zondag 19 mei 2013

Triều đại Marcos trở lại chính trường ?

Thứ bảy 18 Tháng Năm 2013

Triều đại Marcos trở lại chính trường ?

Bà Imelda Marcos và con gái Imee  (Reuters)
Bà Imelda Marcos và con gái Imee (Reuters)

Lê Vy
Liên quan đến tình hình tại châu Á, báo Libération có bài nhận định về cuộc bầu cử tại Philippines diễn ra vào ngày 13/05 vừa qua. Theo tờ báo, triều đại của gia đình cựu độc tài Marcos đã dần dần giành lại quyền lực chính trị. Kết quả cuộc bầu cử cho thấy gia đìinh Marcos vẫn còn ảnh hưởng rất lớn tại các miền phía bắc. 


Gia đình cựu độc tài Ferdinand Marcos bị hất chân ra khỏi chính trường từ năm 1986. Qua cuộc tổng tuyển cử vừa rồi, gia đình ông đã giành thắng lợi trong các ghế mà gia đình ông tranh cử. Ở tuổi 83, bà Imelda, góa phụ của cựu độc tài Marcos vừa trở thành nghị sĩ quốc hội với 88% phiếu bầu, trong lãnh thổ của chồng bà, một tỉnh phía Bắc.
Con gái bà, là Imee, thừa hưởng một truyền thống độc tài của người cha, hiện đang giữ chức vụ thống đốc tại tỉnh Ilocos Norte. Angelo Barba, một trong những anh em họ của Imee cũng được bổ nhiệm vào chức phó thống đốc tại tỉnh này. Một nhân vật khác trong gia đình là con trai bà, Ferdinand Marcos Jr., là một thượng nghị sĩ và đang có ý định tranh cử tổng thống năm 2016.
Bài báo còn nhắc lại lịch sử của gia đình ông Marcos, trong suốt quá trình trị vì đất nước cho đến lúc bị đảo chính và phải trốn sang Mỹ. Dưới chế độ độc tài Marcos, người dân đã từng xuống đường đấu tranh lên án một chính sách gia đình trị, nạn tham nhũng và các chi tiêu xa xỉ. Khi ông Marcos trốn sang Mỹ, người dân mới phát hiện ra hàng chục tỷ đô-la biển thủ công quỹ nhà nước. Sau đó chỉ lấy lại được 4 tỷ, còn cơ may lấy lại 6 tỷ kia rất xa vời.
Các vụ tai tiếng của gia đình Marcos lẽ ra phải để lại những dấu ấn trong cử tri. Thế nhưng, người dân đã chóng quên đi. Tại nước này, một nửa dân số dưới 20 tuổi. Hơn nữa, quyền lực của các gia đình chính trị rất lớn từ cuối thế kỷ 19. Không riêng gì gia đình Marcos, các gia đình chính trị gia khác cũng mua các phiếu bầu.
Ferdinand Ignacio, đối thủ của bà Imelda Marcos trong lần bầu cử này lên án : « Họ không được dân tín nhiệm mà chính là họ đã mua chuộc dân chúng. »
Đảng Dân chủ của tổng thống Benigno Aquino và đồng minh của ông chiến thắng áp đảo, giành phần lớn số ghế trong hai Viện. Một chuyên gia nhận định : « Thắng lợi của Tổng thống trước tiên nhờ vào việc ông tấn công vào nạn tham nhũng mà ông đã đẩy lùi. Hơn nữa, cái tên tuổi huyền thoại của dòng họ Aquino phần nào cũng góp phần cho chiến thắng của ông ». Theo nhận định của một nhà phân tích chính trị thì « ông đã khéo léo tạo nên một hình ảnh một nhà lãnh đạo tốt ». Thế nhưng vẫn chưa có gì thực sự thay đổi tại đất nước này đặc biệt là nạn đói nghèo vẫn chưa bị đẩy lùi.
Hành động ‘‘giảng hòa’’ của tổng thống Hàn Quốc
Vẫn liên quan đến thời sự châu Á, báo Le Monde hôm nay đăng bài cho biết nữ tổng thống Hàn Quốc tưởng niệm cuộc trấn áp tại Gwangju vào năm 1980, sau cuộc nổi dậy chống chế độ độc tài quân sự.
Khác với các tỉnh thành của đất nước Hàn Quốc, tại thành phố Gwangju, nữ tổng thống đã không vơ trọn được các lá phiếu vào đợt bầu cử năm 2012. Dân chúng tại đây vẫn còn chờ đợi nơi bà một lời giảng hòa bởi kỷ niệm năm xưa vẫn còn in sâu trong ký ức người dân. Ngày 18/05/1980, làn sóng biểu tình của người dân vì nền dân chủ đã bị đàn áp tàn nhẫn. 30 năm sau vụ trấn áp trong vòng 10 ngày, kỷ niệm đau buồn vẫn không vơi đi tại tỉnh này. Tòa thị chính có hai tòa nhà, một tòa 5 tầng và một tòa 18 tầng như ám chỉ sự kiện này. Để tưởng nhớ vụ thảm sát, Hàn Quốc đã xây dựng nghĩa trang quốc gia.
Cuộc nổi dậy tại Gwangju chính là những hy vọng cho một nền dân chủ sau khi tổng thống Park Chung-hee bị ám sát vào 10/1979. Sau đó, cuộc đảo chính đưa tướng Chun Doo-hwan lên nắm chính quyền và chế độ thiết quân luật được áp đặt từ ngày 17/05/1980. Ngày hôm sau, Gwangju nổi dậy phản kháng. Quân đội can thiệp. Binh lính dùng dùi cui và lưỡi lê đẩy lùi đám đông. Mặc dù ra tay trấn áp, nhưng sau đó binh lính buộc phải rút khỏi Kwangju, thành phố hoàn toàn do người dân kiểm soát.
Cuối cùng thì sau khi được Mỹ bật đèn xanh vào ngày 26/05, chính quyền tung ra 20 000 lính nhảy dù xuống Gwangju. Cuộc trấn áp thật khủng khiếp đã làm thiệt mạng hàng trăm người trong đó có nhiều sinh viên. Từ đó, Gwangju trở thành biểu tượng cho đấu tranh vì dân chủ.
Châu Âu cáo buộc Trung Quốc chơi xấu trên thương trường
Báo Le Monde hôm nay có bài viết cho biết Bruxelles muốn kiểm tra các khoản trợ cấp công cộng và các khoản cho vay rẻ mạt mà một số tập đoàn viễn thông Trung Quốc được hưởng. Hành động này nhằm thống lĩnh thị trường viễn thông ngay cả những công ty đang thua lỗ.
Vài ngày gần đây, căng thẳng trao đổi mậu dịch giữa châu Âu và Trung Quốc lại nảy sinh từ ba vụ tranh cãi thương mại như trong lĩnh vực viễn thông, pin mặt trời, đồ gốm sứ… 27 nước thuộc Liên hiệp châu Âu đã thông qua vào cuối năm 2012 một loại thuế chống phá giá đánh lên hàng nhập khẩu gốm sứ có nguồn gốc từ Trung Quốc, kéo dài trong 5 năm.
Ngày 08/05 vừa qua, Liên Hiệp châu Âu còn đặt thêm một loại thuế chống phá giá của các pin sản xuất năng lượng mặt trời nhập từ Trung Quốc và tiến hành điều tra chống trợ cấp mặt hàng này. Để trả đũa, Trung Quốc tuyên bố tiến hành điều tra chống phá giá trên các loại « thép ống», mặt hàng xuất khẩu chính của châu Âu.
Thâm hụt thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc không ngừng gia tăng. Châu Âu bị nhập siêu so với Trung Quốc đến 120 tỷ euro vào năm 2011. Đây chính là một vấn đề vừa mang tính kinh tế và chính trị. Công dân châu Âu hy vọng các nước mở cửa thương mại cho nhau như họ đã mở cửa đón các nước khác.
Một biện pháp cuối cùng đầy tính địa chính trị mà châu Âu dự tính tung ra vào giữa tháng 6 tới, đó là thương lượng một Hiệp ước tự do thương mại với Hoa Kỳ. Ý đồ đằng sau hành động này chính là chống lại sự trỗi dậy manh mẻ của Trung Quốc trên thương trường thế giới. Tuy nhiên, Bruxelles cũng không loại trừ khả năng đi đến một Hiệp định tự do mậu dịch với Trung Quốc với điều kiện Trung Quốc cần mở cửa hơn nữa thị trường của mình.
Với đầy thiện chí, châu Âu đang đợi phản ứng của Trung Quốc trước khi tiến hành điều tra về các trang thiết bị viễn thông. Đây chính là động thái cho thấy châu Âu muốn thương lượng nhằm đưa ra giải pháp hòa giải. Phía Bắc Kinh, bộ trưởng Thương mại nhắc nhở rằng ông chờ đợi những đề nghị từ phía Liên hiệp châu Âu để đóng lại các hồ sơ đang tranh cãi về viễn thông.
Thủ tục hành chính Pháp : Không trả lời khiếu nại tức là chấp nhận
Báo Le Monde ra ngày hôm nay đặc biệt quan tâm đến một cải cách trong các thủ tục hành chính Pháp. Trước đây, các khiếu nại không được trả lời xem như bị bác bỏ. Ngày nay, nguyên tắc này sẽ bị đảo ngược lại : tức là mọi đơn khiếu nại không nhận được câu trả lời thì sẽ được chấp thuận.
Tổng thống Hollande vừa công bố một cải cách nho nhỏ trong mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính và công dân. Theo ông thì : « Im lặng tức là đồng ý ». Một văn bản luật sẽ được trình vào tháng 9 để giới hạn các lĩnh vực có thể áp dụng luật mới này. Tổng thống Hollande khẳng định rằng dự luật trên liên quan đến « đời sống hằng ngày » nhưng không xác định gì thêm. Theo đó, giới hành pháp sẽ tìm cách làm đơn giản hóa các thủ tục của người dân và các công ty.
Cho đến giờ, các cơ quan hành chính Pháp vẫn còn thi hành một nguyên tắc cũ được ban hành vào năm 1864 dành cho những cầu viện đến bộ trưởng. Sau đó, luật này được áp dụng rộng ra nhờ vào một đạo luật ra đời ngày 7/7/1900. Trong một thời hạn cho phép, nếu hành chính không trả lời tức là khiếu nại của người dân bị từ chối. Theo giáo sư công luật thuộc đại học Poitier, ông Emmanuel Aubin giải thích : Mục đích của đạo luật này là giúp cho người dân có phương tiện cầu cứu cấp cao khi gặp phải trường hợp các cơ quan hành chính cứ dậm chân tại chỗ không giải quyết hồ sơ của họ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng nguyên tắc này cũng loại trừ một số trường hợp cá biệt như quy hoạch đô thị và quyền sử dụng đất.
Biện pháp mà tổng thống Hollande đưa ra đã thay đổi cách vận hành ngành hành chính. Từ nay, các cơ quan phải chú tâm hơn đến các hồ sơ khiếu nại và giải quyết nhanh chóng các vụ việc vì nếu không trả lời tức là khiếu nại sẽ được chấp thuận.
Trong quá khứ, một thông tư ban hành vào năm 1996 mời gọi các bộ trưởng xác định các lĩnh vực có thể áp dụng nguyên tắc : « im lặng chính là đồng thuận ». Một đạo luật ra đời sau đó vào tháng Tư năm 2000 đã lấy lại ý định này và quy định một số hạn chế như : các lĩnh vực có liên quan phải được trình trước lên « Hội đồng nhà nước » và không được vi phạm các nguyên tắc cơ bản (trật tự công cộng, tự do cá nhân, vân vân)
Tuyên bố của ông Hollande làm cho phía công đoàn bối rối. Công đoàn CFDT đặt câu hỏi : Làm cách nào để trả lời các hồ sơ đúng thời hạn ? Công đoàn FO quan ngại cải cách của tổng thống sẽ chấp thuận một số dự án chứa nhiều rủi ro, khập khiễn về mặt pháp lý. Một số cá nhân có thể ơt trong tình trạng phạm pháp do thiếu kiểm duyệt ban đầu.
Pháp : Luật hôn nhân đồng tính có hiệu lực
Trở lại tình hình thời sự tại Pháp, cuối cùng thì luật hôn nhân đồng tính bắt đầu có hiệu lực. Báo chí, hôm nay cũng khá quan tâm đến sự việc này. Báo Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : « Hội đồng Bảo hiến đã chấp thuận hôn nhân đồng tính ». Trang bên trong của tờ báo thì đăng bài : « Hôn nhân đồng tính : tổng thống Hollande nhanh chóng ban hành ». Báo Aujourd’hui en France đăng tựa lớn : « Hôn nhân gay : lần này được chấp thuận ».
Theo báo Le Figaro, tổng thống ra lệnh theo dõi việc thi hành luật này trên khắp đất nước. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo hiến thì khuyến cáo các cặp đồng tính phải trong trường hợp muốn có con nuôi, thì trước hết nên nghĩ tới quyền lợi của đứa bé thay vì nghĩ tới lợi ích bản thân. Đấy là điều mà các cặp đồng tính cần ý thức được.
Về phe của những người phản đối hôn nhân đông tính, họ lại kiên quyết hơn và dự định lại tập hợp biểu tình trên đường phố để tiếp tục phản đối luật hôn nhân đồng tính vào ngày 26/05 tới.

http://www.viet.rfi.fr/phap/20130518-trieu-dai-marcos-tro-lai-chinh-truong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten