woensdag 31 juli 2013

Trí thức Việt Nam tại Pháp đưa kiến nghị về vụ Điếu Cày tuyệt thực

Thứ ba 30 Tháng Bẩy 2013

Trí thức Việt Nam tại Pháp đưa kiến nghị về vụ Điếu Cày tuyệt thực

Blogger Điếu Cày trong phiên tòa ngày 24.09.2012
Blogger Điếu Cày trong phiên tòa ngày 24.09.2012
DR

Trọng Thành
Chiều ngày 29/07/2013, một nhóm các nhân sĩ trí thức Việt Kiều tại Pháp đã tới tòa đại sứ Việt Nam ở Paris để đề nghị cơ quan này chuyển về nước « Yêu cầu Chủ tịch Nước và Chính phủ Việt Nam khẩn cấp giải quyết vụ tuyệt thực của blogger Điếu Cày (tức ông Nguyễn Văn Hải) ». Vụ người tù lương tâm Nguyễn Văn Hải, hiện đang bị giam tại Nghệ An, tuyệt thực đã gần 40 ngày, được công luận khắp nơi quan tâm.


Trả lời RFI Việt ngữ, Giáo sư vật lý học Phạm Xuân Yêm, một thành viên trong nhóm nhân sĩ trí thức tới đại sứ quán Việt Nam thuật lại sự kiện này và giải thích lý do vì sao ông đã ký tên và tham gia vào đoàn chuyển đề nghị nói trên.
Giáo sư Phạm Xuân Yêm (Paris)
 
30/07/2013
 
 
GS Phạm Xuân Yêm : "15 giờ hôm nay, ngày thứ Hai, 29/07, chúng tôi khoảng 10 người, phần lớn là nhà khoa học, chúng tôi đến tòa đại sứ. Chúng tôi là những người sống ở bên Pháp, ký tên vào những bản yêu cầu đó, để góp phần vào với những nhân sĩ ở trong nước, để làm thế nào để thông điệp này đến được sớm nhất với chính quyền, để chính quyền nhanh chóng giải quyết gấp rút sinh mạng của một con người yêu nước.
Những người đã ký tên vào bản Yêu cầu chính quyền xử lý đối với vụ blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, xử lý để đừng cho ông ấy tuyệt thực, như vậy thì có những hậu quả khôn lường, nếu có những mệnh hệ nào. (…) để cho người ta phải tuyệt thực vì người ta thấy là tuyệt vọng rồi.
Mà ông ấy có cái tội tình gì, ngoài cái chuyện cảnh báo cái âm mưu của Trung Quốc, mà chính ông Chủ tịch và chính quyền cũng đã nói thấp thoáng những chuyện đó rồi, mà tại sao lại bắt bớ ông ấy, để ông ấy phải tuyệt thực để phản đối cái chuyện này ? Đấy là mục đích của những người Việt kiều sống ở bên Pháp hôm nay đưa lên tòa đại sứ yêu cầu mà mạng bô xít đã đăng lên.
Trong cái yêu cầu đó, việc đầu tiên chúng tôi muốn nhấn mạnh là ông Điếu Cày không có việc gì gọi là chống đối lật đổ chính quyền, mà chính quyền lại bắt tội ông ấy như vậy, mà ông ấy chỉ nói lên tiếng nói của một người yêu nước đứng trước hiểm họa xâm nhập mềm của Trung Quốc, nhất là về Biển Đông, về bô xít Tây Nguyên, về thực phẩm an toàn, đủ các thứ… mà chính quyền (trong hành động của mình) không gây lại được cho nhân dân lòng tin (họ) là người yêu nước.
Thứ hai nữa, Việt Nam hiện nay đang là ứng cử viên vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ, rõ ràng đây là một xâm phạm nhân quyền đối với nhân dân Việt Nam, đặc biệt đối với ông Điếu Cày, và còn hàng mấy trăm blogger nữa, họ không có quyền tự do nói lên ý kiến của mình thội. Chứ họ cũng không nói gì khác.
Thứ ba là được lòng dân, thì được tất cả, như là trong cuốn sách của ông Nguyễn Huệ Chi, ông ấy nói về văn học cổ, cận đại Việt Nam, ở trang 666. Nói về vụ ông Lê Lợi (Lê Thái Tổ), với sự hợp tác của những trí thức, đặc biệt là ông Nguyễn Trãi, để mà trong vòng có 20 năm, chống lại được sự đô hộ của nhà Minh. Được lòng dân như vậy ! Tôi mong rằng chính quyền, những ông nắm quyền trong Bộ Chính trị, và kể cả trong Ủy ban trung ương, các vị để dành một chút thời gian đọc lại lịch sử, về vụ Lê Lợi được lòng dân như thế nào, mà đi từ một nước nô lệ, giải phóng được, mong rằng (chính quyền) có một thái độ rõ ràng hơn đối với Trung Quốc.
Chúng tôi mong là làm thế nào thông điệp này đến được chính quyền, bằng nhiều cách càng tốt. Thời buổi internet này, chúng tôi thấy có bổn phận phải báo động đến tòa đại sứ, là người đại diện của chính quyền ở bên Pháp, thì lẽ rất tự nhiên là chúng tôi đưa đến, để mong họ tiếp nhận và chuyển ngay về chính quyền trong nước. Chúng tôi muốn báo động việc này, vì ông Điếu Cày tuyệt thực đến một tháng giời. Sinh mạng ông ấy như ngọn đèn trước gió. Tiếng nói của lương tâm thôi, thấy một người yêu nước trong một hoàn cảnh bi đát như thế này, làm sao mà có thể thờ ơ được ? Làm sao mà có thể vô cảm được ?
Thế thì họ bảo rằng, hôm nay bất thình lình họ không dám nhận. Họ bảo thôi thì cứ để trong hộp thư. Và họ hứa rằng là họ sẽ chuyển. Chúng tôi tin họ sẽ làm như họ đã hứa với chúng tôi."
Vụ ông Nguyễn Văn Hải tuyệt thực trong tù để phản đối các hành động đàn áp của chính quyền, mới chỉ được biết đến vào trung tuần tháng 6/2013 sau khi được nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một bạn tù, thông báo ra ngoài. Kể từ đó đến nay, bất chấp việc gia đình và thân hữu ông Hải liên tục yêu cầu, chính quyền không có biện pháp nào để làm sáng tỏ tình hình này. Chỉ một lần duy nhất, ngày 22/07/2013, con trai của ông Nguyễn Văn Hải được cho phép vào gặp bố trong vòng 5 phút, sau đó anh Nguyễn Trí Dũng thuật lại rằng sức khỏe ông rất yếu.
Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải được coi là một trong những nhà báo công dân đi đầu trong việc cất lên tiếng nói chỉ trích chính quyền trong một loạt các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, dân chủ, môi trường… Cuối năm 2012, ông bị tòa phúc thẩm Việt Nam y án 12 năm tù giam, 5 năm quản chế.
Trước nguy cơ tính mạng Điếu Cày bị đe dọa, cuối tuần trước, các nhân sĩ trí thức Việt Nam đã công bố trên mạng boxitvn.net yêu cầu các lãnh đạo Việt Nam có biện pháp giải quyết khẩn cấp việc này. Cho đến ngày Chủ nhật, 28/07, và cũng là ngày đóng mục ký tên, bản yêu cầu này đã nhận được chữ ký của hơn 600 người, sống tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng.
Cũng liên quan đến ông Nguyễn Văn Hải, ngày 29/07/2013 lần đầu tiên một tờ báo của Nhà nước Việt Nam, tờ Công an Nhân dân, có bài viết « Lật tẩy ‘‘chiêu tuyệt thực’’ của Nguyễn Văn Hải », để phản bác việc ông Hải tuyệt thực là có thật.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI hôm qua, bà Dương Thị Tân, thân nhân ông Nguyễn Văn Hải cho biết : « Hôm nay đã bước sang ngày thứ 37 » mà chính quyền chưa hề « ra một thông báo rõ ràng » về chuyện này, cho dù bà đã gõ cửa một loạt các cơ quan tư pháp và công an tại Vinh và Hà Nội.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130730-tri-thuc-viet-nam-tai-phap-dua-kien-nghi-ve-vu-dieu-cay-tuyet-thuc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten