donderdag 5 maart 2015

Silicon Valley (California): Qua rồi thời 'chồng tech (technician) vợ ly (assembly)' trong cồng đồng người gốc Việt ở Mỹ

Silicon Valley: Qua rồi thời 'chồng tech - vợ ly'
Friday, January 16, 2015 2:32:18 PM





 * Thiên đường Startup



Thiên An/Người Việt
Gia đình Huy Nguyễn đến San Jose từ những ngày đầu. Lần lượt, chú bác anh làm việc cho các dây chuyền sản xuất điện tử, người cậu sau đó là kỹ sư nhu liệu cho công ty mạng điện toán, và anh, sau khi tốt nghiệp đại học UC Berkeley, hiện là kỹ sư cho hãng Google. Dù nhận mức lương và những ưu đãi khiến nhiều người thèm muốn, Huy mơ ước một ngày gần đây sẽ có công ty riêng như một số ít kỹ sư gốc Việt đi trước đã thực hiện. Câu chuyện của Huy Nguyễn phản ánh phần nào con đường đồng hành của các thế hệ gốc Việt với những biến chuyển của thung lũng Silicon Valley nói riêng và ngành công nghệ máy tính tại Hoa Kỳ nói chung.


Bên trong hãng điện tử QXQ. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
“Silicon Valley”- “thung lũng điện tử” - tên gọi cho vùng đất phía Nam của vùng vịnh Bay Area, Bắc California - nơi tập trung dày đặc các hãng điện tử từ những năm 1960-1970. San Jose, thành phố lớn nhất tại đây, hiện là nơi có đông người Việt nhất nước Mỹ với hơn 100,000 người, chiếm tỉ lệ 10% tổng dân số thành phố.
“Nhóm người đến San Jose thì cũng chỉ để làm chân tay thôi. Bỗng nhiên thì ngành điện tử nở rộ. Tìm việc làm dễ dàng, người này đồn người kia rồi đến đây sinh sống. Có thể nói, đó là sự ‘kết hôn’ giữa cộng đồng Việt và kỹ nghệ điện tử.” Kỹ sư Vũ Nhã, giám đốc một công ty về điện thoại tại Silicon Valley, nhận xét.
Từ “chồng tech-vợ ly,” (chồng làm technician, vợ làm assembly line), kỹ sư máy tính, đến giám đốc công ty, sự thành công của các thế hệ người Việt theo những biến đổi của Silicon Valley giải thích phần nào lý do nhiều người cho rằng đã diễn ra một “sự kết hôn” giữa cộng đồng Việt Nam và kỹ nghệ điện tử nơi này.
“Chồng tech - vợ ly”
Thung lũng điện tử chào đón người Việt trong những năm 1975 với số công việc tại các dây chuyền sản xuất đủ dồi dào để hàng ngàn người Việt đến, làm việc, mua nhà, xây dựng gia đình, và quần tụ thành cộng đồng.
Nhờ vào một số yếu tố tiên khởi như tầm nhìn của các giáo sư, khoa học gia và sinh viên Bắc California mà khởi đầu là từ Ðại Học Stanford, đầu tư của Bộ Quốc Phòng cho vấn đề nghiên cứu kỹ thuật trong giai đoạn đầu, cũng như mô hình mới để thu hút vốn đầu tư, vào thập niên 1960, Silicon Valley chuyển mình từ nông nghiệp sang công nghệ điện tử.


Kỹ sư nhu liệu Liên Trần. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Thung lũng điện tử phát triển, cần nhiều nhân lực vừa cho nhu cầu phát minh kỹ thuật mới, vừa cho nhu cầu sản xuất các thiết bị điện tử. Về nguồn nhân công có trình độ kỹ thuật và khoa học, chính phủ sửa đổi luật di trú, tạo điều kiện cho dòng chảy chất xám từ Trung Quốc (Ðài Loan) và Ấn Ðộ đổ vào Silicon Valley. Về nguồn nhân công tại các dây chuyền thiết bị điện tử, trong số hơn 150,000 công việc tại hơn 10,000 hãng xưởng mới mở trong giai đoạn 1980-2000, là đông đảo người Việt tị nạn đang tìm nơi chốn an cư, lập nghiệp.
“Rất nhiều công ty mới thành lập khi đó tìm người có học và sẵn lòng làm việc với giá nhân công rẻ, di dân Việt Nam phù hợp với nhu cầu đó,” tờ Los Angeles Times trích lời ông Hiền Ðức Ðỗ, giáo sư xã hội học tại San Jose State University.
“Tôi còn nhớ khi đó đang ngồi ăn trưa, có người Việt và có mấy người Mỹ đến hỏi tôi có muốn làm việc không. Tôi nói tôi là thầy giáo, không biết làm điện tử, thì họ bảo là họ sẽ ‘train’ cho, hứa trả $7.65/giờ (khoảng $24/giờ hiện thời),” ông Khánh Trần kể. Từ năm 1980, ông tiếp tục theo nghề dạy học và vợ ông, bà Trần Bùi Mỹ, vào làm việc cho hãng Kaiser Electronic.
“Người Việt Nam mình có đầu óc cầu tiến. Mới qua thì làm hãng, chồng tech (technician) vợ ly (assembly). Vợ làm trong các dây chuyền sản xuất để chồng đi học một, hai năm, ra làm kỹ thuật viên 'technician.' Nhiều người chịu khó học bốn năm để ra kỹ sư. Có hãng còn cho tiền đi học tại chức nữa.” Kỹ sư Vũ Nhã kể.
Các hãng xưởng sản xuất thiết bị điện tử dù không còn dồi dào công việc như ngày trước, vẫn là một trong những nguồn tạo thu nhập chính cho người dân Silicon Valley với trên 200,000 việc làm, theo số liệu Silicon Valley Index 2013.


Ðồng sáng lập công ty thiết kế trò chơi điện tử Aeria Games và Play Next, Terry Thắng Ngô. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ngoại trừ lĩnh vực thiết bị điện tử có phần giảm sút, hầu hết các lĩnh vực sản xuất và đời sống khác tại Silicon Valley tiếp tục tăng trưởng. Ðặc biệt, lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, tạo điều kiện cho lớp thế hệ sau của người Việt tại Silicon Valley: Kỹ sư nhu liệu và thông tin.
“Kỹ sư - dễ mà không dễ”
Nối tiếp bởi các đợt nhập cư, cộng đồng Việt Nam tăng nhanh tại Silicon Valley. Người Việt Nam tại San Jose từ 7,092 người năm 1980, năm 1990 thăng lên thành 41,107, năm 2000 là 78,842, và năm 2010 là 100,486.
Ðến Silicon Valley với hai bàn tay trắng, khởi nghiệp từ các dây chuyền sản xuất, người Việt nhanh chóng hòa vào tầng lớp trí thức mang tính quyết định cho thành công của Silicon Valley.
Cùng người Trung Quốc và Ấn Ðộ, dân Việt Nam trở thành lực lượng gốc Á mạnh mẽ cho khối chất xám của Silicon Valley. Số liệu của Ðại Học Stanford và UC Berkeley cho thấy, trong những năm 1980 đến 1990, đây là hai trường có tỉ lệ sinh viên gốc Á tốt nghiệp ngành kỹ sư và khoa học gấp đôi tỉ lệ trung bình của toàn Hoa Kỳ.
Theo số liệu U.S. Census, đến năm 1990, người Việt tại Silicon Valley có khoảng 1,600 kỹ sư và khoa học gia về máy tính, năm 2000 có khoảng 2,100 kỹ sư và khoa học gia về máy tính, cùng 289 người giữ vị trí quản lý dự án tại nhiều công ty.
“Tôi sang Mỹ năm 1979, đi học rồi chọn ngành kỹ sư nhu liệu. Gia đình cũng khuyến khích mình học những nghề nào ra trường nhanh mà có việc làm. Tôi tốt nghiệp năm 1989. Công việc dễ kiếm nhưng thực sự thì không ổn định như nhiều ngành khác, chúng tôi luôn phải học hỏi để không bị đào thải, đặc biệt là người lớn tuổi khi phải cạnh tranh với người trẻ. Khi còn độc thân, bạn thường hào hứng hơn trước những dự án mới và có thể làm ngày làm đêm. Làm nghề này cũng vất vả, nhưng có tiền. Nhiều người làm cho các công ty mới mở, được cổ phần, trở thành triệu phú nhưng cũng không cảm nhận được mình giàu như thế nào, vẫn cố gắng làm việc và chịu đựng các căng thẳng trong nghề,” kỹ sư Liên Trần, một nhân viên từng làm cho nhiều công ty tại Silicon Valley, trong đó có IBM, Cisco, và VMware, nhận định.


Kỹ sư Thu Thủy Trương, giám đốc công ty TTI chuyên về các thiết bị bên trong máy tính. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Năm 2000 đánh dấu cuộc khủng hoảng kinh tế cho toàn kỹ nghệ điện tử và máy tính, khi thị trường chứng khoán về lĩnh vực này sụp đổ. Ðặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề là công việc tại các ngành nghề sản xuất thiết bị điện tử, với tỉ lệ mất việc từ 30% đến 40%. Nhiều công việc sản xuất được chuyển sang nước ngoài để giảm chi phí. Riêng giới kỹ sư công nghệ cao tại Silicon Valley có nhiều may mắn hơn người trong ngành ở các khu vực khác, nhờ sự thành công dựa vào công nghệ thông tin của các công ty như Google.
Trong khi nhiều người gốc Việt làm việc tại các dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử lâm vào cảnh thất nghiệp, thành phần “tech-ly” giảm đi, thành phần kỹ sư và công nghệ cao thế hệ sau tiếp tục phát triển tại Silicon Valley. Ðồng thời, cộng đồng Việt Nam sau hơn hai thập niên thành hình và phát triển đã chứng minh khả năng vượt qua các biến động kinh tế và xã hội. Số người Việt Nam tại Silicon Valley tiếp tục gia tăng, đến 2010 có khoảng 100,000 người chỉ riêng tại San Jose.
'Startup' - tinh thần Silicon Valley
Một trong những yếu tố tạo nên sự đặc biệt và thành công của Silicon Valley chính là tinh thần mở công ty mới - “startup” - của các kỹ sư và khoa học gia tại đây.
Từ những năm 1940-1950, Giáo Sư Frederick Terman, trưởng khoa công nghệ của Ðại Học Stanford và thường được gọi là “cha đẻ của Silicon Valley,” khuyến khích và tạo điều kiện cho các sinh viên mạnh dạn mở công ty để nghiên cứu và thử nghiệm các ý tưởng công nghệ kỹ thuật mới. Về căn bản, trong quá trình ứng dụng thử nghiệm của công ty startup, nếu ý tưởng và kỹ thuật được nhiều khách hàng tiếp nhận, công ty sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn hoặc sẽ được các công ty lớn mua lại để phát triển rộng thêm. Mô hình này giúp Silicon Valley tiến bộ nhanh chóng, vượt qua các khu công nghệ khác để dẫn đầu Hoa Kỳ về số bằng sáng chế cũng như số vốn nhận được từ các nhà đầu tư.


Hai ông bà Trần Khánh và Trần Bùi Mỹ đến San Jose những năm 1978-1980. Bà làm cho một dây chuyền sản xuất trong 30 năm trước khi nghỉ hưu. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Từ trước đến nay, giới giám đốc và sáng lập viên của các công ty lớn, nhỏ tại Silicon Valley phần lớn là người da trắng.
Giới kỹ sư Trung Quốc và Ấn Ðộ, những người được xem là mang chất xám đến giúp xây dựng Silicon Valley, sau này bắt đầu tự mở công ty “startup” riêng. Số liệu của cơ quan nghiên cứu thị trường Dun & Bradstreet cho thấy trong khoảng 1980 đến 2000, Silicon Valley có khoảng 12,000 công ty mới, trong số đó có 2,775 là của người di dân Trung Quốc và Ấn Ðộ.
So với di dân Trung Quốc và Ấn Ðộ, người Việt tị nạn tuy bước vào lĩnh vực mở startup có phần chậm hơn, cũng đạt nhiều thành công đáng kể. Một vài trong số chủ các công ty gốc Việt tên tuổi tại Silicon Valley: Thịnh Trần, đồng sáng lập Sigma Design từ 1982, Trung Dung với OnDisplay, Bill Nguyễn với OneBox và Lala, Tuoc Vinh Lương với Shanda Online, Binh Trần với Klout, Hung Nguyễn với Greenvity Communications... Nhiều người trong số họ gầy dựng thành công từ startup với các ý tưởng khác nhau.
“Khi đi làm thì tôi cũng như nhiều đồng nghiệp cũng muốn có công ty riêng. Người Việt mình gan lắm, ba mẹ đã từng vượt biên, dám bỏ hết nhà cửa, mình đến đây là đã thành công rồi, vì sao lại không dám ra công ty riêng. Nếu không làm được thì tay trắng là cùng, có sao đâu,” cô Thu Thủy Trương, giám đốc một công ty kiểm tra chất lượng cho nhiều công ty điện tử tại Silicon Valley từ năm 1995, cho biết mở công ty sau 10 năm làm việc cho IBM.
“Có người thì thích sự ổn định nên chọn làm cho các công ty lớn. Riêng tôi, khi được bạn rủ thành lập công ty thì đồng ý để được thử hết sức mình. Làm cho công ty lớn bị bó buộc bởi nhiều quy định và cách thức làm việc, mở 'startup' thì gian nan hơn nhưng thú vị hơn nhiều. Tuy không giàu có gì, gia đình cũng ủng hộ tôi thực hiện hoài bão của mình,” anh Thắng Ngô, đồng sở hữu một công ty sản xuất trò chơi điện tử, cho biết. Sau thời gian làm cho một công ty ở Texas, anh gặp lại hai người bạn gốc Việt đồng môn ở Stanford và cùng sáng lập công ty có tên Aeria Games vào năm 2006, một phần công ty được Prosieben của Ðức mua lại, phần còn lại chuyển sang sản xuất trò chơi điện tử chuyên cho điện thoại di động, lấy tên là Play Next.
“Google, công ty lớn nhất hiện tại ở Silicon Valley, vẫn cố gắng giữ tinh thần của một 'startup' để liên tục khuyến khích sáng chế và ứng dụng các ý tưởng mới. Cái hay của Silicon Valley là người ta không sợ thất bại. Muốn thành công thì phải dám thực hiện. Thất bại chỉ là tạm thời, cho chúng ta kinh nghiệm để giỏi hơn. Người Việt Nam mình chưa mở nhiều startups như Trung Quốc và Ấn Ðộ. Tôi ước mơ một ngày gần đây cũng sẽ mở 'startup',” Huy Nguyễn, kỹ sư nhu liệu tại Google, nói.
Theo một nghiên cứu về các công ty startup tại Silicon Valley do cơ quan Public Policy Institute of California công bố, xu hướng người gốc Á tự mở công ty riêng sẽ ngày càng mạnh hơn nhờ vào sự hỗ trợ mang tính cộng đồng từ những đồng hương đi trước và những lợi thế về khả năng hội nhập của thế hệ sau.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=201626&zoneid=3#.VPjTDek5C70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten