Kỳ 1: Chuyện của một phụ nữ nghiện đánh bài
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - “Lần ngồi chơi suốt một tuần lễ tại sòng bài Hawaiian tôi thua gần $60,000. Khi chỉ còn $2,000 trong tay, tôi bắt đầu gỡ lại được hơn $40,000. Mang tiền về nhưng tôi không ngủ được, phần vì tiền thua chưa gỡ đủ, phần nghĩ số mình còn đỏ nên mới 4 giờ sáng tôi đã thức dậy chạy lên sòng bài đánh tiếp.”
Trinh Hồ, “Khi mình không biết chơi hay mới chơi thì tổ đãi mình, nhưng khi biết rồi thì chết lúc nào không hay.” (Hình minh họa: Getty Images)
|
Đó là một phần trong câu chuyện của người phụ nữ ngoài 45 tuổi, nghiện đánh bài từ 7 năm qua.
Và, dù cho có những lúc chị thầm hứa sẽ “từ bỏ con đường bài bạc để sống một cuộc đời khác, có ý nghĩa hơn,” nhưng liền sau đó chị cũng tự khẳng định một cách mỉa mai “khi đã bị con ma bài nhập thì họa chăng chỉ có 'thay máu' mới không nghĩ đến chuyện trở lại sòng bài.”
Đồng ý kể lại câu chuyện của mình, nhưng vì lý do “không muốn các con tôi lớn lên biết sự thật chẳng lấy gì đẹp đẽ này” nên tên thật của người kể chuyện được thay đổi.
Chúng tôi tạm gọi chị là Trinh Hồ, sang Mỹ từ năm 2000, làm nghề móng tay ở Los Angeles, hiện đang sống tại Garden Grove cùng chồng và hai con gái dưới 10 tuổi.
Đường đến thế giới bài bạc
Trinh bắt đầu kể về “con đường bài bạc” của mình trong dáng vẻ mệt mỏi của “con bạc” vừa trở về nhà sau 3 ngày đêm liên tục thử vận “đỏ đen” tại một sòng bài không quá 20 phút lái xe từ trung tâm Little Saigon.
“Sau 5 năm đến Mỹ, Tôi không hề biết đến sòng bài ở Mỹ là gì cho đến khi được một người quen chở đi đến Commerce Casino.” Trinh nhớ lại.
Theo lời Trinh, loại bài mà chị được hướng dẫn chơi ngày đầu tiên là “bài cẩu”, hay gọi nôm na là Domino Trung Quốc (Pai Gow Tiles). Theo đánh giá của sòng bài Ceasars Palace tại Las Vegas thì “đây là một trong những loại bài khó chơi hơn nhưng lại lôi cuốn hơn tại sòng bạc.”
Ngồi trong sòng bài thì ngày cũng như đêm, lúc nào cũng điện sáng choang. Bên ngoài có nắng mưa bão bùng, nóng lạnh gì mình cũng không biết. (Hình minh họa: Getty Images)
|
“Bài cẩu là con bài tôi chưa bao giờ biết đến, nhưng chỉ đứng coi 15 phút là tôi đã có thể ngồi vào bàn, biết liền con nào quyền biến con nào không. Chắc máu mê bài có sẵn trong tôi từ hồi nào rồi.” Trinh cười mỉa.
Rồi chị tiếp luôn bằng giọng cay đắng, “Khi mình không biết chơi hay mới chơi thì tổ đãi mình, nhưng khi biết rồi thì chết lúc nào không hay.”
Trong lần “xuất quân” mở màn này, Trinh thắng gần $4,000, trong đó “có một cái jackpot $3,000.”
“Lần đầu tiên chơi cũng là lần đầu tiên trúng nhiều như vậy nên nó mới làm mình mê muội.” Trinh cảm nhận.
Những ngày sau đó, trong lúc “cắt da, chà chân cho khách,” hình ảnh của sòng bài với “điện đuốc quá hớp, ăn tiền quá ngọt” cứ quanh quẩn trong đầu Trinh.
“Tôi cứ nghĩ, trời ơi sao tiền kiếm được ở sòng bài không có mệt gì hết, chỉ có một tiếng mà kiếm gần $4,000, trong khi đi làm nail cả tuần lễ chỉ có $600-$700.”
Biết Trinh bị “ma lực” của sòng bài đeo bám, người quen kia tiếp tục rủ chị đi đánh bài.
Chị kể, “Thoạt đầu đi như vậy chồng tôi không biết. Bà đó còn chỉ tôi cách nói dối với chồng là đến nhà bả làm món này món kia ăn. Hơn nữa bả là dân đánh bài cơm gạo chuyên nghiệp nên nhà bả có ông thần tài. Mỗi lần đi bả kêu vuốt bụng ông thần tài để lấy hên.”
Do không biết đường lái xe đến casino, nên Trinh phải đi chung với người ta. “Lúc đầu đi thưa thưa, đi cách tuần, mỗi lần chỉ đi 1 tiếng, rồi sau tăng lên một tiếng rưỡi, hai tiếng, rồi đi đến 3 giờ sáng mới về.”
“Có lúc tôi đợi chồng ngủ rồi mới đi lúc nửa đêm. Hẹn trước với bà kia. Khuya đúng giờ thì tôi đi ra bả chở, tôi tắt phone. Chồng thức dậy thì thấy xe vẫn còn, nhưng tôi đã đi.”
“Lúc đó tôi biết mình nghiện rồi.” Ngấp một ngụm nước, Trinh nói bằng giọng pha chút giễu cợt, “Lúc đầu chơi, ăn ít ăn nhiều gì cũng đều có ăn hết, không có thua, nên mình mới mê. Sau khi thấy mình 'cắn' rồi thì nó rút mình từ từ.”
Đánh bài cơm gạo hay đánh ăn thua
Theo thống kê của Hội Đồng Quốc Gia Hoa Kỳ (American Statistics of National Council), có 3 triệu người trưởng thành là “con nghiện đánh bạc,” 4 phần 6 người Mỹ có vấn đề với bài bạc, và 50% người nghiện bài là phụ nữ.
Trinh tiếp tục câu chuyện, “Lúc mới lên sòng bài thì chỉ đánh muốn giải trí hay muốn kiếm tiền cơm gạo thôi, nhưng khi ma lực con bài nổi lên thì mình cảm thấy lời bà bạn dẫn đi rất chí lý.”
Người bạn phân tích cho Trinh nghe rằng “đi làm nail cả ngày cũng được có hơn một trăm mà mất cả 10 tiếng làm, 2 tiếng đi về. Trong khi vào sòng bài ăn vài cây bài là đã có tiền rồi mà không nặng nhọc, không đổ mồ hôi nước mắt, tức là đánh bài cơm gạo. Mỗi ngày bỏ ra một ít, chỉ cần ăn $200 là mỗi tháng có cả $6,000.”
“Bả thuyết minh vẽ ra một trang lịch sử mới, tương lai mới. Nhưng quả thật tương lai đâu không thấy, mà giờ chỉ thấy tương chao thôi.” Trinh cười như nắc nẻ, che đi sự lo lắng khi vừa thua gần $8,000 sau 3 ngày “sát phạt” trở về.
Không ai nghĩ rằng số mình đen hoài, mà luôn luôn nghĩ rằng mình sẽ thắng, chứ đã nghĩ thua thì có ai đi đánh bài đâu. (Hình minh họa: Getty Images)
|
Trinh mê bài bạc, trở thành con nghiện đỏ đen là từ giữa năm 2006. Hết Commerce Casino, chị chuyển qua Pechanga Casino và 5 năm qua Trinh gần như đóng đô tại Hawaiian Gardens Casino. “Vào đó hỏi tên tôi ai cũng biết.” Chị “khoe”.
“Nghiện bài lẹ lắm. Cái thứ cần học thì không học, cái thứ không cần học thì lại học lẹ thấy ớn luôn.” Người phụ nữ từng một thời kiếm được rất nhiều tiền từ công việc làm nail lại cười che lấp “căn bệnh” của mình.
Trinh cho biết lần chị ngồi ở sòng bài lâu nhất là một tuần. “Ngồi trong sòng bài thì ngày cũng như đêm, lúc nào cũng điện sáng choang. Bên ngoài có nắng mưa bão bùng, nóng lạnh gì mình cũng không biết.” Chị mô tả.
Trinh chỉ canh mỗi sáng lúc chồng đi làm thì chạy về nhà tắm rửa rồi lại trở lên sòng bài để “chờ đợi cái jackpot.”
“Cái jackpot đó mới lôi cuốn được mình. Còn chơi bài cẩu bài ma đó thì mình mò bằng 2 ngón tay kéo. Kéo từ từ, tới đâu mình vuốt và cầu nguyện. Khi đang vuốt mình lẩm nhẩm đếm trong đầu '2, 4, 6, 8, 10, đến con 12 là con thiên để thiên biến vạn hóa là mình vuốt thẳng xuống để hy vọng lấy được con thiên. Lúc đó tim mình cứ co thắt co thắt, theo tay mình đang đẩy con bài.”
Theo lời “con bạc” có giọng nói rất ấm áp này thì lần đánh cả tuần đó chị thua gần $60,000.
“Cứ thua 10 ngàn thì lại chạy về nhà lấy 10 ngàn lên đánh tiếp để gỡ.” Trinh kể, “Khi còn lại $2,000, tôi bắt đầu đánh gỡ lại được hơn $40,000 thì ôm tiền về nhà.”
“Nhưng mà có yên đâu, không ngủ được, mới 4 giờ sáng thì cứ như có con ma thúc giục mình đi, vì thấy vẫn còn thua gần 20 ngàn nên không cam lòng, nghĩ rằng số mình vẫn còn đỏ,” người phụ nữ có máu đỏ đen hạng nặng này cho biết.
Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, Trinh thua lại mười mấy ngàn tiền mang theo. Luật sòng bài chỉ cho mỗi người đổi quá $10,000 một ngày, nếu muốn đổi thêm họ yêu cầu phải đưa ID để xác minh xem nguồn tiền từ đâu ra. Thế là như nhiều con bạc chuyên nghiệp, Trinh nhờ người khác đổi dùm.
Cứ đổi dùm $3,000 hay $5,000 thì mình cho họ $25.
Cứ đổi dùm $3,000 hay $5,000 thì mình cho họ $25.
Trinh quay về nhà lấy tiền mặt lên chơi tiếp, bởi lẽ “không ai nghĩ rằng số mình đen hoài, mà luôn luôn nghĩ rằng mình sẽ thắng, chứ đã nghĩ thua thì có ai đi đánh bài đâu.”
Tuy nhiên, “Đến khoảng 12 giờ trưa thì tôi thua tổng cộng hai mươi mấy ngàn.”
Khi đó, số tiền đặt vào mỗi ván ăn thua của chị lên đến $5,000.
Biết là hố thẳm nhưng không thoát nổi
Dường như không con bạc nào lại không thiếu nợ. Theo thống kê của Hội Đồng Quốc Gia Hoa Kỳ, nợ trung bình của một người đàn ông nghiện cờ bạc tại Mỹ nằm trong khoảng $55,000 đến $90,000, phụ nữ may mắn hơn khi mức nợ trung bình vào độ khoảng $15,000.
Dĩ nhiên, Trinh cũng không nằm ngoài qui luật đó. Sau một thoáng suy nghĩ, Trinh ngập ngừng cho biết hiện tại chị nợ “mười mấy ngàn.”
“Khi hết tiền thì nhà có cái gì cầm được thì cầm. Cứ cầm khoảng $1,500 thì mỗi tuần trả lời $70-$80. Hoặc là mượn của những người đi chung, ăn chịu với mình. Lúc mình thắng thì mình cho họ mượn, đâu có tính lời, lúc thua thì mình mượn lại. Họ cũng chẳng đòi hỏi gì, nhưng tính tôi rộng rãi, dân cờ bạc chẳng ai keo kiệt hết, ví dụ họ đưa tôi mượn $5,000 thì tôi rút $500 đưa lại họ 'uống cà phê'. Có khi tôi rút tiền từ ngân hàng của casino, cứ kéo thẻ $400 thì họ 'charge' $16.” Trinh giải thích về nguồn tiền đánh bạc.
Một người đàn ông tên L.T, ở thành phố Anaheim, kể về người vợ đánh bạc của mình, “Bao nhiêu tiền bạc, debit cards, credit cards, của cải vợ chồng dành dụm, trong một sớm một chiều không cánh mà bay. Có chiếc xe làm phương tiện đi lại, vợ cũng đem đi cầm. Cầm riết rồi về nhà sơ hở một món gì có thể cầm thế là vợ chơi ngay, nào là Ipad mua tặng thằng con vào ngày sinh nhật, Iphone, camera,... nói chung là những mặt hàng nào nhỏ, gọn và có người chịu chi tiền, đều âm thầm biến mất.”
Không chỉ dừng lại ở mức độ đó, trong giới bài bạc, câu chuyện về những người phụ nữ say máu đỏ đen, đến lúc không còn gì có thể vay mượn, cầm cố, họ đã không ngần ngại bán thân ngay tại các sòng bài để có tiền tiếp tục sát phạt, không phải là những câu chuyện giật gân, hoang tưởng và hiếm hoi.
Dường như không có khái niệm về nơi phải dừng cho những kẻ lỡ sa chân vào chốn đỏ đen. (Hình minh họa: Getty Images)
|
Trong quyển “Chẳng bao giờ đủ” (Never Enough) kể chuyện một luật sư đã đốt cả sự nghiệp mình vào các canh bạc, tác giả Michael Burke, cũng là nhân vật chính của chuyện, kể lại việc ông ăn cắp tiền học đại học của các con ông ra sao, giả mạo tên vợ ông để thế chấp ngôi nhà lấy $200,000 như thế nào, đến việc lấy cắp tiền từ “tài khoản ký quỹ” (escrow accounts) của các thân chủ ông. Và sau 25 năm làm luật sư, ông không có lấy một đồng tiền tiết kiệm, lại còn nợ số tiền lên $1,6 triệu, chưa kể bản án 3 đến 10 năm tù về tội lường gạt.
Dường như không có khái niệm về nơi phải dừng cho những kẻ lỡ sa chân vào chốn đỏ đen.
Trả lời câu hỏi “Ngoài lúc bị ma bài nhập, có khi nào chị tự vấn tại sao mình lại mê đánh bạc như vậy không?” Trinh trả lời không chút đắn đo, “Có chứ!”
“Có những lúc đêm về tôi tự hứa với lòng là không để cho nó cắn mình nữa, mình sẽ làm lại từ đầu. Nhưng rồi những lúc ngồi làm nail ế ẩm, thì hình ảnh thắng bài lại hiện lên, quyến rũ mình.” Trinh trầm giọng.
Biết vợ đánh bài, nhưng theo Trinh, chồng chị không ngờ chị đánh lớn đến như thế, cho đến lúc anh lên sòng bạc tìm chị.
Chồng chị hết năn nỉ, rồi tới dùng cả vũ lực nhưng rồi mọi thứ đều vô hiệu lực với Trinh. “Ổng khóa xe lại để tôi đừng đi, nhưng khi con ma bài nó lên thì tôi nổi điên, kêu người đến mở khóa và đi tiếp. Ổng gọi tôi không bắt phone.”
“Có khi nào chị nghĩ chồng chị sẽ ly dị với một người bài bạc như chị không?” - “Cũng có thể sẽ tới con đường đó.” Trinh nói.
Trinh cho biết, “Trước đây chồng tôi cũng nói một lần như vậy, cũng khiến tôi chùng lòng được gần 3 tháng. Nhưng khi nghe có người gọi thì máu cờ bạc lại trỗi dậy.” Chị cười buồn.
Trinh nói như vắt lòng, “Có lúc tôi muốn thay đổi, không muốn dính líu đến bài bạc nữa. Nhất là những khi bước ra khỏi sòng bài mà tiền hết sạch. Khi đó bản nhạc 'Tiền khô cháy túi có ai hiểu cho' rất là thấm thía, khiến mình rớt nước mắt. Tự an ủi mình ngày mai mình sẽ bắt đầu cuộc sống mới, đi cắt da lại, đi chà chân lại.”
“Nhưng chỉ cần ngủ qua đêm là con người mình lại trở lại như cũ, có cũng như không, không cũng như có. Sự hớp hồn của sòng bài có sức mạnh vô song.” Trinh khẳng định.
Hiện tại, “đã cố gắng không đi thì thôi, còn đi thì coi như 3 ngày 3 đêm mới về,” Trinh cho biết mức độ chơi bài hiện nay của mình.
“Có lẽ chỉ thay máu thì may ra máu bài bạc đỏ đen mới không còn.” Trinh nói như tự an ủi và sẵn sàng chấp nhận mọi điều có thể xảy ra vì bệnh nghiện bài của mình
(Kỳ 2: Xướng ngôn viên Nhã Lan và câu chuyện tan nát gia đình từ việc đánh bạc của chồng)
---
Liên lạc tác giả: Ngoclan@nguoi-viet.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=169981&zoneid=1#.UfjU-fnCSMI
XNV Nhã Lan và bi kịch từ người chồng nghiện đánh bài Tuesday, July 30, 2013 5:43:10 PM
Cờ bạc - vực thẳm của người nghiện lẫn người thân (Kỳ 2)
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Trở thành người bị “bad credit” hơn 10 năm, không thể tự đứng ra mở một tài khoản điện thoại cho chính mình; căn bệnh suy thận ngặt nghèo quật cô ngã quỵ sớm hơn so với thời gian tiên liệu của bác sĩ; hai đứa bé lên 9 lên 6 phải sống “lủi thủi tự lo cho nhau như những đứa trẻ mồ côi” vì mẹ cứ phải rong ruổi đi tìm bố ở các sòng bài; hiện tại “đứa con gái út ở tuổi thiếu nữ vẫn rất ít nói và có gương mặt trĩu buồn bởi những di chứng tâm lý còn để lại”…
Đó là vài điều trong vô số điều mà Nhã Lan, nữ xướng ngôn viên khả ái của đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV, đã và còn đang phải hứng chịu vì có chồng “lỡ vướng vào con đường nghiện cờ bạc.”
Xướng ngôn viên Nhã Lan của đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
|
Pha trong nước mắt là một sự rắn rỏi và quyết đoán khi cô nói, “Tôi muốn câu chuyện này viết ra có thể khiến cho những ai mới thập thò đưa chân vào con đường bài bạc đọc được và sẽ kịp dừng lại vì di hại của nó là không lường.”
Chuỗi ngày đau khổ bên người chồng nghiện đánh bài trong suy nghĩ “phải thắng được sòng bài” và tâm tư “cao ngạo” của một người vợ muốn dùng tình yêu để thách đố cùng các sòng bài rằng “sẽ mang được bố về cho các con” như một cuốn phim đầy kịch tính, từ từ chiếu lại qua gần 10 tiếng đồng hồ tâm sự của người kỹ sư hãng Boeing có gương mặt và giọng nói thật đặc biệt này.
Sự thật ngỡ ngàng
Chưa bao giờ, thậm chí cả đến khi bước chân vào phòng VIP của sòng bài Commerce, sững sờ nhìn thấy chồng “mặc áo thun đen, jacket khoác ngoài rất bảnh, rất sang” đang ngồi tại đó, Nhã Lan vẫn tin là “anh không có đánh bài, anh đang bàn công việc với những người Đài Loan!” như lời chồng cô giải thích một cách “rất tự nhiên và bình thản” với cô khi đó.
“Làm sao mà tôi tin rằng anh có thể trở thành con bạc được khi mà cả một thời gian dài trước khi cưới nhau, anh ở chung với nhóm bạn bè, cuối tuần nào họ cũng tổ chức đánh bài tại nhà mà có bao giờ anh tham gia đâu.” Nhã Lan giải thích cho sự “ngây thơ” của mình.
Theo dòng ký ức, Nhã Lan bắt đầu câu chuyện từ thời cô và người đàn ông có tên Q.V, chồng cũ của cô, yêu nhau.
“Bốn năm quen nhau ở thời sinh viên, anh là một con người hoàn toàn khác. Anh chỉ biết đi làm, đi học, kiếm tiền gửi về nuôi bố ở Việt Nam vừa ở tù cải tạo ra, lo cho mẹ bị đụng xe và nuôi các em ăn học. Tình yêu của tôi và anh là một tình yêu lãng mạn và lý tưởng.” Người phụ trách chương trình Tản Mạn Văn Học trên đài Little Saigon Radio kể.
Cưới nhau vào cuối năm 1986, Nhã Lan trải qua những năm tháng hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, dù rằng ngay từ đầu chồng cô đã bộc lộ thẳng suy nghĩ của anh là “phi thương bất phú,” và cô cũng sớm nhận ra “anh là một người rất thông minh nhưng láu cá, chỉ muốn làm giàu bằng con đường đi tắt, chứ không muốn đổ mồ hôi nước mắt.”
Đến giờ, Nhã Lan vẫn chưa có câu trả lời là chồng cô lao vào bài bạc tự khi nào và nghiện bài từ bao giờ. Mọi việc chỉ dần hé mở khi người thợ sửa nhà báo cho cô biết “tấm check $10,000 anh ký trả tiền sửa nhà không 'cash' ra được.”
Ngạc nhiên, nhưng đinh ninh rằng tiền mình hãy còn rất nhiều trong ngân hàng vì “thời đó nhà chỉ có khoảng $110,000 một căn mà lương tôi đến $70,000 một năm,” người phụ nữ có khuôn mặt luôn ngơ ngác với cuộc đời này tự ký một tấm ngân phiếu khác, ở một ngân hàng khác, để trả tiền cho nhà thầu.
Tuy nhiên, một lần nữa, cô ngỡ ngàng khi nghe nói “vẫn không lấy tiền được” kèm theo câu “cảnh báo”: “Hãy lên sòng bài Commerce tìm chồng.”
“Tôi đến ngân hàng kiểm tra và không thể nào tin được khi số tiền trong đó là ‘âm’ $4.96.” Nhã Lan nhớ lại.
Nhờ em trai chở đến Commerce Casino theo lời mách bảo, và cô đã nhìn thấy chồng mình ngồi rất đường hoàng trong phòng VIP của sòng bài như thế. Đó là năm 1993.
XNV Nhã Lan, "Tôi và các con đã không thắng nổi ma lực của sòng bài, không thắng nổi suy nghĩ điên rồ của người chồng muốn ăn thua với sòng bài, muốn thắng được sòng bài.” (Hình minh họa: Getty Images)
|
Vũng lầy đầu tiên
Không thừa nhận là mình đánh bài mà chỉ “bàn công việc với khách,” người đàn ông này còn giải thích với vợ về việc lấy sạch tiền trong ngân hàng là vì “Anh đang làm một cú làm ăn lớn nên phải rút hết tiền ra. Làm xong vụ này thì Lan không cần phải đi làm nữa, chỉ đi học, đi du lịch thôi.”
Nhã Lan một mực tin vào lời nói dối của chồng. Đó cũng là thời gian cô bị mất việc ở hãng McDonnell Douglas, nên ban ngày Nhã Lan đi học y tá, chiều về trông nom quán cà phê nhạc do chồng cô sang nhượng lại “nhưng hơn cả năm trời coi lại sổ sách không có lấy được đồng nào đem về.”
Từ lúc này, có những ngày chồng cô không về nhà.
“Thời ấy không có cell phone, chỉ có 'beeper' thôi. Tôi nhắn thì anh gọi lại nói rằng phải chở khách đi coi nhà ở San Diego, bận rộn nên ở lại.” Nhã Lan cho biết quả thực lúc đó chồng cô cũng có làm nghề địa ốc, làm thuế.
Cô kể, “Có một ngày từ quán cà phê trở về, tôi thấy tủ quần áo chất đầy tiền, những tờ tiền $100 cuộn lại, nhiều vô cùng. Không biết tiền ở đâu, tôi cũng không dám nói với ai, ‘beeper’hỏi nhưng không thấy anh trả lời.”
“Thiệt tình lúc đó tôi vẫn không nghĩ rằng chồng mình đánh bạc mà chỉ sợ anh buôn bán ma túy thôi, nhất là khi thấy tiền cất trong tủ quần áo mà không bỏ vào ngân hàng.” Nhã Lan tiếp tục. “Thế nhưng hai ngày sau đi làm về thì lại thấy không còn tiền ở nhà nữa. Tất cả biến mất hết. Tim tôi lại giật thon thót. Ra nhà bank coi thì cũng không thấy có tiền, ngoại trừ tiền thất nghiệp của tôi.”
Sau này, trong một lần tình cờ, Nhã Lan được một người quen, cũng là một người ghiện bài bạc, cho biết số tiền đó là do chồng cô thắng một trận lớn đến cả $50,000.
Mang trong lòng nỗi hoài nghi càng lúc càng lớn nhưng cô không thể nào gặp được chồng để hỏi cho ra lẽ. Một đêm, sau khi đóng cửa tiệm cà phê, nhìn thấy chồng ở nhà “trong dáng vẻ mệt mỏi rã rời và cần nghỉ ngơi,” Nhã Lan xin nghỉ học ngày hôm sau để “ở nhà hỏi chuyện cho ra lẽ vì không làm sao tôi gặp anh được hết.”
Sau khi thuyết phục để chồng “nói thật chuyện gì đã xảy ra” thì cô được biết “anh đã thua hết tiền rồi và lý do anh đi miệt mài như vậy là để tìm đúng số tiền $120,000 về trả lại cho Lan. Anh sợ vợ con sẽ bỏ anh.”
Bàng hoàng trước sự thật đó, nhưng người phụ nữ luôn tin vào tình yêu lãng mạn này vẫn khuyên chồng “Hãy quên số tiền đó đi! Hãy đi vào hãng tìm việc làm, dù lương thật thấp cũng được, nhưng công việc bận rộn sẽ không cho mình có thời gian rảnh rỗi để nghĩ đến chuyện đi đánh bài nữa.”
Cô nhớ lại, “Anh đau khổ, anh khóc, anh hứa hẹn, anh ở nhà, lại chở con đi học, đi chơi, nấu ăn cho vợ. Khi không đi đánh bài, anh là một con người khác hẳn, một người chồng tốt, một người bố rất mực thương con, lo cho con.”
Và đó chính là một trong những lý do khiến Nhã Lan kéo dài cuộc hôn nhân cho đến cuối năm 2000, sau 7 năm khám phá ra chồng mê cờ bạc.
Tình yêu mãnh liệt "thua" ma lực của sòng bài
Sau khi biết chồng nghiện bài bạc, cùng những điều nghe được từ bạn bè quen biết, Nhã Lan quyết tâm phải bằng mọi cách “hoán cải, kéo chồng trở về.”
Nhã Lan tâm sự, “Khi đó, tôi tin vào tình yêu mãnh liệt của mình đối với chồng, tôi tin vào lòng yêu quý bố của hai đứa con tôi sẽ giữ chân được chồng tôi.”
“Nhưng, cuối cùng, tôi và các con đã không thắng nổi ma lực của sòng bài,” không thắng nổi suy nghĩ điên rồ của người đàn ông “muốn ăn thua với sòng bài, muốn thắng được sòng bài.”
Gần một năm rưỡi, Nhã Lan cứ phải sáng đi học, chiều lại trông quán cà phê kiếm thêm thu nhập, tối về đi khắp các sòng bài Commerce, Bicylce, Nordmandie, rồi Hollywood Park để tìm chồng.
“Đứa con gái lớn của tôi khi đó suốt ngày mặc cái áo thun bố mua cho vì 'đó là áo bố mua và con mặc để đỡ nhớ bố.' Nó lại viết những mẩu giấy nhỏ 'Chúa ơi ngôi sao nào tìm bố về cho con?' rồi bảo 'mẹ cầm cái này đưa cho bố, nói tụi con nhớ bố.'” Cô nói trong nước mắt.
Nhã Lan nhớ lại, “Thật ra anh đánh có lúc thắng có lúc thua, nhưng tiền trong checking, trong saving đều hết sạch sẽ. Những lúc thua bạc trở về, cũng có khi bị xã hội đen đánh bầm tím mặt, anh khóc, anh ân hận, anh muốn có ai chặt tay anh đi để không còn có thể đánh bài nữa. Những lúc anh như thế, cả nhà vui lắm, vì các con tôi rất thương anh. Nhìn anh ở nhà chăm sóc các con, tôi thầm nghĩ giá cứ như thế thì lâu lâu anh đi đánh một trận vài trăm đồng rồi về tôi cũng chấp nhận.”
Thế nhưng!
“Chỉ chừng một tuần, khi tiếng 'bíp bíp' từ beeper vang lên là anh lại đi. Có lần anh chở con bé đi học bơi, rồi nói với nó là anh đi mua kẹo cho nó nhưng anh quên nó luôn để đi đánh bài biền biệt cả tuần, cả tháng.”
“Có đêm anh trở về, mắt anh long lên sồng sọc, tôi nghĩ anh không còn là anh nữa mà con ma cờ bạc đã nhập vào anh. Đó là những đêm tôi mất ngủ. Và các con tôi cũng không ngủ.” Người xướng ngôn viên quen thuộc với nhiều khán thính giả ưu ái tiếp tục câu chuyện khi màn đêm đã xuống.
Ma lực của sòng bài, của những tiếng xúc xắc, của những lần thắng bạc có sức mê hoặc và quyến rũ lạ lùng.
Từng vướng vào vòng lao lý khi FBI điều tra một đường dây “gian lận thẻ tín dụng của người Á Châu,” phải đi học lớp cai nghiện cờ bạc, phải ra vào trình diện cảnh sát, phải đeo còng điện tử ở chân... thế nhưng nỗi ngại ngùng, sợ hãi đó dường như đều biến mất khi con nghiện bài trỗi lên.
Cô nhớ, “Có lần tôi bế con bé nhỏ, chân không mang dép, chạy theo níu áo anh lại, năn nỉ anh đừng đi nhưng anh vẫn nhất định đi nói là để mang tiền về trả lại cho tôi. Có lúc anh cầm dao rượt tôi chạy trong garage. Có lần anh vung tay hất tôi để anh đi khiến mắt tôi sưng bầm mà tôi vẫn không dám đi bệnh viện vì sợ cảnh sát sẽ hỏi. Tôi không bao giờ muốn anh bị bắt.”
Thậm chí có lần căn bệnh suy thận của Nhã Lan trở nên trầm trọng, bác sĩ yêu cầu cô phải vô bệnh viện để theo dõi bệnh tình. Vậy mà, “Ngày tôi về, dù đã dặn dò trước nhưng anh vẫn mải miết ngồi trên sòng bài mà quên đón tôi. Chưa hết, vừa vào đến nhà thì điện thoại từ ngân hàng cũng gọi về báo cho biết có hai tấm check rút số tiền $10,000 ký tên chồng tôi. Sau đó, khi chứng từ ngân hàng gửi về, tôi biết ngay trong đêm tối tôi vào bệnh viện, anh đã đi đến sòng bài để đánh bạc và thua tiếp.” Nhã Lan chua chát.
XNV Nhã Lan, "Tôi muốn câu chuyện này viết ra có thể khiến cho những ai mới thập thò đưa chân vào con đường bài bạc đọc được và sẽ kịp dừng lại vì di hại của nó là không lường." (Hình minh họa: gamblingtreatment.net)
|
Bi kịch chồng chất bi kịch
Không chỉ là chuyện Nhã Lan bắt đầu “nợ như chúa chổm” vì “anh mượn nợ hay cầm xe rồi thì cứ đưa số điện thoại của tôi cho họ đòi” mà “cả gia đình đều xa lánh và từ tôi vì họ nói tôi quá mê muội khi cứ níu kéo cuộc hôn nhân này.”
Tuy nhiên, điều khiến Nhã Lan đau đớn nhất cho đến bây giờ, chính là những “di hại để lại trên những đứa bé con.”
“Mẹ mải miết đi làm, đi tìm bố, ở nhà con bé 9 tuổi phải tắm cho con bé 6 tuổi, tự học một mình, thui thủi chơi với nhau, có khác gì những đứa trẻ mồ côi đâu.” Cô nghẹn ngào.
Và còn gì khiến người mẹ quặn lòng hơn khi chứng kiến cảnh con mình vào tiệm kem chỉ chọn cây cà rem $1, trong lúc các anh chị em họ của nó mua mỗi ly kem với giá $3-$4, và còn nói với em, “Mẹ hết tiền rồi, đừng đòi mẹ mua gì quá $1, mẹ phải để dành tiền cứu bố.”
“Tôi từng ước ao tôi sẽ là một người mẹ yêu con, thương con, tôi sẽ là người dạy con tôi học, chơi với nó, ôm ấp vỗ về nó. Nhưng từ khi con bé lên 3 tuổi là tôi đã không còn làm được những điều đó nữa. Chúng như cỏ dại mọc bên đường. Các con lớn lên không trở thành những đứa trẻ nổi loạn và hư hỏng là một phép nhiệm màu, là sự may mắn của tôi.”Trong đêm, tiếng của người mẹ tự vấn nghe điếng lòng.
Cô bật khóc, “Tôi đã không đóng tròn vai làm một người mẹ. Chúng thiếu cha và thiếu luôn cả mẹ. Tôi chỉ muốn thách đố với sòng bài, muốn 'tận nhân lực tri thiên mệnh' nhưng cuối cùng tôi phải nói với con tôi rằng 'mẹ không đủ sức để mang bố về cho các con'.”
Nhã Lan tâm sự, “Nếu quay trở lại, tôi cũng sẽ không ly dị anh liền, tôi vẫn cho anh cơ hội và thời gian sửa đổi nhưng tôi sẽ biết dừng sớm hơn để dành thêm thời gian lo cho hai con tôi.”
Năm 2000, khi chuẩn bị làm hồ sơ 'refinance” lại ngôi nhà, Nhã Lan mới biết mình là một con nợ lớn của các ngân hàng và điểm tín dụng của cô xấu một cách tệ hại.
“Thì ra là từ những năm trước đó, hết tiền hết bạc, anh đã dùng tên và số an sinh xã hội của tôi để mở gần 20 thẻ tín dụng và cái nào cũng xài đến cạn kiệt mà nợ không trả. Ngày đó tôi đi làm miệt mài không có thời gian ở nhà để mà kiểm tra thư từ gửi đến. Anh lấy và cất hết.” Cô kể.
Không còn lựa chọn nào khác, Nhã Lan quyết định ly dị với người đàn ông này, kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 15 năm, với một nửa thời gian trong đó là bi kịch của một người vợ có chồng nghiện bài bạc.
“Chồng cũ của tôi có thể buồn vì nghĩ rằng tôi nói xấu anh nhưng tôi biết mình cần phải nói để đừng ai bị rơi vào hoàn cảnh như thế. Con người khi đã rơi vào nghiện cờ bạc đã không còn là con người bình thường nữa. Làm sao anh đổi được ánh mắt của mọi người đối với anh?”
Hơn 10 năm chia tay với người chồng Nhã Lan từng yêu thương và tôn thờ, nhưng nỗi đau ngày nào dường như vẫn còn nhiều lắm nơi một góc lòng cô, âm ỉ.
Bên ngoài, trời vẫn còn chìm trong bóng tối, dù rằng đêm đã bước sang ngày mới...
---
Liên lạc tác giả: NgocLan@Nguoi-viet.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=170231&zoneid=1#.UfjVkvnCSMI
Geen opmerkingen:
Een reactie posten