dinsdag 30 juli 2013

Lần đầu tiên tạo được tế bào gốc từ da người

Thứ hai 29 Tháng Bẩy 2013

Lần đầu tiên tạo được tế bào gốc từ da người

Tế bào gốc
Tế bào gốc
AFP

Trọng Thành
Theo AFP, 16/05/2013, lần đầu tiên các nhà khoa học Mỹ tạo được các tế bào gốc của phôi thai người từ các tế bào da, bằng clonage tức kỹ thuật nhân bản vô tính. Đây là lần đầu tiên việc tạo ra tế bào gốc được ghi nhận là thành công, sau một loạt các nỗ lực đầy hứa hẹn trong những năm vừa qua. Kết quả nghiên cứu kể trên được công bố trên tạp chí mạng Cell.


Các tế bào gốc của phôi thai là những tế bào duy nhất có thể tự phân chia để tạo ra tất cả các loại tế bào chuyên biệt khác trong cơ thể con người, với tổng số khoảng hơn 200 loại. Việc tế bào gốc có khả năng sinh sản vô hạn khiến cho việc nắm được kỹ thuật tạo ra tế bào này sẽ mang lại tiềm năng trị liệu hết sức to lớn.
Việc làm chủ được các tế bào gốc đặc biệt hứa hẹn trong việc chữa trị các căn bệnh cho đến nay được coi là không thể chữa khỏi, như bệnh Parkinson, bệnh xơ cứng từng mảng trong hệ thần kinh trung ương, một số căn bệnh tim mạch và các tổn thương ở tủy sống...
Thành công vừa rồi là của nhóm nghiên cứu tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon, do ông Shoukhrat Milatipov lãnh đạo. Thành công này tiếp nối một thành quả trước đó vào năm 2007, với việc chuyển các tế bào da của loài khỉ thành tế bào gốc bào thai.
Kỹ thuật nhân bản vô tính đã được các nhà nghiên cứu sử dụng để thực hiện việc này : Dùng nhân các tế bào da, cụ thể trong trường hợp này là nhân tế bào da có chứa ADN của một bé sơ sinh 8 tháng tuổi, để chuyển nó vào trong các trứng mà những phụ nữ tình nguyện cung cấp. Các trứng này tạo ra các phôi thai, là nơi từ đó các tế bào gốc được chiết xuất ra.
Bác sĩ Militapov giải thích : « Các tế bào gốc đạt được bằng kỹ thuật này cho thấy khả năng tự phân chia thành các loại tế bào khác nhau, như tế bào thần kinh, tim và gan, giống như các tế bào gốc của một bào thai được hình thành theo con đường bình thường ».
Bác sĩ Militapov nhấn mạnh là việc các tế bào gốc « được tái lập trình » có thể được lấy từ chính vật liệu di truyền của một người bệnh, nên nếu áp dụng việc cấy ghép, sẽ không có vấn đề cơ thể người bệnh đào thải chúng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là « còn nhiều chặng đường phải vượt qua, trước khi đạt được các trị liệu chắc chắn và hiệu quả ».
Một ưu điểm của kỹ thuật mới này là sẽ không sử dụng các phôi thai đã được thụ tinh. Việc dùng phôi thai thụ tinh, đồng nghĩa với việc phá hủy bào thai, đặt ra các vấn đề đạo lý rất hệ trọng.
Kể từ khi Dolly, con cừu vô tính đầu tiên, ra đời tại Anh quốc năm 1996, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật colonage với khoảng 20 giống loài, như dê và thỏ, tuy nhiên chưa bao giờ thành công trong thực nghiệm với khỉ hay các loài linh trường khác, bởi cơ chế nhân bản sinh học của chúng phức tạp hơn nhiều.
Bước tiến mới đây trong việc nhân bản vô tính để tạo các tế bào gốc của phôi thai không mở ra con đường cho việc thực hiện các kỹ thuật nhân bản vô tính với loài người. Đây là điều mà ông Dan Dorsa, giám đốc nghiên cứu của Đại học nơi thành công trong kỹ thuật tạo tế bào gốc nói trên, nhấn mạnh. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù kỹ thuật này được sử dụng để nhân bản vô tính các tế bào gốc (nhân bản vì mục tiêu trị liệu), về nguyên tắc phương pháp này không cho phép tạo ra được các nhân bản vô tính người (tức nhân bản vì mục tiêu sinh sản).
Thực tế là, từ nhiều năm nay, các nghiên cứu về kỹ thuật tạo ra tế bào gốc trên khỉ đã không cho phép tạo ra các con khỉ vô tính, và điều này chắc chắn sẽ không cho phép làm như vậy đối với con người. Giám đốc nghiên cứu đại học Oregon nói rõ : « Tính chất mong manh của các tế bào người, như nghiên cứu mới đây cho thấy là một cản trở quan trọng đối với sự phát triển của kỹ thuật nhân bản vô tính ».
Mặc dù vậy, những người phản đối kỹ thuật nhân bản vô tính đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ nghiên cứu này, cũng như các tiềm năng của nó. Đối với hội đồng giám mục Công giáo Mỹ, các công trình này « sẽ có thể được các nhà khoa học khác sử dụng nhằm tạo ra các trẻ em bằng phương pháp nhân bản vô tính », như phát biểu của Hồng y Boston Sean O’Malley. Bất kể mục tiêu nào, theo giáo hội Công giáo Mỹ, « nhân bản vô tính con người đồng nghĩa với việc coi người như các vật phẩm, và có thể được chế biến tùy theo ý muốn của những người khác ».

http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20130729-lan-dau-tien-tao-duoc-te-bao-goc-tu-da-nguoi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten