dinsdag 7 mei 2013

Chính sách biệt đãi người Mã Lai gây tranh cãi

Thứ hai 06 Tháng Năm 2013

Chính sách biệt đãi người Mã Lai gây tranh cãi

Một văn phòng của liên minh cầm quyền Barisan Nasional (BN) tại Chew Jetty (REUTERS /Samsul Said)
Một văn phòng của liên minh cầm quyền Barisan Nasional (BN) tại Chew Jetty (REUTERS /Samsul Said)

Arnaud Dubus / Mai Vân
Cuộc tổng tuyển cử vào hôm qua, 05/05/2013 tại Malaysia là một thời điểm lịch sử tại nước này. Bất kể kết quả ra sao, sự kiện đó đã ghi đậm dấu ấn trong tâm trí mọi người do tính chất căng thẳng của những cuộc tranh luận trong thời gian vận động tranh cử liên quan đến sự đúng đắn của chính sách phân biệt đối xử tích cực tại Malaysia hoặc tại bất kỳ nước nào khác trong năm 2013.


Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok
 
06/05/2013
 
 
Chính sách này được đảng cầm quyền tại Malaysia từ ngày được độc lập đến nay áp dụng để tranh thủ cử tri gốc Mã Lai. Cho dù vậy, trong những năm gần đây, số người không tán đồng chủ trương này ngày càng tăng, và ưu thế của đảng cầm quyền trong các cuộc bầu cử ngày càng bị xói mòn. Chiến thắng được đánh giá là xít xao nhất từ 56 năm nay của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử hôm qua đã thể hiện xu thế đó.
Arnaud Dubus, thông tín viên RFI đặc trách vùng Đông Nam Á, đã theo dõi hồ sơ này tại Malaysia. Theo anh, chính sách gọi là phân biệt đối xử tích cực này thực ra là một chủ trương ưu đãi người gốc Mã Lai.
Arnaud Dubus : Ở Malaysia, người dân được chia thành ba nhóm dân tộc chính : người Mã Lai chiếm 51% dân số, người gốc Hoa khoảng 24%, và người gốc Ấn Độ 7%. Từ khi Malaysia được Vương quốc Anh trao trả độc lập vào năm 1957, người Mã Lai đã vươn lên thành cộng đồng nắm giữ quyền lực chính trị, với đảng UMNO (Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất) trở thành đảng lãnh đạo đất nước. Sau đó UMNO đã liên kết với một đại biểu cho các lợi ích của người gốc Hoa và một đại diện của những người Ấn Độ để thành lập chính phủ liên hiệp.
Nhưng chính vào tháng 5 năm 1969 mà người mới thấy hình thành ra hệ thống phân biệt đối xử tích cực tại Malaysia. Trong cuộc bầu cử tháng 5 năm 1969, một đảng đối lập của cộng đồng người gốc Hoa đã thực hiện được một bước đột phá quan trọng trong cuộc bầu cử. Trong những ngày sau đó, người Mã Lai đã tấn công vào những người Hoa đi diễu hành trên các đường phố để ăn mừng chiến thắng. Đã có hơn một trăm người chết.
Chính sau các sự cố đó mà chính quyền Malaysia đã quyết định thành lập một chế độ gọi là phân biệt đối xử tích cực. Về bản chất, hệ thống này dành đặc quyền cho người Mã Lai trong các lãnh vực như theo học đại học hay vào làm công chức. Họ còn được tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn ngân hàng, mua nhà và mua đất. Kể từ đó, người Hoa và người gốc Ấn Độ đã có cảm tưởng là họ bị đối xử như các công dân hạng hai chỉ vì chủng tộc của họ.
RFI : Phải chăng đó là hệ thống mà lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim muốn xem xét lại ?
Arnaud Dubus : Vâng, quả đúng là như vậy. Cũng như rất nhiều người Malaysia khác, ông Anwar Ibrahim cho rằng chế độ phân biệt đối xử đó đã lỗi thời và không công bằng. Tuy nhiên, trong vòng 50 năm qua, đảng UMNO luôn luôn tuyên truyền rằng đó là mô hình cho phép bảo vệ người Mã Lai và nếu không có nó, vị trí của họ trong xã hội sẽ bị đe dọa. Lập luận đó khai thác tâm lý sợ hãi và có lẽ vẫn còn tác dụng nơi một thành phần người Mã Lai sống ở khu vực nông thôn. Ngược lại, ở các thành phố, đặc biệt là trong giới trẻ, quan điểm đó đã bị coi là hoàn toàn lạc hậu.
Anwar Ibrahim và phong trào liên minh dân tộc của ông, đề nghị một mô hình hoàn toàn khác. Đó là một hệ thống hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, không dựa trên các tiêu chí chủng tộc hay sắc tộc, nhưng trên các thành phần « giai cấp ». Đây là loại hệ thống đã được đặt ra từ rất lâu rồi ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhưng lại là một cuộc cách mạng nhỏ ở Malaysia, vốn bị sơ cứng trong một logic phân biệt chủng tộc.
Một trong những mục tiêu ban đầu của hệ thống phân biệt đối xử tích cực là nhằm tái cân bằng tình trạng cạnh tranh kinh tế xã hội và giữa người Mã Lai và người gốc Hoa tại Malaysia, theo chiều hướng có lợi cho người Mã Lai. Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ có một thiểu số doanh nhân người Mã Lai thân cận với đảng UMNO là thành phần được hưởng lợi. Ngoài ra, hệ thống đó đã tạo ra một tâm lý ỷ lại trong cộng đồng người Mã Lai.
RFI : Lãnh đạo đối lập Malaysia, Anwar Ibrahim, như thế đã trở thành tâm điểm của cuộc bầu cử lần này. Cụ thể thì chính khách 65 tuổi đó là một con người như thế nào, thưa anh ?
Arnaud Dubus : Anwar Ibrahim là sáng lập viên vào những năm 1970 của Hiệp hội các thanh niên Hồi giáo (ABIM), một tổ chức của những người hoạt động phát huy Hồi giáo rất triệt để. Thế nhưng sau đó ông đã trở nên ôn hoà hơn, và biến thành biểu tượng của một người Hồi giáo cởi mở, quốc tế và hiện đại. Vào năm 1980, Thủ tướng Mahathir Mohammad đã phát hiện ra những phẩm chất của đối thủ Anwar và đã « chiêu dụ » được ông vào đội ngũ của mình.
Trong gần 20 năm, Anwar đã nhanh chóng leo lên tới đỉnh cao của quyền lực tại Malaysia, và vào năm 1997, ông đã trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Tài chính. Tuy nhiên do xung đột với nhau trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, ông bị Thủ tướng Mahathir cách chức và cáo buộc vào tội có những hành vi tình dục lệch lạc vốn bị pháp luật ở Malaysia trừng trị. Anwar đã bị kết án sáu năm tù giam về những tội trạng đó, nhưng sau này, những lời buộc tội ông đã bị chứng minh là sai lạc.
Kể từ ngày được trả tự do, Anwar Ibrahim đã thống nhất được phong trào đối lập và đã trở thành thách thức ghê gớm nhất đối với đảng UMNO từ ngày thành lập đến nay. Ông là một người tinh tế và thông minh, rất gần với chính quyền Mỹ và thường có quan điểm thân phương Tây. Lập trường ôn hòa của ông về vấn đề Palestine và Israel đã bị giới lãnh đạo đảng UMNO chỉ trích gay gắt. Họ nói rằng đó là bằng chứng cho thấy ông là một « người Hồi giáo xấu ».

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130506-malaysia-chinh-sach-biet-dai-nguoi-ma-lai-gay-tranh-cai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten