Chủ nhật, 10/2/2013 06:18 GMT+7
Những bài hát Nga quen thuộc với người Việt
"Đôi bờ" da diết niềm thương nhớ; "Triệu đóa hồng" trong sáng, lãng mạn; "Tổ quốc" gợi niềm tự hào, hãnh diện bất tận về quê hương...
Đôi bờ
Trong chiến tranh, nhiều người phụ nữ mòn mỏi đứng bên sông trông ngóng về người yêu thương. |
Đôi bờ do nhạc sĩ Andrey Yakovlevich sáng tác, phần lời của Grigorii Mikhailovich Pozhenyan. Tác phẩm là bài hát chủ đề trong Khát nước, bộ phim sản xuất năm 1959, nói về chiến tranh Vệ quốc. Nội dung phim dựa trên một số câu chuyện có thật.
Bài hát kể về tình yêu chung thủy của người con gái với người con trai. Đôi bờ bên cạnh ca từ đẹp lãng mạn với hình ảnh của “cỏ trong sương ướt”, “sóng vờn với sóng...” là nỗi lòng buồn sâu thẳm của người con gái. Cô và người yêu thương chỉ có thể là “đôi bờ một dòng sông”, mãi không có điểm hội tụ.
Giai điệu Đôi bờ quen thuộc với không ít người Việt. Phần lời tiếng Việt của bài hát thơ mộng chứ không buồn man mác như lời tiếng Nga. Phần lời này lạc quan, nhẹ nhàng hơn. Hai câu kết của phần lời Việt càng thể hiện sự lạc quan đó: “Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha. Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa”. (Xem clip bản Đôi bờ lời Nga, Việt)
Chiều Matxcơva
Một góc Matxcơva. Ảnh của độc giả Trần Thảo Hiền. |
Chiều Matxcơva phần nhạc của Vasili Solovyov-Sedoy, lời của Mikhail Matusovsky. Bài hát được biết đến lần đầu qua một bộ phim nhưng không gây được chú ý. Đến khi nghệ sĩ Vladimir Konstantinovich Troshin thể hiện, Chiều Matxcơva như được thổi vào luồng sinh khí mới. Ngay lần phát sóng đầu tiên, bài hát thu hút sự yêu thích đặc biệt của thính giả và gây xúc động toàn Liên Xô (cũ). (Xem clip bài hát qua thể hiện của Vladimir Konstantinovich Troshin).
Chiều Matxcơva được nhân dân nhiều nước trên thế giới yêu mến. Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Italy, Trung Quốc... đều viết lời cho giai điệu bài hát này.
Chiều Matxcơva nổi tiếng ở Việt Nam qua phần thể hiện của những nghệ sĩ tên tuổi như Trung Kiên, Quang Thọ, Quang Huy... và được nhớ đến như là một trong những bài ca không quên làm thổn thức bao trái tim người Việt. (Nghe bài hát qua thể hiện của nghệ sĩ ưu tú Quang Huy).
Triệu đóa hồng
Triệu đóa hồng là bài hát phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nga Andrey Andreyevich Voznesensky. Bài thơ dựa theo câu chuyện trong tiểu thuyết, kể về tình yêu của danh họa tài ba người Gruzia, Niko Pirosmani, với một nữ ca sĩ người Pháp. (Xem clip Triệu đóa hồng).
Triệu đóa hồng gắn liền với tuổi trẻ, kỷ niệm tình yêu của nhiều chàng trai, cô gái. Tác phẩm không chỉ nổi tiếng ở Nga. Tại Nhật Bản, bài hát này được gọi là “biểu tượng của tình ca”. Ở Việt Nam, ca khúc này có sức sống bền bỉ, lay động nhiều thế hệ người Việt. (Nghe bài hát Triệu đóa hồng do Hoài Phương, Hải Yến trình bày).
Kachiusa
Kachiusa là huyền thoại của âm nhạc Nga, cũng là bài hát thường cất trên môi những chiến sĩ Việt. |
Kachiusa là bài hát về tình yêu, sáng tác năm 1938. Bài hát gần gũi với người dân Liên Xô trong thời chiến và là niềm an ủi tinh thần cho những chiến sĩ Hồng quân. Người dân Nga dành cho bài hát tình cảm đặc biệt. Ngay sau khi ra đời, tác phẩm trở thành một sự kiện trong đời sống âm nhạc, một hiện tượng xã hội, bởi khắp nơi đều vang lên giai điệu Kachiusa. (Xem clip bài hát Kachiusa)
Ca khúc nói về Kachiusa, cô gái yêu chàng chiến sĩ. Cô thường gửi cho anh những bức thư chứa đựng tình yêu đất nước, tình yêu lứa đôi. Lời Nga có đoạn “Em bước trên bờ sông và cất tiếng hát về thảo nguyên bao la, về chim đại bàng, về người yêu, về những bức thư em gìn giữ...”. (Nghe bài hát Kachiusa lời Nga - Việt).
Volga xinh đẹp
Dòng Volga xinh đẹp. |
Volga xinh đẹp là một bài hát cổ của Nga (xem clip). Nhân vật trong bài hát gửi gắm vào dòng sông tình cảm với người yêu: "Sông Volga, một dòng sông sâu, sóng vỗ đôi bờ. Anh yêu, anh ra đi không lời từ biệt. Có biết chăng tình yêu em. Ôi, sương màu xanh, con sóng bạc đầu. Lẽ nào anh không bao giờ trở lại?...". (Nghe bài hát Volga xinh đẹp lời Nga - Việt).
Cây thùy dương
Cây thùy dương là bài hát đặc trưng cho lối hát đồng ca của dân tộc vùng Ural của Nga. Phần nhạc được viết bởi nhạc sĩ nổi tiếng Evgenhi Podygin, lời dựa theo bài thơ của Mikhain Pilipenko. Bản nhạc Cây thùy dương được xem là một trong những giai điệu đẹp nhất trong nền âm nhạc Nga (xem clip).
Cây thùy dương bên bờ sông. |
Hình ảnh cây thùy dương in đậm trong lòng người dân Nga cũng như những người từng đặt chân tới xứ sở này (xem clip Hải Yến hát Cây thùy dương).
Thời thanh niên sôi nổi
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhạc sĩ Aleksandra Pakhmutova, ảnh chụp năm 2000. |
Thời thanh niên sôi nổi là bài hát trong phim Về phía đằng kia, được viết bởi nữ nhạc sĩ Aleksandra Pakhmutova, lời thơ L. Oshanin. Lời và giai điệu bài hát thể hiện sự sục sôi, nhiệt huyết xây dựng và bảo vệ đất nước của các thế hệ thanh niên. Tác phẩm quen thuộc với các thế hệ người Việt Nam từng ở Liên Xô học tập, công tác.
Chiều hải cảng
Chiều hải cảng là một trong những bài hát trữ tình được yêu thích nhất trong những năm chiến tranh Vệ quốc. Bài hát kể về tình yêu của người thủy thủ với thành phố hải cảng, với ngôi nhà thân quen đang trong vòng vây của quân thù (xem clip Chiều hải cảng).
Bài hát Chiều hải cảng đi vào tâm thức người Việt những thế hệ trước, góp phần động viên lớp lớp thanh niên Việt Nam lên đường tham cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. (Nghe bài hát Chiều hải cảng lời Nga - Việt).
Tổ quốc
Tổ quốc
Những hình ảnh trong cuộc chiến tranh Vệ quốc của người Nga. |
Tạm biệt Matxcơva
Gấu Misha - linh vật của Olympic Matxcơva 1980. |
Bài hát vang lên vào ngày cuối cùng của Thế vận hội mùa hè tại Matxcơva, năm 1980. Lời ca khúc thể hiện sự nuối tiếc những giờ phút đã trải qua với khung cảnh, con người Nga. (Xem clip bài hát).
Tạm biệt Matxcơva vượt qua khuôn khổ kỳ Thế vận hội, trở thành bài ca đi cùng năm tháng, thường được cất vang khi có ai đó rời xa vùng đất của bạch dương và gấu Misha. (nghe bài hát Tạm biệt Matxcơva do nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu thể hiện).
Tác giả bài hát là Aleksandra Pakhmutova, nữ nhạc sĩ của Thời thanh niên sôi nổi.
|
Tâm An
Geen opmerkingen:
Een reactie posten