Monday, July 29, 2013
Điểm danh “ông lớn” trả lương khủng nhất Việt Nam
QLB - Các "ông lớn" nằm trong diện mạnh tay chi trả cho người lao động là những doanh nghiệp, tập đoàn thuộc lĩnh vực dầu khí, viễn thông, ngân hàng...
Theo số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất 3 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), số nhân viên hiện đang làm việc tại ngân hàng này là 19.671 người, giảm 169 nhân viên so với cuối năm 2012. Bình quân 3 tháng đầu năm, lương và phụ cấp nhân viên Vietinbank là 21,01 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức 21,13 triệu đồng/tháng của cuối năm 2012. 3 tháng đầu năm 2012, nhân viên ngân hàng vẫn nhận lương và phụ cấp bình quân 22,4 triệu đồng/tháng, theo số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2012. 3 tháng đầu năm nay, dù kết quả kinh doanh thấp hơn so với cùng kỳ 2012, nhưng Vietinbank vẫn trả khá hậu hĩnh cho cán bộ nhân viên với mức bình quân lương và phụ cấp là 20,01 triệu đồng/tháng. Năm 2011, Vietinbank là nhà băng trả lương cao nhất cho người lao động, với mức bình quân 20,27 triệu đồng/tháng. Năm 2012, bình quân, nhân viên Vietinbank nhận lương 18,9 triệu đồng/tháng.
Nằm trong top 2 ngân hàng trả lương cao nhất ngành là Ngân hàng Vietcombank. Dù đã giảm gần 10% so với năm ngoái nhưng thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng này vẫn vượt 19 triệu đồng/tháng.
Tuy chỉ lọt vào top 3 ngân hàng cổ phần hóa có tài sản lớn nhất năm 2012 nhưng nhân viên MBBank lại có thu nhập dẫn đầu trong nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh với mức 18 triệu đồng/tháng.
Trong lĩnh vực viễn thông, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã vượt lên cả Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) với lãi "khủng" 27.000 tỷ đồng năm 2012. Doanh thu cao, lợi nhuận lớn, Viettel cũng có mức chi trả tiền lương vào loại cao nhất so với các doanh nghiệp quân đội.
Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, hiện tập đoàn này có 25.000 nhân sự và thu nhập bình quân đầu người của Viettel khoảng 18 triệu đồng/tháng, khá cao so với mức trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng tại FPT và VNPT. Thu nhập bình quân của một kỹ sư trưởng có 5 năm kinh nghiệm tại Viện Nghiên cứu và phát triển Viettel khoảng 32 triệu đồng/tháng. Ông Dũng cho biết, Viettel trả lương theo khối quản lý với mức lương cao nhất là Tổng giám đốc và khối chuyên gia. Các chuyên gia giỏi (cả người Việt và người nước ngoài) cũng có thể được trả lương như Tổng giám đốc, không cần có chức vụ và không cần phải làm công việc quản lý. Mặc dù ông Dũng từ chối tiết lộ mức lương cao nhất trong khối lãnh đạo hoặc chuyên gia của Viettel, song, một nguồn tin cho biết, tại Viettel có những chuyên gia được trả lương tới vài trăm triệu mỗi tháng. Ông Dũng cho biết sở dĩ Viettel có chính sách trả lương như trên bởi tập đoàn này đã xin Thủ tướng cho cơ chế thí điểm trả lương theo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Có cùng mức lương khủng và cùng là doanh nghiệp quân đội như Viettel, Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) cũng trả lương trung bình cho nhân viên ở mức 18 triệu đồng/người. Riêng năm 2012, nhân viên của SNP nhận 17 tháng lương, tức là khoảng hơn 300 triệu đồng/người/năm. Đây là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong 2 lĩnh vực chủ yếu là khai thác cảng biển và logistics.
Trong lĩnh vực dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng chi trả mức lương trên 15 triệu đồng/tháng cho nhân viên.
Đối với các lãnh đạo doanh nghiệp, theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2012, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chi thưởng cho ban lãnh đạo gồm HĐQT và ban kiểm soát khoảng 1,6 tỷ đồng. Thực tế, mức lương cứng mà ông chủ HAGL ký hợp đồng với công ty này để giữ vị trí Chủ tịch HĐQT là 240 triệu đồng/tháng, tương ứng 2,88 tỷ đồng mỗi năm. Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) từng chia sẻ, bản thân hài lòng với mức lương này, nhưng đây chỉ là thu nhập tượng trưng, không nhận không được.
Kể từ năm 2007, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE trả mức lương khoảng 100 triệu đồng/tháng, tương ứng 1,2 tỷ đồng/năm cho Chủ tịch kiêm CEO Nguyễn Thị Mai Thanh. Ngoài ra, hàng năm, bà Mai Thanh và các thành viên ban điều hành của REE còn được nhận thưởng theo tỷ lệ vượt mức kế hoạch lợi nhuận. Số tiền mà ban điều hành của REE nhận trong năm 2012 đã gần 20 tỷ đồng, gấp 4 lần so với con số được nhận trong năm 2011.
Theo báo cáo tại cuộc họp đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) năm 2012, lương và trợ cấp của bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ năm 2011 là 111 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, CEO này còn nhận tiền thưởng tương đương 2,5 tháng lương. Tổng thu nhập của bà Dung khi làm CEO là gần 1,6 tỷ đồng (lương và thưởng). Ngoài ra, với chức vụ chủ tịch HĐQT công ty năm 2011, bà Dung còn nhận thêm thù lao 10 triệu đồng một tháng. Như vậy, thu nhập của bà Dung khi đảm nhiệm cả 2 chức vụ chủ tịch và CEO PNJ là 121 triệu đồng một tháng, cộng thưởng 2,5 tháng lương sẽ tương đương hơn 1,7 tỷ đồng/năm.
Mới đây, trong đại hội cổ đông của Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), thù lao cho HĐQT năm 2012 là trên 3 tỷ đồng, ban kiểm soát là 1,8 tỷ đồng, giảm lần lượt khoảng 800 triệu và 600 triệu đồng so với năm 2011. Điều đáng nói, năm 2012, PVC lỗ hợp nhất 1.847 tỷ đồng, trong khi năm 2011 lãi trên 97 tỷ đồng nhưng lương thưởng của lãnh đạo vẫn thuộc hàng cao ngất ngưởng.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng chi trả lương cao cho các lãnh đạo mặc dù trong năm 2012, tập đoàn này lỗ nặng. Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2012, Petrolimex đã kinh doanh thua lỗ 1.671 tỷ đồng. Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Petrolimex vẫn hưởng lương 40 triệu đồng/tháng, còn Chủ tịch HĐQT Petrolimex lương hơn 50 triệu đồng/tháng.
Cũng trong diện này, lương của lãnh đạo 2 tổng công ty lương thực là Vinafood 1 và Vinafood 2 cũng thuộc hàng cao.
Cụ thể, thu nhập bình quân của lãnh đạo Vinafood 1 là 56,5 triệu đồng/người/tháng. Ngay cả những người khối văn phòng cũng hưởng 28,4 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập của lãnh đạo Tổng công ty Vinafood 2 đạt kỷ lục 79,749 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng 32,9 triệu đồng/người/tháng.
Diên Lệ (Tổng hợp) - Kiến thức
Geen opmerkingen:
Een reactie posten