vrijdag 9 april 2021

Covid-19 : Chiến dịch tiêm ngừa thất bại, Đức đàm phán mua vac-xin Nga [... hãng "BioNTech" đâu mà phải cầu cứu... "Gấu Nga" ? ] + Vì sao châu Âu « thờ ơ » với vac-xin Nga và Trung Quốc ?

 

Covid-19 : Chiến dịch tiêm ngừa thất bại, Đức đàm phán mua vac-xin Nga

Ngày càng có nhiều nước châu Âu tìm đến vac-xin Sputnik V của Nga. Ảnh minh họa: Một điểm tiêm chủng ngừa Covid-19 tại Serbia, ngày 21/03/2021.
Ngày càng có nhiều nước châu Âu tìm đến vac-xin Sputnik V của Nga. Ảnh minh họa: Một điểm tiêm chủng ngừa Covid-19 tại Serbia, ngày 21/03/2021. AP - Darko Vojinovic

Sự nghi kỵ đối với vac-xin AsstraZéneca ngày càng lớn và những khó khăn trong việc cung ứng vac-xin đang gây cản trở cho những chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 tại châu Âu. Trong bối cảnh này, hôm qua, 08/04/2021, nước Đức cho biết bắt đầu đàm phán đặt mua vac-xin Sputnik V của Nga, vốn dĩ cũng đang gây nhiều tranh cãi trong Liên Hiệp Châu Âu.

Qua mạng xã hội Twitter, Quỹ đầu tư Nga (RDIF), cơ quan tài trợ cho chương trình vac-xin, thông báo là các cuộc thương lượng với Berlin đã được khởi động « cho một hợp đồng mua gấp ».

Thông tin này cũng được bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn, xác nhận : « Tôi giải thích rõ là nhân danh nước Đức tại Hội Đồng Bộ Trưởng Y Tế của Liên Hiệp Châu Âu, chúng tôi sẽ thảo luận song phương với Nga, trước hết để biết được khi nào và số liều có thể được giao ». Vẫn theo lời bộ trưởng Y Tế Đức, Ủy Ban Châu Âu từ chối thương lượng hợp đồng mua này với danh nghĩa của 27 nước thành viên.

Ủy viên châu Âu Thierry Breton tỏ ra dè dặt về việc Liên Hiệp Châu Âu phải dựa vào vac-xin của Nga và Trung Quốc, cho rằng « những loại vac-xin này chưa hẳn sẽ giúp Liên Âu đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng từ đây đến hè năm 2021. »

Theo AFP, sáng kiến này của Đức đã bị phía Kiev chỉ trích mạnh mẽ. Ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kuleba, cho rằng Matxcơva sử dụng « vac-xin như là một công cụ để mở rộng ảnh hưởng ».

Pháp : Pfizer, Moderna cho mũi tiêm thứ hai thay vì AstraZeneca

Trong khi đó, vac-xin ngừa Covid AstraZeneca, tiếp tục gây lo ngại tại nhiều nước. Thứ Năm, 08/04/2021, có thêm nhiều nước như Philippines, Bồ Đào Nha và Hà Lan thông báo tạm ngưng sử dụng AstraZeneca cho những người dưới 60 tuổi, tại Úc là dưới 50 tuổi.

Về phần mình, chính phủ Pháp, thông qua Cơ Quan Y Tế Cao Cấp (HAS), ngày hôm nay, 09/04/2021, thông báo những người dưới 55 tuổi đã tiêm liều đầu tiên bằng vac-xin Astrazeneca, sẽ được tiêm liều thứ hai bằng vac-xin của Pfizer và Moderna. AFP cho biết biện pháp này có liên quan đến 533 ngàn người tại Pháp. Cơ quan Y tế công của Pháp hôm 19/3 thông báo tạm ngưng dùng AstraZeneca cho những người dưới 55 tuổi do những hiện tượng máu đông được phát hiện tại châu Âu.

Covid-19 : Chiến dịch tiêm ngừa thất bại, Đức đàm phán mua vac-xin Nga (rfi.fr)

Covid-19 : Vì sao châu Âu « thờ ơ » với vac-xin Nga và Trung Quốc ?

Chích thử nghiệm vac-xin chống Covid-19. Ảnh minh họa.
Chích thử nghiệm vac-xin chống Covid-19. Ảnh minh họa. © Henry Ford Health System/AFP/File

Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định đặt mua trước hơn một tỷ liều vac-xin ngừa Covid-19 từ 6 hãng dược. Thế nhưng, vì sao trong số này không có tên một loại vac-xin nào của Trung Quốc và Nga, cũng được cho là có hiệu quả đến hơn 90%?

Cuộc đua bào chế vac-xin chống Covid-19 đã bước vào giai đoạn nước rút. Các hãng dược lần lượt thông báo mức độ hiệu quả của các vac-xin : Pfizer và BioNTech là 95%, Moderna là 94,5%, Sputnik-V của Gamaleya ( Nga ) là 92% hay AstraZeneca là 70%...

Trước một loạt thông báo đó, các quốc gia cũng sẵn sàng tư thế cho cuộc đua tìm mua vac-xin. Trong cuộc cạnh tranh này, Liên Hiệp Châu Âu thông báo đặt mua trước 1,4 tỷ liều vac-xin từ sáu hãng dược trong số 15 hãng đang trong giai đoạn ba của cuộc thử nghiệm : AstraZeneca (Anh), Johnson & Johnson (Mỹ), Pfizer và BioNTech (hợp tác Mỹ - Đức), Moderna (Mỹ), Curvax (Đức) và Sanofi (Pháp). Tất cả đều là những hãng dược của Mỹ và châu Âu, không một tên tuổi nào đến từ Nga và Trung Quốc.

Vì sao như vậy ? Phải chăng ẩn sau đó còn có « yếu tố chính trị » ? Một câu hỏi mà nhiều nhà virus học tại Pháp cũng như ở châu Âu tỏ ra dè dặt, tránh né trả lời. Tuy nhiên, theo giải thích của Ủy Ban Châu ÂuTrung Quốc không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn đề ra : Phải có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ châu Âu.

Ông Stephan De Keersmaecker, phát ngôn viên về Y tế công cộng, An toàn thực phẩm và Giao thông của Ủy Ban Châu Âu nhắc lại bài học khẩu trang là một ví dụ điển hình. Khi dịch bệnh bùng phát, châu Âu đã ngỡ ngàng phát hiện những vấn đề về cung ứng và cất trữ khẩu trang. Theo ông, « nếu có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ châu Âu, thì việc phân phối sẽ được tiến hành nhanh hơn ».

Hơn nữa, bào chế vac-xin chưa bao giờ là một thế mạnh của Trung Quốc, dù rằng có rất nhiều loại thuốc dành cho châu Âu được sản xuất từ nước này. Và nhất là theo nhiều nhà khoa học được tờ Marianne trích dẫn, việc chọn phương pháp vac-xin bất hoạt (nuôi cấy virus), mà châu Âu thường hay sử dụng để bào chế vac-xin chống cúm mùa, rất có thể « sẽ kém hiệu quả do quy trình chủng ngừa là khắt khe, không chỉ trên phương diện hậu cần mà cả về mặt an toàn ».

Còn về phía Nga thì sao ? Sputnik-V do hãng dược Gamaleya của Nga bào chế sẽ có đợt giao hàng đầu tiên ngay từ tháng Giêng năm 2021 cho các nước Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc. Vac-xin của Nga còn điểm thuận tiện là có thể được sản xuất tại 4 nước khác và cất trữ ở nhiệt độ +2 và +8°C. Cùng với các đối tác, Nga có thể cung cấp cho thế giới trong giai đoạn đầu đến 500 triệu liều.

Thế nhưng, theo Le Monde, mặc dù đã có những tuyên bố trấn an của lãnh đạo hãng dược Nga, châu Âu vẫn tỏ ra hoài nghi. Các bước bào chế không minh bạch, quy trình thử nghiệm không rõ ràng, kể cả trong khâu tuyển người tình nguyện, nhập nhằng tiêm ngừa cho những người có rủi ro với thử nghiệm giai đoạn ba…, đó là những gì mà giới nghiên cứu châu Âu phê phán về vac-xin Sputnik-V của Nga.

Và nhất là, cũng giống như Trung Quốc, việc Nga chọn nuôi cấy virus Ad5 (Adeno 5) để gia tăng khả năng miễn dịch khiến nhiều nhà quan sát lo ngại. Phương pháp này đã từng gặp thất bại trong việc nghiên cứu vac-xin ngừa SIDA năm 2007 : Thay vì ngăn chận HIV, vac-xin được bào chế từ Ad5 còn tạo thuận lợi cho virus xâm nhập cơ thể.

Ông John Moore, nhà nghiên cứu thuộc Weill Cornell Medical College, trên tờ tạp chí Science tỏ thái độ chừng mực hơn, khi cho rằng « tất cả những điều đó cho thấy có một sự hấp tấp thái quá, nhưng điều đó không có nghĩa là vac-xin sẽ không có hiệu quả ».

Nhưng có một điều chắc chắn là Trung Quốc, « đối thủ có hệ thống » của Liên Hiệp Châu Âu, đã tiêm ngừa cho một triệu người dân, và sẽ bán hàng trăm triệu liều khác cho các nước như Maroc, Algeri hay Brazil, trong khi châu Âu vẫn đang loay hoay tìm cách thoát khỏi những làn sóng dịch bệnh gây ra nhiều thiệt hại nhân mạng và tàn phá nền kinh tế khu vực. Trong khi đó, Nga thông báo đã tiêm ngừa cho hơn 400 ngàn binh sĩ, và ca tụng Sputnik-V sẽ « dễ dàng sử dụng và đáng tin cậy như khẩu kalachnikov ».

Covid-19 : Vì sao châu Âu « thờ ơ » với vac-xin Nga và Trung Quốc ? (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten