woensdag 18 februari 2015

Bắc Kinh công nhận thực phẩm Trung Quốc càng ngày càng độc

An toànVệ sinhTrung QuốcChâu ÁThực phẩm

Bắc Kinh công nhận thực phẩm Trung Quốc càng ngày càng độc

mediaCảnh tranh mua thực phẩm tại một chợ ở miền đông bắc Trung Quốc. Ảnh chụp năm 2012.Reuters
Cơ quan an toàn thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc công nhận càng ngày thức ăn và dược phẩm của Trung Quốc càng mất vệ sinh và thiếu phẩm lượng. Thực phẩm hư thối được tẩm màu hay hóa chất để đánh lừa.
Để đánh lừa người tiêu dùng, gian thương Trung Quốc có nhiều cách hóa trang thực phẩm hôi thối : nhuộm phẩm hoặc hóa chất để tạo dáng tươi tốt làm bắt mắt khách hàng. Thức ăn cho trẻ con được pha với kim loại, dầu ăn phế thải tái chế kiếm lời, kem đánh răng pha hóa chất chống đông dành cho động cơ xe hơi.
Theo nhận định của Cơ quan an toàn thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và sẽ tăng thêm trong tương lai.
Thực phẩm hư thối bán ra thị trường đã gây tai tiếng cho nhiều tập đoàn quốc tế, như Carrefour của Pháp và các thương hiệu ăn nhanh của Mỹ như McDonald mà nguồn cung cấp là Trung Quốc.
Theo Asia News, hôm qua 08/01/2015, sau cuộc hội thảo về an toàn thực phẩm tại Bắc Kinh, cơ quan đặc trách kiểm tra vệ sinh lương thực cho biết cần phải tăng cường và thay đổi phương cách kiểm soát : thanh tra bất chợt, không thông báo trước, lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên…
Do buôn bán với Hoa lục, Đài Loan cũng bị tai tiếng thực phẩm không an toàn, điển hình qua vụ dầu ăn tái chế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150109-bac-kinh-cong-nhan-thuc-pham-trung-quoc-cang-ngay-cang-doc-hai/

Trung QuốcĐiểm báoChâu ÁThực phẩmSức khỏe / Y tếAn toàn

Trung Quốc : Mối lo an toàn thực phẩm vẫn ngự trị trong bữa ăn

mediaKiểm tra chất lượng thực phẩm tại một siêu thị Trung Quốc. Ảnh chụp tháng 6/2013.REUTERS/China Daily
Vấn đề về an toàn thực phẩm vẫn luôn là mối bận tâm của người dân Trung Quốc. Báo La Croix hôm nay quan tâm đến đề tài này qua bài viết : « Trung Quốc, bất an vẫn ngự trị trong bữa ăn ». Báo Công giáo La Croix nhận định người tiêu dùng Trung Quốc mất lòng tin nghiêm trọng sau hàng loạt các vụ bê bối về an toàn thực phẩm.
Tờ báo đưa ra ví dụ về anh Ngô Hằng, một sinh viên Thượng Hải, thường hay ghé vào một quán ăn gần trường đại học để thưởng thức món cơm bò cách đây vài năm. Một hôm, anh ta phát giác trên báo chí đăng các nhà hàng đã sử dụng thịt heo và pha chế thành thịt bò bằng một quy trình chẳng ngon lành gì : đầu tiên, thịt được tẩy sạch, sau đó tẩm thuốc đỏ, một hóa chất gây ung thư cao.
Đối với anh Ngô Hằng thì đó là một cú sốc lớn. Anh nhận ra các vụ bê bối về an toàn thực phẩm nhiều đến mức không kể xiết khắp đất nước. Do đó, anh ta đã thành lập trang web để thống kê các vụ vi phạm an toàn thực phẩm được đăng trên báo chí. Ví dụ như thịt vịt tẩm nitrát, yaourt có chứa da giầy đã được tái chế, trứng giả làm bằng sáp nến…
Năm 2010, theo nghiên cứu của một trường đại học thì 1/10 các bữa ăn được chế biến với dầu thu gom từ cống rãnh lề đường cạnh các nhà hàng và sau đó đóng vô chai để sử dựng. Năm nay, lại thêm vụ thịt chuột được bán giả làm thịt cừu, gạo bị nhiễm chất cađimi, một kim loại nặng trong công nghiệp, lại góp phần vào danh sách các vụ bê bối an toàn thực phẩm vốn đã rất dài.
Một bà mẹ tại Trung Quốc giễu cợt : « Tại Trung Quốc, vụ thịt ngựa đã gây sốc cả châu Âu trong khi tại Trung Quốc, thì không đáng được đăng báo : Suy cho cùng thì thịt ngựa không phải là thịt ngon hay sao ? ». Từ khi sinh con, bà mẹ trẻ người Bắc Kinh này tìm cách mua sữa nhập khẩu hơn là sữa nội địa. Đó là hậu quả từ vụ bê bối sữa bị nhiễm mélanine vào năm 2008, lây nhiễm cho 300 000 trẻ, gây tử vong cho 6 trẻ trong số đó. Từ đó, người dân Trung Quốc ngờ vực các loại sữa nội địa và sính chuộng hàng ngoại nhập. Thế nhưng, mới đây, vụ một hãng sữa New Zeland nhiễm khuẩn có thể gây ngộ độc. Một bộ trưởng New Zeland đang công du ngày hôm qua tại Trung Quốc đã tỏ ra hối tiếc về vụ bê bối này.
Thủ tướng Trung Quốc khẳng định thiện chí muốn « trừng phạt nghiêm khắc » các vụ gian lận thực phẩm. Vào tháng 5 vừa rồi, ông đã phá vỡ một đường dây bán thịt ôi hư và đã bỏ tù hơn 900 người. Thế nhưng, anh Ngô Hằng cho rằng kiểm tra vẫn chưa đủ triệt để và các hình phạt chưa đủ tính răn đe. Anh ta vẫn cảm thấy « bi quan » mặc dù trang của anh đã thu hút tổng cộng 6 triệu người xem vào năm 2012. Đối với anh thì chỉ có một cách : « Tôi sẽ ăn nhiều thứ khác nhau và không bao giờ ăn cùng một loại hay cùng một nhãn hiệu. Đó là cách duy nhất để giảm thiểu rủi ro. »
Bạc Hy Lai : Vụ án có một không hai từ thời Mao
Vụ án xử cựu quan chức cấp cao Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm của các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay. Các báo đồng loạt thông tin cựu bí thư Trùng Khánh phản cung mạnh mẽ tại phiên tòa.
Trước tiên, qua bài viết trên báo Le Monde mang tên : « Vụ án xử Bạc Hy Lai được truyền trực tiếp trên mạng xã hội Vi Bác, Twitter của Trung Quốc », tờ báo nhận định rằng đây là hình thức truyền trực tiếp chưa từng thấy đối với một đương sự bình thường, hơn nữa, đây còn là một cựu thành viên văn phòng chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vụ án vợ ông là bà Cốc Khai Lai, đã giết chết cố vấn người Anh Neil Heywood tại Trùng Khánh, cùng với sự thông đồng của cựu giám đốc sở công an Trùng Khánh Vương Lập Quân đã gây ra một cơn chấn động chính trị lớn, lôi đi luôn cả Bạc Hy Lai.
Cũng quan tâm đến hồ sơ Bạc Hy Lai, báo thiên hữu Le Figaro cho biết cựu quan chức thất sủng này đã tố cáo âm mưu sắp đặt trước của chế độ Trung Quốc. Theo một số nhà Trung Quốc học thì việc truyền trực tiếp vụ án này là hành động chưa từng thấy từ trước đến nay. Chính quyền tìm cách tạo ra một bộ mặt bề ngoài công minh về một vụ án mang tính « chính trị » nhất từ sau cuộc cách mạng văn hóa mà kết cục đã được cấp trên định sẵn. Thế nhưng, việc ông Bạc Hy Lai cứ khăng khăng biện minh cho mình trước phiên tòa gây hồi hộp trong công chúng theo dõi phiên tòa. Một cư dân mạng tự hỏi : « Nếu ông Bạc Hy Lai vẫn khẳng định mình vô tội thì vụ án này sẽ kết thức như thế nào ? »
Trên các đường phố tại thành phố Tế Nam, tầm ảnh hưởng của cựu ngôi sao đảng Cộng sản vẫn còn. Dưới cái nắng hơi ấm, hàng chục nghìn người đã đổ đến tòa án từ 8 giờ sáng với hy vọng được thấy « ngôi sao » bị truất phế. Một số đã biểu tình để ủng hộ cựu bí thư Trùng Khánh.
Báo kinh tế Les Echos cũng không bỏ qua vụ án nổi đình nổi đám này qua bài viết : « Trung Quốc : Một vụ án chưa từng thấy từ thời Mao ». Tờ báo nhận định dường như chiến thuật bào chữa của ông Bạc Hy Lai một cách rất khiêu khích, như là muốn phô trương quyền lực. Có lẽ Bạc Hy Lai muốn cho các đồng nghiệp cũ của ông thấy rằng ông không bị chính quyền làm khiếp sợ, làm cho người ta nghĩ rằng ông vẫn còn những chỗ dựa đáng kể. Thế nhưng, cũng có thể rằng giọng điệu công kích của ông Bạc Hy Lai tại phiên tòa chính là để giúp cho chính quyền tạo ra hình ảnh một nền công lý minh bạch.
« Bạc Hy Lai, vụ án để làm gương », đó là tựa đăng trên báo Cộng sản L’Humanité về hồ sơ này. Theo bài báo thì từ nhiều năm nay, các vụ tai tiếng về tham nhũng đã làm cho bộ máy chính quyền Trung Quốc bị mất uy tín. Vào mùa xuân vừa rồi, chủ tịch Tập Cận Bình đã tung ra một chiến lược lớn bài trừ tham nhũng. Về khía cạnh này, vụ án Bạc Hy Lai có thể phải lãnh án tử hình, sẽ được dùng để làm gương. Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo : « Với nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng thêm thì hậu quả duy nhất sẽ là Đảng và nhà nước bị diệt vong ! ».
Khủng hoảng Syria vẫn trong vòng lẩn quẩn
Cuộc chiến đẫm máu tại Syria vẫn là một hồ sơ nóng bỏng và làm đau đầu Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây. Các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay đều đưa lên trang nhất chủ đề này. Trên trang nhất báo Le Monde chạy tựa : « cuộc thảm sát bằng hơi cay độc tại Damas». Theo tờ báo, chính quyền Bachar Al-Assad bị cáo buộc đã giết hàng trăm người vào ngày 21/08/2013. Khoảng 30 nước yêu cầu điều tra về sự việc này. Trang bên trong tờ báo đăng bài viết : « Tại Syria : Một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học chưa từng thấy ».
Trên hồ sơ Syria, báo Le Figaro chạy tựa lớn trên trang nhất : « Syria : Hành động chống Assas bắt đầu ». Theo một số thông tin thì báo Le Figaro nhận định rằng lực lượng chống đối chế độ Assad, được các lính biệt kích Jordanie, Israel và Mỹ chỉ huy, đã tiến vào Damas từ trung tuần tháng Tám. Cuộc tấn công này có thể giải thích vì sao tổng thống Syria đã dùng đến vũ khí hóa học. Trang bên trong báo Le Figaro đăng bài : « Vì sao Assad đã lựa chọn chiến lược tệ nhất ? ». Tờ báo ghi nhận, hết sức phẫn nộ trước tình hình tại Syria, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn còn bị chia rẽ. Thứ 4 vừa qua, Nga và Trung Quốc vẫn bác bỏ đề nghị tổ chức điều tra của khoảng 30 nước trong đó có Hoa Kỳ, Pháp, Anh… trong cuộc họp Hội đồng Bảo an. Phía Matxcơva cho rằng cuộc tấn công này là vì « khiêu khích » dâng cao từ phe đối lập. Cũng đứng về phía này, Iran cho rằng « vũ khí hóa học được các nhóm khủng bố sử dụng và cho thấy rằng, họ không lùi bước trước bất kỳ tội ác nào ».
Ngược lại, Pháp mong muốn « phản ứng bằng vũ lực », nhưng loại trừ khả năng gởi quân sang Syria. Theo các nguồn tin thì bảng tổng kết số người bị giết giao động từ 500-1700 người, trong đó có nhiều trẻ em. Trong thời gian đầu, Bộ ngoại giao Pháp dự định củng cố viện trợ nhân đạo cho dân Syria.
Trên trang nhất báo thiên tả Libération chạy tựa lớn : « Syria – không bị trừng phạt ». « Hủy diệt » là tựa đề bài xã luận đăng trên báo Libération. Tờ báo dành khá nhiều trang cho hồ sơ nóng bỏng và kéo dài này. Theo tờ báo thì ngày hôm qua, Liên Hiệp Quốc vẫn chưa trừng phạt chế độ Assad. Bài xã luận nhận định, chế độ Assad vẫn có thể tiếp tục hủy diệt đất nước mình mà không hề bị trừng phạt. Đồng thời, chế độ Assad còn được khích lệ khi nhìn sang các anh bạn láng giềng Ai Cập gây ra bao tội ác mà vẫn không bị trừng phạt. Dường như Assad gần chiến thắng trong cuộc cá cược này.
Làm việc quá nhiều có thể dẫn đến cái chết ?
Mục khoa học trên báo Le Figaro hôm nay quan tâm đến việc « Liệu làm việc quá nhiều có khả năng dẫn đến cái chết hay không ? ». Bài báo nêu lên ví dụ một thực tập sinh trẻ làm việc cho ngân hàng tại trung tâm tài chính Luân Đôn, bị chết do thiếu ngủ liên tục. Báo La Croix cũng dành một bài nhỏ cho sự việc này dưới hàng tựa : « Một thực tập sinh người Đức bị chết do kiệt sức tại City ».
Báo La Croix cho biết, thanh niên làm việc cho ngân hàng Bank of America đã bị chết sau khi làm việc 72 giờ liền không ngủ. Cái chết thương tâm này đã thổi bùng lên tranh luận về các điều kiện làm việc của thực tập sinh tại Anh quốc. Theo tờ báo, các thực tập sinh trong lĩnh vực tài chính đều cố gắng làm việc không ngừng nghỉ, để mong được tuyển dụng lâu dài sau kỳ thực tập. Việc thực tập sinh làm việc một ngày dài, không nghỉ ăn trưa và kết thúc việc rất muộn không có gì là hiếm tại nước Anh. Thậm chí, họ làm cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Từ nay, văn hóa làm việc cả ngày lẫn đêm bị các hiệp hội bảo vệ thực tập sinh như Intern Aware lên án. Trên tờ nhật báo The Financial Times, người sáng lập ra hiệp hội này đánh giá : « Chủ cần đánh giá nhân viên trên chất lượng của công việc hơn là trên số lượng giờ làm ».
Bên cạnh đó, báo Le Figaro cho biết, hiện tượng này đã từng xảy ra ở Nhật trong những thập niên 70. « Karoshi » là từ tiếng Nhật để chỉ hiện tượng chết do làm việc quá sức. Trường hợp đầu tiên là một thanh niên 29 tuổi, làm việc cho một tập đoàn báo chí lớn của Nhật. Từ đó, nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ rằng làm việc quá sức và mất ngủ đã gây hại như thế nào đến sức khỏe con người.
Theo một chuyên gia nghiên cứu về neuron người Đài Loan thì hai nhân tố chính gây nên « karoshi » là những ngày làm việc quá dài và bị stress nặng trong công việc. Ngoài ra, một số người làm việc theo giờ xê xích hay vừa nhận một việc mới trong một môi trường thiếu quan hệ bằng hữu hay gia đình, cũng có nguy cơ bị « karoshi ». Hệ thống tim mạch đặc biệt nhạy cảm đối với các rối loạn về nhịp độ thức-ngủ.
Nam Phi : đình công lớn trong lĩnh vực sản xuất ô-tô
Mục kinh tế trên báo Le Monde hôm nay quan tâm đến đất nước Nam Phi qua bài viết : « Tại Nam Phi, một cuộc đình công làm tê liệt ngành công nghiệp sản xuất ô tô, lĩnh vực được nhà nước cưng chiều ». Tờ báo đăng ảnh công nhân biểu tình trước một xưởng sản xuất xe hơi Mỹ Ford tại Pretoria vào ngày thứ ba, 20/08/2013.
Theo tờ báo, 30 000 công nhân đã đình công từ thứ hai 19/08 vừa qua. Họ đòi phải tăng lương. Ngành sản xuất ô tô vốn được chính quyền giúp đỡ rất nhiều, chiếm 7% GDP của quốc gia. Việc đình công tại Nam Phi có thể làm lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20130823-trung-quoc-moi-lo-an-toan-thuc-pham-van-ngu-tri-trong-bua-an/

Người dân Trung Quốc bất lực trước đại họa thực phẩm bẩn

mediaChọn mua thịt vịt tại một chợ ở Chiết Giang, 14/02/2014.REUTERS/William Hong
Nhật báo Le Figaro hôm nay quan tâm đến « Thực phẩm bẩn : Sự ngao ngán của người Trung Quốc ». Từ sữa nhiễm mélamine, bắp cải có formol cho đến thịt có chứa thuốc trừ sâu, những xì-căng-đan thực phẩm liên tục nổ ra tại đất nước bị ám ảnh bởi những hồi ức về nạn đói trước đây. Ngày nay người dân ý thức được rằng thực phẩm bày bán và nạn ô nhiễm đất nông nghiệp gây nguy hại cho sức khỏe của họ.
Sự bất mãn của người dân sâu sắc cho đến nỗi đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn muốn dập tắt những phong trào nổi dậy từ trong trứng nước, đã phải lo ngại. Thế nên an toàn thực phẩm trở thành một trong những ưu tiên của chính quyền trong năm 2014, cùng với việc bảo vệ môi trường ở nông thôn.
Đành rằng nạn ô nhiễm tại đô thị đang là mối lo hàng đầu, nhưng tình trạng đất nông nghiệp thường đầy thuốc trừ sâu và phân bón, rác công nghiệp, cũng là nguyên nhân đe dọa khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng.
Le Figaro kể ra một danh sách dài để có thể lập nên một thực đơn kinh dị : trứng làm bằng paraffine, há cảo nhiễm thuốc trừ sâu, thịt heo có clenbutérol nấu bằng dầu ống cống, ăn kèm bắp cải có tiêm formol, gạo bằng nhựa và nấm được tẩy trắng bằng thuốc tẩy eau de javel. Kết thúc bữa ăn : tráng miệng với yaourt bằng sữa nhiễm mélamine và dưa hấu bị nổ, nhấm nháp với trà có thuốc sâu. Tất cả những món này đều là hiện thực.
Tờ báo nhắc lại, năm 2008 sữa nhiễm mélamine đã giết hại 6 em bé và gây bệnh cho 300.000 em khác. Nhưng xì-căng-đan này chỉ được tiết lộ sau khi Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc để không làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Chất hóa học này được dùng để làm tăng độ đạm một cách giả tạo. Bà chủ của công ty sữa Sanlu đã bị kết án chung thân, nhưng bản án này cũng không ngăn được một xì-căng-đan sữa nhiễm độc mới tại Yili, một nhãn hiệu tên tuổi của Trung Quốc.
Một giáo sư tại Bắc Kinh tâm sự : Hai vợ chồng tôi không muốn có con, vì bị ám ảnh bởi hình ảnh những trẻ sơ sinh dị tật. Chúng tôi cũng không muốn như các bạn bè mình, cuối tuần phải sang Hồng Kông hay tranh thủ những lần du lịch châu Âu để mua sữa bột. Còn mua sữa chất lượng cao tại Trung Quốc thì quá đắt và cũng không bảo đảm.
Những trò phù phép thực phẩm bẩn
Tháng 5/2012 Tân Hoa Xã tiết lộ những người bán bắp cải đã tẩm formol để không bị hư hại khi vận chuyển bằng xe tải không có hệ thống lạnh trong mùa nóng. Formol rẻ tiền, nhưng gây dị ứng và có nguy cơ gây ung thư rất cao. Cung cách này rất phổ biến tại tỉnh Sơn Đông. Còn năm 2010, nhiều người trồng rau đã nhúng nấm vào eau de javel để tẩy trắng.
Năm 2011, công an bắt giữ 32 người sản xuất dầu ăn vớt từ dầu của các nhà hàng thải ra ống cống. Theo ước tính, có đến 10% số dầu ăn tiêu thụ tại Trung Quốc là dầu thải, mang lại món lợi rất lớn. Đến tháng 5/2013, công an phát hiện một mạng lưới buôn lậu thịt quy mô ở Thượng Hải và Giang Tô. Trên 900 người bị bắt giam vì bán thịt chuột cống và chồn giả làm thịt bò và cừu, thu lợi 1,6 triệu đô la.
Các nhà phù thủy này chế ra những món ăn bị tiêm vào những sản phẩm độc hại, ngâm tẩm bằng những dung dịch đáng ngờ đôi khi bằng nước tiểu súc vật. Thịt heo được tiêm borax, một chất được dùng làm thuốc trừ sâu hay bột giặt để giả làm thịt bò, hay chích nước bẩn vào để làm tăng trọng lượng, là những thủ thuật cổ điển.
Về phía nông dân cũng vận dụng nông hóa để có được rau quả to hơn, đẹp mã hơn. Khoảng 45 hecta dưa hấu đã bị nổ tung như những quả bóng vì rải quá nhiều chất forchlorfenuron để kích thích tăng trưởng. Cuối tháng 12/2013 Trung Quốc tổng kết có 3,33 triệu hecta đất nông nghiệp quá ô nhiễm, không thể trồng bất cứ thứ gì. Theo South China Morning Post, ít nhất 70% sông hồ tại Trung Quốc bị công nghiệp làm ô nhiễm, chủ yếu là các nhà máy hóa chất và dệt nhuộm.
Một nhà phát minh ra loại « siêu lúa » có năng suất tăng 20% báo động : « Hooc-môn tăng trưởng thấy khắp nơi. Để nuôi lớn một con heo và giết thịt thông thường phải mất một năm, nhưng tại Trung Quốc thì chỉ cần ba tháng ! Gà thì nuôi có 28 ngày thay vì 6 tháng, còn rau quả cũng tương tự. Hậu quả là thảm họa cho sức khỏe. Vì vậy mà một bé gái mới ba tuổi đã thấy kinh nguyệt, do ăn dâu có hooc-môn do cha mẹ trồng ».
Nuôi được 1,3 tỉ người là một trong những thử thách lớn trong một đất nước đã nhiều lần bị nạn đói hoành hành trong lịch sử. Các lãnh đạo không tìm được phép lạ nào, nên phải trả giá trong lãnh vực an toàn thực phẩm. Một danh hài đã chế giễu : « Nhờ các xì-căng-đan thực phẩm, người Trung Quốc đã tiến bộ vượt bực trong ngành hóa ». Le Figaro kết luận, trong một hệ thống do đảng Cộng sản lãnh đạo, người dân không thể đi xa hơn để tìm kiếm những người có trách nhiệm về thảm họa thực phẩm bẩn.
Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, châu Á lo ngại
Cũng về Trung Quốc, nhiều tờ báo chú ý đến việc Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng. Le Figaro và La Croix đều có cùng nhận định, đây lại là một quan ngại mới cho các nước láng giềng châu Á, đặc biệt là Nhật Bản.
La Croix cho biết, năm nay Trung Quốc dành đến 95,9 tỉ đô la cho quốc phòng, tăng 12,2% so với năm 2013. Để củng cố vai trò đại cường trên trường quốc tế và tại châu Á, Bắc Kinh không ngừng tăng ngân sách quân sự : năm 2012 tăng 11,2% và năm ngoái đã tăng 10,7%. Ngân sách này đứng thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, đứng trên Nga, Ả Rập Xê Út, Anh và Pháp.
Tuy vậy các chuyên gia phương Tây và Nhật Bản đều cho rằng chi quốc phòng thực sự của Bắc Kinh cao hơn con số chính thức rất nhiều, khoảng 98 đến 156 tỉ đô la được dành cho một quân đội đông đảo nhất thế giới với 2,3 triệu quân. Còn nếu chỉ dựa theo số liệu chính thức, cũng đã lớn gấp ba Ân Độ, và cao hơn cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam cộng lại. Theo báo cáo của International Institute for Strategic Studies công bố vào tháng trước, thậm chí chi tiêu quân sự của Bắc Kinh sẽ vượt qua Washington vào năm 2030.
Vì sao các nước láng giềng phải lo ngại ? Người Nhật nêu ra sự thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Nhật phải tăng ngân sách quốc phòng 5%, còn các nước châu Á khác phải tăng cường hợp tác quân sự và hiệp định an ninh với Mỹ.
Theo La Croix, căng thẳng khu vực không hẳn là động cơ hàng đầu, mà Bắc Kinh muốn có một quân đội xứng đáng với tư cách đại cường kinh tế chính trị, tức « giấc mơ Trung Hoa » của Tập Cận Bình. Về vấn đề này, Le Figaro trích nhận xét của chuyên gia Rory Medcalf thuộc Viện Lowy ở Sydney cho là những ai tin rằng Tập Cận Bình chỉ tập trung vào kinh tế « đã đánh giá thấp ý định của Trung Quốc trong việc hình thành môi trường chiến lược theo ý mình ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20140306-dai-hoa-thuc-pham-ban-tai-trung-quoc/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten