Rặng núi Patagonia, nơi khởi nguồn của phong trào ‘‘1% vì Trái đất’’
Đăng ngày:
Khủng hoảng môi trường và khí hậu đặt nhân loại trước thách thức chưa từng có. Giới khoa học cảnh báo, nếu không đủ biện pháp mạnh, chậm ít năm nữa, nhân loại khó lòng đối phó với hậu quả của các khủng hoảng này. Trong lúc bộ phận chủ yếu của nền kinh tế toàn cầu vẫn loay hoay với các phương thức sản xuất dựa trên việc khai thác tài nguyên quá mức, từ hàng chục năm nay, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp kiên trì triết lý vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Phong trào doanh nghiệp « 1% vì Trái đất » là một ví dụ tiêu biểu. Tạp chí RFI tuần này xin giới thiệu phong trào doanh nghiệp quốc tế « 1% vì Trái đất » qua gương mặt của người sáng lập, tỉ phú Yvon Chouinard, đặc biệt nổi tiếng với các mặt hàng quần áo thể thao ngoài trời, với nhãn mác Patagonia.
Tên gọi « 1% vì Trái đất » có nghĩa gì ? « 1% for the Planet » có nghĩa là tự nguyện trích ra số tiền ít nhất 1% doanh thu, để đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường. Đây là nguyên tắc chủ yếu mà các doanh nghiệp khi tham gia phong trào tuân thủ. Tình nguyện « nộp thuế cho Trái đất », để bảo vệ môi trường, phục vụ cho việc kinh doanh bền vững là triết lý của người sáng lập phong trào, tỉ phú Yvon Chouinard.
Từ nhà leo núi đến ông chủ mác thể thao « Patagonia »
Tỉ phú Yvon Chouinard vốn là một người yêu môn thể thao leo núi. Ở tuổi xế chiều, nhìn lại cuộc đời mình, ông tâm sự : « Tôi có thói quen nằm ngủ trong các túi ngủ dã ngoại. Ít nhất là 250 ngày trong một năm. Tôi leo nhiều ngọn núi, ở tất cả các lục địa, trong đó có Nam Cực. Tôi đã du hành trên thế giới rất nhiều, đủ để hiểu được rằng Thiên nhiên đã bị hủy hoại như thế nào » (trích từ đoạn phim « Yvon Chouinard, de l'alpinisme à l'anti fast-fashion de Patagonia », giới thiệu về sự nghiệp kinh doanh vì môi trường của Yvon Chouinard, của mạng Loopsider).
Trong một cuốn hồi ký, ông giải thích rõ hơn về động cơ nào đã thúc đẩy ông chọn đi theo một con đường kinh doanh rất khác với đa số những người đương thời : « tôi là một doanh nhân từ gần 60 năm nay. Nhưng tôi cảm thấy khó mà phát âm được cụm từ này, cứ như thể khi sử dụng từ này để nói về mình, tôi phải chấp nhận mình là một người nghiện rượu hay là một luật sư. Tôi không bao giờ tôn trọng nghề nghiệp này cả. Các doanh nghiệp đa số đáng bị lên án do các ứng xử thù địch với thiên nhiên của họ, do việc họ phá hủy nền văn hóa của các cư dân bản địa, do việc họ đã lấy của người nghèo để đem cho người giàu, và do việc họ đầu độc Trái đất với nước thải từ các nhà máy của họ » (Lời nói đầu cuốn « Let my people go surfing. The Education of a Reluctant Businessman / Confessions d'un entrepreneur pas comme les autres », 2005 /2017).
Tất cả bắt đầu vào năm 1957, ở Burbank, một vùng ngoại ô buồn tẻ của thành phố Los Angeles, California, trong sân nhà của gia đình Chouinard. Yvon, cậu con trai 19 tuổi, say mê môn leo núi, đã học nghề rèn để chế tác các đinh khuy và vòng đai bảo hiểm leo núi. Đối với Yvon, các phương tiện được sử dụng vào thời điểm đó là không đủ chắc chắn, phương châm của cậu là « không gì tốt hơn là tự mình chế đồ cho mình ». Yvon có điều kiện để thực hiện giấc mơ này với sự hỗ trợ của cha cậu - một công nhân gốc vùng Québec, Canada, nói tiếng Pháp – đến California tìm vận may. Yvon Chouinard đã kiếm được chút tiền bằng việc bán các phương tiện leo núi mà cậu chế tạo. Dần dà chàng thanh niên Yvon đã dựng nên được doanh nghiệp của mình, mở một cửa hàng đầu tiên tại California vào năm 1965.
Hàng hóa vừa tốt bền, vừa thân thiện môi trường
Yvon Chouinard tiếp tục đam mê leo núi cùng với công việc sản xuất và kinh doanh đồ leo núi. Năm 1968, doanh nhân Yvon Chouinard có một trải nghiệm lớn, khi cùng bốn người bạn chinh phục đỉnh Fitz Roy, thuộc Patagonia, vùng núi nổi tiếng ở cực nam châu Mỹ Latinh. Đỉnh núi cao 3.405 mét, nằm ở biên giới giữa Achentina và Chilê, là một ngọn núi nổi tiếng khó leo, chỉ những vận động viên lành nghề mới dám mạo hiểm (toàn bộ chuyến du hành được nhóm tự quay. Phim « Mountain of Storms » (1972) được coi là một sự kiện trong giới thám hiểm vào thời điểm đó). Những năm tháng sống gần với núi non hoang sơ, kỳ vĩ đã làm nảy nở ở Yvon Chouinard sự gắn bó và tình yêu sâu nặng với thiên nhiên. Nhiều triết lý căn bản về cuộc đời, về nghề kinh doanh của Yvon Chouinard đã được khẳng định chính trong giai đoạn này. Chuyến chinh phục đỉnh Fitz Roy để lại dấu ấn mãi mãi trong sự nghiệp của ông.
Trong những năm 1970, công ty « Chouinard Equipment Ltd » của Yvon trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp đồ leo núi tại Mỹ. Năm 1972, công ty của Yvon Chouinard bắt đầu sản xuất thêm quần áo thể thao và các đồ dã ngoại. Năm 1973, doanh nghiệp mang tên Patagonia ra đời. Đỉnh Fitz Roy nằm trong dãy núi Patagonia trở thành logo của nhãn mác Patagonia.
Hàng hóa thể thao với hai phương châm, tốt và bền, đã mang lại uy tín cho doanh nghiệp trẻ. Dù sản xuất đồ leo núi hay quần áo, bảo đảm chất lượng và độ bền vẫn là tôn chỉ của công ty. Yvon Chouinard giải thích : « Khi chúng tôi bắt đầu sản xuất quần áo, tôi đã không muốn hạ thấp các đòi hỏi về chất lượng sản phẩm. Như vậy, chúng tôi đã sản xuất ra các mặt hàng quần áo với chất lượng tương tự như phương tiện leo núi » (phim Loopsider).
Hàng hóa tốt và bền, nhưng đồng thời ngày càng phải hướng đến sử dụng các vật liệu với tác hại cho môi trường ít nhất có thể, là lựa chọn của hãng Patagonia đầu những năm 1990. Năm 1992, công ty bắt đầu khởi động chương trình nghiên cứu tác động sinh thái của các sản phẩm hàng hóa. Giữa những năm 1990, doanh nghiệp quyết định từ bỏ chất liệu bông truyền thống (bị coi là quá tốn năng lượng và gây ô nhiễm quá nhiều), để chuyển sang sử dụng 100% « bông sinh thái » hoặc bông tái chế. Đây là điều mà nhiều người cho là quyết định rất mạo hiểm vào thời điểm đó.
Một « vật thể lạ » trong nền kinh tế tư bản
Không chỉ đích thân sản xuất ra các hàng hóa tốt bền, thân thiện với môi trường, ngay từ sớm hãng Patagonia đã quyết định trích một khoản tiền lớn trong doanh thu của hãng để đầu tư cho các hoạt động vì môi trường nói chung. Năm 1985, doanh nghiệp đã quyết định chi 10% số tiền lãi một năm, và sau đó 1% doanh thu một năm, cho các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ thiện. Các hoạt động vì môi trường được Patagonia hỗ trợ trải rộng ra trên rất nhiều lĩnh vực, từ xây dựng công viên bảo tồn trên đất liền và trên biển, đến khôi phục chất lượng của nước sông, bảo vệ các giống loài động thực vật có nguy cơ diệt vong, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Kể từ năm 1985, hãng Patagonia duy trì đều đặn khoản đóng góp tài chính nói trên cho các hoạt động vì môi trường. Giải thích về lý do của khoản đóng góp kỳ lạ này, công ty cho biết : « Đối với chúng tôi, đây hoàn toàn không phải là một hoạt động nhân đạo hay từ thiện, mà đơn giản chỉ là chúng tôi đảm nhận trách nhiệm đối với những tổn hại do các hoạt động của doanh nghiệp gây ra. Cứ coi như là chúng tôi nộp thuế cho Trái đất ».
Năm 2001, sau gần hai thập niên tình nguyện đóng thuế Trái đất, cùng Craig Mathews (nhà sáng lập công ty Blue Ribbon Flies), Yvon Chouinard lập ra câu lạc bộ « 1% vì Trái đất », để quy tụ các doanh nghiệp trên toàn thế giới theo đuổi cùng một tôn chỉ. Các doanh nghiệp sử dụng logo « 1% vì Trái đất » để khẳng định trước khách hàng, và công chúng, các cam kết vì môi trường, thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm tôn trọng môi trường. Tính cho đến nay, đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp, tại hàng chục quốc gia, tham gia vào phong trào « 1% vì Trái đất », do ông Chouinard khởi xướng.
Liên Hiệp Quốc vinh danh
Từ chỗ kiên trì phương châm sản xuất các mặt hàng bền chắc, thân thiện môi trường, đến mở rộng lối kinh doanh này ra toàn cầu, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp hỗ trợ các hoạt động xã hội dân sự vì môi trường. Triết lý hành động của công ty, mang nhãn mác dãy núi nổi tiếng vùng Nam Mỹ, đã lan tỏa khắp thế giới.
Năm 2019, Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) vinh danh Patagonia là « nhà vô địch của Trái đất » trong mục giải thưởng cho doanh nghiệp. Giải thưởng « Các nhà vô địch của Trái đất » của UNEP là giải thưởng hàng năm cao quý nhất của Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực môi trường.
Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc ghi nhận : « từ một doanh nghiệp nhỏ sản xuất đồ leo núi, Patagonia đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển bền vững. Quyết tâm của công ty trong việc bảo vệ các hệ sinh thái của hành tinh đã tác động đến toàn thể lĩnh vực, từ các sản phẩm được chế tạo, vật liệu được sử dụng, cho đến các khoản đóng góp vì môi trường. Gần 70% sản phẩm là sản xuất từ vật liệu tái chế… mục tiêu của hãng là 100% trước năm 2025 ». Giám đốc UNEP Inger Andersen khẳng định Patagonia « là một ví dụ hoàn hảo cho thấy khu vực kinh tế tư nhân có thể tham gia tích cực như thế nào vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đa dạng sinh thái bị hủy diệt và nhiều mối đe dọa khác đối với sức khỏe con người và hành tinh », và thành công của doanh nghiệp cho thấy « khát vọng của người tiêu thụ muốn các doanh nghiệp đóng vai trò hàng đầu » trong cuộc chiến vì môi trường.
Người tiêu thụ có trách nhiệm: Nhân tố quyết định thành công
Doanh nhân Yvon Chouinard hiểu rõ vai trò quyết định của người tiêu thụ đối với sứ mạng của doanh nghiệp. Patagonia có nhiều biện pháp để khuyến khích tinh thần tiêu thụ có trách nhiệm của khách hàng. Đối thủ của lối tiêu thụ có trách nhiệm là trào lưu khuyến khích mua sắm tràn lan, với biểu tượng là ngày « Thứ Sáu Đen » (Black Friday), được coi là thời điểm khởi đầu cho đợt mua sắm rầm rộ vào dịp Giáng Sinh. Đây là một truyền thống lâu năm tại Mỹ.
Để chống lại lối tiêu thụ nguy hiểm cho hành tinh này, ngày 25/11/2011, tức ngày Thứ Sáu Đen, Patagonia mua một trang quảng cáo trên báo New York Times. Quảng cáo không phải để bán hàng, mà để lưu ý công chúng thận trọng trước quyết định mua hàng. Thông điệp của hãng gửi đến người tiêu thụ là « Don't buy this jacket » (Đừng mua chiếc áo vét tông này). Triết lý của Patagonia là hoàn toàn rõ ràng : « Đừng mua những gì không cần thiết, hãy tái sử dụng các đồ dùng đến mức tối đa, sửa chữa khi có thể, và tái chế khi không thể ».
Theo nhiều nhà quan sát, cho dù chỉ đăng tải có một ngày, và trên một tờ báo duy nhất, thông điệp của Patagonia đã được công chúng rộng rãi đón nhận như một triết lý sống, triết lý tiêu thụ hoàn toàn đối lập với trào lưu mua sắm thường xuyên được giới kinh doanh khuyến khích. Đơn cử một ví dụ về hành động cụ thể của Patagonia thực hiện triết lý này : hàng năm, kể từ năm 2014, hãng tổ chức Worn Wear Tour, một chuyến đi vòng quanh nhiều điểm trượt tuyết tại châu Âu, để cung cấp dịch vụ miễn phí sửa chữa quần áo thể thao không phân biệt nhãn mác. Patagonia cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể về một số kỹ thuật căn bản, mà mỗi người có thể tự làm tại nhà (*).
Phong trào « 1% vì Trái đất » thu hút đông đảo doanh nghiệp tại Pháp. Hiện tại Pháp là quốc gia đứng thứ hai sau Hoa Kỳ về số lượng doanh nghiệp tham gia, với tổng số 850 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn 400 hiệp hội vì môi trường đồng hành với mạng lưới « 1% vì Trái đất - Pháp ». Nhờ hoạt động của mạng lưới các hiệp hội này mà không chỉ các hoạt động vì môi trường được trực tiếp thúc đẩy, mà luật pháp cũng được sửa đổi, để tạo điều kiện cho các hoạt động vì môi trường.
Ghi chú
(*) Một số thống kê cho thấy, chi riêng tại Pháp, có đến 60% người sở hữu các quần áo không dùng đến bao giờ. Theo một số khảo sát, ngành dệt may, chế tạo mốt là « ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ hai », sau dầu mỏ (theo bài « Les vêtements invendus ne pourront bientôt plus être détruits », trang mạng của chính phủ Pháp).
Rặng núi Patagonia, nơi khởi nguồn của phong trào ‘‘1% vì Trái đất’’ - Tạp chí xã hội (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten