maandag 23 maart 2015

Tác động của chiến dịch chống tham nhũng đối với kinh tế Trung Quốc

Thứ ba, 24/03/2015

Tin tức / Kinh tế

Tác động của chiến dịch chống tham nhũng đối với kinh tế TQ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết tâm diệt trừ nạn tham nhũng trong giới quan chức kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết tâm diệt trừ nạn tham nhũng trong giới quan chức kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012.
Trong lúc Trung Quốc xúc tiến chiến dịch chống tham nhũng qui mô lớn, các nhà kinh tế học và các chuyên gia tài chính nói rằng chiến dịch này đã bắt đầu tác động tới nền kinh tế nói chung. Thông tín viên đài VOA Bill Ide tường thuật từ Bắc Kinh.
Các nhà kinh tế học và các chuyên gia tài chính cho biết chiến dịch chống tham nhũng chẳng những làm cho sản lượng sút giảm mà còn gây thiệt hại cho các hoạt động kinh doanh.
Ông Jeffrey Towson, giáo sư môn đầu tư của Trường Quản trị Kinh doanh Quang Hoa của Đại học Bắc Kinh, nói “Có một mối lo ngại là những người, nhất là những người trong các xí nghiệp quốc doanh, đang tìm cách nín thở qua sông.”
Ông Towson cho biết điều này được thể hiện qua việc các ngân hàng không muốn cho vay, tiến hành các dự án, hoặc ký kết các hợp đồng, nhất là trong những khu vực quốc doanh không chịu sức ép của thị trường.
Ông Towson nói “Nếu quí vị làm việc ở ngân hàng, quí vị sẽ hỏi “Tại sao tôi lại cho vay? Tôi có thể bị công kích là cho vay thiếu thỏa đáng. Không ai gặp rắc rối vì không làm điều gì cả.”
Ông Phó Thành Ngọc, người vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Sinopec, công ty năng lượng lớn nhất Trung Quốc, mới đây đã phát biểu trên Đài truyền hình Trung Ương Trung Quốc về việc các nhà điều tra chống tham nhũng bỏ ra một tháng để điều tra công ty ông.
Trong lúc Phó Thành Ngọc cho biết ông hoan nghênh cuộc điều tra và sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm cho công ty mà ông đang lãnh đạo, cuộc phỏng vấn nêu bật những sức ép mà ông đang đối mặt.
Khi đề cập tới những sư khó khăn của việc phát giác những vụ tham ô, ông Phó Thành Ngọc nói “Chúng tôi biết vấn đề, nhưng chúng tôi có thể không biết nguyên do của vấn đề bởi vì cơ cấu quản lý của chúng tôi có quá nhiều tầng. Rất nhiều vấn đề xảy ra ở tầng thứ ba hoặc thứ tư.”
Ông Phó nói thêm rằng tuy Sinopec có thể biết là có vấn đề, nhưng ban quản trị của công ty không hẳn là biết được ai là người phải chịu trách nhiệm.
Khu vực năng lượng mà Sinopec nắm vai trò lãnh đạo đã được nhiều người chú ý kể từ khi các nhà điều tra bắt đầu xem xét tới vụ án tham nhũng của ông Châu Vĩnh Khương, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách công tác an ninh. Ông Châu là người xuất thân từ khu vực dầu khí có nhiều tiền của và thế lực.
Chiến dịch mạnh tay để chống tham nhũng ở Trung Quốc trong năm nay đang chú trọng nhiều hơn tới mục tiêu bài trừ tham nhũng tại các công ty quốc doanh. Giới hữu trách cho biết 26 đại công ty thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, từ viễn thông cho tới năng lượng, sẽ nằm trong tầm ngắm của các nhà điều tra tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương trong năm 2015.
Chiến dịch này đã tạo ra tình trạng mà một số người gọi là “hội chứng ghế trống”, trong đó nhiều quan chức đã không tới dự các cuộc hội nghị".
Các nguồn tin trong chính quyền cho biết các quan chức của chính phủ và của các xí nghiệp quốc doanh thường vắng mặt trong các cuộc họp với đại diện của khu vực tư nhân, và nguyên do là họ đang bị điều tra hoặc lo sợ sẽ bị điều tra về những sai phạm trong quá khứ.
Ông Andrew Key, Phó Đại sứ Anh tại Bắc Kinh, nói rằng số đại biểu không đến dự phiên họp thường niên mới đây của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Đại hội Hiệp thương Chính trị Toàn quốc đã tăng so với những năm trước.
Ông Key nói “Trung Quốc đang đặt mục tiêu giám sát cán bộ đảng viên ngang tầm với mục tiêu xây dựng một xã hội thịnh vượng.”
Ông Key cho biết như thế tại cuộc hội thảo của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về phiên họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Cuộc hội thảo này do Trường Quang Hoa và Phòng Thương mại Anh ở Trung Quốc đồng tổ chức.
Ông Key nói rằng những gì đang xảy ra là dấu hiệu cho thấy chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp tục và sẽ không giảm cường độ.
Một công tác quan trọng mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề ra cho nền kinh tế trong bản Báo cáo Công tác Chính phủ mà ông trình bày mới đây là giải quyết vấn đề liên quan tới khoản nợ không lồ của các chính quyền địa phương. Nhiều người tin rằng số nợ đó đã vượt mức 322 tỉ đô la và đang tạo ra một mối rủi ro lớn cho nền kinh tế mà tốc độ tăng trưởng tiếp tục bị chậm lại.
Nhưng nỗ lực này cũng phải đối mặt với những thách thức của chiến dịch bài trừ tham nhũng, bởi vì các quan chức e rằng những quyết định của họ lúc này có thể làm cho họ trở thành mục tiêu của những cuộc điều tra trong tương lai.
Ông Lưu Kiều, giáo sư môn tài chánh của Đại học Bắc Kinh, nói “Dĩ nhiên là chính phủ muốn khống chế sự gia tăng quá nhanh của các khoản nợ của chính quyền địa phương. Nhưng vấn đề là làm thế nào để cân bằng giữa mục tiêu kỷ luật chính quyền địa phương và cho họ có sự khích lệ để phát triển kinh tế. Vì chiến dịch chống tham nhũng mà sự khích lệ dành cho chính quyền địa phương đã giảm đi.”
Giáo sư Lưu Kiều nói với đài VOA bên lề cuộc hội thảo ở Bắc Kinh rằng năm nay là năm hết sức quan trọng đối với Trung Quốc để giải quyết vấn đề nợ nần của các chính quyền địa phương.
Ông nói “Nếu mọi việc bình thường trở lại và mục tiêu phát triển vẫn là ưu tiên hàng đầu, các chính quyền địa phương sẽ có được sự khích lệ để làm việc nhiều hơn.”
Theo giáo sư Lưu, tình trạng bình thường là tình trạng mà các quan chức không phải đối mặt với những sức ép quá lớn của các nhà điều tra chống tham nhũng. Tuy nhiên, trong giới quan sát tình hình Trung Quốc không mấy ai tin rằng tình trạng đó sẽ quay lại trong thời gian tới đây.

http://www.voatiengviet.com/content/tac-dong-cua-chien-dich-chong-tham-nhung-doi-voi-kinh-te-trung-quoc/2691292.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten