Saturday, January 24, 2015 4:08:28 PM
Ðường số 9 và cộng đồng gốc Việt
Kalynh Ngô/Người Việt
PHILADELPHIA - Vào năm 1880, Antonio Palumbo, người đàn ông di dân gốc Ý mở một khu nhà trọ trên con đường số 9th cho những người đồng hương của mình thuê và buôn bán mưu sinh. Khi đó, ông không hề nghĩ rằng, hơn 100 năm sau, nơi đây sẽ mang một bản sắc đặc thù riêng, rất riêng, của người Ý cũng như của thành phố Philadelphia. Và hơn thế nữa, một mối thâm tình giữa khu chợ ngoài trời Italian Market - Chợ Ý - 100 năm tuổi với người Việt tỵ nạn trong 40 năm qua cũng được gắn kết từ chính con đường này.Người bán dùng củi và dầu để đốt lửa trong những thùng phi sưởi ấm vào mùa đông trên đường số 9th năm 1979. (Hình: Temple University) |
Bà Michele Gambino, quản lý thương vụ của chợ Ý, đón chúng tôi trong văn phòng riêng ngay trên đường số 9th, ở phía Nam Philadelphia. Ðây là nơi trưng bày những món quà lưu niệm, hình ảnh lịch sử của chợ, gặp gỡ khách du lịch, giao dịch với những người có cơ sở buôn bán ở chợ Ý.
Ðốt lửa sưởi ấm vào mùa đông ở Chợ Ý năm 2010. (Hình: Michele Gambino) |
Bà cho chúng tôi xem những hình ảnh trắng đen của khu chợ, được lưu giữ từ năm 1952. Không giấu niềm tự hào khi kể lại lịch sử con đường số 9th nổi tiếng này, khi chính bà cũng là con cháu của người Ý di dân đến đây.
“Có thể nói, Italian Market là nơi của di dân, là ngôi nhà đầu tiên của họ, là nơi họ đặt lên đó hình ảnh, đời sống, văn hóa của dân tộc mình,” lịch sử chợ Ý như một cuốn phim quay chậm hiện dần ra trước mắt qua lời kể của bà Michele.
Tiệm thịt Elio Esposito năm 2014. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
100 năm trước
Họ là ai? Ðó là những di dân đến Mỹ từ nhiều nước khác nhau và nhiều thời điểm khác nhau. Trước khi được gọi là Italian Market, nơi đây là vùng đất của người Do Thái và Hy Lạp.
Bà Michele không thể nhớ chính xác vào năm nào, chỉ biết rằng người Do Thái và Hy Lạp đến đây lập nghiệp trước. Lúc đó, họ buôn bán chủ yếu là các loại thịt, thịt bò, gà, sữa tươi, một ít rau quả.
Bên trong tiệm thịt Elio Esposito năm 2014. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là làn sóng di dân của người Ý. Lúc đó nơi này đã được gọi là “South Philly” - tức phía Nam thành phố Philadelphia. Họ làm việc và thuê chỗ ở trong khu vực nhà trọ của ông Antonio Palumbo.
Hàng ngày, bắt đầu từ trước khi bình minh ló dạng, người buôn bán đẩy một cái xe đi khoảng một dặm hoặc xa hơn, đến đường Delaware Ave., tìm mua hàng hóa từ các tàu neo đậu giữa đường South Street và đường Washington Ave. Sau đó, họ đẩy xe ngược về đường số 9th để bán lại cho người đi chợ vừa kịp đúng khi ngày mới bắt đầu.
Tiệm thịt Elio Esposito năm 1979. (Hình: Temple University) |
Thời đó, người ta chưa biết đến tủ lạnh hoặc tủ đông. Cho nên người ta đi chợ mua thức ăn mỗi ngày. Vị trí của chợ Ý chính là một trong những điều kiện đáp ứng nhu cầu chuẩn bị bữa ăn mỗi ngày, thuận lợi cho cả người mua lẫn người bán.
Một thời gian sau, khi bắt đầu có thế hệ thứ hai của người Ý di dân, gia đình họ đã có đủ tiền, mua nhà và tự mở cửa hàng buôn bán nhỏ. Họ bán tất cả những thực phẩm truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là tự họ làm ra, chẳng hạn pasta, cheese,... Rau cải, thịt, trái cây thì hoàn toàn là đồ tươi mới.
Năm 1915, Chợ Ý ra đời, nằm trên con đường số 9th nhỏ hẹp, khu vực hoạt động buôn bán tập trung trong khoảng sáu ngã tư nối từ đường Wharton đến Fitzwater.
Những thùng hàng đặt 2 bên đường số 9th năm 1959. (Hình: Temple University) |
Truyền thống hàng hóa luôn tươi mới ở chợ Ý được giữ từ những ngày đầu tiên cho đến tận bây giờ, cho dù có rất nhiều thay đổi để phù hợp với nhu cầu cuộc sống con người và sự phát triển của xã hội.
Mối thâm tình 40 năm
Tên gọi Chợ Ý - hay “the 9th Street Italian Market” làm người ta dễ dàng hiểu ngay đó là khu chợ của người Ý, hình dung ngay đến những văn hóa đặc thù người Ý. Vậy thì cái “thâm tình với người Việt” ở đâu? Và vì sao?
Italian Market trên đường số 9th năm 1944. (Hình: Temple University) |
Ở giữa phần đường vẫn còn những dấu tích của đường rày xe điện chạy trong thành phố cách đây hơn một thế kỷ. Những đường rày cũ kỹ, theo thời gian đã gần như ăn sâu vào làn đường xe chạy trên đường số 9th làm cho Philadelphia càng mang vẻ cổ kính. Do đó mà khu chợ Ý cũng không mất đi sắc thái riêng từ hơn 100 năm nay.
Chợ Ý là một “nhân vật lịch sử” đón làn sóng người Việt tỵ nạn đầu tiên đến với Philadelphia những năm 1975-1980. Lúc đó thì chợ đã hơn 100 năm tuổi, đã đủ đầy thực phẩm, đã đủ vững mạnh để làm nơi nương tựa cho người Việt trong cuộc sống của những ngày đầu xa quê.
Người Việt đi chợ Ý năm 1979. (Hình: Temple University) |
Ông Trần Bê, người gắn bó với chợ Ý từ ngày đầu tiên đặt chân đến Philadelphia năm 1985 cho đến bây giờ, cho biết: “Tôi vượt biên và đến Philadelphia định cư vì có gia đình ở đây. Lúc mới qua tiếng Anh không có, rồi có người giới thiệu đi bán cho cửa hàng trái cây ở chợ này. Chủ là người Ý. Sau đó ông ta về hưu và cho tôi luôn cửa hàng, tôi chỉ phải trả tiền thuế mỗi tháng. Bây giờ thì ổng mất rồi.”
Vừa nói chuyện, ông vừa cân rau quả, tính tiền cho khách, trả lời giá cả cho người mua. Nếu không nghe những câu ông nói với khách hàng: “one dollar, sir” hoặc “thank you, sir” hoặc “have a nice day” thì chúng tôi cứ nghĩ mình đang đi trong lòng ngôi chợ nào đó ở... Việt Nam.
Cửa hàng trái cây rau củ của người Ý. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Người đàn ông gốc Việt này đã bán ở đây cho đến tận bây giờ. Bán bảy ngày một tuần, từ bảy giờ sáng đến năm giờ chiều. Cứ như vậy hơn 30 năm nay không nghỉ ngày nào, mùa Ðông cũng như Hè. Hình như ít có người Việt nào sống ở vùng “South Philly” mà không biết đến ông.
Cách cửa hàng rau quả của ông Trần Bê không xa, khoảng một block đường, là một người đàn ông gốc Việt luôn tay gói trái cây và trò chuyện với khách. Ông là Tuấn Nguyễn, người Việt tỵ nạn đến Philadelphia năm 1980. Khác với Trần Bê, ông Tuấn là người bán hàng cho người chủ Ý.
Một người khách Việt Nam đi chợ Ý vào sáng Chủ Nhật. (Hình: Temple University) |
“Ông ta thuê tôi vì tôi là người Việt. Khách Việt Nam ở đây khá nhiều. Họ không biết nói tiếng Anh. Tôi thì có thể trao đổi với khách bản xứ và cũng bán được cho khách Việt.”
Thật ra, “cửa hàng” là từ dùng theo cách nói quen thuộc của người Việt khi đi mua sắm. Chứ thật ra đó là những sạp gỗ ngoài trời, đặt liền nhau, bên phải theo chiều xe chạy của đường số 9th. Ðây chính là đặc điểm của chợ Ý. Và có lẽ cũng chính đặc điểm này làm cho người Việt nhớ về không khí thân thương, náo nhiệt, những tiếng rao hàng mỗi sáng trong một ngôi chợ làng quê thật xa.
Cách bài trí rau quả rất đẹp và thuận tiện cho người mua. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Tò mò hỏi ông Trần Bê vì sao không thuê cửa tiệm to hơn để buôn bán, để tránh những hôm nắng mưa, tuyết lạnh? Cười rất hiền, ông nói bằng chất giọng đặc sệt miền Tây: “Quen rồi. Những cửa tiệm dọc theo con đường này là những gia đình kinh doanh từ rất lâu, người Việt mình hay nói là cha truyền con nối, họ không sang lại. Với lại, tôi bán trái cây, rau quả tươi, thường bán hết trong một, hai ngày nên không cần cửa tiệm. Tôi buôn bán nhỏ, vốn không nhiều, thuê tiệm tốn kém. Vả lại đứng ở ngoài này thì người ta dễ mua, dễ lựa.”
Ông Trần Bê, người bán trái cây ở Chợ Ý từ năm 1985. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Ðiều này bà Michele có nhắc đến trong câu chuyện kể về lịch sử Chợ Ý: “Hầu như tất cả những cửa tiệm dọc theo bên đường 9th của Italian Market đều là những gia đình kinh doanh từ những ngày đầu thành lập chợ, khoảng 100 năm nay.”
Cho đến bây giờ, họ vẫn giữ những cái tên tiệm từ ngày đầu buôn bán. Tất cả đều là tiếng Ý, như tiệm Di Bruno Bros., tiệm Claudio's, tiệm Talluto's. Cửa hiệu bánh mì thì là Sarcone's, Iannelli's, Isgro Pastries. Tiệm bán cheese, butter thì có tên là Eposito's, D'Angelo Bros, Cannuli's, Orlando's. Họ chỉ thuê vài người Á Ðông bán hàng hoặc tính tiền. Ngoài ra, dọc hai bên đường số 9th còn có những nhà hàng Ý bán pizza, coffee,...
Ông Trần Bê và cửa hàng trái cây của mình. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Có một số cửa tiệm ở đây theo mô hình “trên nhà, dưới shop.” Gia đình họ sống ngay ở đó, phía dưới là buôn bán, trên lầu là nơi sống và sinh hoạt. Ðây chính là một trong những nét gần gũi đặc biệt giữa chợ Ý với những khu chợ ở Việt Nam.
Còn lại một số khác thì sống ở vùng ngoại ô. Mỗi sáng họ đến mở cửa tiệm, đến chiều thì về.
Khoảng năm giờ chiều, những cửa tiệm ngoài trời bắt đầu “đóng cửa.” Mùa Hè thì có thể lâu hơn. Nhưng mùa Ðông thì khoảng bốn giờ là bắt đầu thu dọn vì trời tối sớm và lạnh.
7 ngày 1 tuần, ông không nghỉ bán ngày nào từ năm 1985 đến giờ. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Khi đó, con đường số 9th nhìn không khác gì một con đường làng ở Việt Nam nhóm chợ buổi sáng. Ðến trưa, chiều còn lại là những sạp gỗ được phủ bằng những tấm bạt nylon đủ màu sắc.
Chúng tôi là một cộng đồng
Vào mùa Ðông, mỗi cửa tiệm, mỗi gia đình ở chợ Ý đặt một cái thùng phuy phía trước và nhóm lửa thật to bên trong. Ði chợ Ý mùa Ðông, sáng hay chiều hay tối, luôn nhìn thấy những đám lửa bập bùng, cả cái mùi khói ngây ngây, khét khét. Lúc đó, đi từ đầu đoạn đường số 9th sẽ có thể nhìn thấy những thùng lửa nằm dọc hai bên đường.
Phụ bán trái cây cho chủ người Ý. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Có một câu nói vui: “Khi nào Philadelphia không còn lạnh vào mùa Ðông, chợ Ý sẽ không còn vì không còn hình ảnh của những thùng lửa này nữa.”
Người Việt nào sống ở Philadelphia từ trước năm 1990 thì không ai chưa từng mua sắm thực phẩm chợ Ý. Vì lúc đó, Philadelphia chưa có nhiều siêu thị hay chợ của người Việt như bây giờ. Thế nên cứ mỗi cuối tuần, người ta lại đến chợ Ý vào Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật, mua tất cả những gì cần thiết, chuẩn bị bữa ăn cho bảy ngày trong tuần.
Bà Michele Gambino, Tổng Quản Trị của Italian Market. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Những buổi sáng mùa Ðông đó, họ cố gắng thức dậy sớm để ra chợ mua được trái cây tươi ngon hoặc những bó rau xanh mướt mới mang về từ farm.
Mùa Hè ấm áp, cả gia đình, vợ chồng con cái cùng đi chợ, những đứa trẻ chưa biết đi cũng được đặt lên xe nôi, “đi chợ tắm nắng.”
Trái cây bỏ vào hộp và được bán với giá rẻ hơn trong siêu thị. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Theo bà Michele, từ ngày làn sóng di dân của người Châu Á đến Philadelphia, “rất nhiều sự thay đổi bắt đầu từ đó.”
“Người Á Châu mang một văn hóa ẩm thực hoàn toàn mới đến đây. Di dân gốc Á ngày càng nhiều. Việt Nam, Hàn Quốc, Cambodia. Cách họ ăn uống, thực phẩm họ dùng, tất cả tạo nên một nhu cầu cao hơn ở chợ Ý. Ðể tồn tại, chợ Ý phải phát triển theo cùng với nền văn hóa mới đang ngày một đông hơn ở nơi đây.”
Một người Việt làm việc ở cửa tiệm bán hải sản. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Ðó là những cửa tiệm thịt, cá tươi được trang bị tủ đông, tủ đá, hoặc những thùng xốp có đá lạnh. Ðó là những tiệm phó mát với máy móc hiện đại hơn để làm ra sản phẩm chất lượng hơn. Ðó là thực phẩm ngày càng đa dạng, được chủ tiệm lấy về từ khắp các quốc gia trên thế giới chứ không phải chỉ riêng một số nước như trước đây. Ðó cũng là các quán ăn của người Việt được mở ra như bún bò Huế Diễm, bánh mì Hương Lan.
Một cửa hàng trái cây ở chợ Ý. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Những chủ tiệm chăm chút nhiều hơn đến cách bài trí hoa quả, rau củ, khác hẳn với người Ý thế hệ thứ nhất, chỉ đổ tràn lên mặt những thùng gỗ có bánh xe. Bây giờ, họ biết cách sắp đặt, có loại trái cây thì bỏ sẵn vào một cái hộp rất thuận tiện cho cả người mua lẫn người bán.
Ngày nay, con đường Washington Ave. đang trở thành trung tâm thương mại của người Việt Nam với ba siêu thị, chợ, làm cho số người đi chợ Ý cũng ít lại. Chính người bán trái cây 30 năm ở đây là ông Trần Bê cũng nói: “Hồi đó khi chưa có siêu thị thì khách gốc Việt rất đông. Bây giờ họ vào siêu thị nhiều hơn, để được lựa thoải mái. Mùa Ðông thì ấm, mùa Hè thì mát.”
Chợ Ý vào buổi tối. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Ít lại thôi chứ không phải là không còn!
“Tất cả các loại thịt, cá, rau xanh, củ quả, trái cây... nói chung là thực phẩm ở chợ Ý đều rất tươi và rẻ. Pho-mát thì khỏi phải nói, không biết người ta thấy sao chứ tôi thấy mua ở siêu thị Mỹ cũng không ngon bằng,” ông Bằng, một người sống ở Philadelphia hơn 20 năm, làm nghề địa ốc, tự nhận mình là “mối ruột” của chợ Ý cho đến tận ngày hôm nay, nói như thế.
Không phải riêng ông Bằng, còn rất nhiều người khác cũng đồng ý trái cây ở chợ Ý là từ farm ra, lúc nào cũng tươi, ngon và rẻ hơn trong siêu thị.
Toàn cảnh chợ Ý nhìn từ đầu đường số 9th. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Bên cạnh đó, có những người tìm đến chợ Ý còn vì một lý do khác.
Ông Việt Trần, người đến Philadelphia chỉ gần 5 năm nay, tự nhận rằng điều làm cho ông thấy vui nhất ở đây là mỗi sáng, được nhâm nhi một ly cà phê ở chợ Ý rồi đi bộ vào sở.
Ông nói: “Tôi chắc chắn rằng không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai lớn lên ở Việt Nam đều quen câu nói ‘cà phê chưa?’ để chào nhau buổi sáng. Từ ngày tình cờ khám phá ra quán cà phê trong chợ Ý, mặc dù của người Ý, mùi vị chắc chắn không thể ngon như cà phê phin của mình, nhưng đối với tôi nó cũng hay hơn ly cà phê Starbucks. Và nhất là không khí ngồi ở đây, nhìn người ta đi chợ, đôi khi gặp vài người Việt Nam đi ngang, chào nhau mấy câu dù không quen biết. Cảm thấy như đang ở quê nhà.”
Góc đường số 9th và Washington Ave rẽ vào chợ Ý. (Hình: Kalynh/Người Việt) |
Ðúng như bà Michele nói: “Chợ Ý ngày nay là một khu chợ đa văn hóa. Chúng tôi tự hào vì chúng tôi là một phần của South Philadelphia. Con cháu chúng tôi được sinh ra và lớn lên ở đây, cùng với các dân tộc khác chúng tôi tạo thành một khu vực mua sắm mà đối với tôi, nó an toàn hơn nhiều nơi khác vì chúng tôi là một cộng đồng.”
The 9th street Italian Market, di sản 100 năm của dân tộc Ý ngày nay đã trở thành một văn hóa riêng của thành phố Philadelphia cũng như của nước Mỹ. Và bên trong nền văn hóa đó, từ những bó rau, trái cà, con cá lóc tươi đều có sự gắn kết chân tình như huyết mạch với cuộc sống của người gốc Việt.
Tháng Mười năm 2007, Lịch sử và Bảo tàng Ủy ban Pennsylvania ghi nhận The 9th street Italian Market là di tích lịch sử của tiểu bang. Các chữ màu vàng khắc trên tấm bảng màu xanh xám đặt ở góc đường số 9th và đường Christian nói rằng “từ một khu chợ địa phương, Italian Market đã trở thành biểu tượng của Philadelphia.”
–-
Liên lạc tác giả: kalynh@nguoi-viet.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticles30thang4.aspx?articleid=202033&zoneid=492#.VPjSC-k5C70
Geen opmerkingen:
Een reactie posten