maandag 6 mei 2013

Chiến lược phát triển hạt nhân và không gian của Trung Quốc

Chủ nhật 05 Tháng Năm 2013

Chiến lược phát triển hạt nhân và không gian của Trung Quốc

Ba phi hành gia Trung Quốc trước khi lên tàu Thần Châu, ngày 16/06/2012.
Ba phi hành gia Trung Quốc trước khi lên tàu Thần Châu, ngày 16/06/2012.
REUTERS

Lê Phước
Các nhà phân tích quân sự Mỹ không ngừng lo ngại về sự lớn mạnh của sức mạnh răn đe hạt nhân và các bước tiến vượt bậc của ngành khoa học vũ trụ của Trung Quốc. Nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 5 dành bài khá dài cho chủ đề này với hàng tựa : «Những tham vọng của Bắc Kinh làm xáo trộn bàn cờ hạt nhân và vũ trụ ».


Tờ báo nhận định, bằng cách phát triển song song hạt nhân và khoa học vũ trụ, quân đội Trung Quốc không ngừng nâng cao tầm ảnh hưởng và tính hiệu quả của mình, đến mức có thể làm đảo lộn cán cân hạt nhân thế giới.
Trước tiên tờ báo nhắc đến công trạng của ông Tiền Ngọc Sâm, người được xem là cha đẻ của ngành hạt nhân và vũ trụ của Trung Quốc. Có một chi tiết khá thú vị về nhân vật này, bởi vì hiện tại Mỹ đang quan ngại sự lớn mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực hạt nhân và vũ trụ, trong khi ông Tiền Ngọc Sâm trước đây từng làm việc trong lĩnh vực này cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Đến năm 1950, ông Tiền bị cáo buộc theo cộng sản trong làn sóng chống cộng sản ở Mỹ, và ông bị quản thúc tại gia. Sau đó, năm 1955, ông bị Mỹ trục xuất về Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Mao Trạch Đông không bỏ qua cơ hội vàng nên đã lập tức trọng dụng Tiền Ngọc Sâm.
Tài năng của Tiền Ngọc Sâm đến cỡ nào? Câu trả lời trước tiên có thể được tìm thấy thông qua lời nhận định sau đây của một quan chức Hải quân Hoa Kỳ khi ông Tiền bị trục xuất về Trung Quốc: Một mình Tiền Ngọc Sâm có thể tương đương từ 3 đến 5 sư đoàn.
Tài năng đó cũng được thể hiện trong việc ông Tiền là người kiến tạo ngành hạt nhân và vũ trụ của Trung Quốc, với việc Trung Quốc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964, phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong 2 (DF-2) vào năm 1966, phóng thành công vệ tinh đầu tiên tên là Đông Phương Hồng lên quỹ đạo vào năm 1970. Đến năm 2003, với sự kiện phóng tàu Thần Châu lên vũ trụ, Trung Quốc đã chính thức trở thành nước thứ ba phóng thành công tàu vũ trụ có người lái…
Mục tiêu vũ trụ sắp tới của Trung Quốc khá tham vọng. Le Monde Diplomatique cho biết, Trung Quốc đang xây dựng trạm không gian vũ trụ quốc tế « made in China » và sẽ khánh thành vào năm 2020. Nước này cũng đang phát triển một loại tên lửa phóng 130 tấn và đặt mục tiêu chinh phục Mặt Trăng vào năm 2025, phóng tàu có người lái lên sau Hỏa vào năm 2030. Các bước tiến vào vũ trụ của Trung Quốc gây quan ngại nhiều cho người Mỹ. Một học giả của Mỹ đã phải thốt lên : «Cuộc chiến sắp tới với Trung Quốc sẽ là cuộc chiến giành quyền kiểm soát không gian bên ngoài bầu khí quyển ».
Sức mạnh răn đe hạt nhân khổng lồ, nhưng bí mật
Trung Quốc hiện là nước duy nhất trong năm nước thường trực Hội đồng Bảo an có vũ khí hạt nhân (Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc) không công khai số lượng vũ khí hạt nhân mà mình sở hữu. Thế nhưng, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), thì vào năm 2009, Trung Quốc có tổng số 186 đầu đạn hạt nhân chiến lược, trong khi đó theo một tổ chức quốc tế khác thì con số này là 240. Thế nhưng, theo một nghiên cứu của trường đại học Georgestown vào năm 2011 thì Trung Quốc có tổng cộng đến 3.000 đầu đạn hạt nhân các loại. Số đầu đạt hạt nhân của Mỹ tổng cộng khoảng 5.000, trong đó 1.700 là đầu đạn chiến lược.
Nghiên cứu nói trên cũng tiết lộ rằng, Trung Quốc đang sở hữu trong lòng đất một đường hầm dài đến 5.000 km. « Bức Vạn Lý Tường thành ngầm » này có thể được dùng cho việc vận chuyển và tàng trữ vũ khí hạt nhân và các đơn vị đặc nhiệm. Báo chí Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ… cũng đã đề cập đến thông tin này.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng phát triển thêm các đầu đạn hạt nhân mới và nhỏ hơn để lắp đặt trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu thể rắn thế hệ mới như DF-31A với tầm bắn 11.000 km…Trong năm 2011, Trung Quốc phóng 19 vệ tinh lên quỹ đạo, trong đó có 18 vệ tinh phục vụ cho mục đích quốc phòng.
Tham vọng hạt nhân của Trung Quốc có nguy cơ làm đảo lộn thế cân bằng chiến lược giữa năm nước thường trực Hội đồng Bảo an có vũ khí hạt nhân. Nước Anh thì tuyên bố sẽ chỉ sở hữu 160 đầu đạn hạt nhân chiến lược. Đối với Pháp, từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, nước này đã giảm phân nửa số đầu đạn hạt nhân và chỉ trong vòng 20 năm đã giảm phân nửa ngân sách dành cho phát triển sức mạnh răn đe hạt nhân. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã tuyên bố từ đây đến năm 2010 sẽ giảm từ 1.700 đầu đạn hạt nhân chiến lược xuống còn dưới 1.000.
Trong bối cảnh đó, Le Monde Diplomatique lo ngại nguy cơ Mỹ và Trung Quốc sẽ lao vào chạy đua vũ trang như trường hợp Mỹ và Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh trước kia. Nguy cơ đó càng tăng lên khi nhìn vào thái độ chạy theo hạt nhân ở các nước láng giềng của Trung Quốc.
Chỉ có con đường ngoại giao cho hồ sơ Bắc Triều Tiên
Nhìn sang bán đảo Triều Tiên, Le Monde Diplomatique có bài nhận định mang tên : « Làm cách nào nói chuyện với Bình Nhưỡng ».
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un của chế độ Bình Nhưỡng đang tiếp tục theo đuổi chính sách của ông nội và cha mình, đó là phát triển Bắc Triều Tiên thành một nước « hùng mạnh và thịnh vượng », tức là có mục tiêu kép gắn sự phát triển kinh tế với việc tăng cường sức mạnh quân sự.
Chính sách cứng rắn của Bình Nhưỡng hiện tại nằm trong dòng lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc của Châu Á thế kỷ 20. Trước kia, Kim Nhật Thành đã lãnh đạo người Bắc Triều Tiên chiến đấu chống sự chiếm đóng của phát-xít Nhật, và chế độ Bình Nhưỡng đã được thành lập trên cơ sở đó. Nhà cầm quyền Bình Nhưỡng luôn bám vào đó để bảo vệ sự chính danh của chế độ và luôn đặt dân tộc trong trạng thái «chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc », làm cho người dân luôn có cảm giác rằng đất nước đang bị các thế lực thù địch bao vây.
Khi có trong tay vũ khí hạt nhân thì chính quyền Bình Nhưỡng sẽ cảm thấy an tâm tránh được đe dọa hạt nhân từ Mỹ, trong khi trong thực tế đã 5 lần Mỹ đe dọa hạt nhân nước này. Từ mấy chục năm nay, chính quyền Bình Nhưỡng luôn đề cao sự cần thiết phải hy sinh để làm cho đất nước hùng mạnh nhằm đảm bảo chủ quyền dân tộc. Thế là, việc bám víu vào hạt nhân của Bình Nhưỡng là một việc được lòng dân và đảm bảo sự sống còn của chế độ. Bởi thế, buộc nước này từ bỏ hạt nhân, theo Le Monde Diplomatique, rõ ràng là không thể.
Bàn về chính sách của các nước liên quan trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, tờ báo nhắc lại, trước kia, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đề cao giải pháp ngoại giao, và vào năm 2000, Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là bà Madeleine Albright đã đến công du Bình Nhưỡng. Khi ấy, một cuộc công du Bình Nhưỡng của Tổng thống Mỹ cũng được dự kiến. Thế rồi sau đó ông Georges Bush đắc cử vào Nhà Trắng, đã « quét sạch những thành quả » của người tiền nhiệm bằng các chính sách lên gân.
Người Bắc Triều Tiên luôn có cảm giác bị ngoại bang đe dọa, trong khi đó việc Tổng thống Bush xếp Bắc Triều Tiên vào cái gọi là « Trục Ma Quỷ » đã khiến cho cảm giác bị đe dọa càng tăng lên. Rồi đến lượt mình, Tổng thống Obama lại theo chích sách « chờ thời » với Bình Nhưỡng, trong khi đó Hàn Quốc dưới thời Lee Myung Bak lại ngoại giao với miền Bắc theo kiểu « treo giá ngọc ».
Trung Quốc thì không muốn Bắc Triều Tiên sụp đổ vì sợ kịch bản hai miền Triều Tiên thống nhất thì quân đội Mỹ có thể áp sát ranh giới Trung Quốc. Nếu chiến tranh nổ ra, theo Le Monde Diplomatique, chắc chắn Bắc Triều Tiên sẽ thua, nhưng trước khi thua thì với tiềm lực hạt nhân hiện có nước này cũng sẽ có thể gây tổn thất nặng nề cho miền Nam và cả Nhật Bản.
Trong bối cảnh đó, theo tờ báo, nên tìm một giải pháp khác cho hồ sơ Triều Tiên thay cho biện pháp chỉ dựa vào trừng phạt và tẩy chay như hiện giờ - một chính sách chỉ có thể đẩy Bắc Triều Tiên vào con đường tăng cường phương tiện phòng thủ.
Miến Điện : Ẩn số Aung San Suu Kyi ?
Tuần san Le Nouvel Observateur nhìn sang một điểm nóng khác tại Châu Á là Miến Điện với bài : “Ảm đạm Mùa xuân Miến Điện”.
Tờ báo dùng từ “Mùa xuân Miến Điện” ngụ ý chỉ tiến trình dân chủ tại đất nước này từ khi chế độ quân phiệt đổi thành dân sự vào năm 2011. Thế nhưng, con đường phía trước của Miến Điện còn lắm chông gai, và hiện tại đang nhức nhối với hồ sơ xung đột sắc tộc và tôn giáo. Người thiểu số theo Hồi giáo tại nước này đã và đang khổ sở bởi sự kỳ thị của người đa số theo Phật giáo.
Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, thì niềm hy vọng duy nhất của người Miến Điện là lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi lại giữ im lặng đến ngạc nhiên. Bà vẫn không lên tiếng khi bị chính những người trong hàng ngũ của mình chỉ trích là “đồng lõa và suy sụp tinh thần”. Một cộng sự của bà than phiền: “Tôi không muốn tin rằng bà ta đã thay đổi, rằng bà ta đã trở thành con rối của phe quân đội, nhưng thật sự tôi không còn hiểu nổi bà ta nữa”.
Vụ khủng bố Boston còn nhiều góc khuất
Hai tuần sau vụ đánh bom tại Boston, Hoa Kỳ, cơ quan điều tra Mỹ vẫn chưa thể làm sáng tỏ vụ việc. Le Nouvel Observateur bàn về hồ sơ này với dòng tựa khá bắt mắt: “Boston: Ẩn số anh em nhà Tsarnaev”.
Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2011, mật vụ Nga đã từng cảnh báo FBI và CIA về tiềm năng trở thành kẻ khủng bố của Tamerlan, tức người anh và là nhân vật chính trong số hai nghi phạm. Thế nhưng, hai cơ quan này của Mỹ đã không xem trọng lời cảnh báo. Rồi trong năm 2012, khi Tamerlan trở về Mỹ sau sáu tháng về quê thăm gia quyến ở Daguestan và Chechnya, nhà cầm quyền Mỹ cũng không quan tâm để ý gì.
Hiện tại, tất cả chờ vào câu trả lời của người em trai còn sống sót là Djokhar, thế nhưng mức độ thành thật của người này tới đâu còn chưa biết. Về phần mẹ của hai tên nghi phạm, hiện bà ta đang sống ở Nga và quả quyết rằng con trai bà vô tội. Tuy nhiên theo các nhà điều tra, bà ta là người ủng hộ Thánh Chiến. Một nhóm điều tra cũng đã được cử đến Daguestan để gặp gỡ bà con họ hàng của anh em nhà Tsarnaev.
Tờ báo cho biết, trước khi tiến hành khủng bố, Tamerlan đã gọi điện cho ai đó. Nhưng cho ai thì đến giờ vẫn chưa biết. Theo lời của nhiều thân nhân của Tamerlan, thì có thể cho một người tên Mischa, một người đã gặp Tamerlan vào năm 2009 ở Cambridge và đã biến Tamerlan thành tên khủng bố. Thế nhưng, khi được nhà báo đặt câu hỏi, thì người Armenia này phủ nhận mọi sự liên can.
Còn nữa, cách đây hai năm, tại Cambridge, ở một địa điểm gần nhà Tamerlan, người ta tìm thấy xác bị cắt cổ của ba thanh niên làm nghề bán ma túy. Một trong số đó là bạn của Tamerlan. Một điều đáng để ý là trong đám tang của họ lại không có Tamerlan tham dự.
Và còn nữa những điểm tối trong hồ sơ Boston gây khó khăn cho các nhà điều tra Mỹ và những lời chỉ trích đã vang lên như lời chỉ trích sau đây được Le Nouvel Observateur trích dẫn: “Một sự thất bại hoàn toàn của các cơ quan tình báo Mỹ”.
Kinh tế thế giới khó khăn, thị trường vũ khí vẫn luôn thịnh vượng
Khủng bố Boston và các vụ xả súng vào đám đông tại Mỹ đã làm cho cuộc tranh luận về quyền tự do sở hữu vũ khí cá nhân càng thêm sôi nổi. Trong không khí đó, Courrier International trích dẫn tờ nhật báo L’Unità tại Roma với dòng tựa đáng chú ý: «Thung lũng vũ khí không biết đến khủng hoảng ».
Súng ngắn và súng trường vốn được xem là một « đặc sản » của nước Ý. Tờ báo cho biết, ngành công nghiệp sản xuất các loại vũ khí này của Ý ước tính đạt doanh số mỗi năm đến 5,2 tỉ euro. Ngành này liên tục tăng trưởng với quy mô chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Trong khi phương Tây phải quằn mình trong khủng hoảng thì ngành công nghiệp này lại phát triển tốt đẹp. Theo số liệu chính thức của nhà cầm quyền Ý, trong năm 2012, ngành công nghiệp vũ khí hạng nhẹ của nước này sản xuất đến 840 000 đơn vị sản phẩm, tức tăng 11% so với năm 2011.
Tờ báo đặc biệt chú ý đến tỉnh Brescia thuộc vùng Lombardia miền bắc nước Ý, tập trung đến 90% các công ty sản xuất vũ khí hạng nhẹ của nước này. Trong khu vực này, tờ báo lại chú ý đến thung lũng Vall Trompia, nơi có một khu công nghiệp kéo dài đến 50 km và sản xuất 80% các loại vũ khí thuộc nhóm « vũ khí sử dụng cho các hoạt động thể thao, văn hóa, lịch sử và giải trí », tức các loại vũ khí không bị chi phối bởi nghị quyết quy định điều kiện xuất khẩu các loại vũ khí vừa được Liên Hiệp Quốc thông qua.
Thị trường của vũ khí hạng nhẹ của Ý rất rộng lớn. Theo L’Unità, vũ khí « Made in Brescia » được bán ra trên thị trường Mỹ đã tăng gấp đôi vào năm 2012. Doanh số bán ra tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng ba năm. Liban cũng là nơi vũ khí sản xuất ở Brescia bán rất chạy, vì đây là nước mà chính quyền Assad và ngay cả lực lượng nổi dậy tại Syria tìm mua vũ khí. Maroc cũng được xem là một trong những thị trường lớn. Libya và Ai Cập trước đây cũng là bạn hàng chính của vũ khí Ý, nhưng đang dần bị « tước ngôi » bởi Mehicô và Nga. Bélarus, Nam Phi và Turkménistan cũng là một thị trường tiềm năng của vũ khí made in Brescia.
Thụy Sĩ cũng là nhà sản xuất vũ khí lớn
Cũng bàn về vũ khí hạng nhẹ, tuần san L’Express nhìn về anh bạn láng giềng của Ý là Thụy Sĩ.
Tờ báo cho biết, ít ai có thể tin rằng, bên cạnh chocolat, thì vũ khí hạng nhẹ cũng là «một đặc sản » của Thụy Sĩ. Người dân nước này được quyền sở hữu vũ khí nóng. Hiện tại, Thụy Sĩ có khoảng 8 triệu dân, nhưng có đến 3,4 triệu vũ khí đang lưu hành trong dân. Với con số này, Thụy Sĩ được xem là nước thứ ba trên thế giới có người dân sở hữu vũ khí nhiều nhất, tức chỉ sau Mỹ và Yemen.
Tuy nhiên, thời gian qua, nước này cũng biết đến nhiều vụ cá nhân dùng vũ khí nóng thanh toán lẫn nhau, hoặc là bắn vào đám đông như ở Mỹ. Vì thế, vấn đề siết chặt kiểm soát đang nổi lại tại Thụy Sĩ.Tuy vậy, L’Express cho hay, đa phần người Thụy Sĩ chưa sẵn sàng từ bỏ vũ khí.
Có chăng một kiểu « ngoại giao mùi » ?
Liên quan đến Ai Cập, tuần san Courrier International trích dẫn tờ nhật báo L’Orient-Le Jour tại Liban với dòng tựa khá dí dỏm : « Tổng thống của chúng ta có mùi hôi ».
Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi không chỉ gặp rắc rối trong hồ sơ chính trị và kinh tế, mà còn đang là bia ngắm của một vấn đề hết sức tế nhị : Mùi hôi cơ thể. Sự việc bắt đầu từ một bloger 39 tuổi tại Ai Cập khi người này vô tình đọc được một thông tin trên tờ Al Diyar của Liban, theo đó các quan chức ngoại giao Đức đã đôi lần than phiền với một nhà ngoại giao Ai Cập về mùi hôi trên cơ thể của Tổng thống Morsi. Thế là cộng đồng Twitter tại Ai Cập bắt đầu nổi sóng với những lời chỉ trích gay gắt cũng như những lời bảo vệ tối đa dành cho Tổng thống Morsi.
Các con vật có đồng tính ?
Hồ sơ hôn nhân đồng tính dù được lưỡng viện Quốc hội thông qua, nhưng xã hội Pháp vẫn đang tranh luận sôi nổi. Tuần san L’Express đăng một lập luận đáng chú ý trong làn sóng tranh luận này với tựa đề : «Đồng tính vốn là tự nhiên ».
Đồng tính không chỉ tồn tại ở loài người mà cả ở các loài động vật. Tác giả đề cập đến một quyển sách theo đó có đến 450 loài động vật có hiện tượng đồng tính như các loài cá heo, voi biển, khỉ, hươu, nai, sư tử…Trên cơ sở đó, tác giả kết luận : đồng tính là một hiện tượng tự nhiên, nên hôn nhân không chỉ được hiểu đơn thuần là chuyện sinh sản duy trì nòi giống, mà « Hôn nhân là tình yêu của một cá thể này dành cho cá thể khác ».

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130505-chien-luoc-phat-trien-hat-nhan-va-khong-gian-cua-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten