vrijdag 20 maart 2015

Tượng Phật lớn nhất thế giới ở Bamiyan, Afghanistan đã bị Taliban phá hủy như thế nào

Thứ năm, 19/3/2015 | 05:10 GMT+7

Tượng Phật lớn nhất thế giới đã bị phá hủy như thế nào

Mirza Hussain mới 26 tuổi khi những kẻ chỉ huy khủng bố Taliban ấn vào tay ông khối thuốc nổ và bảo đem nó đặt vào các pho tượng Phật lớn nhất thế giới tại quê hương ông, tỉnh Bamiyan của Afghanistan. 
Các tượng cổ xưa được khắc sâu vào núi, từng là những pho tượng Phật cao nhất thế giới, đã bị phá hủy trong loạt hành động điên rồ của phiến quân Hồi giáo cực đoan năm 2001. Hành động đó đã tạo tiền lệ nguy hiểm cho những kẻ thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng tiến hành những cuộc đập phá các di sản kiến trúc và tôn giáo thời gian gần đây.
Hai pho tượng Phật cao 55 mét và 37 mét, được tạc thẳng vào núi sa thạch từ thế kỷ thứ 6, đã bị Taliban cho nổ bất chấp sự phản đối và phẫn nộ của toàn thế giới.
14 năm trôi qua kể từ khi hai pho tượng Phật Bamiyan bị phá huỷ, đã có rất nhiều những biến động xảy ra ở Afghanistan, nhưng đối với Mirza Hussain, nỗi ám ảnh về biến cố đó còn rất mạnh mẽ.
"Ban đầu, chúng cố phá các pho tượng bằng xe tăng và súng cối”, ông ta kể lại. "Nhưng không phá được, họ bèn đặt những khối thuốc nổ nhằm hủy hoại cho bằng được".
81536181-dsc00978-1600-6694-1426726661.j
Ông Hussain ngày nay là một thợ sửa xe đạp ở Bamiyan. Ảnh: BBC
Hussain khi đó bị buộc sung vào đội ngũ làm việc cho Taliban, dưới sự kiểm soát của các phiến quân. Ông giống như mọi người dân khác tại thành phố Bamiyan, đều là người Hồi giáo Shiite và bị Taliban coi như kẻ thù, thậm chí là ngoại đạo. Taliban nắm quyền kiểm soát tỉnh này từ năm 1999, sau những cuộc giao tranh ác liệt với quân chính phủ. Dân địa phương hoặc bỏ làng chạy trốn hoặc bị bắt.
Khiêng bom cài vào tượng Phật
Kể về cách thức tiến hành phá huỷ bức tượng sa thạch Bamiyan hùng vĩ, Hussain nói rằng phiến quân Taliban mang thuốc nổ đến và buộc các tù binh làm việc này. "Không có ai khác. Toàn là phiến quân Taliban. Tôi là một trong số 25 tù nhân. Bởi chẳng còn ai làm việc đó, họ bắt chúng tôi làm. Họ đối xử như thể chúng tôi có thể bị vứt bỏ bất cứ lúc nào".
“Họ mang những khối thuốc nổ đến bằng những chiếc xe tải”, ông kể tiếp. "Sau đó họ đặt thuốc nổ lên lưng hoặc buộc vào tay chúng tôi, bắt mang đến chỗ các bức tượng. Với những khối bom to, họ buộc vào gậy dài để chúng tôi khiêng đi, vòng ra phía sau của tượng".
Không chỉ chịu đựng thời tiết giá lạnh, các tù nhân dưới tay Taliban luôn phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với cái chết bất cứ lúc nào. Cái chết có thể do một vụ nổ hoặc từ bàn tay của những tên lính canh.
“Một lần tôi chứng kiến vụ việc xảy ra với một người đàn ông, anh ta bị thương ở chân và không thể tiếp tục mang vác được những khối thuốc nổ nữa, những tên lính canh lập tức bắn chết anh ta ngay tại chỗ và ném xác cho một tù nhân khác vứt đi”.
Theo lời kể của Hussain, những người đàn ông đó đã mất 3 ngày để đặt những khối thuốc nổ xung quanh bức tượng. Sau đó, tất cả dây dẫn của những khối thuốc nổ này được nối đến một nhà thờ Hồi giáo gần đó, rồi chúng được kích lửa giữa những tiếng la hét “Allah Akbar" (Thượng đế chí tôn).
81536180-000187325-1-6516-1426697008.jpg
Các pho tượng Phật Bamiyan được xây dựng vào thế kỷ thứ 6, khi Bamiyan là một thánh địa Phật giáo. Năm 629, nhà sư Huyền Trang của Trung Quốc đi qua đây và miêu tả Bamiyan là trung tâm Phật giáo rất lớn, có hàng chục nghìn nhà sư. Ảnh: BBC
“Khi vụ nổ này xảy ra, khu vực ở phía trước bức tượng đầy khói bụi và không khí xung quanh nồng nặc mùi thuốc súng”, ông Hussain nhớ lại.
Tên thủ lĩnh Taliban muốn vụ nổ không chỉ phá huỷ hoàn toàn bức tượng Phật mà còn làm cho cả vách đá nơi bức tượng được tạc vào sập xuống. Nhưng thực tế, sức công phá chỉ đủ làm hư hại phần chân của pho tượng Phật lớn mà thôi.
Cuộc vui điên rồ
Bất chấp những trở ngại và sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế, Taliban tiếp tục hủy hoại các pho tượng bằng mọi giá. Bom tiếp tục được đem tới, kèm với loại chất nổ mà ông Hussain cho biết trông giống như xà phòng, chạm tay vào thì thấy giống bột.
"Kể từ đó, mỗi ngày chúng thực hiện hai hoặc ba vụ nổ, hòng đánh sập hoàn toàn bức tượng Phật”, ông kể. “Chúng tôi phải khoan những lỗ vào bức tượng để đặt vào đó những khối thuốc nổ. Chúng tôi hoàn toàn không có bất kỳ những công cụ nào để làm việc này. Toàn bộ quá trình đó mất khoảng 25 ngày”
Các tù nhân của Taliban chỉ được cho ăn với khẩu phần hàng ngày rất nhỏ gồm cơm và bánh mì. Hussain phải làm việc mỗi ngày với duy nhất một bộ quần áo, và chỉ có chiếc chăn rất mỏng cho buổi đêm lạnh giá.
Khi pho tượng Phật hoàn toàn bị phá huỷ, Taliban tổ chức ăn mừng. Chúng bắn súng chỉ thiên, nhảy múa ca hát và thịt 9 con bò để làm lễ hiến tế.
“Không được lựa chọn”
Hussain nay là thợ sửa chữa xe đạp tại thành phố Bamiyan.
Ông nói rằng hiện ông cảm thấy rất an toàn khi sống tại thành phố và hy vọng chính phủ và các nhà tài trợ nước ngoài sẽ tìm cách để tái tạo các pho tượng Phật. Nghĩ về vai trò của ông trong cuộc phá hoại tượng Phật, Hussain nói rất hối hận.
“Tôi đã lấy làm tiếc ngay tại thời điểm đó, bây giờ tôi vẫn hối tiếc và chắc chắn cả đời sẽ luôn luôn hối tiếc”, ông nói. "Nhưng thật sự tôi không có bất kỳ sự lựa chọn nào cả, nếu như tôi không làm việc đó, bọn chúng đã giết tôi”.
Điều mong ước của Hussain về các pho tượng Phật khó mà thành hiện thực, ít nhất là trong tương lai gần. Tranh cãi về việc tái tạo ít nhất một trong những bức tượng khổng lồ đó hay là giữ nguyên hiện trạng để lưu giữ bằng chứng về sự phá hoại của Taliban đã diễn ra suốt một năm qua.
Đối với người dân địa phương như ông Hussain, việc bảo tồn di sản cổ không chỉ là vấn đề lưu giữ bản sắc của Bamiyan, mà còn là mong ước xây dựng một tương lai bền vững nhờ thu nhập mà khách du lịch sẽ mang lại.
Trọng Nghĩa (theo BBC)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten