dinsdag 6 april 2021

Trung Quốc – Iran liên kết để « mặc cả » với Mỹ

 

Trung Quốc – Iran liên kết để « mặc cả » với Mỹ

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) và đồng nhiệm Iran  Mohammad Javad Zarif nhân buổi ký kết thảo thuận hợp tác, ngày 27/03/2021 tại Teheran.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) và đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif nhân buổi ký kết thảo thuận hợp tác, ngày 27/03/2021 tại Teheran. © Majid Asgaripour/WANA News Agency via REUTERS

Iran và Trung Quốc ký kết « Thỏa thuận hợp tác chiến lược 25 năm » sau hơn 5 năm đàm phán. Sự kiện này diễn ra vào lúc Hoa Kỳ vừa có tổng thống mới. Chính quyền Washington đặt điều kiện để « làm sống lại » thỏa  thuận hạt nhân Iran và xem Bắc Kinh là « thách thức lớn nhất về mặt địa chính trị của Hoa Kỳ trong thế kỷ ».

Vậy Trung Quốc và Iran tính toán những gì ? Thông cáo của bộ Ngoại Giao Iran cho biết, tiếp đồng nhiệm Vương Nghị, ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đã có lời cảm ơn một người « Bạn » luôn sát cánh với Teheran trong những « ngày tháng gian khổ » và cảm ơn Trung Quốc luôn có « lập trường và hành động đáng quý vào thời điểm những biện pháp trừng phạt độc ác nhắm vào Iran ».

Tuy nhiên giới quan sát ghi nhận, ngoài những tuyên bố chung chung, Bắc Kinh và Teheran tránh đi sâu vào chi tiết nội dung « Thỏa thuận hợp tác chiến lược » trong giai đoạn 25 năm sắp tới đã được hai ngoại trưởng Vương Nghị và Mohammad Javad Zarif đặt bút ký hôm 27/03/2020.

Sáng kiến « Thỏa thuận hợp tác chiến lược 25 năm » mà tờ báo Teheran Times còn gọi là « Thỏa thuận hợp tác toàn diện trong giai đoạn 25 năm » đã được đàm phán từ năm 2016, chỉ nêu lên một cách mơ hồ rằng đôi bên cùng « hợp tác về công nghệ, công nghiệp, giao thông và năng lượng » như qua dòng Twitt của đại sứ Iran tại Bắc Kinh cho thấy. Trong khi đó, từ năm ngoái, báo tài chính Mỹ, Financial Times đã tham khảo tài liệu 18 trang liên quan đến thỏa thuận hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Iran, theo đó đôi bên dự trù hợp tác từ các lĩnh vực năng lượng đến công nghệ cao và cả về mặt quân sự với mục đích là đưa Iran thành một mắt xích quan trọng trong dự án của Trung Quốc mang tên Một Vành Đai Một Con Đường.

Từ một chục năm qua, Trung Quốc luôn là điểm tựa kinh tế và thương mại quan trọng của Iran, là « cái phao » của Teheran trong lúc mà nước Cộng Hòa Hồi Giáo này bị Washington trừng phạt. Bất chấp các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt chính quyền Trump đã ban hành, năm 2020 tổng trao đổi mậu dịch hai chiều vẫn đạt gần 20 tỷ đô la.

Về ngoại giao, trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc là một đồng minh quý giá của Iran mỗi lần phương Tây đệ trình một nghị quyết đòi trừng phạt Teheran. Lại cũng Bắc Kinh là một trong những tiếng nói bảo vệ hiệp định hạt nhân Vienna sau khi văn bản này gần như bị khai tử do Mỹ rút lui hồi năm 2018. Liên hệ chặt chẽ của trục Teheran-Bắc Kinh là điều dễ hiểu.

Nhưng Iran và Trung Quốc muốn gửi thông điệp nào đến Washington khi mà Nhà Trắng vừa đổi chủ ? Trước hết về phía Iran, thỏa thuận với Trung Quốc đem lại một nguồn tài trợ quý giá cho một quốc gia đang bị kiệt quệ sau nhiều năm bị quốc tế trừng phạt kinh tế. Financial Times tiết lộ Trung Quốc có thể đầu tư đến 400 tỷ đô la vào Iran trong 25 năm sắp tới. Còn theo quan điểm của giáo sư Frédéric Encel trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po Paris được báo Pháp Les Echos trích dẫn, hợp tác với Trung Quốc mang ý nghĩa chính trị lớn hơn là so với những lợi thế về mặt kinh tế. Trung Quốc có thể là một công cụ để Iran gián tiếp chứng minh với Hoa Kỳ là Teheran không hoàn toàn bị cô lập trên trường quốc tế để đến nỗi phải chấp nhận luật chơi của Hoa Kỳ với bất kỳ điều kiện nào.

Thế còn về phía Trung Quốc, Bắc Kinh muốn mặc cả những gì với chính quyền Biden ? Vẫn theo giáo sư Frédéric Encel, Iran là một mắt xích quan trọng trong chiến lược năng lượng của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị càng lúc càng bất an, đặc biệt là trong khu vực eo biển Ormuz. Nhưng không chỉ có thế. Vào lúc chính quyền Biden lôi kéo các đồng minh từ châu Âu đến châu Á để hình thành một mặt trận đối phó với Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng có những đồng minh như là Nga và Iran.

Rời hội nghị Alaska hôm 18 và 19/03/2021 với Mỹ, ngoại trưởng Vương Nghị đã tiếp đồng sự Nga rồi sau đó lên đường sang Trung Đông với những chặng dừng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ả Rập Xê Út. Theo phân tích của một nhà chính trị học độc lập tại Bắc Kinh, ông Hoa Bảo (Hua Po) được hãng tin AFP trích dẫn, để phá vỡ vòng kềm tỏa của Washington nhắm vào nhiều lĩnh vực từ chiến lược đến công nghệ hay thương mại, Trung Quốc tăng tốc chiến lược ngoại giao mà ở đó không thể thiếu Iran.

Nhưng không loại trừ khả năng, Trung Quốc không dễ thu phục được Iran đứng về phía mình. Nhìn từ phía Teheran, cũng không chắc nước Cộng Hòa Hồi Giáo này bỏ tất cả trứng vào một giỏ để chỉ trông chờ vào Bắc Kinh. Đó là chưa kể đến yếu tố công luận Iran cũng rất thận trọng với những ý đồ và tham vọng của Trung Quốc như điều đã được báo Financial Times của Mỹ lưu ý.

Trung Quốc – Iran liên kết để « mặc cả » với Mỹ (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten