Bộ ba chiến thắng Oscar 2017
Tuy nhiên, sự kiện hy hữu lần đầu tiên xảy ra tại lễ trao giải Oscar, khi nữ diễn viên Faye Dunaway đọc nhầm tên “La La Land” cho giải “Phim xuất sắc nhất.” Thế nhưng, tượng vàng lại về tay bộ phim “Moonlight” vài giây sau đó.
Theo lời giải thích của Warren Beatty, một trong hai người công bố giải quan trọng này, ban tổ chức đã đưa sai phong bì cho ông và Faye Dunaway. Họ đã nhận được phong bì công bố Emma Stone thắng giải nữ chính trong phim “La La Land,” chứ không phải phong bì công bố “Moonlight” thắng giải “Phim truyện xuất sắc nhất.” Việc nhầm lẫn phong bì đã dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.
Nữ diễn viên Emma Stone cũng nhắc đến sự nhầm lẫn này, cô cho rằng ban tổ chức có thể in tới hai tấm thiệp công bố cô thắng giải nữ chính. Một do cô giữ, và một trao cho Warren Beaty.
Trước đó, “La La Land” được tới 14 đề cử, và dành được sáu giải gồm: Quay phim xuất sắc nhất, Bài hát trong phim hay nhất (City of Stars), Thiết kế sản xuất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Emme Stone), Đạo diễn xuất sắc nhất (Damien Chazelle).
Trong khi đó “Moonlight” chỉ giành được giải “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” (Mahershala Ali), và giải “Phim có kịch bản chuyển thể hay nhất,” trước khi “giật lại” được tượng vàng quan trọng nhất từ tay “La La Land.”
Với kinh phí khoảng $5 triệu, và chỉ bấm máy trong 25 ngày, bộ phim “Moonlight” được các nhà phê bình ca ngợi hết lời, và đã thu lại được gấp đôi tại các phòng vé Bắc Mỹ vào năm ngoái.
Chuyển thể từ vở kịch “In Moonlight Black Boys Look Blue” (tạm dịch: Những chàng trai da đen buồn bã dưới ánh trăng) của nhà biên kịch Tarell Alvin McCraney, bộ phim “Moonlight” do đạo diễn Barry Jenkins thực hiện là ba lát cắt trong cuộc đời đầy biến cố của chàng trai đồng tính Chiron: Từ nhóc Little nhỏ bé ít nói (Alex Hibbert), tới cậu học sinh nhạy cảm Chiron (Ashton Sanders), và cuối cùng là chàng thanh niên trải đời Black (Trevante Rhodes).
Tarell Alvin McCraney và Barry Jenkins cùng sinh ra và lớn lên tại chính Liberty City, Miami – nơi bối cảnh phim diễn ra. Mẹ của McCraney chết vì AIDS, còn người mẹ đơn thân của Jenkins cũng được chẩn đoán nhiễm HIV. Bi kịch cuộc đời lúc nhỏ của Little cũng không khác gì bi kịch của bao đứa trẻ và người da màu khác trên chính đất Mỹ.
Như thế, “Moonlight” chỉ là những trải nghiệm của những người tạo ra nó, chỉ với mục tiêu đơn giản: Khắc họa chân dung những người đang cố gắng sinh tồn trong thế giới hỗn loạn này.
Diễn viên Hồi Giáo đầu tiên nhận giải Oscar
Đó là Mahershala Ali, nam diễn viên Hồi Giáo đầu tiên giành giải “Diễn viên phụ xuất sắc nhất” trong phim “Moonlight.” Đây là lần đầu tiên trong suốt lịch sử hoạt động 89 năm, Oscar trao giải thưởng cho một diễn viên đạo Hồi. Đây cũng là lần đầu tiên Ali được đề cử giải thưởng này.
Mahershala Ali sinh năm 1974 tại tiểu bang California. Dù mẹ anh là một người theo đạo Chúa nhưng anh lại sang Hồi Giáo, và anh là một thành viên của Cộng Đồng Hồi Giáo Ahmadiyya. Ali nổi tiếng với các vai diễn trong “House of Cards,” “Luke Cage,” “The Hunger Games: Mockingjay,” “Hidden Figures”…
Giải thưởng của Ali, có thể xem như lời “tuyên chiến” của Hollywood đối với sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân các quốc gia Hồi Giáo vừa được Tổng Thống Donald Trump ban hành cách đây không lâu.
Viola Davis – từ khu ổ chuột đến đỉnh vinh quang
Trong Oscar lần này, nữ diễn viên Viola Davis đoạt giải “Diễn viên phụ xuất sắc nhất,” đưa cô trở thành diễn viên da màu đầu tiên thắng cả ba giải thưởng danh giá Oscar, Emmy và Tony, qua vai phụ trong bộ phim “Fences.”
Với vai diễn Rose Maxson, Viola Davis đã vượt qua những đối thủ lớn như Naomie Harris, Michelle Williams, Nicole Kidman và Octavia Spencer ở cả Quả Cầu Vàng và Oscar 2017.
Viola Davis sinh năm 1965 ở tiểu bang South Carolina, trong một gia đình tương đối “thấp hèn” theo quan niệm lúc bấy giờ. Khi mới hai tháng tuổi, gia đình cô chuyển đến sống ở Central Falls, Rhode Island. Đây là tiểu bang có diện tích nhỏ nhất Hoa Kỳ, với dân số chỉ hơn 1 triệu người.
Nữ diễn viên kể rằng cô lớn lên ở khu xóm “không có hệ thống nước, chẳng có lò sưởi hay thậm chí là điện; nhà cũ nát và lúc nhúc chuột chạy.” Dù tiểu bang đã thông qua đạo luật Dân Quyền, gia đình Viola Davis vẫn bị phân biệt đối xử vì màu da. Viola nhớ lại: “Người da trắng không bao giờ dùng chung một vòi nước mà chúng tôi (da màu) đã dùng. Họ gọi chúng tôi bằng những từ ngữ rất khó nghe.”
Năm 2001, Viola thắng giải Tony danh giá đầu tiên khi hóa thân thành Tonya trong vở “King Hedley II” cũng như lặp lại thành tích này vào năm 2010 nhờ vai diễn trong “Fences.”
Sang điện ảnh, Viola Davis gây bất ngờ đầu tiên với vai phụ trong phim tâm lý “Doubt” (2008). Vai diễn giúp cô nhận một đề cử Oscar hạng mục “Nữ diễn viên phụ xuất sắc,” dù chỉ xuất hiện trên màn ảnh chưa đầy 10 phút.
Viola liên tục xuất hiện trong các phim như “Law Abiding Citizen” (2009), “It’s Kind of a Funny Story” (2010)… với những vai nhỏ. Sau đó khá lâu, Viola được giao vai chính đầu tiên trong “The Help.” Viola Davis góp phần không nhỏ khi phản ảnh nỗi thống khổ của cộng đồng người đa den những năm 1960 tại Mississippi. Cô đã hoàn toàn xứng đáng khi nhận được một đề cử Oscar danh giá cho vai diễn này.
Tiếp tục vươn lên, với vai nữ luật sư trong “How to Get Away with Murder,” cô lại tạo được dấu ấn riêng, khi mang về giải Emmy năm 2015 cho mình, với tư cách là nữ nghệ sĩ da màu đầu tiên thắng giải ở hạng mục “Nữ diễn viên chính trong phim chính kịch xuất sắc.”
Năm 2016 là một năm làm việc cật lực của Viola, khi cùng một lúc tham gia ba bộ phim là “Custody,” “Suicide Squad” và “Fences,” đồng thời còn đóng vai nữ chính trong loạt phim truyền hình được yêu thích mang tên “How to Get Away With Murder.”
Viola cho rằng giải thưởng lớn đến đâu không quan trọng bằng việc được diễn xuất – đam mê của cô: “Khi diễn xuất, tôi được là chính mình.”
Casey Affleck – tài năng nhưng lận đận
Với diễn suất tuyệt vời trong “Manchester by the Sea,” Casey Affleck đã khẳng định được bản thân, bỏ lại đằng sau những lận đận, xui xẻo trong khoảng thời gian khá dài, khi nhận giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất.”
Casey Afleck sinh năm 1975 kém anh trai Ben Affleck 3 tuổi và là người mang sáu dòng máu Anh, Ireland, Đức, Scotland, Pháp và Thụy Điển. Lên 9 tuổi, cha mẹ ly hôn, Casey và anh trai theo mẹ và đi theo con đường nghệ thuật nhờ bà mình. Có thể nói cả hai anh em đã quen với diễn xuất từ nhỏ.
Dù xuất phát chung một điểm, nhưng sự nghiệp của Ben lại thuận lơi hơn em mình rất nhiều. Trong khi Ben nhanh chóng trở thành ngôi sao hạng A ở Hollywood thì Casey lại mãi lận đận với những vai diễn nhỏ và thậm chí còn thường xuyên bị gắn mác “em trai Ben Affleck.”
Năm 2007, nhờ tham gia vào hai bộ phim “The Assassation of Jesse James by the Coward Robert Ford” và “Gone Baby Gone,” tên Casey mới bắt đầu được nhắc đến, và đem về đề cử Oscar đầu tiên trong đời ở hạng mục “Nam diễn viên phụ xuất sắc.”
Năm 2010, bộ phim “I’m Still Here” đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp khi đây là lần đầu tiên anh thử thách mình với vai trò đạo diễn. Tuy nhiên, anh bị hai đồng nghiệp nữ là nhà sản xuất của tác phẩm này đệ đơn kiện vì tội cưỡng dâm và đòi bồi thường $2 triệu. Vụ việc sau đó được giải quyết trong êm đẹp nhưng lại tạo thành một “vết nhơ” cho tên tuổi Casey Affleck.
Năm 2014, Matt Damon kết hợp với nhà làm phim Kenneth Lonergan trong dự án phim độc lập mang tên “Manchester by the Sea.” Khi hoàn thành, bộ phim bất ngờ được giới chuyên môn đánh giá cao sau khi ra mắt tại Liên Hoan Phim Sundance vào Tháng Giêng, 2016.
Nhiều nhà phê bình còn dùng từ “kiệt tác” dành cho tác phẩm này. Diễn xuất của Casey Affleck nhận vô số lời khen khi anh thể hiện hình ảnh một người đàn ông có nội tâm bị giày vò, giằng xé giữa bao đau đớn và bế tắc trong cuộc sống.
Sau khi nhận được giải Oscar năm nay, người ta sẽ quên cái mác “em trai Ben Affleck,” thay vào đó, khán giả phải nhìn nhận Casey như một diễn viên tài năng, có thể hóa thân vào những vai diễn tâm lý phức tạp bằng tài năng thật sự.
Emma Stone đẹp đến nỗi cả thế giới phải ngắm nhìn
“Kết quả không thể khác hơn được. Emma Stone xứng đáng nhận giải ‘Nữ diễn viên xuất sắc nhất’ tại giải Oscar lần thứ 89 này.” Rất nhiều người cùng chung suy nghĩ như thế khi ngắm nhìn cô từ trong phim đến ngoài đời thực.
Trẻ trung, xinh đẹp (dù gương mặt có lấm tấm tàn nhang), sôi nổi, cô tạo sự cuốn hút bằng chính sự tự tin của mình. Emma từng tuyên bố: “Tôi biết nhiều người không đẹp theo cái nhìn bình thường, nhưng điều đó chẳng sao cả, họ vẫn tỏa sáng bằng sự hài hước, thoải mái với bản thân. Sự tự tin là bí quyết duy nhất làm cho ta đẹp hơn trong mắt mọi người.”
Bắt đầu diễn xuất từ năm 2005, nhưng mãi đến 2010, Emma mới được biết đến qua bộ phim hài “Easy A,” bộ phim đã giúp cô nhận đề cử giải Quả Cầu Vàng. Các năm kế tiếp sau đó, báo chí luôn nói về Emma qua các bộ phim như “The Help” (2011), “The Amazing Spider-Man” (2012) và “Birdman” (2014). Với “Birdman,” Emma nhận đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh ở hạng mục “Nữ diễn viên phụ xuất sắc.”
Trong “La La Land,” Emma Stone đã chứng minh tài năng của mình bằng một vai diễn đòi hỏi kỹ thuật cao về ca hát, nhảy múa và xúc cảm. Với vai diễn Mia, nét linh hoạt và tự nhiên của Emma đã chứng tỏ cô là nữ diễn viên số một cho vai diễn nghệ sĩ trẻ theo đuổi ước mơ và danh vọng. (V.Đ.T.)
Các giải thưởng của Oscar 2017
Những giải thưởng Oscar không chỉ tôn vinh các ngôi sao, đạo diễn, mà còn vinh danh những người đứng sau màn ảnh như người làm âm thanh, trang phục, trang điểm…
Bộ phim xuất sắc nhất: “Moonlight.”
Đạo diễn xuất sắc nhất: Damien Chazelle (phim “La La Land”).
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Casey Affleck (phim “Manchester by the Sea”).
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Emma Stone (phim “La La Land”).
Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Mahershala Ali (phim “Moonlight”).
Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Viola Davis (phim “Fences”).
Trang điểm và làm tóc: Chuyên gia Alessandro Bertolazzi, Giorgio Gregorini & Christopher Nelson cho phim “Suicide Squad.”
Trang phục trong phim đẹp nhất: Colleen Atwood cho phim “Fantastic Beats and Where to find them.”
Phim tài liệu xuất sắc nhất: “OJ: Made in America.”
Phim tài liệu ngắn hay nhất: “The White Helmets.”
Biên tập âm thanh hay nhất: Sylvain Bellemare cho phim “Arrival.”
Âm nhạc trong phim hay nhất: “Hacksaw Ridge.”
Phim nước ngoài hay nhất: “The Salesman.”
Phim hoạt hình ngắn xuất sắc: “Piper.”
Phim hoạt hình xuất sắc: “Zootopia.”
Thiết kế sản xuất: “La La Land.”
Hiệu ứng hay nhất: Robert Legato, Adam Valdez, Andrew R. Jones and Dan Lemmon cho phim “The Jungle Book.”
Biên tập phim hay nhất: John Gilbert cho phim “Hacksaw Ridge.”
Quay phim xuất sắc nhất: “La La Land.”
Bài hát trong phim hay nhất: City of Stars (phim “La La Land”).
Phim có kịch bản gốc xuất sắc nhất: “Manchester by the Sea.”
Phim có kịch bản chuyển thể hay nhất: “Moonlight.”
http://www.nguoi-viet.com/giai-tri/ca-nhac-bo-ba-chien-thang-oscar-2017/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten