dinsdag 31 maart 2015

Đường dây vượt biên từ Anh sang các nước châu Âu khác

Châu ÂuAnhNhập cưXã hộiPhỏng vấn

Đường dây vượt biên từ Anh sang các nước châu Âu khác

mediaHành trình vượt biên từ Dover ( Anh ) sang Calasi ( Pháp )
Từ trước đến giờ người ta vẫn thường nghe nói đến chuyện di dân nước ngoài tìm cách vượt biên từ cảng Calais hay Dunkersue bên Pháp vào Anh, nhưng bây giờ lại có những đường dây chuyên đưa họ vượt biên từ cảng Dover của Anh sang Pháp. Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải tường trình:

Thông tín viên Lê Hải 30/03/2015 nghe
Lê Hải: Lượt người vượt biên theo tuyến đường này ngày càng tăng khiến nước Anh phải thay đổi cơ chế và từ tháng Tư bắt đầu kiểm tra xe tải rời khỏi nước Anh để bắt người vượt biên trái phép.
Những chiếc xe tải chở công-ten-nơ từ Pháp vào Anh được kiểm tra rất nghiêm ngặt. Trước khi xuống phà họ phải đi qua hệ thống máy soi để kiểm tra xem có chở thuốc lá lậu hay không, và nhất là có chở theo người vượt biên trái phép hay không. Với giá từ vài trăm đến vài ngàn euro di dân trái phép từ các nước nghèo trên thế giới sẽ được đưa lên xe để trốn vào Anh. Bên cạnh người Việt Nam còn có người từ Ấn Độ, Pakistan, Srilanka, hay Trung Quốc, Iran, Afghanistan và nhiều nước châu Phi.
Nếu bị bắt trong tình trạng trên xe có người vượt biên thì tài xế và công ty của họ sẽ bị phạt rất nặng, và nếu là cố ý chở người vượt biên thì sẽ đi tù về tội buôn người. Tất cả bộ máy của biên phòng Anh tập trung vào khu vực này để ngăn chặn người vượt biên vào Anh. Nhưng bây giờ thì họ phải trang bị thêm để ngăn chặn tuyến đường vượt biên theo hướng ngược lại, tức là vượt biên ra khỏi nước Anh, bắt đầu từ tháng Tư này.
Các phóng viên người Anh đã đóng giả làm di dân để lên một chiếc xe tải chở 21 người trốn bên trong đi thẳng từ cảng Dover của Anh sang Pháp mà không gặp rắc rối gì. Phóng sự truyền hình được dư luận đặc biệt chú ý trong bối cảnh chính trường Anh quốc bắt đầu khởi động cuộc vận động bầu cử vào quốc hội, mà việc quản lý gần một triệu người đang sống bất hợp pháp ở Anh là một trong những tâm điểm gây tranh cãi.
RFI:Tại sao người ta lại vượt biên ra khỏi nước Anh? Trong khi trong vòng một chục năm trở lại đây nước Anh là điểm đến cho di dân trái phép và lúc nào cũng có cả ngàn người chờ để vượt biên từ Pháp vào Anh?
Lê Hải: Điểm đến hiện nay cho đường dây vượt biên này là nước Ý. Sau khi vượt thoát từ Anh sang Pháp, họ sẽ tự tìm đường hoặc có xe chở xuyên qua châu Âu về hướng nam và về Ý để xin tị nạn. Đây là một lỗ hổng về luật pháp của châu Âu mà người ta bắt đầu khai thác trong vòng vài năm trở lại đây.
Trước hết là quãng thời gian kéo dài từ thời điểm xin tị nạn đến khi có quyết định cho phép họ được ở lại tị nạn hay gửi trả về nước sở tại. Thông thường một hồ sơ như vậy kéo dài hai năm và có nhiều trường hợp phải chờ bốn đến năm năm. Khi vào đến nước Anh thì di dân không có giấy tờ sẽ đến bộ nội vụ để xin tị nạn và trong lúc chờ xét đơn thì họ vượt biên sang châu Âu để xin tị nạn ở bất kỳ một nước nào đó mà trong trường hợp này là nước Ý.
Và trong lúc chờ xét đơn tị nạn ở đó thì họ lại vượt biên quay trở ngược về Anh để xin tị nạn. Nếu chính phủ Anh bác đơn tị nạn thì theo thủ tục sẽ trục xuất họ về Ý, và nếu bị bắt ở Ý thì họ sẽ lại xin trục xuất về Anh xin giải quyết. Với di dân người Việt thì các nước được họ chú ý nhiều là Ba Lan và Đức, vì có sẵn hệ thống dịch vụ và phiên dịch người Việt ở các nước này. Có những trường hợp sang Anh để trồng cần sa, đi tù, và hết hạn tù thì được trục xuất ngược về Ba Lan, hay có người đi làm nail bên Đức nhưng giấy tờ lại đăng ký để được ân xá ở Ba Lan.
Theo qui trình xử lý qua lại giữa các nước, ít nhất là vài ba năm hay có khi cả chục năm thì họ mới thực sự bị trục xuất về nước sở tại là Việt Nam hay một nước nào khác ở châu Á hay châu Phi. Trong khi đó thì chuyện vượt biên giữa Anh và châu Âu chỉ mất vài trăm cho đến vài ngàn euro, tính ra chỉ là một tháng lương để nuôi giấy tờ, cho nên qui trình này trở thành một tuyến đường tấp nập cho người vượt biên và nguồn kiếm tiền dễ dàng cho các đường dây buôn người.

RFI:
Nếu tính gần một triệu người sống bất hợp pháp ở Anh và rất nhiều người đang sống bất hợp pháp ở châu Âu lục địa, và nhiều người nữa đang trên đường vượt biên, thì đây là vấn đề lớn, vậy tại sao không có biện pháp nào để giải quyết?
Lê Hải: Chính xác là Liên hiệp châu Âu đang thiếu một cơ chế để xử lý vấn đề này. Đơn giản như là việc dọn dẹp khu trại ở Cailais mà cảnh sát Pháp cũng không thể nào làm nổi. Di dân trái phép từ Việt Nam nếu có nhiều tiền thì trú ngụ trong những ngôi nhà của đường dây, ít tiền thì ra rừng dựng lều ở tạm để chờ ngày vượt biên. Có những trường hợp sống trong công viên hay dưới những đoạn đường hầm của Paris, đặc biệt là trong mùa hè.
Luật pháp không cho phép giam giữ họ và chính phủ các nước không đủ ngân sách để gom họ vào các khu trại tị nạn vì phải bảo đảm cho họ các điều kiện tối thiểu về nơi sống như điện nước, diện tích sinh hoạt và đồ ăn thức uống cũng như chùa hay đền thờ để duy trì tín ngưỡng.
Trong cơ chế của Liên Hiệp Quốc thì khu vực này hoàn toàn là một khoản trống. Liên hiệp châu Âu có ngân sách để tặng vé máy bay và trợ giúp lập nghiệp trên quê hương cho người tự nguyện hồi hương. Liên hiệp châu Âu cũng có tiền cho các chương trình tư vấn giúp những người có đầy đủ giấy tờ hội nhập vào cuộc sống và luật pháp của nước sở tại.
Nhưng Liên hiệp châu Âu hầu như không có tổ chức nào để xử lý di dân trái phép. Một số tổ chức thiện nguyện, trong đó có một linh mục người Việt ở Calais, có giúp đỡ tối thiểu cho những người lỡ đường, nhưng đó chỉ là một việc vô cùng nhỏ. Cho đến thời điểm này hầu như cũng không hề có nghiên cứu nào về vấn đề này, và nếu thiếu báo cáo cơ bản thì sẽ khó xây dựng được thành chính sách chung cho các nước Liên hiệp châu Âu.
Trong khi đó thì người ta vẫn tiếp tục vượt biên để thoát cảnh nghèo đói ở quê nhà, và các đường dây buôn người ngày càng tinh vi hơn về tổ chức và hoạt động với nguồn lợi tức ngày càng tăng. Có thể thấy trong vài năm tới vấn nạn di dân trái phép tiếp tục là gánh nặng cho ngân sách các nước, tức là gánh nặng cho người dân đi làm hợp pháp và đóng thuế ở các nước Liên hiệp châu Âu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150327-duong-day-vuot-bien-tu-anh-sang-cac-nuoc-chau-au-khac/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten