộ sưu tập của bảo tàng này được chuyển về Bảo tàng Các nền Văn minh châu Âu và vùng Địa Trung Hải ở Marseille vào năm 2015, tòa nhà trở thành một nơi trống trải và không có hồn. Trong khi đó, tòa nhà lại là một đặc trưng của kiến trúc thời hậu chiến mà cả thành phố Paris là chủ sở hữu và Nhà nước là người thuê, không biết phải làm gì trước số tiền trùng tu quá lớn.
Được ký ngày 03/03, thỏa thuận giữa ba bên, Quỹ LVMH, nhà nước Pháp và thành phố Paris, sẽ giúp mang lại hơi thở mới cho tòa nhà. Được đặt tên là Nhà Di sản Tài năng Nghệ thuật LVMH, công trình sẽ dành cho các nghệ sĩ, loại hình kịch sống và các nghề liên quan đến nghệ thuật và thủ công và được hy vọng mở cửa trở lại vào đầu năm 2020.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170309-ban-dao-trieu-tien-truoc-nguy-co-xung-dot-vu-trang
Geen opmerkingen:
Een reactie posten