donderdag 25 juli 2013

Việt Nam : 'Because I am a Girl' - tia sáng mới cho 'một nửa' thế giới

Thứ năm, 25/07/2013


Tin tức / Ðời sống

'Because I am a Girl' - tia sáng mới cho 'một nửa' thế giới

Các bé gái người dân tộc ở Việt Nam đang cùng nhau ăn một bữa ăn trưa có cơm
Các bé gái người dân tộc ở Việt Nam đang cùng nhau ăn một bữa ăn trưa có cơm
CỠ CHỮ- +

'Because I am a Girl' - tia sáng mới cho 'một nửa' thế giới

‘Hãy đầu tư vào một bé gái và cô ấy sẽ thay đổi cả thế giới’ là điều mà một chiến dịch toàn cầu mang tên ‘Because I am a Girl’ do tổ chức Plan International theo đuổi. Theo thông tin từ Plan International, trải qua những kinh nghiệm có được sau hàng thập kỷ và những công trình nghiên cứu chuyên sâu, có một điều đã được chứng minh: Một bé gái không những có thể đưa chính mình và gia đình thoát khỏi cảnh nghèo, mà còn có thể thay đổi tình hình kinh tế của cộng đồng và thậm chí là cả đất nước. Tuy nhiên, tại nhiều nước đang phát triển, còn rất nhiều bé gái vẫn phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày và lý tưởng vẫn còn là một điều rất xa vời chỉ bởi vì chúng là con gái! Nói chuyện với VOA ban Tiếng Việt, bà Judithe Registre, giám đốc điều hành chiến dịch toàn cầu ‘Because I am a Girl’ đã chia sẻ nhiều hơn về chiến dịch này, và đặc biệt về dự án tài chính vi mô thuộc chiến dịch được thực hiện tại những khu vực nông thôn nghèo ở Việt Nam. Xin mời quý vị cùng theo dõi Câu chuyện Phụ nữ tuần này do Hồng Hoa thực hiện.

Chị Bình - mẹ bé ChoChị Bình - mẹ bé Cho
x
Chị Bình - mẹ bé Cho
Chị Bình - mẹ bé Cho
Chị Bình sinh ra ở làng Khê Lan, Đăkrông, Việt Nam, nơi mà gần nửa dân số sống dưới mức cực kỳ nghèo đói. Chồng của chị hơn chị hơn 20 tuổi và mắc một căn bệnh về da liễu, khiến anh không thể ra đồng làm việc. Vì thế, trọng trách gánh vác nuôi gia đình sáu miệng ăn được đặt cả lên vai chị.

Bé Cho là con thứ hai của chị Bình. Chị gái của bé Cho đã buộc phải nghỉ học để phụ mẹ chăm sóc gia đình, nhưng bé Cho vẫn đi học. Bé Cho nói rằng bé muốn tiếp tục được đi học, thậm chí còn muốn đi học đại học, trở thành một luật sư để có thể bảo vệ cho những người vô tội. Nhưng bé sợ là bé sẽ phải nghỉ học đi làm, giống như chị gái của bé vậy.

Bé Cho giúp mẹ và chị ngày ngày ra đồng làm việc để nuôi cả gia đình. Cuộc sống rất khó khăn và không thể biết trước được. Nếu thời tiết tốt, cả gia đình sẽ có đủ thức ăn cho cả năm. Nhưng ở miền trung Việt Nam, nơi thiên tai xảy ra thường xuyên, nếu có lũ lụt hay hạn hán, họ sẽ phải chịu đói đến hàng tháng. Khi đàn gà của gia đình bé Cho chết vì dịch bệnh, lúc đó cả nhà chỉ ăn cơm trắng qua ngày.
 
Câu chuyện về những khó khăn mà những người phụ nữ như mẹ con chị Bình gặp phải chỉ là một trong số rất nhiều những ví dụ điển hình về sự vất vả mà nhiều phụ nữ và đặc biệt là các em gái sống tại những nơi nghèo, kém, hoặc đang phát triển, phải đối mặt từng ngày. Tuy cũng đóng vai trò trụ cột chăm sóc gia đình, nhưng nhiều em gái vẫn vấp phải sự phân biệt đối xử trọng nam khinh nữ và không nhận được sự chăm sóc, quan tâm từ xã hội mà các em xứng đáng được hưởng.

Một chiến dịch quy mô toàn cầu mang tên ‘Because I am a Girl’ do tổ chức Plan International USA phát động thực hiện, nhằm đem lại những quyền lợi cơ bản nhất cho các bé gái tại các quốc gia đang phát triển như nước sạch, đồ ăn, y tế, giáo dục, an ninh tài chính, và được bảo vệ khỏi bạo lực và bị khai thác. Theo thông tin trên trang chủ của tổ chức Plan USA tại planusa.org, chiến dịch này có mục tiêu chống lại sự bất bình đẳng giới tính, cải thiện quyền lợi của các em gái, và giúp các em gái thoát khỏi cảnh nghèo đói. Nói chuyện với VOA ban Tiếng Việt, bà Judithe Registre, giám đốc phụ trách chiến dịch Because I am Girl cho biết:

“Tổ chức Plan International USA hoạt động tại hơn 50 quốc gia đang phát triển với mục tiêu chung là cải thiện đời sống trẻ em thông qua các biện pháp can thiệp tới cộng đồng.  Riêng chiến dịch Because I am a Girl được khởi động từ năm ngoái và sẽ khép lại vào năm 2016, bao gồm khoảng hơn 50 dự án khác nhau. Các dự án này đã, đang, và sẽ được thực hiện tai hơn 60 quốc gia như Nepal, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, El Salvador, Burkina Faso, Ethiopia v...v… Mục tiêu của chiến dịch này là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hơn bốn triệu các em gái và gián tiếp ảnh hưởng khoảng 400 triệu các cá nhân nói chung thông qua các chính sách, nhiều biện pháp can thiệp ở mức độ cộng đồng, dưới dạng huy động sự ủng hộ việc tạo điều kiện để các bé gái có thể được giáo dục.”

Bà Registre cho biết thêm là các chương trình trong chiến dịch này được thiết kế cụ thể xoay quanh các nhu cầu cần thiết đối với các bé gái:

Bà Judithe Registre (trái) tới thăm một cộng đồng ở NepalBà Judithe Registre (trái) tới thăm một cộng đồng ở Nepal
x
Bà Judithe Registre (trái) tới thăm một cộng đồng ở Nepal
Bà Judithe Registre (trái) tới thăm một cộng đồng ở Nepal
“Khi nói về những bé gái này thì chúng tôi muốn nhấn mạnh tới những bé gái không được tiếp cận với giáo dục, những bé gái dễ bị tổn thương tại các trường học do bạo lực, những bé gái bị ép phải lấy chồng, những bé gái phải làm mẹ từ sớm, những bé gái bị  khuyết tật, những bé gái mồ côi, những bé gái là nạn nhân nô lệ tình dục, hay những bé gái chạy nạn chiến tranh v…v.. Ví dụ đối với những trường hợp bé gái bị bắt làm nô lệ tình dục ở Nepal, chúng tôi sẽ đến và đề cập tới những vấn đề là hậu quả của việc bị bán làm nô lệ tình dục; hay nghèo đói v…v… Danh sách vẫn còn dài và sẽ tiếp tục. Nói chung, chúng tôi tìm cách chọn ra những tiêu chí giúp đỡ những bé gái này làm sao phải cho phù hợp và thực tế bởi vì làm việc và tiếp cận với những bé gái còn trong độ tuổi thiếu niên là rất khó.”

Riêng tại Việt Nam, sau khi làm việc với với Hiệp hội Phụ nữ Việt Nam và tiếp xúc với các lãnh đạo của một số khu cộng đồng nghèo, tổ chức Plan nhận định được rằng việc tiếp cận với tài chính hay có sự hiểu biết cơ bản về tài chính là vấn đề chủ chốt gây khó khăn đối với phụ nữ ở đây. Chia sẻ về việc làm thế nào để có thể tiếp cận và làm việc với người dân địa phương, bà Registre nói:

“Một điều tuyệt vời về tổ chức của chúng tôi đó là chúng tôi đã và đang làm việc với các cộng đồng trong một khoảng thời gian dài, vì thế chúng tôi đã xây dựng được niềm tin và một mối quan hệ tốt với những người đứng đầu ở những cộng đồng đó. Qua mối quan hệ sẵn có này mà chúng tôi có thể dễ dàng xác định đâu là điều mà cộng đồng này thực sự đang cần giúp đỡ. Những người lãnh đạo cộng đồng và bản thân các thành viên cộng đồng sẽ cùng ngồi xuống và chỉ ra đâu là nhu cầu thực sự, và nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ họ trong việc thực hiện những điều mà họ muốn có. Nếu bạn đến một nơi nào đó và nói với họ nên làm cái này, nên làm cái kia vì đó là những điều tốt cho họ, có lẽ bạn sẽ không thể thành công.”

Các thành viên trong nhóm tiết kiệm ở ĐăkrongCác thành viên trong nhóm tiết kiệm ở Đăkrong
x
Các thành viên trong nhóm tiết kiệm ở Đăkrong
Các thành viên trong nhóm tiết kiệm ở Đăkrong
Như vậy, tổ chức Plan đã bắt đầu một dự án tài chính vi mô tại Việt Nam vào năm 2007 dưới dạng thử nghiệm. Và với sự đóng góp ý kiến từ người dân địa phương, dự án đã được hoàn chỉnh như hiện nay với tên gọi Plan’s Village Savings and Loan (tạm dịch: Dự án Tiết kiệm và Cho vay của Plan.) Dự án này tạo ra các nhóm tiết kiệm ở các khu vực nông thôn nghèo ở Việt Nam, nhằm giúp đỡ những bé gái và những phụ nữ trẻ một nền tảng để quản lý tiền bạc và chuẩn bị cho tương lai.

Tại nông thôn Việt Nam, trong suốt mùa khô, một thời điểm khó khăn để sản xuất lương thực, thì kiến thức về tài chính rất cần thiết. Điều quan trọng hơn đó là các nhóm tiết kiệm cung cấp một mạng lưới hỗ trợ cần thiết cho những phụ nữ trẻ. Các thành viên trong nhóm sẽ thảo luận các vấn đề liên quan tới vệ sinh, bạo lực gia đình, và dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Có lẽ, điều quan trọng nhất đó là, những người phụ nữ trẻ này, rất nhiều người trong số họ đã từng bị ép cưới từ khi còn nhỏ, có thêm những người bạn đồng hành trong trường hợp cần tới sự giúp đỡ về cả thể chất lẫn tinh thần.

Chị Hồ Thị Cách là một thành viên của nhóm tiết kiệm Tarut đã được ba năm. Chị có hai người con, và chị rất vui sướng vì cuối cùng có thể có tiền đầu tư cho tương lai của chúng. Chị nói rằng trước khi có nhóm tiết kiệm, muốn mượn tiền thì phải có khả năng trả cả gốc lẫn lãi. Nhưng nếu muốn vay tiền gấp trong trường hợp khẩn cấp thì không phải lúc nào cũng có. Nhưng với nhóm tiết kiệm, chị nói rằng việc mượn tiền để mua thức ăn hay chi trả cho con đi học đã trở nên dễ dàng. Điều quan trọng hơn là nhóm tiết kiệm có thể giúp đỡ những em gái chưa có gia đình đang gặp khó khăn. Chị Cách nhận được ra những lợi ích của nhóm tiết kiệm,  vì vậy, nếu chị biết có cộng đồng nào mà chưa có một nhóm tiết kiệm, chị sẽ nói cho họ nghe và họ có thể đẩy lùi được nghèo đói.

Trong khi đó, nhóm tiết kiệm của Plan không chỉ dành cho phụ nữ. Anh Hồ Văn Lương, thành viên nam đầu tiên của nhóm tiết kiệm Tarut. Anh cho biết, ba năm trước đây, vợ anh tham gia nhóm tiết kiệm này, và anh cảm thấy rất bất ngờ vì những gì anh trông thấy. Anh nói rằng việc tham gia vào nhóm tiết kiệm đã giúp vợ chồng anh có tiền cho hai con đi học, có tiền đi khám bác sĩ, và thậm chí là đầu tư vào khu đồn điền riêng của gia đình. Vì thế, một năm trước đây, anh Lương đã quyết định tham gia cùng với vợ vào nhóm tiết kiệm này. Anh còn khuyến khích những người đàn ông khác cùng tham gia vào các nhóm tiết kiệm với vợ của mình. Hiện anh đã thuyết phục được thêm năm người, nhưng mục tiêu của anh là sẽ thuyết phục được ít nhất mười người.

Bé Cho ngồi học tại nhàBé Cho ngồi học tại nhà
x
Bé Cho ngồi học tại nhà
Bé Cho ngồi học tại nhà
Và trong câu chuyện về chị Bình và bé Cho lúc đầu, gia đình bé Cho tham gia vào nhóm tiết kiệm và cho vay của Plan tại nơi em sống hai năm trước đây. Với khoản vay là 10 đô la, tương đương hơn 200.000 VND, chị Bình đã dùng để mua một chú heo con. Chị nuôi chú heo được năm tháng và sau đó đã bán heo với giá gấp ba lần giá khi chị mua nó. Chị đã dùng tiền bán heo để mua sách vở, quần áo cho bé Cho và những người con khác. Chị Bình nói rằng đi học sẽ giúp bé Cho có một cuộc sống tốt hơn. Khi chị còn nhỏ, chị đã không có điều kiện đến trường, nhưng chị sẽ làm việc thật chăm chỉ để con chị được đi học.

Mặc dù chỉ có năm nhân viên làm việc cho dự án tài chính vi mô và bốn mươi nhân viên làm việc tại Việt Nam cho cả các dự án khác về giáo dục, phát triển kinh tế v..v…, nhưng đa số các nhân viên đều là người Việt, nên bà Registre cho biết là không có rào cản nào về ngôn ngữ cả. Thử thách thực sự lớn nhất cho tổ chức Plan khi triển khai dự án tại Việt Nam, theo bà Registre đó là thời gian:

"Những dự án can thiệp phát triển nhân đạo thường phức tạp và tốn nhiều thời gian. Biện pháp can thiệp ban đầu của chúng tôi đã chứng minh rằng phải tốn nhiều thời gian để người dân có thể hiểu được mục tiêu giúp đỡ của chúng tôi. Vì thế đội ngũ của chúng tôi phải làm việc vất vả để có thể giúp người dân có thể nhận ra rằng họ hoàn toàn có khả năng đạt được những mục tiêu mà họ muốn. Vì thế tôi nghĩ rằng thử thách khi thực hiện dự án tài chính vi mô này ở Việt Nam là làm việc trong một môi trường phức tạp, nơi mà mỗi người có một nhu cầu, một ưu tiên khác nhau,   như có người có con cái, rồi phải chăm sóc gia đình v..v.. Do đó, chúng tôi phải thiết kế các chương trình với khung giờ làm sao để đáp ứng được tất cả những nhu cầu và đòi hỏi đó."

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu tính đến thời điểm hiện tại, ví dụ như số lượng các em gái được đi học đã tăng lên hay phụ huynh có cơ hội cải thiện thu nhập của họ để trả tiền học phí, đồng phục cho con của họ tới trường; nhưng bà Registre cũng hy vọng có thể thực hiện được một mong muốn khác xa hơn:

“Bạn biết đấy, nhu cầu giúp đỡ trên toàn thế giới thì luôn nhiều hơn những gì mà chúng ta có thể đáp ứng. Một trong những điều lớn nhất đó là các bà mẹ có thể cho con cái của mình đi học và những đứa trẻ này có thể có cuộc sống mà những bà mẹ mong muốn khi chúng ra đời. Và rồi những đứa trẻ này, đặc biết là những bé gái, chúng tôi thực sự hy vọng, là sau khi học xong, chúng có thể hoặc tìm được một công việc ưng ý, hoặc trở thành những thương gia, người mà có thể tạo được ra công ăn việc làm cho nhiều người khác. Sau đó, chính chúng có thể tới giúp đỡ các cộng đồng khác, dần dần, cuộc sống của các thế hệ tiếp theo sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn."

  • Bé My là chị cả trong gia đình. Chỉ mới bốn tuổi nhưng bé đã rất tháo vát khi chăm sóc một em gái ba tuổi và một em trai mới ba tháng tuổi. Bé My gánh vác gánh nặng nghèo đói trên vai và cũng biết rõ rằng hoàn cảnh gia đình mình đang rất túng quẫn. Mức sống gia đình em My rất thấp. Cha em chỉ kiếm được 70 ngàn đồng một ngày (tương đương khoảng 3.5 đô la) và tiết kiệm để trả nợ. Cả My và hai người em đều không có giấy khai sinh, cho nên cả ba em đều rất khó khăn để tiếp cận các dịch vụ y tế.
  • Chị Bình, mẹ của bé Hồ Thị Cho
  • Bé Hồ Thị Cho là con thứ hai trong một gia đình có bốn anh chị em.
  • Hàng ngày, bé Cho phụ giúp mẹ và chị gái nhiều việc trong nhà.
  • Mong ước của bé Cho là được tiếp tục đi học...
  • ...và trở thành một luật sư để bảo vệ cho những người vô tội.
  • Bà Judithe Registre, giám đốc phụ trách chiến dịch 'Because I am a Girl' thăm một cộng đồng tại Nepal.
  • Các thành viên trong nhóm tiết kiệm ở Tarut, Đăkrong, Việt Nam
  • Một số thành viên khác của nhóm tiết kiệm ở Tarut
  • Các thành viên nhóm Tarut hân hoan, vui sướng khi cuộc sống đang trở nên khá hơn
  • Nhờ tham gia vào nhóm tiết kiệm, bé Kiều đã có thể tiếp tục được đi học
  • Chương trình thay đổi về quan niệm giới tính cho chiến dịch ‘Because I am a Girl’ tại Việt Nam chính thức khởi động vào ngày 1/7/2011. Chương trình được thực hiện nhằm giúp các bé gái và phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số có thể nhìn nhận được rằng họ có quyền được sống, được phát triển, được bảo vệ, và được tham gia vào xã hội. Chương trình được thực hiện tại tám khu vực miền núi nghèo, nơi các cộng đồng, đặc biệt là các bé gái và phụ nữ, bị đầy ra rìa phát triển của xã hội. Họ chắc chắn sẽ phát triển hết khả năng của họ nhờ vào sự ủng hộ, giúp đỡ từ việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục, cũng như được bảo vệ khỏi những hủ tục không có lợi.

Hồng Hoa

 
 
 
 

http://www.voatiengviet.com/content/because-i-am-a-girl-tia-sang-moi-cho-mot-nua-the-gioi/1707691.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten