donderdag 13 februari 2014

Pháp phá hủy ba tấn ngà voi công khai dưới mắt người Paris

09 Tháng Hai 2014

Pháp phá hủy ba tấn ngà voi công khai dưới mắt người Paris

Bộ trưởng Môi trường Philippe Martin (trái) và ông Nicolas Hulot, Đặc phái viên của Tổng thống François Hollande về vấn đề bảo vệ hành tinh, chứng kiến buổi tiêu hủy ngà voi tại Paris, ngày 6/2/2014.
Bộ trưởng Môi trường Philippe Martin (trái) và ông Nicolas Hulot, Đặc phái viên của Tổng thống François Hollande về vấn đề bảo vệ hành tinh, chứng kiến buổi tiêu hủy ngà voi tại Paris, ngày 6/2/2014.
REUTERS/Charles Platiau

Mai Vân
Ngay dưới chân tháp Eiffel Paris, sáng Thứ Năm 06/02/2014, một hoạt động khác thường nhưng ngoạn mục đã diễn ra. Ba tấn ngà voi nhập lậu vào Pháp đã bị phá hủy công khai, dưới sự chứng kiến của du khách cũng như của Bộ trưởng Bộ Sinh thái Philippe Martin và Nicolas Hulot, đặc sứ của Tổng thống Pháp François Hollande về vấn đề bảo vệ hành tinh.


Mục tiêu của chiến dịch là đánh động dư luận về tình trạng voi đang bị tàn sát, đặc biệt là ở châu Phi, để lấy ngà cung ứng cho các màng lưới buôn lậu, chủ yếu qua châu Á.
Ba tấn ngà voi bị đưa vào máy nghiền gồm khoảng 15.000 « mặt hàng », từ ngà voi thô cho đến ngà đã được trạm khắc, hay chế biến thành các loại vật dụng, đã bị Hải quan Pháp tịch thu trong vòng hơn 20 năm gần đây. Trên thị trường chợ đen, số hàng bị hủy trị giá ước lượng khoảng một triệu euro.
Dù là quốc gia châu Âu đầu tiên tổ chức một chiến dịch phá hủy ngà voi quy mô như kể trên và quảng cáo rầm rộ cho sự kiện này, Pháp không phải là nước đầu tiên trên thế giới làm điều đó. Trung Quốc chẳng hạn, vào tháng trước cũng đã cho vào máy nghiền hơn 6 tấn ngà voi. Thông điệp gởi đi tương ứng với vị trí Trung Quốc, nước đứng đầu thế giới về việc tiêu thụ ngà voi buôn lậu.
Tất cả các chiến dịch đều nhằm hai mục tiêu : Một là bảo đảm sao cho số ngà bị tịch thu không còn được tuồn – bằng cách này hay cách khác – vào thị trường ; và hai là chứng tỏ quyết tâm của các nhà chức trách trong chủ trương triệt hạ tệ nạn buôn lậu.
Mới đây, Việt Nam vừa bị nêu tên trong một vụ buôn lậu ngà voi cỡ lớn, khi chính quyền xứ Togo (Châu Phi) tịch thu được gần bốn tấn ngà voi – tương đương với hơn 500 con voi bị chết – giấu trong những container ghi là hạt điều và gỗ, gởi từ cảng Lomé qua Việt Nam.
Theo giới chức phụ trách môi trường tại Togo, số ngà voi này – trị giá khoảng 8 triệu đô la - bị phát hiện hôm 22 và 28 tháng Giêng. Trong vụ này, có hai người Togo và một người Việt Nam đã bị câu lưu.
Nicolas Hulot : « Pháp đã phá hủy kho dự trữ ngà voi » để chứng tỏ rằng « ngà voi không còn giá trị nữa »
Nhân dịp nước Pháp lần đầu tiên phá hủy số ngà voi buôn lậu và bị thu giữ, RFI đã phỏng vấn ông Nicolas Hulot, một nhân vật nổi tiếng tại Pháp trong công cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường, là chủ tịch của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên và Con người Nicolas Hulot (FNH). Về ý nghĩa của việc phá hủy công khai số ngà voi dưới chân Tháp Eiffel hôm 06/02 vừa qua, ông Nicolas Hulot xác định :
Nicolas Hulot : Mọi người đều hiểu rằng đây là một cử chỉ tượng trưng, nhưng là một cử chỉ tượng trưng mang nhiều ý nghĩa.
Đầu tiên hết là ngà voi hiện giờ không còn một giá trị nào cả. Kế đến, đây là một cử chỉ mang tính biểu tượng của tình đoàn kết với các nước châu Phi đang ở tuyến đầu trong trận chiến chống việc buôn bán các loài thú bị đe dọa tuyệt chủng, một tệ nạn đã biến thành cả một màng lưới tội phạm có tổ chức, gây mất ổn định tại các quốc gia châu Phi.
Đây cũng là một cử chỉ mang tính biểu tượng, cho thấy rằng nước Pháp hiện nay, ở cấp độ châu Âu, đã gánh vác trách nhiệm và đóng góp phần mình vào công cuộc đấu tranh chung, vì phải thấy là cử chỉ phá hủy tượng trưng này đã nói tiếp, đặc biệt là vào tháng Mười Hai vừa qua, một bàn tròn tại Hội nghị thượng đỉnh về Hòa bình ở châu Phi mà Pháp đã tổ chức tại điện Elysée.
Nhân bàn tròn đó, Pháp đã tăng cường kho vũ khí pháp lý và nhân lực để đối phó với hình thực tội phạm này, mà nổi bật nhất là nạn buôn lậu ngà voi. Trong mười năm gần đây, tệ nạn này đã tăng theo cấp số nhân, đơn giản chỉ vì đa số ngà voi bị buôn lậu sang Trung Quốc, nơi mà rủi thay, tầng lớp trung lưu ngày càng đông.
Tại đấy, ngà voi là một dấu hiệu của sự công nhận xã hội và người tiêu dùng Trung Quốc không phải lúc nào cũng thấy được quan hệ nhân quả giữa tiêu thụ ngà voi và thảm họa sinh thái trên hiện trường.
RFI : Làm sao ước lượng được chính xác khối lượng ngà voi bị buôn lậu ?
Nicolas Hulot : Đây là công việc khó khăn. Phần ngà voi bị Hải quan Pháp tịch thu - và phần lớn hơn nhiều mới bị phát hiện ở Togo, cũng như khối lượng quan trọng hơn ở Hồng Kông gần đây – tất cả chỉ là một phần nhỏ của lượng ngà voi bị buôn lậu. Do vậy, rất khó mà định lượng được nạn buôn lậu này.
Điều bi thảm trong lãnh vực này là cách duy nhất để đánh giá cường độ của tệ nạn buôn lậu ngà voi là xem xét mức độ biến mất của loài voi, ví dụ như voi rừng. Trong mười năm qua, 60% đàn voi rừng ở Trung Phi đã bị tàn sát. Hãy thử tính xem : 10 năm, 60% voi rừng. Với đà này, trong mười năm nữa, chúng ta sẽ là khán giả được báo trước về sự biến mất của một trong những loài động vật mang tính biểu tượng nhất của châu Phi...
RFI : Ba tấn ngà voi vừa bị phá hủy. Hiện ở Pháp còn bao nhiêu tấn ngà voi nữa, có bao nhiêu đã bị tịch thu và bao nhiêu nữa có thể bị phá hủy nay mai ?
Nicolas Hulot : Pháp đã phá hủy toàn bộ số ngà của mình, không chỉ là ngà voi, mà là tất cả các đồ vật bằng ngà đã bị cảnh sát và các cơ quan hải quan tịch thu tại các thời điểm khác nhau. Toàn bộ số ngà voi của Pháp như vậy đã bị phá hủy và kể từ nay, tất cả những thú bằng ngà bị tịch thu cũng sẽ bị phá hủy như vậy.
RFI : Đây phải chăng cũng là thông điệp gửi đến các du khách là không nên mua ngà voi ở nước ngoài và không nên mang các sản phẩm đó vào Pháp ?
Nicolas Hulot : Tất cả mọi người phải hiểu rằng hành động mua sản phẩm bằng ngà, dù có vẻ tầm thường, nhưng lại khuyến khích nạn tội phạm có tổ chức, giúp các băng đảng buôn lậu có tiền để bơm trực tiếp trở lại vào các màng lưới buôn thú, buôn người và buôn ma túy, cũng như tài trợ cho các hành động khủng bố ngay trên lục địa châu Phi. Chúng ta cần phải nhận thức ra rằng việc mua ngà không phải là một cử chỉ tầm thường, chỉ có tác hại môi trường mà thôi.
Thông qua chiến dịch phá hủy vừa diễn ra ở Pháp, đã được thực hiện ở Trung Quốc cách nay hai, ba tuần, tại Hoa Kỳ một vài tháng trước đây, và có thể ở Anh vào tuần tới, tất cả mọi người cần phải hiểu : Ngà voi không còn có giá trị và tất cả mọi người phải biết tự kiềm chế, tránh không sa vào một hình thức rất không lành mạnh của sự cám dỗ.
tags: Buôn lậu - Môi trường - ngà voi - Pháp - Phỏng vấn - tiêu hủy - Xã hội - Động vật
 
http://www.viet.rfi.fr/phap/20140209-phap-pha-huy-ba-tan-nga-voi-cong-khai-duoi-mat-nguoi-paris

Geen opmerkingen:

Een reactie posten