vrijdag 7 februari 2014

Đông Á sẽ rơi vào xung đột vũ trang?

Đông Á sẽ rơi vào xung đột vũ trang?



Cập nhật: 12:19 GMT - thứ năm, 6 tháng 2, 2014

Phi cơ Trung Quốc tập cất cánh trên chiến hạm ngoài khơi
Phát biểu tại một hội nghị về an ninh quốc tế ở thành phố Munich, nước Đức, gần đây cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng xung đột quân sự có thể xảy ra tại châu Á.
Trong một bài viết trên nhật báo The Telegraph ở Anh ngày 06/01/2014, John Everard, cựu Đại sứ Anh ở Bắc Hàn, đã so sánh tình hình tại Á Đông năm 2014 với bối cảnh châu Âu năm 1914 – khi một nước Đức đang nổi (cũng giống như Trung Quốc bây giờ) tìm cách thay đổi hiện trạng để khẳng định vị thế của mình. Thái độ ấy của nước Đức lúc bấy giờ đã đẩy châu Âu và thế giới vào Thế chiến thứ nhất.
Nhưng đó không phải là lần đầu tiên các chính trị gia ngoài châu Á cảnh báo nguy cơ xung đột ở đây. Chẳng hạn, trong một bài phát biểu tại Đại học Zurich, Thụy Sĩ vào tháng 11/2011, Chủ tịch Liên hiệp châu Âu (EU) Herman Van Rompuy đã chỉ ra tâm lý đối đầu và chi tiêu lớn cho quốc phòng của các nước khu vực.
Theo ông hai khuynh hướng đó là nguyên nhân sâu xa có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện ở châu Á. Ông cũng nêu rằng nếu trong thế kỷ trước châu Âu là đại lục nguy hiểm nhất và là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc thế chiến, giờ mọi sự chú ý của giới quan sát và các nhà chiến lược lại hướng về những diễn biến gần đây tại châu Á.
"Trong thế kỷ trước châu Âu là đại lục nguy hiểm nhất và là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc thế chiến, giờ mọi sự chú ý của giới quan sát và các nhà chiến lược lại hướng về những diễn biến gần đây tại châu Á."
Chủ tịch EU Herman Van Rompuy
Với những nhận xét như vậy, Chủ tịch EU muốn cảnh báo rằng nếu tình trạng đối đầu và chạy đua vũ trang cứ tiếp diễn, châu Á có thể rơi vào xung đột, thập chí phải đối diện với những cuộc chiến như châu Âu đã từng nếm trải trong thế kỷ vừa qua.
Nếu quan sát những gì diễn ra tại châu Á và Đông Á nói riêng trong những năm vừa qua – đặc biệt tình trạng căng thẳng và đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian gần đây – chắc ai cũng có thể nhận ra rằng hai khuynh hướng đó ngày càng gia tăng và đáng lo ngại.
Câu hỏi được đặt là tại sao hai khuynh hướng ấy càng ngày càng mạnh tại châu Á và liệu chúng có dẫn châu lục này vào một cuộc xung đột quân sự như ông Henry Kissinger cảnh báo?

Căng thẳng, đối đầu do đâu?

B52 của Mỹ
B52 bay trên vùng phòng không Trung Quốc công bố trên biển Hoa Đông hôm 27/11/2013.
Có rất nhiều nguyên nhân – trực tiếp hay gián tiếp – dẫn đến tình trạng căng thẳng, đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian qua.
Một trong những nguyên nhân ấy là các hiềm khích lịch sử để lại. Thời gian gần đây những hận thù quá khứ ấy không chỉ không được gạt bỏ mà còn được khơi dậy. Cụ thể, các cuộc ‘khẩu chiến’ mới đây giữa hai quốc gia này đều liên quan đến chiến tranh trong quá khứ.
Trong khi Bắc Kinh buộc Chính phủ Nhật phải xin lỗi về những ‘tội ác chiến tranh’ trước đây, Tokyo lại cho rằng họ đã nghiêm túc giải quyết chuyện quá khứ của mình.
Yếu tố khác làm khơi dậy những nghi kỵ quá khứ và gia tăng căng thẳng giữa hai nước láng giềng là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi – nếu không muốn nói là hơi quá khích – càng ngày càng trở nên phổ biến và thậm chí được khuyến khích tại Nhật Bản và Trung Quốc. Chuyện Thủ tướng Shinzo Abe tới thăm đền Yasukuni – nơi thờ những binh sĩ Nhật tử trận trong thời chiến, trong đó có một số tội phạm chiến tranh của Nhật trong Thế chiến thứ hai – và việc Trung Quốc nổi giận lên án chuyến thăm của ông Abe chứng minh điều đó.
Một lý do nữa – dù ít được giới quan sát, phân tích nhắc đến – ít hay nhiều khiến Trung Quốc có thái độ mạnh bạo, nếu không muốn nói là khá hung hăng, với Nhật Bản và một số nước khu vực khác là Trung Quốc vẫn là một quốc gia độc đảng.
Nếu là một quốc gia dân chủ, có thể Trung Quốc không có những hành động hung hăng, bành trướng – như đơn phương đưa ra đường lưỡi bò hay áp đặt vùng nhận dạng phòng không – như nước này đã tiến hành.
"Ông Tập theo đuổi ‘Giấc mơ Trung Hoa’ một phần cũng vì sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và đây là một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến tình trạng căng thẳng, đối đầu giữa Bắc Kinh và Tokyo"
Ba lý do trên ít hay nhiều được thể hiện qua ‘Giấc mơ Trung Hoa’ mà ông Tập Cận Bình khởi xướng. Phần vì cảm thấy đất nước mình bị làm nhục trong quá khứ, phần vì thấy chủ nghĩa Mác-Lê càng ngày càng mất chỗ đứng tại Trung Quốc, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đang tìm cách khơi dậy lòng tự tôn dân tộc nơi người dân để tiến hành ‘cuộc phục hưng vĩ đại’ và cũng qua đó có thể duy trì, củng cố tính chính danh cho mình.
Ông Tập theo đuổi ‘Giấc mơ Trung Hoa’ một phần cũng vì sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và đây là một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến tình trạng căng thẳng, đối đầu giữa Bắc Kinh và Tokyo. Nhờ sự lớn mạnh về kinh tế, Trung Quốc càng ngày càng hiện đại hóa quân đội và công khai phô trương sức mạnh quân sự của mình. Chính điều này đã làm Nhật Bản và các nước khu vực khác quan ngại và buộc họ phải thay đổi chiến lược quân sự hay tăng cường quốc phòng để phòng vệ hoặc để đối trọng với Trung Quốc.
Một lý do khác làm tăng sự hiềm khích, căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản và một số quốc gia trong vùng là tại đây có nhiều tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải tồn tại từ lâu và chưa được giải quyết thỏa đáng. Có thể nói không có khu vực hay châu lục nào phải đối diện với nhiều tranh chấp về chủ quyền như châu Á và Đông Á nói riêng. Và quốc gia có nhiều tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nhất trong khu vực là Trung Quốc.
Hơn nữa, vùng biển tranh chấp là vùng biển quan trọng cả về kinh tế và chiến lược. Chẳng hạn, Biển Đông – nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam – không chỉ giàu tài nguyên thủy sản, nhiều khoáng sản, nhất là dầu khí, mà còn là một trong những tuyến đường hàng hải quốc tế chính yếu. Kiểm soát được vùng biển này Trung Quốc sẽ có rất nhiều thuận lợi để thực hiện giấc mơ bá quyền, bá chủ (khu vực) của mình.

Thái độ mạnh bạo của Trung Quốc?

Quân đội Nhật Bản
Nhật Bản tăng cường phòng không và quân sự trong khi tiến hành các điều chỉnh về chính sách quốc phòng.
Vì những lý do trên, trong thời gian gần đây Bắc Kinh đã có nhiều động thái khá hung hăng và chính tham vọng bành trướng, bá quyền, bá chủ khu vực ấy của họ đã làm Nhật Bản cũng như nhiều nước khác trong vùng quan ngại và buộc các quốc gia này phải lên tiếng hay thay đổi chính sách quốc phòng để nhằm đối phó với Trung Quốc.
Điều đó cho thấy, dù có thể có những yếu tố khác tác động – như chuyện Thủ tướng Abe đi thăm đền Yasukuni hoặc quyết định thay đổi chính sách quốc phòng của ông – Trung Quốc là quốc gia chính gây nên những căng thẳng, đối đầu hay chạy đua vũ trang ở Đông Á gần đây.
"Dù muốn hay không, Nhật Bản và nhiều nước khác không thể thụ động ngồi im chứng kiến Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự và bất chấp công luận, luật pháp quốc tế đơn phương đưa ra đường lưỡi bò, áp đặt vùng cấm bay hay vùng đánh bắt cá tại các vùng biển thuộc chủ quyền của mình."
Vào tháng 12 năm ngoái, sau khi Thủ tướng Nhật tuyên bố gia tăng ngân sách quốc phòng, Bắc Kinh đã cáo buộc Tokyo viện cớ an ninh quốc gia để mở rộng quân đội và cho rằng hành động ấy sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Nhưng có thể nói chính những động thái gần đây của Trung Quốc đã buộc Nhật Bản phải thay đổi chính sách quốc phòng để có thể chủ động đối phó với Trung Quốc. Nằm cạnh một quốc gia đang từng ngày lớn mạnh và đặc biệt khi quốc gia ấy lại có những động thái mạnh bạo, hung hăng, việc các nước láng giềng đang có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh như Nhật Bản gia tăng quốc phòng hay thay đổi chiến lược quốc phòng cũng là chuyện dễ hiểu.
Trong một bài viết trên Bloomberg ngày 29/12/2013, Kishore Mahbubani – Hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu, thuộc Đại học Quốc gia Singapore và là cựu Đại sứ Singapore tại Liên Hợp Quốc – nhận định rằng Tokyo rất quan ngại về thái độ hung hăng của Bắc Kinh và cho rằng Trung Quốc càng gây hấn, Nhật càng nhanh chóng tăng cường khả năng quân sự của mình và củng cố liên minh với Mỹ và các nước khu vực khác.
Đúng vậy, dù muốn hay không, Nhật Bản và nhiều nước khác không thể thụ động ngồi im chứng kiến Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự và bất chấp công luận, luật pháp quốc tế đơn phương đưa ra đường lưỡi bò, áp đặt vùng cấm bay hay vùng đánh bắt cá tại các vùng biển thuộc chủ quyền của mình.
Trung Quốc
Lãnh đạo TQ đang nuôi 'Giấc mơ Trung Hoa' khi nước này trên đà trỗi dậy
Điều đáng nói là căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản không chỉ diễn ra trong giới lãnh đạo mà còn ở được thể hiện qua thái độ của người dân. Theo kết quả thăm dò dư luận mới đây của Pew Research Center – một trung tâm chuyên về thăm dò dư luận quốc tế đặt tại Thủ đô Washington, Mỹ – chỉ có 5% người Nhật được hỏi có thái độ tốt với Trung Quốc trong khi đó có đến 90% người Trung Quốc không có thiện cảm với Nhật.
Cũng theo kết quả của trung tâm này, năm 2007 có đến 29% người Nhật có thiện cảm với Trung Quốc nhưng năm 2013 con số đó chỉ là 5%. Điều này cũng chứng tỏ rằng những động thái của Trung Quốc trong những năm qua có tác động rất lớn đến dư luận người Nhật. Một kết quả khác cũng đáng nêu lên là có đến 96% người Nhật và 91% người Hàn Quốc được hỏi cho rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc không tốt cho đất nước của họ.

Đối đầu sẽ dẫn đến xung đột?

Có thể nói kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh tới nay, chưa lúc nào Đông Á rơi vào tình trạng căng thẳng, đối đầu như hiện nay. Tuy vậy, một cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Nhật Bản hay giữa Trung Quốc và một quốc gia khu vực nào đó khó có thể xảy ra – ít nhất là trong những năm tới.
"Một trong những lý do xung đột quân sự như vậy khó diễn ra trong thời gian tới là vì Trung Quốc và Nhật Bản phụ thuộc vào nhau rất nhiều về mặt kinh tế. Hiện tại Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật."
Một trong những lý do xung đột quân sự như vậy khó diễn ra trong thời gian tới là vì Trung Quốc và Nhật Bản phụ thuộc vào nhau rất nhiều về mặt kinh tế. Hiện tại Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật. Ước tính kim ngạch mậu dịch giữa hai nước lên tới 340 tỷ đôla. Vì vậy, bất cứ một cuộc xung đột nào sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến kinh tế hai nước. Giới phân tích thường nêu lập luận này để loại trừ khả năng xung đột vũ trang Trung-Nhật.
Về phía Trung Quốc, dù đang trở thành cường quốc thứ hai thế giới và số một khu vực về quân sự và có những động thái mạnh bạo trong thời gian qua, có thể giới lãnh đạo nước này vẫn chưa muốn hay không thể có một hành động khiêu chiến nào đó lúc này vì nếu làm như vậy Trung Quốc sẽ chịu rất nhiều tổn thất. Như bài viết của John Everard nhận định, nếu một cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc với Nhật hay một quốc gia nào đó trong khu vực xảy ra, Mỹ sẽ vào cuộc vì Washington đã thiết lập các liên minh quân sự với Nhật và nhiều nước trong vùng. Đây là một điều Bắc Kinh không muốn.
Hơn nữa, ngoài Bắc Hàn và một số ít quốc gia khác như Pakistan, đến giờ Trung Quốc vẫn không có nhiều đồng minh tại châu Á và hầu hết các nước trong khu vực đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Do vậy, nếu Bắc Kinh tiến hành một cuộc chiến hay có một hành động hung hăng quá trớn nào đó lúc này, không chỉ Mỹ vào cuộc mà các nước trong khu vực cũng sẽ liên minh với nhau để đối phó với Trung Quốc. Chẳng hạn, trước những động thái gần đây của Bắc Kinh, một ủy ban thuộc Chính phủ Nhật dự kiến kêu gọi nước này cho phép quân đội giúp đỡ các đồng minh trong khu vực nếu các đồng minh bị tấn công.
Không quân Hàn Quốc
Hàn Quốc đang điều chỉnh chiến lược quân sự ở khu vực trong lúc tiếp tục đối phó với Bắc Hàn.
Và trên hết, Mỹ, Liên hiệp châu Âu và cộng đồng quốc tế nói chung và các nước khác tại Đông Á nói riêng cũng hiểu rõ rằng một cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Nhật sẽ tác động xấu lên nền kinh tế thế giới và có thể đẩy đưa không chỉ Đông Á mà cả thế giới vào một cuộc chiến. Do đó, không ai muốn chuyện đó xảy ra và sẽ tìm cách ngăn ngừa nó.

Không loại trừ hoàn toàn xung đột

Nói thế không có nghĩa là loại trừ hoàn toàn khả năng xung đột quân sự tại Đông Á. Chẳng hạn, trong một bài viết được đăng trên Tạp chí Foreign Policy hôm 04/10/2012, Michael Auslin nhắc lại rằng vào năm 1909, Norman Angell – một chính trị gia người Anh và cũng là một nhà báo – quả quyết rằng vì phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, các nước châu Âu không thể đánh chiếm lẫn nhau. Nhưng chỉ năm năm sau đó, chiến tranh bùng nổ tại châu lục này.
Một bài viết của Michael Crowley trên tạp chí Time ngày 02/12/2013 cho rằng vì những hiềm khích quá khứ và đối đầu hiện tại giữa Trung Quốc và Nhật Bản một cuộc chiến có thể xảy ra.
"Khác hẳn với châu Âu và thậm chí cả châu Phi, châu Á không có một cơ chế nào có thể giúp giải quyết ổn thỏa tranh chấp, xung đột giữa các nước"
John Everard, cựu Đại sứ Anh ở Bắc Hàn
Dù không nghĩ những căng thẳng, tranh chấp hiện tại sẽ biến thành một cuộc đối đầu quân sự, John Everard nhận định rằng những tranh chấp ấy cũng không thể giải quyết một cách hòa bình trong tương lai ngắn và như vậy căng thẳng, đối đầu sẽ tiếp diễn. Một lý do ông đưa ra là khác hẳn với châu Âu và thậm chí cả châu Phi, châu Á không có một cơ chế nào có thể giúp giải quyết ổn thỏa tranh chấp, xung đột giữa các nước.
Nhận định ấy ít hay nhiều có cơ sở vì đến giờ các cơ chế như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) hay Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) – ba diễn đàn quy tụ 10 nước ASEAN, Mỹ, Nga và các nước lớn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc – được các nước ASEAN khởi xướng để đối thoại về các vấn đề an ninh khu vực không làm giảm hay giải quyết được các tranh chấp, căng thẳng ở Đông Á.
Vì vậy, dù xung đột vũ trang khó hay không xảy ra – như Michael Auslin đã từng dự đoán cách đây gần hai năm – những căng thẳng, đối đầu hiện tại có thể đây đưa châu Á vào ‘một cuộc chiến tranh lạnh’ trong những năm hay thậm chí những thập niên tới. Và điều này cũng có nghĩa là khu vực này vẫn phải luôn đối diện với nhiều nguy cơ xung đột, bất ổn.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một người đang làm nghiên cứu tại Global Policy Institute, London.


Thêm về tin này

Chủ đề liên quan

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/02/140206_east_asia_war_danger.shtml

Không loại trừ chiến tranh ở châu Á’
Cập nhật: 10:22 GMT - thứ hai, 3 tháng 2, 2014

Năm nay đã 90 tuổi, ông Henry Kissinger vẫn tiếp tục phát biểu về nhiều chủ đề quốc tế quan trọng
Nói về an ninh toàn cầu, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Henry Kissinger, cho rằng “châu Á đang ở vào tình thế giống như thế kỷ 19 và không loại trừ được khả năng có xung đột quân sự”.
Phát biểu tại một diễn đàn an ninh toàn cầu ở Munich cuối tuần qua, ông Kissinger, người cũng từng giữ chức Cố vấn an ninh của tổng thống Hoa Kỳ và chỉ đạo đàm phán tại Hòa đàm Paris về chiến tranh Việt Nam, bày tỏ quan điểm về căng thẳng Trung – Nhật.
Ông nói rằng với thế giới bên ngoài, điều quan trọng là làm sao không để Nhật Bản hay Trung Quốc bị “lôi kéo vào khả năng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề”.
Trước ông Kissinger, bà Phó Oánh, cựu Thứ trưởng Ngoại giao hiện là chủ tịch ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc phát biểu tại Munich rằng “quan hệ với Nhật Bản là tồi tệ nhất từ trước tới nay”.

Lịch sử phủ bóng

Bà Phó Oánh cũng nói “Trung Quốc sẽ có hành động để duy trì ổn định trong vùng” và đổ lỗi cho phía Nhật Bản “chối bỏ tội ác chiến tranh” trong lịch sử, theo Bloomberg.
Đáp lại, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishidanói với hội nghị rằng Nhật đã có những nhìn nhận nghiêm túc về quá khứ chiến tranh và thời chiếm thuộc địa.
Ông cũng nói Nhật Bản “muốn tiếp tục đối thoại với Trung Quốc về chủ đề an ninh”.
Năm nay, hội nghị thường kỳ về an ninh quốc tế tại Munich, Đức tụ họp chừng 300 nhân vật có ảnh hưởng, gồm các vị Ban Ki-Moon, Sergeu Lavrov, Catherine Ashton, Henry Kissinger, John Kerry, Chuck Hagel, Susan Rice và Fogh Rasmussen.
Ông Tập Cận Bình từng long trọng đón tiếp cựu ngoại trưởng, học giả Henry Kissinger
Tại hội nghị ở Bayerischer Hof Hotel hôm thứ Bảy 1 tháng 2/2014 cũng đã xảy ra tranh cãi giữa Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov và các quan chức EU cùng Hoa Kỳ liên quan đến tình hình Ukraine.
Các chủ đề khác được bàn đến gồm tình hình Afghanistan, Ai Cập, chương trình nguyên tử của Iran và cả các tiết lộ của ông Edward Snowen về chương trình nghe lén toàn cầu của Hoa Kỳ.
Ông Henry Kissinger, năm nay 90 tuổi, đã từng dàn dựng chuyến thăm nổi tiếng đến Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon, gặp Mao Trạch Đông năm 1972, tạo chuyển biến trong quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Sau Chiến tranh Lạnh, ông thường được chính quyền Trung Quốc mời sang phát biểu về các vấn đề quốc tế với thái độ tôn kính đặc biệt.
Không chỉ các lãnh đạo như Đặng Tiểu Bình lắng nghe ông mà cả các nhân vật thế hệ sau như Tập Cận Bình cũng long trọng đón tiếp ông Henry Kissinger, tác giả nhiều cuốn sách về ngoại giao quốc tế.
Xem thêm:Bấm Sách mới của Kissinger về Trung Quốc.


Thêm về tin này

Chủ đề liên quan

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/02/140203_kissinger_japan_china_war.shtml

Sách mới của Kissinger về Trung Quốc

Hồ Cẩm Đào và Henry Kissinger
Một cuốn sách mới của Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Cố vấn an ninh đặc biệt của Tổng thống Nixon, ông Henry Kissinger, mang tên On China (Bàn về Trung Quốc), không chỉ nói tới vai trò chủ chốt của ông mà cả của lịch sử cổ xưa và gần đây của nước này đã hình thành chính sách và thái độ của Trung Quốc đối với phương Tây ra sao.
Cuốn sách dày 586 trang, kèm ảnh minh họa do nhà xuất bản Penguin Press ấn hành mới được ra mắt người đọc.
Trong mục điểm sách đăng trên trang mạng của tờ The New York Times, Michiko Kakutani, tác giả bài điểm sách, cho biết mặc dù cuốn sách nhắc tới công lao nghiên cứu của các nhà sử học như J.D. Spencer nhưng hình ảnh một nước Trung Quốc được đưa ra bằng chính những hiểu biết trực tiếp kề cận của ông Kissinger về vài thế hệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cũng giống như cuốn "Ngoại giao" của ông xuất bản năm 1994, cuốn sách mới là một nỗ lực ngầm ẩn của một nhân vật gây nhiều tranh cãi muốn xóa bỏ di sản của ông như Cố vấn an ninh đặc biệt của Tổng thống Nixon và cựu Ngoại trưởng Mỹ, vẫn theo Michiko Kakutani.
Khác biệt tư duy
Khi nói về cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền ông Đặng Tiểu Bình đối với những người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, ông Kissinger nói rằng phản ứng của Hoa Kỳ đã khiến Trung Quốc bối rối: "Họ không thể hiểu nổi tại sao Hoa Kỳ lại tức giận trước một sự kiện mà chẳng làm tổn thương tới quyền lợi vật chất nào Mỹ và Trung Quốc cũng chẳng đòi được phê chuẩn gì từ bên ngoài lãnh thổ nước mình".
Ông Kissinger đã có cách nhìn riêng của mình theo kiểu "một mặt thì ... nhưng mặt khác thì..." về chính phủ Trung Quốc và về sự kiện Thiên An Môn đó, "Giống như hầu hết người Mỹ tôi đã sốc trước cách thức chấm dứt cuộc biểu tình phản đối tại Thiên An Môn.
"Nhưng khác với hầu hết người Mỹ, tôi có được cơ hội quan sát nhiệm vụ khổng lồ đầy khó khăn mà ông Đặng đã phải thực hiện trong một thập niên rưỡi để nắn lại đất nước mình: đó là đưa những người cộng sản tới chỗ chấp nhận tản quyền và đổi mới, đưa một đất nước Trung Quốc truyền thống có tính cô lập tới một thế giới hiện đại và toàn cầu - một viễn cảnh mà Trung Quốc vẫn thường bác bỏ.
Và tôi đã chứng kiến những nỗ lực từng bước chắc chắn của ông để cải thiện các mối quan hệ Trung Mỹ", ông Kissinger viết.
Ông Henry Kissinger không chỉ là phái viên mật Mỹ đầu tiên tới nước Trung Quốc cộng sản ông còn tiếp tục làm công việc thương thuyết giữa hai nước với hơn 50 chuyến đi sang đất nước này trải dài trong hơn 4 thập niên, qua sự nghiệp của bảy nhà lãnh đạo ở cả Mỹ và Trung Quốc.
'Bế tắc không tránh khỏi'
Theo Max Frankel viết trên tờ New York Times về cuốn sách mới này thì "Là Cố vấn an ninh đặc biệt của Tổng thống Nixon, rồi Ngoại trưởng thời TT Nixon và Gerald Ford, và kể từ năm 1977 trên cương vị thương thuyết gia riêng, ông Kissinger đã không chùn bước trong việc quyết tâm khắc phục những gì ông xem là thái độ bất bình chính đáng của Trung Quốc đối với sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của họ và ngược lại thái độ không ưa thích của Mỹ đối với những cuộc đàn áp tàn bạo của Trung Quốc với những người bất đồng chính kiến về chính trị, tôn giáo và sắc tộc".
Tổng thống Nixon và ông Henry Kissinger
Nếu ưu tiên của Mỹ cho một chính quyền dân chủ được biến thành điều kiện chính tho tiến bộ trong các vấn đề khác của Trung Quốc thì ông Kissinger kết luận "bế tắc là không thể tránh khỏi."
Vẫn theo Max Frankel trích dẫn cuốn sách thì theo ông Kissinger, những người đấu tranh để truyền bá các giá trị của Mỹ xứng đáng được tôn trọng "nhưng chính sách ngoại giao phải xác định cả phương tiện và mục tiêu và nếu phương tiện được sử dụng vượt ra ngoài sự chấp nhận của khuôn khổ quốc tế hoặc của một mối quan hệ được xem là căn bản cho an ninh quốc gia thì cần phải có lựa chọn".
Cuộc chiến Việt Nam
Ông Kissinger cũng nhắc lại những dằn vặt của ông khi tại nhiệm vào những năm 70 khi ông cho rằng các cuộc biểu tình của người Mỹ trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam có thể đã khiến ông Mao Trạch Đông hiểu lầm rằng "một cuộc cách mạng thế giới thực sự" đang ở trong tầm tay.
Ông lập luận rằng việc Tổng thống Nixon bị loại bỏ trong vụ Watergate, Quốc hội Mỹ rút không ủng hộ Việt Nam, những giới hạn mới đối với quyền hạn của Tổng thống trong cuộc chiến và tình trạng "chảy máu" các bí mật tình báo, tất cả cộng lại đã làm tổn hại tới liên minh tưởng như đã có với Trung Quốc, làm cho nước Mỹ có vẻ như bất lực trước Liên Xô.
Lập luận rằng một mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là "tối quan trọng cho sự ổn định và hòa bình toàn câu", ông Kissinger cảnh báo rằng nếu cuộc chiến tranh lạnh diễn ra giữa các quốc gia thì nó "sẽ trói buộc tiến bộ của cả một thế hệ ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương" và "lan truyền các cuộc xung đột vào chính trị nội bộ của mỗi vùng vào thời điểm khi các vấn đề toàn cầu như giải trừ vũ khí hạt nhân, môi trường, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có hợp tác toàn cầu," ông Kissinger viết.
"Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ," ông viết, "không nhất thiết phải - và không nên - trở thành một trò chơi triệt thoái".

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2011/05/110516_kissinger_book_onchina.shtml

Geen opmerkingen:

Een reactie posten