dinsdag 31 maart 2015

Trung Quốc : Tranh luận về công và tội của Mao Trạch Đông căng thẳng chưa từng có

ngày 27-12-2013

Tranh luận về công và tội của Mao Trạch Đông căng thẳng chưa từng có
Cũng về một lãnh tụ cộng sản khác, Mao Trạch Đông của đất nước Trung Hoa, Le Monde có bài « Tránh sùng bái, Bắc Kinh thận trọng với di sản chính trị của Mao ».
Năm nay là dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Mao Trạch Đông. Người được coi là là thủ phạm gây ra cuộc Cách mạng Văn hóa hết sức đẫm máu, khiến hàng triệu người thiệt mạng, qua đời năm 1976, cho đến nay vẫn chưa bao giờ bị hạ bệ tại Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, có thể thấy những thái độ hết sức tương phản về Mao. Một bên là những người bảo vệ hình tượng Mao Trạch Đông nhân danh chủ nghĩa yêu nước, và bên kia khẳng định ông ta là gốc rễ của hết thảy những gì tồi tệ trong xã hội Trung Quốc đương đại. Sau khi lên cầm quyền, ban lãnh đạo Tập Cận Bình dường như đang cố gắng duy trì một đường lối cân bằng hai thái cực. Tuy nhiên, theo nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), « những tranh luận về công và tội của Mao Trạch Đông hiện nay đang quyết liệt chưa từng có ».
Kể từ khi Bạc Hy Lai bị hạ bệ, phe Mao mới cảm thấy bị gạt ra bên lề. Nhật báo Global Times - gần gũi với phe dân tộc chủ nghĩa và chủ trương bảo vệ các di sản của Mao - đưa ra những số liệu cho thấy 80% người trả lời thăm dò dư luận cho rằng Mao có công nhiều hơn có tội. Trong khi đó, những người lên án Mao đưa ra con số từ 30 đến 45 triệu người Trung Quốc chết do nạn đói, sau khi Mao tiến hành chiến dịch Đại nhảy vọt.
Ông Bào Đồng, nguyên cánh tay phải của cựu lãnh đạo theo phái cải cách Tổng bí thư Triệu Tử Dương, nhận định việc đảng Cộng sản tiếp tục tưởng niệm Mao Trạch Đông chính là một cách để bảo vệ chế độ độc đảng tại Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thái độ nước đôi đối với di sản Mao. Một mặt, ông tái sử dụng quan điểm « đường lối quần chúng » do Mao lập ra, cũng như cho thực hiện trở lại các buổi « tự phê bình tập thể » trong sinh hoạt của giới cán bộ, như dấu hiệu hòa dịu với phe Mao-ít. Mặt khác, lãnh đạo Trung Quốc chủ trương phục hồi các truyền thống chính trị khác, như tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình, ông Tập Trọng Huân/Xi Zhongxun (Phó chủ tịch Trung Quốc, trước khi bị Mao cách chức năm 1962). Một tiểu sử về Trần Độc Tú (Chen Duxin), một lãnh đạo cộng sản có quan điểm xung khắc với Mao cũng vừa được xuất bản…
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lại khiến Bắc Kinh và Seoul tức giận
Về thời sự Châu Á, Le Figaro chú ý đến căng thẳng mới đây do chính phủ Nhật Bản gây ra đối với Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, liên quan đến việc Thủ tướng Abe viếng thăm ngôi đền Yasukuni. Đúng một năm sau khi cầm quyền, và lần đầu tiên kể từ năm 2006, ông Shinzo Abe viếng thăm ngôi đền Yasukuni, nơi có thờ linh vị 14 tướng lĩnh Nhật bị kết án tội phạm chiến tranh.
Theo Le Figaro, mức độ băng giá trong quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh và Seoul đã tăng thêm mấy độ sau sự kiện này. Hoa Kỳ ra thông điệp cảnh báo Nhật Bản gây căng thẳng trong quan hệ với các nước láng giếng, đặc biệt với Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ tại khu vực. Một số điều tra dư luận cho thấy dân chúng của ba quốc gia Đông Á chưa bao giờ ngờ vực nhau như hiện nay, và những người trả lời thăm dò càng trẻ tuổi hơn, thì mức độ nghi ngờ lại càng nặng nề hơn.
Khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ : Sự kiệt sức của « một mô hình mẫu mực »
Về thời sự quốc tế, khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ, tại vùng biên giới phía đông của Liên Hiệp Châu Âu cũng là chủ đề được báo Pháp quan tâm. Khủng hoảng chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra ít tháng trước cuộc bầu cử địa phương và bầu cử Tổng thống.
Le Figaro có bài viết « Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm tất cả để bóp nghẹt vụ bê bối ». Thủ tướng Thổ Erdogan vừa buộc phải thay thế 10 thành viên trong chính phủ sau các cáo buộc tham nhũng, dưới áp lực của dân chúng đòi ông phải từ chức. Le Figaro nhận định người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa bị lên án đã bóp nghẹt ngành tư pháp nước này, sau khi ông Erdogan cách chức gần 400 nhân viên cảnh sát, những người tham gia điều tra về các vụ tham nhũng trong chính quyền.
Về tình hình chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, Le Monde có bài « Mô hình Thổ Nhĩ Kỳ đang kiệt sức » đưa ra các lý giải về những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này. « Mô hình Thổ Nhĩ Kỳ », quốc gia thân cận với Hoa Kỳ, đã từng là một mẫu mực của mối quan hệ giữa nền dân chủ và kinh tế tư bản tại một quốc gia Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ, đối cực với Iran và Ả Rập Xê Út, là một ví dụ xuất sắc về những thành công của nỗ lực hiện đại hóa trong thế giới Ả Rập-Hồi giáo.
Le Monde nhắc lại rằng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, một trong các trụ cột của sự phối hợp thành công giữa nền dân chủ và kinh tế tư bản, mới đây trở nên xấu đi, đặc biệt liên quan đến thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc khủng hoảng Syria và Ai Cập. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiệm ủng hộ các lực lượng Hồi giáo cực đoan, như phe Huynh đề Hồi giáo tại Ai Cập hay các nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan nhất trong lực lượng nổi dậy Syria.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20131227-ukraina-ai-da-cat-doi-tuong-lenin/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten