VN: Ông Nguyễn Xuân Phúc thành tân Chủ tịch nước lịch sử
Sáng nay 5/4, Quốc hội bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước và ông Nguyễn Xuân Phúc được 100% số phiếu.
Theo kết quả được Quốc hội Việt Nam công bố, ông Nguyễn Xuân Phúc được 468/468 đại biểu tín nhiệm.
Trước đó, ngày 2/4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước.
Chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 có sự thay đổi về nhân sự khi giữa năm 2018, ông Trần Đại Quang qua đời. Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh được phân công giữ chức Quyền Chủ tịch nước từ 23/9 đến 23/10/2018.
Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.
Tại Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là hai "trường hợp đặc biệt" tái cử Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị.
Báo VNExpress trích lời phát biểu của Tân Chủ tịch nước rằng nhiệm kỳ vừa qua, "con tàu Việt Nam" đã vượt qua một hải trình dồn dập, đầy bão tố, từ bất ổn kinh tế thế giới đến đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ liên tiếp tác động rất nặng nề đến sự phát triển của đất nước.
"Những thành tựu chúng ta giành được không chỉ đo bằng con số GDP tạo ra, mà còn là những giá trị xã hội vô hình không thể tính hết, đó còn là tinh thần đoàn kết, thi đua yêu nước, lòng quả cảm nhân hậu và tình người, sự bền bỉ và ái quốc trong nhân dân", ông Phúc nói.
Cũng như ông Vương Đình Huệ trở thành Chủ tịch quốc hội, việc ông Nguyễn Xuân Phúc thành Chủ tịch nước không gây bất ngờ cho nhiều người dân Việt Nam. Tại Đại hội 13, các đại biểu dự Đại hội Đảng đã được thông báo rằng:
- Ông Vương Đình Huệ đề cử Chủ tịch Quốc hội
- Ông Nguyễn Xuân Phúc đề cử Chủ tịch nước
- Ông Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu tái cử Tổng Bí thư
- Ông Phạm Minh Chính đề cử Thủ tướng
Cũng trong sáng hôm nay, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trình danh sách đề cử để bầu Thủ tướng. Nhân sự được giới thiệu là Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Lần đầu tiên trong lịch sử
Ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước thứ 11 kể từ năm 1945, và là Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử được bầu giữ chức người đứng đầu Nhà nước.
Tuần trước, một số nhà quan sát sát thời sự Việt Nam đã bình luận với BBC về các thay đổi, điều chỉnh trong nhân sự lãnh đạo cấp cao của nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam nói với BBC:
"Có một giai đoạn chuyển tiếp... và cách làm của Việt Nam là sau khi đảng Cộng sản tổ chức Đại hội xong, xác định được 200 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng thì những Ủy viên này chắc chắn ở những cương vị lãnh đạo cao rồi.
"Để tránh khoảng trống quyền lực, người ta làm trước, lách luật ở chỗ này là vẫn bầu nhưng của khóa này, tức là người miễn nhiệm cũng ở khóa này, kể cả Chủ tịch Quốc hội, rồi Chủ tịch nước, rồi Thủ tướng.
"Tức là miễn nhiệm ở khóa này và Quốc hội này bầu lên để chuyển tiếp thôi, còn đến tháng Năm sẽ bầu lại tất cả những chức danh này. Tuy về mặt hình thức thôi, nhưng mà sẽ có một cuộc bầu nữa, sau khi Quốc hội Khóa 15 được bầu, khi đó sẽ làm lại những thủ tục này."
Đầu tháng 3, bình luận với BBC, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận xét:
"Tôi nghĩ nhiệm kỳ của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm được nhiều việc, đạt được những thành tựu rất xuất sắc và đáng trân trọng.
"Một là giữ được tăng trưởng kinh tế, thứ hai là đã có hội nhập và đã thực hiện được hội nhập với hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), rồi thực hiện hiệp định hợp tác toàn diện, tiến bộ của Thái Bình Dương và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và mới đây ký kết hiệp định RCEP, là hiệp định hợp tác toàn diện khu vực.
"Như thế, tất cả những biện pháp về hội nhập kinh tế, chính phủ Việt Nam đã thực hiện đúng các lịch trình. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có những biện pháp đẩy mạnh đầu tư công ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long."
Ông Nguyễn Xuân Phúc thăng tiến thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 67 tuổi, cử nhân Kinh tế, quê ở Quảng Nam. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội 3 khóa XI, XIII và XIV.
Từ năm 1997 đến 2006, ông làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam.
Tháng 3/2006, ông giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó làm Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tháng 8/2011, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng, 5 năm sau được Quốc hội bầu làm Thủ tướng.
Ông Nguyễn Xuân Phúc được biết đến là người thích đọc thơ, đưa các hình tượng ví von vào phát biểu.
VN: Ông Nguyễn Xuân Phúc thành tân Chủ tịch nước lịch sử - BBC News Tiếng Việt
Giáo sư Carl Thayer: ‘Tôi muốn Thủ tướng Phúc làm tiếp nhiệm kỳ hai’
Hội nghị 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này, khoảng 10 ngày trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến diễn ra từ ngày 15/1 cho tới 2/2/2021.
Đã và đang xuất hiện một số phỏng đoán các "kịch bản" đối với bốn vị trí quan trọng nhất, hay còn gọi là "Tứ Trụ".
Hai "kịch bản" được bàn luận nhiều nhất cho tới nay hướng tới khả năng ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng bí thư và ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng được xét diện "đặc biệt", sẽ hướng tới ghế Chủ tịch nước.
"Kịch bản thứ nhất" gồm hai vị trí kể trên với ghế Thủ tướng dự kiến thuộc về ông Vương Đình Huệ và vai trò Chủ tịch Quốc hội thuộc về ông Phạm Minh Chính.
"Kịch bản thứ hai" được đồn đoán là đảo lại vai trò của hai ông Huệ và Chính.
Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt qua email về những đồn đoán nhân sự cấp cao này.
BBC: Ông đánh giá gì về nhân sự các vị trí theo đồn đoán nói trên? Ai sẽ được bầu vào ghế nào, và vì sao?
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư theo một trong hai kịch bản thì điều đó có nghĩa là có một trong hai điều xảy ra. Hoặc là ông Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba đủ 5 năm hoặc tái đắc cử với ý tưởng rằng ông sẽ từ chức trước khi hết nhiệm kỳ (một tiền lệ do ông Đỗ Mười đặt ra - ông rời chức TBT giữa nhiệm kỳ hai năm 1997).
Việc ông Trọng tái đắc cử theo một trong hai kịch bản sẽ là dấu hiệu cho thấy ông đã không thành công trong việc chuẩn bị cho người kế nhiệm do có sự phản đối của các ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương.
Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước, điều này chỉ có thể được thực hiện theo trường hợp đặc biệt vì thành tích xuất sắc. Trong suốt năm ngoái, có tin đồn liên tục rằng ông Phúc có thể đã đặt mục tiêu trở thành lãnh đạo đảng. Vì ông chỉ đảm nhiệm một nhiệm kỳ thủ tướng và được số phiếu bầu tín nhiệm rất cao từ các đồng nghiệp cho công việc của chức vụ này nên điều đó kể như một sự thỏa hiệp.
Tôi hiểu rằng Ban chấp hành Trung ương đã thông qua hai "trường hợp đặc biệt" cho các ủy viên Bộ Chính trị trên 65 tuổi. Kịch bản mà tôi ưa thích là ông Phúc được tái bổ nhiệm làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai.
BBC: Ông đánh giá thế nào về ông Phạm Minh Chính và ông Vương Đình Huệ, và ông có thông tin gì đáng lưu ý không.
Ông Vương Đình Huệ, 63 tuổi, rõ ràng là người hội đủ tiêu chuẩn nhất trong số các ủy viên đương nhiệm của Bộ Chính trị dưới 65 tuổi để được bầu làm Thủ tướng. Ông giữ chức Phó Thủ tướng trong 5 năm qua. Ông được đào tạo về kinh tế và từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Hiện ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội mà một số nhà phân tích coi đó là cách để ông bồi đắp thêm kinh nghiệm cho mình. Nếu ông Phúc được bổ nhiệm làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai, theo "kịch bản hai" thì ông Huệ sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội.
Các nhà phân tích khác cho rằng nếu ông Phúc tái đắc cử chức Thủ tướng, ông Huệ có thể được bổ nhiệm làm Thường trực Ban Bí thư.
Ông Phạm Minh Chính đứng hàng thứ chín trong Bộ Chính trị, hai nấc trên ông Huệ, người đứng thứ mười một. Ông Chính có bề dày cả trong bộ máy đảng lẫn trong ngành an ninh. Ông là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong Bộ Công an về hậu cần, kỹ thuật, tình báo và là Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng. Kinh nghiệm này hẳn sẽ phù hợp với ông trong ghế chủ tịch nước thay vì ghế thủ tướng.
BBC: Cảm ơn Giáo sư.
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị trên 5 triệu thành viên và duy nhất lãnh đạo quốc gia trên 96 triệu dân (2019) được tổ chức 5 năm một lần.
Các nhà quan sát nước ngoài nói sự kiện này có tầm quan trọng quyết định cho hướng đi của Việt Nam nhiều năm tới, cụ thể là để lập tân chính phủ cho nhiệm kỳ 2021-26 và định hướng kinh tế 2021-2030.
Tuy thế, việc kiểm soát luồng thông tin về Đại hội Đảng 13 được Nhà nước Việt Nam chú ý đặc biệt.
Hôm 30/12/2020, Chính phủ nước này ban hành một danh mục được xếp hạng các "bí mật nhà nước", trong đó có các thông tin liên quan nhân sự và nội bộ của đảng, vào theo truyền thông nhà nước thì "phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật".
Giáo sư Carl Thayer: ‘Tôi muốn Thủ tướng Phúc làm tiếp nhiệm kỳ hai’ - BBC News Tiếng Việt
Geen opmerkingen:
Een reactie posten